Khi bé 1 tuổi lười ăn có thể là do biểu hiện của một vài bệnh lý hoặc do ảnh hưởng từ yếu tố tâm lý. Vì thế các mẹ cần tìm ra nguyên nhân chính xác mới có thể “trị” bé hiệu quả. Mẹ hãy cùng Yeutre.vn tìm hiểu cụ thể hơn về các nguyên nhân khiến con lười ăn nhé.
1. Bé 1 tuổi lười ăn do bé có răng đang mọc
Mọc răng sẽ làm bé cảm thấy khó chịu, đau nhức, nếu nặng có thể gây sốt, vì thế việc mọc răng sẽ làm cho bé 1 tuổi lười ăn đột ngột. Các dấu hiệu để nhận biết trẻ đang mọc răng là:
- Lợi (nướu) bị sưng đỏ, thậm chí bị loét
- Bé chảy nước dãi nhiều hơn
- Bé hay đưa tay lên miệng, đặc biệt chỗ vùng bị sưng
- Cằm hoặc quanh miệng có thể nổi ban
- Bé có thể bị sốt, ho, tiêu chảy...
- Bé thường khó chịu, quấy khóc, ngủ ít...
Để khắc phục tình trạng này, các mẹ nên chia nhỏ các bữa ăn thành nhiều lần. Khi chế biến thức ăn nên chọn các thực phẩm mềm, sau đó xay nhuyễn hoặc nấu loãng chúng rồi mới cho bé ăn. Chú ý vệ sinh răng miệng cho bé hằng ngày, để tránh bị viêm hoặc nhiễm khuẩn.
2. Bé 1 tuổi lười ăn do yếu tố tâm lý
Bé 1 tuổi lười ăn có thể do yếu tố tâm lý gây ra. Bé có cảm giác bị ép buộc, bị gò bó hoặc bị đánh lừa nên không muốn ăn. Một số trường hợp cụ thể như:
- Bé thích bú mẹ nhưng lại bị ép bú bình.
- Bé muốn mẹ cho ăn, nhưng mẹ bận việc nên nhờ người khác cho ăn.
- Bé thích ngồi ăn cùng gia đình, nhưng mẹ lại cho bé ăn theo kiểu “1 mẹ 1 con”.
- Bé bị ép ăn quá nhiều.
- Do mẹ cho thêm thuốc vào thức ăn hoặc sữa của bé.
Khi gặp phải tình trạng này, cha mẹ nên bình tĩnh, kiên nhẫn và quan sát bé để đưa ra các giải pháp thích hợp, tránh tình trạng bắt ép bé như đè ra để đút thức ăn, đánh bé khóc để nuốt...Hãy tạo cho bé tâm lý thoải mái khi ăn, cũng như không cần ép bé ăn nhiều - chỉ cần bé ăn đủ là được.
3. Do cách chế biến thức ăn và thời gian đổi món không hợp lý
Bé lười ăn cũng có thể do mẹ đã mắc một số sai lầm trong quá trình chế biến món ăn, cũng như thời gian thay đổi chế độ ăn của trẻ là không phù hợp nên làm cho bé 1 tuổi lười ăn.
3.1 Sai lầm trong việc chế biến món ăn
Mẹ lặp lại các món ăn liên tục từ ngày này sang ngày khác, gây cảm giác ngán cho bé. Như thường xuyên xay nhuyễn rồi hầm cà rốt, củ dền, khoai tây, thịt,...
- Chỉ cho bé ăn các loại nước rau, nước thịt mà không cho ăn cái.
- Cho bé ăn thức ăn xay nhuyễn trong thời gian quá lâu.
- Pha sữa với các loại nước cháo, nước hầm... làm trẻ khó tiêu.
3.2 Sai lầm trong thời gian đổi món ăn cho bé
- Cho bé ăn dặm quá sớm (trước 6 tháng tuổi).
- Cho bé ăn cơm quá sớm (khi trẻ chưa có đủ răng để nhai cơm và chưa có các bước tập nhai đúng cách.)
Để sữa chữa sai lầm, các mẹ nên đổi các món ăn xay nhuyễn thành các món đặc hơn cho bé 1 tuổi. Mẹ thường xuyên thay đổi thức ăn cho bé để kích thích khẩu vị của con, đây cũng là cách để mẹ cải thiện tình trạng lười ăn của bé rất hiệu quả.
4. Do lạm dụng thuốc
Có thể vì quá lo lắng về thể trạng của bé 1 tuổi lười ăn, nên nhiều bậc phụ huynh đã cho con mình uống quá nhiều vitamin, hoặc thuốc kích thích ăn để mong cải thiện tình hình. Nhưng việc lạm dụng thuốc dù chỉ là thảo dược hay thuốc bổ đi chăng nữa, cũng đều có thể gây rối loạn hệ thống đường ruột của bé, hoặc có thể khiến bé bị phụ thuộc quá nhiều vào thuốc (khi không có thuốc các con sẽ trở lại tình trạng biếng ăn).
Giải pháp cho vấn đề này, là các mẹ có thể thay thế thuốc bằng các loại men vi sinh hoặc sữa chua tốt cho hệ tiêu hóa của bé. Nếu sử dụng thuốc bổ thì phải theo sự chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa để tránh tác dụng ngược.
Bé 1 tuổi lười ăn có thể làm mẹ lo lắng. Nhưng không sao, chỉ cần các mẹ hiểu được tình trạng của con mình là sẽ tìm ra được giải pháp khắc phục tốt nhất. Chúc các mẹ thành công khi tìm ra nguyên nhân bé lười ăn và cách khắc phục, giúp con ăn tốt trở lại nhé.
Kim Chi tổng hợp