1. Sự phát triển của bé 9 tháng tuổi
Trước khi tìm hiểu về việc bé 9 tháng tuổi nên ăn gì để phát triển toàn diện, điều cần thiết mẹ phải nắm rõ, sự phát triển của bé nhà bạn ở 9 tháng tuổi là như thế nào. Đa phần ở độ tuổi này, nhiều em bé của chúng ta đã có thể tự vịn vào ghế hoặc thành giường để đứng dậy. Đây là giai đoạn con yêu bắt đầu tập đi những bước đi đầu tiên. Đôi chân của bé cưng bây giờ khi đứng dậy trông khá thẳng, tương đối vững chắc cho việc tập đi.
Vì sự hiếu động của bé ở thời điểm 9 tháng đã tăng lên nhiều, do đó năng lượng của bé cũng tiêu hao nhiều, thêm vào đó bé cũng lớn lên trông thấy mỗi ngày, nên nhu cầu dinh dưỡng của bé cũng tăng theo tỷ lệ thuận. Đây cũng là lý do, ngoài sữa mẹ là thức ăn chính, bé cần phải ăn dặm bổ sung nhiều hơn cả về lượng và chất.
Bên cạnh đó, ở giai đoạn 9 tháng tuổi, con yêu của các mẹ đã tới quá trình mọc răng, thế nên mẹ phải chú ý đến bé nhiều hơn. Bé có thể đã mọc 2 chiếc răng cửa dưới, 1 chiếc răng cửa và 1 chiếc răng bên hàm trên. Lúc này dinh dưỡng, thực đơn phù hợp là điều cần thiết mẹ phải chú ý, mẹ cũng cần kiên nhẫn hơn, bởi con có thể mất cảm giác ngon miệng vì đau, sưng và khó chịu bởi các đứt gãy của nướu, dẫn đến tình trạng đôi lúc biếng ăn, thậm chí từ chối ăn và bỏ ăn.
2. Bé 9 tháng tuổi ăn gì?
Dù bé ăn dặm theo phương pháp nào thì ở giai đoạn 9 tháng tuổi, các mẹ cần phải bổ sung cháo dinh dưỡng, súp cùng các loại hải sản vào thực đơn cho con. Để cùng tìm hiểu rõ hơn bé 9 tháng tuổi ăn gì, mẹ hãy xem những gợi ý từ chuyên gia sau đây:
Con sẽ ăn 3 bữa chính và 3 bữa phụ như sau:
- 3 bữa ăn chính bao gồm cháo, bột hoặc cơm nhão với đầy đủ 4 nhóm thực phẩm, khoảng 60 - 90 gram thịt (tôm, cá… ), 60 - 90 gram gạo tẻ trắng, 15 gram dầu (mỡ), rau xanh, quả chín…
- 2-3 bữa phụ: Trái cây và chế phẩm từ sữa như yaourt, phomai, bánh quy…
- Sữa mẹ hoặc sữa công thức: Khoảng 500 đến 600 ml/ngày.
Thức ăn hàng ngày cho con yêu cần đảm bảo đầy đủ vitamin, chất đạm, chất béo và chất xơ. Bên cạnh đó, mẹ nên thay đổi cách chế biến, áp dụng thực đơn đa dạng cho trẻ để kích thích sự ngon miệng của trẻ.
3. Những điều cần lưu ý khi lên thực đơn dinh dưỡng cho bé
Để đảm bảo cho bé hấp thụ đầy đủ chất dinh dưỡng, các mẹ nên tiếp tục duy trì cho con bú sữa mẹ hoặc sữa công thức song song với những bữa ăn dặm, sao cho đảm một ngày khoảng 500 - 600 ml. Nếu em bé của mẹ lười uống sữa, mẹ có thể trộn sữa với trái cây hoặc trộn với cháo để con không bị mất đi nguồn dinh dưỡng này.
- Hạn chế nấu một nồi cháo rồi cho con ăn cả ngày hay qua ngày, hoặc lạm dụng việc trữ đông lạnh, như vậy vừa mất chất dinh dưỡng vừa khiến bé chán ăn.
- Không cho trẻ ăn vặt trước mỗi bữa ăn chính sẽ làm cho con ngang bụng, mất cảm giác ngon miệng và chán ăn.
- Cho con uống đủ nước cũng là điều rất quan trọng để tránh táo bón. Nước tính cho bé trong ngày sẽ bao gồm sữa, súp và các thức uống khác ngoài nước nấu chín để nguội.
- Tháng thứ 9, bé vẫn không thể dùng mật ong hay lòng trắng trứng gà bởi vì chúng đều có nguy cơ dị ứng cao, mẹ phải hết sức lưu ý nhé.
Hy vọng với những thông tin mà Yeutre.vn cung cấp, các mẹ đã tháo gỡ được thắc mắc bé 9 tháng tuổi ăn gì. Thêm vào đó, mẹ cũng có thể hình dung một chế độ dinh dưỡng cho trẻ 9 tháng tuổi nên bao gồm những gì, tránh những gì, cần phải điều chỉnh hay bổ sung ra sao trong các bữa ăn hàng ngày của con yêu, vì sự phát triển toàn diện của bé.
Tuyết Nguyễn tổng hợp