Trẻ chậm nói có ảnh hưởng gì không, bạn nên làm gì để giúp trẻ?

Trẻ chậm nói có ảnh hưởng gì không có lẽ là nỗi băn khoăn của không ít bậc cha mẹ có con nhỏ. Vì hiện nay, chúng ta thấy không hiếm gặp những trường hợp trẻ nhỏ chậm nói. Và tình trạng này khiến cho phụ huynh rất lo lắng vì khả năng nó ảnh hưởng đến các kỹ năng của trẻ. Vậy một đứa trẻ chậm nói có ảnh hưởng gì về các mặt khác hay không, chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé. 

banner ads
Bé chậm nói
Trẻ chậm nói có ảnh hưởng gì không là nỗi băn khoăn của không ít bậc cha mẹ có con nhỏ. Nguồn ảnh: Fatherly 

1. Trẻ chậm nói có khả năng tự bắt kịp tốc độ phát triển bình thường không

Một đứa trẻ được xem là chậm nói khi ở độ tuổi dưới 30 tháng, có vốn từ ít ỏi so với độ tuổi của bé trong khi các kỹ năng khác vẫn phát triển bình thường. Chúng ta thường cho rằng những đứa trẻ này không cần sự giúp đỡ vì chúng sẽ dễ dàng bắt kịp tốc độ phát triển thông thường về mặt ngôn ngữ. Tuy nhiên trên thực tế, mọi thứ không phải lúc nào cũng diễn ra như vậy.

Theo số liệu thống kê, trẻ chậm nói có xu hướng thuộc hai nhóm sau:

  • Khoảng 20 – 30 % trẻ không tự khắc phục được tình trạng chậm nói của mình. Những đứa trẻ này gặp khó khăn liên tục và cần được can thiệp, giúp đỡ để đạt được kỹ năng ngôn ngữ và khả năng đọc, viết. Nhóm trẻ này cũng có thể được chẩn đoán bị rối loạn ngôn ngữ .
  • Khoảng 70 – 80 % trẻ chậm nói dường như bắt kịp các bạn đồng trang lứa khi trẻ đi học. Khi kiểm tra kỹ năng ngôn ngữ chung của những đứa trẻ này, chúng đạt được điểm ở mức trung bình. Điều này có thể khiến chúng ta không cần lo lắng nữa. Tuy nhiên, theo nhiều nghiên cứu, những đứa trẻ này vẫn gặp phải những khó khăn mà chúng ta không nên bỏ qua. 
Trẻ nói chuyện với mẹ
Phần lớn trẻ chậm nói có thể bắt kịp tốc độ phát triển bình thường về ngôn ngữ. Nguồn ảnh: Talking Parents 

2. Trẻ chậm nói có ảnh hưởng gì không

Khi bàn về trẻ chậm nói có ảnh hưởng gì không, chúng ta đang đề cập đến nhóm trẻ có khả năng bắt kịp bạn bè về kỹ năng này khi đi học. Dù được xem là “những bông hoa nở muộn” và có vẻ thực sự đuổi kịp các trẻ khác trong vấn đề ngôn ngữ, nhưng trẻ vẫn cho thấy những điểm yếu trong một số lĩnh vực. Đó là:

  • Một số kỹ năng về ngôn ngữ và đọc viết. Chúng bao gồm từ vựng, ngữ pháp, ngữ âm học (các quy tắc về âm thanh được sử dụng trong một ngôn ngữ), đọc, hiểu và kể chuyện, viết và nghe, hiểu. Những điểm yếu “tinh tế” này có thể tiếp tục đến tuổi thiếu niên của trẻ
  • Các kỹ năng khác liên quan đến ngôn ngữ. Đây là những kỹ năng có liên quan mật thiết đến ngôn ngữ, chẳng hạn như kỹ năng xã hội, hành vi và chức năng điều hành. Kỹ năng về chức năng điều hành bao gồm khả năng lập kế hoạch, tổ chức, tập trung và kiểm soát các hành vi bốc đồng
  • Cách bộ não xử lý lời nói. Các nhà nghiên cứu đã nghiên cứu những đứa trẻ từ 3 – 5 tuổi có tiền sử chậm nói và nhận thấy rằng chúng không xử lý lời nói mà chúng nghe được một cách dễ dàng như những trẻ bình thường khác. Điều này có nghĩa là trẻ có kỹ năng xử lý lời nói chưa được hoàn thiện, dẫn đến cản trở sự phát triển ngôn ngữ và khả năng đọc viết của trẻ. Những đứa trẻ chậm nói dường như đã tự vượt qua được tình trạng chậm nói của mình có khả năng gặp bất lợi khi phát triển các kỹ năng ngôn ngữ và đọc viết sau này

Mặc dù những khác biệt này ở trẻ chậm nói (đã tự vượt qua được tình trạng này) so với các trẻ bình thường khác có vẻ nhỏ, nhưng chúng vẫn phần nào ảnh hưởng đến sự phát triển các kỹ năng ngôn ngữ đọc và viết sau này của con. 

Trẻ đang ngồi nói chuyện cùng nhau
Dù có thể bắt kịp bạn bè, nhưng trẻ chậm nói vẫn có khả năng bị ảnh hưởng đối với một số kỹ năng khi lớn lên. Nguồn ảnh: Talking Parents 

3. Chúng ta có thể làm gì để giúp đỡ trẻ

Chúng ta có thể nhận thức được phần nào về vấn đề trẻ chậm nói có ảnh hưởng gì không, vậy ta giúp đỡ các con như thế nào?

banner ads

Việc giúp đỡ trẻ chậm nói sẽ đạt hiệu quả cao nhất khi chúng ta nhận biết và can thiệp, hỗ trợ trẻ sớm. Bạn có thể áp dụng những phương pháp sau để giúp trẻ:

  • Tập trung vào vấn đề giao tiếp với trẻ. Bạn hãy thường xuyên trò chuyện với trẻ, hát và khuyến khích trẻ bắt chước âm thanh, cử chỉ của bạn.
  • Đọc cho trẻ nghe. Bạn hãy bắt đầu đọc cho trẻ nghe từ khi con còn nhỏ. Bạn nên chọn các loại sách bìa mềm, sách phù hợp với độ tuổi của trẻ. Sách tranh cũng là lựa chọn tuyệt vời để khuyến khích trẻ theo dõi khi bạn đọc tên các hình ảnh cho trẻ nghe.
  • Sử dụng các tình huống hàng ngày. Để xây dựng khả năng nói và ngôn ngữ của trẻ, bạn hãy nói theo cách của bạn mọi lúc có thể trong ngày. Bạn gọi tên các loại thực phẩm ở cửa hàng, siêu thị, giải thích cho trẻ nghe những gì bạn đang làm khi nấu ăn, dọn dẹp phòng hay chỉ tên các đồ vật xung quanh nhà. Bạn hãy nói cho trẻ nghe một cách đơn giản, nhưng không phải theo cách nói trẻ con.

Ngoài ra, bạn có thể đưa trẻ đến gặp bác sĩ, chuyên gia để được đánh giá và hướng dẫn các phương pháp chuyên môn hiệu quả hơn. Các bác sĩ cũng có thể giới thiệu cho bạn những chuyên gia trị liệu để giúp đỡ trẻ một cách tốt nhất. Một số chương trình của các tổ chức uy tín cũng có khả năng giúp trẻ chậm nói bắt đầu nói cũng như sử dụng nhiều từ và cụm từ hơn. Bạn cũng có thể tìm hiểu chúng và áp dụng tại nhà đối với trẻ. 

Mẹ đưa trẻ đến gặp bác sỹ
Bạn hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ hoặc chuyên gia nếu lo lắng về sự phát triển của con. Nguồn ảnh: Understood.org

Trẻ chậm nói có ảnh hưởng gì không là vấn đề bạn không nên chủ quan xem thường. Dù ít hay nhiều, tình trạng này vẫn tác động đến khả năng học tập, giao tiếp của trẻ sau này. Việc nhận biết và can thiệp, điều trị sớm là cách tốt nhất để giúp đỡ trẻ. Vì vậy, bạn nên theo dõi các mốc phát triển của trẻ để nhận thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào về ngôn ngữ. Đồng thời, bạn hãy hỏi ý kiến các bác sĩ, chuyên gia khi có bất kỳ lo lắng nào về kỹ năng quan trọng này của con. Họ sẽ đưa ra những đánh giá và sự tư vấn chính xác nhất để bạn đưa ra quyết định can thiệp, hỗ trợ trẻ sớm và hiệu quả hơn.

Theo Hanen

Lily Nguyễn lược dịch

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI