1. Cười (8 tuần tuổi)
Khi bé đã được 8 tuần tuổi, bạn mới thực sự nhìn thấy nụ cười đầu tiên của bé.
Rất có thể bạn được nhìn thấy một chuyển động của khóe miệng bé khi bé được 3,4 tuần tuổi và nhầm đó là một nụ cười. Thực ra, các dây thần kinh của bé lúc này chưa phát triển hoàn thiện đủ bé phản ứng lại với những âu yếm của bố mẹ. Phải cần thêm ít lâu nữa, khi bé đã được 8 tuần tuổi, bạn mới thực sự nhìn thấy nụ cười đầu tiên của bé. Đây cũng là lúc bé cho thấy những phát triển nhận thức, cảm xúc và kỹ năng xã hội của mình.
2. Lẫy người (2 - 3 tháng)
Trong khoảng 3-4 tháng, bé sẽ bắt đầu lẫy người, nghĩa là dùng toàn bộ cơ thể để vận động. Sau những cái đạp chân liên tục như đi xe đạp, những cái đẩy người tới lui,… bé sẽ thực hiện cú huých người đầu tiên của mình. Đây chính là bước dậm đà để bé có thể tiến tới thực hiện những vận động phức tạp hơn như ngồi, bò, đứng, đi…Trên thực tế, hầu hết các bé đều có khả năng lật người từ tháng thứ 5 sau khi thực hiện những cú lẫy này. Vì thế, bố mẹ khi trông bé hoặc cho bé nằm ngủ nên chú ý không đặt bé sát mép giường để tránh tai nạn.
3. Cầm, nắm (3 -4 tháng)
Sau khi thị giác phát triển với những bước căn bản, bé bắt đầu có thể quan sát và định vị vị trí đồ vật trong không gian. Lúc này kỹ năng cầm, nắm đồ vật gần như đã được hoàn thiện. Bé có thể tự chơi đồ chơi âm nhạc và làm cho chúng phát ra âm thanh, chẳng hạn dùng trống lắc và lắc để trống phát ra những tiếng “leng keng”. Chính từ những phát hiện này, bé sẽ cảm thấy thích thú khi được lặp lại và nhờ đó tập luyện cho mình kỹ năng cầm nắm và điều khiển đồ vật ngày càng thuần thục hơn.
4. Ôm (5 tháng tuổi)
Chỉ bằng những quan sát, bé có thể nhanh chóng học được cách ôm bố, mẹ.
Chỉ bằng những quan sát, bé có thể nhanh chóng học được cách ôm bố, mẹ hệt như cái cách bố, mẹ ôm bé. Những gì được cảm nhận từ những cái ôm này sẽ được bé đáp trả lại cho bố mẹ dưới dạng một phản ứng cảm xúc.
Tuy nhiên, chỉ số ít bé tỏ ra hào hứng với những cái ôm này còn phần lớn đều mải mê chơi đùa và tỏ ra khó chịu khi được ôm ấp.
5. Chơi ú oà (6 tháng tuổi)
Trò chơi rất đơn giản này đã thực sự gây hứng thú với trẻ con dù đã qua bao thế hệ. Bé có thể cười thích chí khi trò chơi này được lặp đi lặp lại. Ngay cả khi bạn đã ngừng chơi, bé vẫn tiếp tục quan sát và chờ đợi thời cơ để được châm ngòi trò chơi ú òa này.
Chỉ vài tháng sau, bé bắt đầu phát triển trò chơi này bằng cách tự giấu mặt mình đi.
6. Ngồi vững (8 tháng tuổi)
Khi bé có khả năng điều khiển được các cơ trên cơ thể từ lưng, hông, đến bụng, đùi bé sẽ cố gắng để được chuyển mình sang tư thế ngồi. Lúc này, những điều mới mẻ xung quanh trở thành một động lực to lớn để bé hiện thực hóa “giấc mơ” ngồi vững của mình.
Để giúp bé ngồi vững, bạn có thể đặt bé lên mình bạn ở tư thế ngồi hoặc để bé được tự ngồi. Cách khác bạn có thể tập cho bé chuyển người từ tư thế bò sang tư thế ngồi với từng bước một để bé mau chóng ngồi vững hơn.
7. Bò, trườn (6 – 10 tháng)
Đến thời điểm này, bé sẽ dùng hai cánh tay và đầu gối của mình tập trườn, bò để đi đến những vị trí bé muốn đến. Số khác không dùng tư thế này để di chuyển mà lại chống tay, bụng và trườn lui xuống hoặc nằm cuộn mình và lăn đến. Tuy nhiên, không phải bé nào cũng sẽ trải qua giai đoạn này mà trong không ít trường hợp bé sẽ đốt cháy giai đoạn.
Trong giai đoạn bé tập bò, mẹ có thể mua cho bé những bộ đồ dài để đầu gối bé bớt đau hoặc lót những tấm thảm êm hơn để bé được thoải mái vui đùa.
8. Đứng (8 tháng)
Hầu hết các bé đến 8 tháng đều đã sẵn sàng để được đứng lên.
Hầu hết các bé đến 8 tháng đều đã biết cách thực hiện các vận động lật, trườn, bò và sẵn sàng để được đứng lên.
Khi lần đầu dùng chân để đỡ trọng lượng cơ thể, bé có thể chưa quen và té ngửa ra sau. Vì thế, bạn hãy luôn để mắt đến bé và làm chỗ dựa khi bé cần.
9. Đi (10-18 tháng)
Sau tất cả những bước ngoặc trên, bước đi là một sự thay đổi rất lớn chấm dứt thời kỳ một năm đầu đời của bé và mở ra những bước phát triển mới về nhận thức và tư duy.
Ngoài những đòi hỏi về sự phát triển của các cơ, xương và một số kỹ năng phối hợp, bé muốn bước đi vững vàng cần phải có cả niềm tin vào chính mình. Chính vì thế, khi tập đi cho bé nên tránh những cú ngã từ lần đầu tiên vì nó sẽ ám ảnh và khiến trẻ muốn thoái lui khi đến những lần tập tiếp theo.
Tốt nhất, hãy cho bé nương theo một chiếc xe tập đi hoặc chính bạn sẽ giúp bé bước những bước đầu tiên của mình. Sự tự tin ngay từ đầu sẽ khích lệ bé rất nhiều để tiếp tục thực hiện những động tác tương tự vào lần sau. Khi thấy bé đã tự tin bước đầu, bạn hãy dùng một món đồ chơi bé yêu thích và khuyến khích bé đến lấy. Dần dần như vậy, bé sẽ bước đi được trên đôi chân của mình.
Mỗi một bước ngoặc thay đổi đều dẫn đến những lối mở giúp bé tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn trong những giai đoạn tiếp theo. Và không ai khác, chính bố mẹ là người đồng hành đáng tin cậy để bé có thể tự tin thực hiện những bước ngoặc phát triển của riêng mình.
Yeutre.vn (Tổng hợp)