Khi đủ 1 tuổi, trẻ có thể kết thúc giai đoạn ăn dặm và chuyển sang ăn giai đoạn ăn cháo đặc, cơm nát và một số thức ăn thô phù hợp. Thậm chí ở giai đoạn này, có bé đã bắt đầu ăn cơm nát và cơm mềm mà bỏ hẳn cháo hay bột.
Chế độ dinh dưỡng của trẻ trong giai đoạn 1 tuổi cũng cần có nhiều thay đổi như việc con được bổ sung nhiều dinh dưỡng hơn để phù hợp với nhu cầu phát triển của mình.
Tuy nhiên, trước những thay đổi về dinh dưỡng, đi kèm một thực trạng là đa số đều trải qua một khoảng thời gian biếng ăn mà nhiều mẹ rất khó khăn trong việc giúp con cải thiện hoặc khắc phục. Thực chất, nếu mẹ bình tĩnh và kỹ lưỡng, chắc chắn sẽ có cách cải thiện mang lại hiệu quả mà không gặp mấy khó khăn, thậm chí dễ dàng nữa là đằng khác, nếu xác định đúng nguyên nhân con biếng ăn. Vậy các nguyên nhân dẫn đến việc trẻ 1 tuổi biếng ăn thường gặp nhất là gì, mời mẹ cùng tham khảo chi tiết ngay dưới đây nhé.
1. Nguyên nhân thường gặp nhất có thể làm bé 1 tuổi biếng ăn
1.1 Khẩu phần ăn thay đổi
Khi bước sang 1 tuổi, trẻ cần được hấp thu nhiều dưỡng chất mới nghĩa là nguồn thức ăn của trẻ cũng phải được đa dạng hơn. Ở giai đoạn ăn dặm trước đó, bên cạnh bú sữa mẹ, trẻ còn được bổ sung thêm sữa bột, cháo bột, nhưng khi sang 12 tháng tuổi, trẻ có thể ăn được cơm nhão, một số thức ăn thô phù hợp và trái cây. Khẩu phần ăn thay đổi từ giai đoạn cháo và thức ăn ít đa dạng, sang cơm nhão hay cơm và nhiều loại thực phẩm hơn chính là nguyên nhân hàng đầu, làm cho bé 1 tuổi biếng ăn. Việc ăn những món mới lạ mà con không được chuẩn bị chuyển đoạn trước, được giới thiệu trước, hay không thích ứng ngay được,...sẽ làm con sợ nên từ chối, hoặc cảm thấy khó khăn để quen với mùi vị mới.
1.2 Thức ăn và cách chế biến không đa dạng
Có vẻ trái ngược với nguyên nhân thay đổi khẩu phần ăn, là việc trẻ sợ mùi vị mà mình không quen, tuy nhiên, nếu nhìn nhận ở một góc độ rất đơn giản, chúng ta có thể thấy rõ rằng, nếu trẻ phải dùng đi dùng lại những món ăn không có chút nào mới lạ, chắc chắn cũng sinh ra nhàm chán, ngán và trở nên làm biếng ăn.
Khẩu vị của trẻ nhỏ cực kỳ tốt không như chúng ta nghĩ, nên con cũng thích được trải nghiệm những hương vị mới từ thức ăn một cách uyển chuyển và thích hợp. Sự không đa dạng của thức ăn trong thực đơn của trẻ là lý do gây biếng ăn ở trẻ phổ biến thứ 2, nhưng đôi khi các mẹ khá chủ quan và đánh giá chưa đúng thực trạng này.
Liên quan đến vấn đề chế biến thức ăn, trẻ 1 tuổi đã có nhu cầu khác hơn với khoảng thời gian ăn dặm trước đó. Lúc này, con có thể ăn cơm nát hoặc cơm mềm và thức ăn thô phù hợp. Khi mẹ vẫn tiếp tục cho con ăn cháo và bột như thời điểm ăn dặm lúc trước, chắc chắn sẽ không khiến con hứng thú với chuyện ăn uống.
1.3 Trẻ bị ép ăn nhiều
Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng trẻ 1 tuổi chỉ cần đảm bảo đủ một ngày 3 bữa chính (cháo đặc, cơm nhuyễn,...), 3 bữa sữa khoảng 550 - 600ml và thêm 2 bữa phụ là thức ăn nhẹ như các loại bánh hoặc trái cây. Tuy nhiên, lượng và bữa ăn cũng còn phụ thuộc vào khả năng tiếp nhận và nhu cầu của trẻ nữa.
Thực tế, có nhiều mẹ khá cứng nhắc trong việc sắp xếp thực đơn và lượng thức ăn cho trẻ. Hoặc, do mẹ mong muốn con mau ăn chóng lớn nên ép trẻ ăn vươt quá chỉ tiêu trong một ngày, cũng như vượt quá nhu cầu và khả năng tiếp nhận của con. Bị ép ăn quá nhiều sẽ dễ làm trẻ đầy bụng, nôn trớ về lâu dài còn làm trẻ có cảm giác ngán khi nhìn thấy thức ăn.
1.4 Bệnh lý phổ biến làm trẻ biếng ăn
Ngoài những nguyên nhân rất phổ biến như trên, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ biếng ăn cũng có khả năng xuất phát do bệnh lý.
Mọc răng là nguyên nhân bệnh lý phổ biến nhất thường làm trẻ biếng ăn. Bé thường cảm thấy khó chịu, đau nhức nướu và rất khó nhai nuốt nên không thể tránh khỏi tình trạng khóc thé hoặc né đi khi mẹ đút thức ăn.
Bên cạnh đó, viêm họng cũng là bệnh lý khá thường gặp ở trẻ khiến con biếng ăn. Tình trạng viêm sưng khiến con khó chịu và gặp khó khăn khi nuốt làm trẻ sợ ăn.
Ngoài ra, bé 1 tuổi biếng ăn cũng có thể do bệnh lý táo bón gây ra, khi trẻ bị táo bón , trẻ thường cảm thấy bị đầy hơi, chướng bụng không có cảm giác đói và rất khó để ăn thêm.
1.5 Không khí bữa ăn
Việc trẻ ăn ít hoặc nhiều đôi khi còn phụ thuộc vào không khí của chính bữa ăn đó. Bố mẹ to tiếng, cãi vã hay dọa nạt trẻ sẽ làm ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ, từ đó dẫn đến việc con sợ ăn và không thấy ngon miệng.
Trẻ con thường thích sự ồn ào vui vẻ hơn là sự yên tĩnh, vì vậy việc bắt trẻ ăn một mình cũng dễ dẫn đến cảm giác không ngon miệng và không có hứng thú để ăn nhiều.
Một điều khác liên quan đến không khí bữa ăn là việc con bị chi phối bởi việc vừa ăn vừa chơi. Thói quen dỗ dành trẻ để con ăn nhiều như cho con xem điện thoại, ipad, tivi hay chơi đồ chơi hoặc đi lòng vòng,...sẽ làm con xao nhãng bữa ăn của mình.
2. Giải pháp đơn giản giúp cải thiện tình trạng bé 1 tuổi biếng ăn mẹ nên tham khảo
Như vậy, chúng ta có thể thấy các nguyên nhân chính khiến bé 1 tuổi biếng ăn không phải là các nguyên nhân nghiêm trọng trừ nguyên nhân bệnh lý và liên quan đến các bệnh lý nghiêm trọng.
Với các nguyên nhân như đề cập ở trên, một khi mẹ xác định chính xác tác nhân làm bé yêu biếng ăn, áp dụng một hoặc nhiều các giải pháp đơn giản dưới đây, đảm bảo sẽ có thể giúp trẻ thoát ra khỏi tình trạng biếng ăn này.
2.1 Chế biến thức ăn đúng cách
Chế biến thức ăn đúng cách và đa dạng nhưng đúng độ tuổi của bé rất quan trọng. Đây là một phần khiến cho con ăn ngon miệng và thích thú với bữa ăn của mình hơn. Mẹ hãy tập cho con ăn cơm nát, nấu cơm nhão mềm và thức ăn ăn kèm nên chế biến có độ thô phù hợp để con có thể nhai tốt, chạm vào, cầm, cắn, cảm nhận khám phá nhiều hơn về thức ăn.
Tuy nhiên, mẹ cũng cần lưu ý, hệ tiêu hóa của trẻ 1 tuổi còn yếu nên mẹ cần chế biến các món ăn dễ tiêu hóa cho bé. Mẹ nên nấu mềm các loại thực phẩm trước khi cho trẻ ăn. Thêm vào đó, việc dùng đa dạng thực phẩm nên có sự giới thiệu, để con làm quen trước, như thế mẹ sẽ biết con thích ăn gì để tăng thêm hay con có dị ứng hay không để tránh thực phẩm đó trong thực đơn của bé.
2.2 Bổ sung các vi chất
Ngoài việc chú trọng chế độ dinh dưỡng đủ các chất như đạm, tinh bột, béo, vitamin, khoáng chất, qua thực phẩm trong thực đơn của bé, mẹ nên bổ sung thêm các vi chất như kẽm, lysine để kích thích trẻ ngon miệng hơn ở giai đoạn bé ăn không ngon.
Ngoài ra một số men tiêu hóa được dùng, có tác dụng hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn, sẽ giúp cải thiện được tình trạng bé 1 tuổi biếng ăn sinh lý.
Mẹ nên nhớ, dù có thể bổ sung nhưng mọi bổ sung các vi chất hay men tiêu hóa đều nên có tư vấn của chuyên gia dinh dưỡng hoặc bác sỹ nhi khoa, để dùng đúng cách, đúng liều lượng, an toàn cho bé.
2.3 Mẹ không ép trẻ ăn
Mẹ tuyệt đối không nên ép trẻ ăn thêm khi con đã bắt đầu no kèm theo các biểu hiện như lắc đầu, nôn trớ. Để bảo đảm con ăn đủ lượng và dinh dưỡng, mẹ có thể tổ chức lại bữa ăn bằng cách chia nhỏ bữa ăn cho trẻ.
Nếu trẻ ngán cơm hoặc cháo súp, mẹ có thể chuyến sang nấu phở, mì dạng nát, nui,...để đổi món cho con. Trường hợp mẹ bổ sung sữa trong thực đơn hàng ngày nhưng bé không muốn uống sữa, mẹ có thể thay thế bằng các chế phẩm sữa như sữa chua hoặc phô mai, đây là 2 món mà trẻ rất thích, chắc chắn con sẽ hưởng ứng.
Có thể nói rằng, chế độ dinh dưỡng, cách chế biến thức ăn, lựa chọn thực phẩm, bệnh lý, hay do trẻ ham chơi hoặc việc bị thúc ép ăn quá nhiều,...đều có thể là những nguyên nhân khiến bé 1 tuổi biếng ăn. Nên, để cải thiện tình trạng biếng ăn của trẻ, việc quan trọng đầu tiên mẹ phải làm là xác định rõ nguyên nhân cụ thể. Từ đó, áp dụng cách cải thiện phù hợp, Yeutre.vn tin chắc rằng con sẽ ăn uống tốt trở lại và mẹ sẽ không còn phải trăn trở nỗi lo trẻ biếng ăn nữa.
Thủy Nguyễn tổng hợp