1. Cách nấu cháo thịt bò rau chùm ngây
Nguyên liệu
- 10g thịt bò nạc
- 20g gạo
- 20g rau chùm ngây
- 200ml nước dùng
- Dầu olive
Thực hiện
- Gạo vo sạch, ngâm nước khoảng 30 phút cho gạo mềm rồi cho vào nồi cùng với 200ml nước dùng và ninh cho đến khi gạo chín nhừ.
- Thịt bò nạc rửa sạch, băm hoặc xay nhuyễn và ướp cùng với 1/2 thìa dầu olive. Sau đó, bắc chảo lên bếp và cho thịt bò vào xào sơ.
- Rau chùm ngây lấy phần lá, ngâm với nước muối pha loãng rồi vớt ra và cho vào máy xay sinh tố xay nhuyễn.
- Khi cháo đã mềm nhừ, cho thịt bò, rau chùm ngây vào cháo khuấy đều, đun sôi thêm một chút nữa rồi tắt bếp. Múc cháo ra chén và chờ đến khi cháo còn ấm thì cho bé ăn.
2. Cách nấu cháo cá hồi phô mai
Nguyên liệu
- 50g gạo
- 20g phi lê cá hồi
- Hành khô, hành lá, tỏi
- Phô mai loại dành cho các bé
- Dầu olive
Thực hiện
- Cá hồi phi lê kiểm tra xem còn xương hay không rồi rửa bằng chanh hoặc sữa tươi để khử mùi tanh, cho cá và rửa lại bằng nước lạnh cho thật sạch, để ráo, băm nhuyễn.
- Hành khô, tỏi bóc vỏ và băm nhỏ; hành lá nhặt rửa sạch, xắt sợi nhỏ. Gạo vo sạch, ngâm nước cho mềm rồi cho vào nồi cơm điện ninh nhừ.
- Bắc chảo lên bếp, cho chút dầu olive vào đun nóng rồi cho hành, tỏi băm vào phi vàng. Sau đó, trút cá vào đảo đều.
- Tiếp theo, cho thịt cá hồi vào nồi cháo và khuấy đều thêm 3 - 5 phút thì tắt bếp, cho phô mai vào khuấy đều. Lưu ý là không cho phô mai vào lúc cháo đang sôi sẽ không tốt cho sức khỏe của bé. Múc cháo ra chén và cho bé ăn khi còn ấm.
3. Cách nấu cháo thịt gà khoai lang
Nguyên liệu
- 30g gạo
- 1 miếng thịt ức gà
- 1/2 củ khoai lang
- 1/3 củ cải
- Dầu ăn cho bé
Thực hiện
- Thịt gà rửa sạch, cho vào nồi luộc chín. Khi gà chín thì vớt ra, để nguội, xé nhỏ và cho vào máy xay sinh tố xay nhuyễn.
- Củ cải, khoai lang gọt vỏ, ngâm với nước muối pha loãng rồi rửa lại thật sạch, cho vào nồi hấp chín. Sau đó, gắp ra tô và dùng muỗng nghiền cho nát mịn.
- Gạo vo sạch, cho vào nồi đun với lửa liu riu cho chín nhừ. Khi cháo chín, dùng muỗng tán nhuyễn cháo cho thật mềm mịn và cho thịt gà, củ cải, khoai lang đã nhuyễn vào nấu cùng.
- Nếu thấy cháo quá đặc thì thêm 1 chén nước nhỏ, khuấy đều cho đến khi cháo sôi, sánh mịn thì tắt bếp, cho dầu ăn dành cho bé. Múc cháo ra chén và chờ cháo nguội bớt thì cho bé ăn.
4. Một số điều cần lưu ý khi chế biến cháo cho bé 8 tháng
- Không nêm gia vị vào cháo của bé vì dưới 1 tuổi, gia vị tự nhiên trong thực phẩm đã đủ cho bé.
- Tùy vào thời điểm con đã ăn thô được thế nào, mẹ căn cứ vào đó để điều chỉnh độ thô của cháo cho phù hợp với tình trạng ăn của con.
- Chọn thực phẩm sạch, tươi ngon, an toàn để đảm bảo sức khỏe cho con.
- Chú ý khâu sơ chế kỹ lưỡng nguyên liệu để món ăn an toàn hơn cho bé.
- Tránh những thực phẩm con có khả năng dị ứng.
- Không chế biến quá nhiều đạm trong cùng một món ăn, để đảm bảo trẻ hấp thụ hết.
Với 3 cách nấu cháo cho bé 8 tháng tuổi đơn giản mà thơm ngon và bổ dưỡng trên, sẽ kích thích cảm giác thèm ăn của bé, góp phần giúp cơ thể phát triển khỏe mạnh hơn. Bên cạnh đó, còn những lưu ý cơ bản liên quan đến việc nấu cháo cho bé 8 tháng, hẳn cũng rất hữu ích cho mẹ. Cuối cùng, mẹ cần ghi nhớ rằng, trẻ 8 tháng, nguồn sữa mẹ vẫn là thực phẩm chính. Do đó, hãy duy trì việc cho trẻ bú đều đặn và đúng bữa. Ngoài ăn dặm món bột cháo (mặn) mẹ cũng nên cho bé ăn trái cây, cùng hức ăn khác phù hợp, để cung cấp đầy đủ vitamin, chất xơ cùng các chất dinh dưỡng cần thiết khác cho sự phát triển của con.
Hà Vy tổng hợp