1. Sự khác nhau giữa chậm nói đơn thuần và chậm phát triển ngôn ngữ
Dù chậm nói và chậm phát triển ngôn ngữ có vẻ luôn đi kèm cùng nhau, nhưng chúng ta có thể phân biệt sự khác nhau dựa vào một số điểm:
- Về tình trạng chậm nói : Lời nói là hoạt động vật lý tạo ra âm thanh và phát âm các từ. Trẻ chậm nói có thể cố gắng nhưng gặp khó khăn trong việc hình thành âm thanh chính xác để tạo ra từ. Chậm nói không liên quan đến khả năng hiểu hoặc giao tiếp phi ngôn ngữ.
- Chậm phát triển ngôn ngữ : Chậm phát triển ngôn ngữ liên quan đến việc hiểu và giao tiếp cả bằng lời và không bằng lời nói. Trẻ chậm phát triển ngôn ngữ có thể phát âm chính xác và phát âm một số từ. Nhưng chúng không thể tạo thành các cụm từ hoặc câu có nghĩa. Trẻ cũng có thể gặp khó khăn trong việc hiểu người khác.
Trẻ có thể bị chậm nói đơn thuần hay chậm phát triển ngôn ngữ. Nhưng hai tình trạng này đôi khi cũng cùng xuất hiện.
2. Dấu hiệu trẻ chậm nói đơn thuần
Kĩ năng nói và ngôn ngữ bắt đầu từ tiếng ê a khi trẻ còn ở độ tuổi sơ sinh. Sau vài tháng, những tiếng ê a vô nghĩa bắt đầu phát triển thành những từ có nghĩa.
Trẻ chậm nói là khi con không đạt được các mốc phát triển ngôn ngữ thông thường. Tuy nhiên, mỗi trẻ sẽ phát triển với tốc độ khác nhau. Việc trẻ chậm nói một chút không có nghĩa là có vấn đề gì bất thường. Trừ khi theo thời gian, trẻ xuất hiện thêm các biểu hiện khác liên quan đến phát triển ngôn ngữ.
Thông thường, một đứa trẻ 3 tuổi có thể đạt được mốc phát triển sau về ngôn ngữ:
- Sử dụng khoảng 1.000 từ.
- Xưng được tên mình và gọi được tên người khác.
- Dùng danh từ, tính từ và động từ trong câu có 3 – 4 từ trở lên.
- Dùng từ chỉ số nhiều.
- Hỏi các câu hỏi.
- Kể chuyện, ngân nga một giai điệu, hát một bài hát.
Cha mẹ, người chăm sóc hoặc những người gần gũi trẻ có thể hiểu trẻ tốt nhất. Khoảng 50 – 90 % trẻ 3 tuổi có khả năng diễn đạt để người lạ hiểu.
Vậy dấu hiệu trẻ chậm nói đơn thuần gồm những biểu hiện nào?
Nếu một em bé không ê a hoặc tạo ra âm thanh khi được 2 tháng tuổi, đó có thể là dấu hiệu sớm của tình trạng chậm nói. Khi được 18 tháng tuổi, hầu hết trẻ đều có thể nói dada hoặc mama. Dấu hiệu trẻ chậm nói đơn thuần ở độ tuổi lớn hơn gồm:
- Ở độ tuổi lên 2 : trẻ không sử dụng ít được ít nhất 25 từ.
- Ở độ tuổi 2.5 : trẻ không sử dụng được cụm hai từ, hoặc danh – động từ kết hợp.
- Ở độ tuổi lên 3 : trẻ không sử dụng được ít nhất 200 từ, không đòi đồ vật bằng cách gọi tên chúng, và rất khó để hiểu trẻ nói gì dù bạn rất gần gũi trẻ.
- Ở bất kì độ tuổi nào : trẻ không nói lại được những từ đã được dạy.
3. Nguyên nhân gây ra chậm nói đơn thuần ở trẻ
Việc chậm nói đơn thuần ở trẻ có thể là có nghĩa là tốc độ phát triển của trẻ khác biệt một chút, so với các trẻ cùng tuổi khác. Và trẻ có khả năng bắt kịp theo “lịch” riêng của mình.
Tuy nhiên, sự chậm trễ này cũng có thể nói lên điều gì đó về sự phát triển toàn diện về mặt thể chất cũng như trí tuệ. Tiêu biểu là những nguyên nhân sau:
3.1. Biểu hiện của các vấn đề về cấu tạo bộ phận phát âm của trẻ
Dấu hiệu trẻ chậm nói đơn thuần có thể là biểu hiện của một vấn đề nào đó về cấu tạo miệng, lưỡi hoặc vòm họng của trẻ.
Một vấn đề phổ biến là trẻ bị chứng cứng lưỡi, khi thắng lưỡi – bộ phận nối lưỡi với sàn miệng – bị dính, cứng khiến trẻ khó phát âm, thậm chí khó bú mẹ.
3.2. Dấu hiệu trẻ chậm nói đơn thuần có thể là biểu hiện của sự khiếm khuyết về thính giác
Khả năng nói không chỉ liên quan đến bộ phận phát âm, nó còn có quan hệ mật thiết với khả năng nghe của trẻ. Dấu hiệu trẻ chậm nói đơn thuần có thể là biểu hiện của sự khiếm khuyết về thính giác.
Một đứa trẻ không thể nghe rõ hoặc nghe được âm thanh một cách méo mó, có thể gặp khó khăn trong việc hình thành từ.
Một dấu hiệu của việc mất thính giác là trẻ không nhận ra người hoặc vật khi bạn gọi tên nhưng lại biết được khi bạn dùng cử chỉ.
Tuy nhiên, các dấu hiệu mất thính giác rất tinh vi. Đôi khi chậm nói hoặc chậm phát triển ngôn ngữ có thể là dấu hiệu duy nhất đáng chú ý.
3.3. Do thiếu sự tương tác từ môi trường xung quanh
Chúng ta học cách nói để tham gia vào một cuộc trò chuyện. Thật khó để bắt kịp một cuộc nói chuyện nếu không có ai tương tác với bạn.
Môi trường đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển khả năng nói và ngôn ngữ. Sự lạm dụng, bỏ bê, thiếu tương tác, thiếu sự kích thích bằng lời nói có thể khiến trẻ không đạt được các mốc phát triển ngôn ngữ .
4. Bạn nên lưu ý dấu hiệu trẻ chậm nói đơn thuần so với trẻ chậm nói
Vì có thể trẻ chậm nói là do ảnh hưởng bởi các tình trạng nghiệm trọng khác. Cụ thể như:
4.1. Trẻ chậm nói do bị ảnh hưởng bởi các vấn đề thần kinh
Một số rối loạn thần kinh có thể ảnh hưởng đến các cơ cần thiết để nói, bao gồm các tình trạng:
- Bại não.
- Loạn dưỡng cơ bắp.
- Chấn thương sọ não.
Trong trường hợp bại não, mất thính giác hoặc các khuyết tật về phát triển khác cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng nói của trẻ.
4.2. Trẻ chậm nói do bị rối loạn phát triển ngôn ngữ
Trẻ chậm nói do bị chậm phát triển ngôn ngữ có thể phát âm từ nhưng không thể sắp xếp chúng thành cụm từ hay câu có nghĩa. Tình trạng chậm phát triển ngôn ngữ có thể do một số chứng rối loạn như hội chứng tự kỷ .
4.3. Trẻ chậm nói do bị thiểu năng trí tuệ
Khi bị thiểu năng trí tuệ, trẻ chậm nói là do vấn đề về nhận thức chứ không phải do không có khả năng hình thành từ.
Trẻ bị chậm nói liên quan đến các tình trạng trên cần các biện pháp can thiệp, điều trị y tế chuyên biệt. Mức độ chậm nói của trẻ lúc này có thể được cải thiện hay không phụ thuộc vào tình trạng cụ thể của trẻ.
5. Bạn có thể làm gì khi nhận thấy dấu hiệu trẻ chậm nói đơn thuần
Khi nhận thấy các dấu hiệu trẻ chậm nói đơn thuần, bạn có thể sử dụng các cách sau để khuyến khích trẻ tập nói:
- Nói chuyện trực tiếp với trẻ, dù chỉ là thuật lại những gì bạn đang làm.
- Sử dụng cử chỉ và chỉ vào các đồ vật khi bạn nói các từ tương ứng. Bạn có thể làm tương tự với các bộ phận trên cơ thể, người, đồ chơi, màu sắc hoặc những thứ bạn nhìn thấy khi đi dạo quanh nhà.
- Đọc sách cho trẻ nghe. Bạn hãy chỉ vào các bức tranh/ hình khi đọc.
- Hát những bài hát đơn giản và dễ lặp lại.
- Hãy hoàn toàn tập trung khi bạn nói chuyện với trẻ và kiên nhẫn khi trẻ cố gắng trò chuyện với bạn.
- Khi có người hỏi trẻ điều gì đó, bạn đừng trả lời thay trẻ.
- Dù bạn có đoán trước được điều trẻ muốn, hãy để trẻ tự nói ra.
- Hãy lặp lại cách phát âm đúng hơn là chỉ trích lỗi sai của trẻ.
- Hãy để trẻ tương tác với các trẻ có khả năng ngôn ngữ tốt hơn.
- Hỏi trẻ câu hỏi, đưa ra lựa chọn và cho trẻ nhiều thời gian để trả lời.
Sẽ thật tuyệt vời nếu sự chậm nói của trẻ thực sự chỉ đơn thuần do tốc độ phát triển của trẻ khác với các trẻ khác. Vì trẻ sẽ sớm đạt được các mốc phát triển ngôn ngữ theo lịch trình riêng của mình. Tuy nhiên đôi khi chậm nói lại là dấu hiệu của một tình trạng khác nghiêm trọng hơn như vấn đề về thính giác hay các rối loạn phát triển . Lúc này việc can thiệp sớm để giúp trẻ khắc phục là rất quan trọng.
Bạn hãy duy trì việc nói chuyện, đọc và hát để khuyến khích trẻ phát triển khả năng nói. Trong khi đó, bạn vẫn nên theo dõi các biểu hiện khác, và đưa trẻ đến gặp bác sĩ sớm nếu thấy lo lắng.
Dấu hiệu trẻ chậm nói đơn thuần không phải lúc nào cũng dễ dàng nhận biết được đối với các bậc cha mẹ. Bên cạnh đó, mỗi trẻ có tốc độ phát triển riêng và có thể không hoàn toàn giống với các bạn đồng trang lứa. Vì vậy bạn không nên quá lo lắng cũng đừng quá chủ quan. Hãy theo dõi chặt chẽ các mốc phát triển của trẻ qua các giai đoạn. Có như vậy, bạn mới sớm nhận ra các vấn đề khác để có thể hỗ trợ trẻ sớm nhất.
Theo Healthline
Lily Nguyễn lược dịch