10 lý do trẻ không muốn ăn khi đến bữa và cách hay để mẹ khắc phục

Trẻ không muốn ăn khi đến bữa là tình trạng khá thường gặp ở mọi gia đình. Khi thấy trẻ không ăn, chúng ta có xu hướng quy cho trẻ biếng ăn. Tuy nhiên, thực tế lại không hẳn vậy vì có thể có một lý do nào đó khiến trẻ không hào hứng với việc ăn uống. Dưới đây là 10 lý do tiêu biểu khiến con không muốn ăn uống dù đến bữa, các cha mẹ hãy cùng tham khảo để giúp con khắc phục nhé.

banner ads

Trẻ không muốn ăn
Trẻ không muốn ăn là tình trạng phổ biến thường gặp ở mọi gia đình. Ảnh Internet

1. Trẻ cảm thấy bị áp lực

1.1 Tình huống thường gặp trong bữa ăn

Nếu một đứa trẻ cảm thấy áp lực, hoặc cảm nhận được sự lo lắng, tức giận của cha mẹ trong bữa ăn, trẻ có thể từ chối đồ ăn của mình. Trẻ nhỏ thường khá nhạy cảm, do đó có thể bị tác động ngay cả từ những hành động, lời nói gián tiếp có liên quan đến việc ăn uống của con.

Bạn có thể không yêu cầu trẻ một cách trực tiếp “Hãy ăn hết đậu của con đi” nhưng nếu bạn theo dõi từng cử chỉ của trẻ, để ý những gì trẻ ăn hoặc không ăn, hay liên tục thay thế thức ăn trong đĩa/ khay của trẻ, nói về việc trẻ không ăn, hay cố gắng làm cho trẻ ăn hết đồ ăn trong đĩa của mình thì đều gây ra áp lực gián tiếp làm cho trẻ không muốn ăn nữa.

Trẻ không muốn ăn vì cảm thấy áp lực
Trẻ không muốn ăn vì cảm thấy áp lực. Ảnh Internet

1.2 Cách giải quyết

Để hạn chế áp lực lên trẻ trong bữa ăn, bạn hãy cố gắng thực hiện những bước sau:

  • Bạn lựa chọn và cung cấp đồ ăn cho trẻ và để trẻ quyết định ăn những gì và ăn bao nhiêu.
  • Bạn không quá tập trung vào việc ăn uống của trẻ, hãy đơn giản coi trẻ là một thành viên khác trong gia đình đang ăn phần ăn của mình giống như bạn vậy.
  • Bạn hãy xem bữa ăn là khoảng thời gian để gắn kết mọi người trong gia đình, hơn là việc “trẻ phải ăn đúng giờ”, như vậy trẻ sẽ bớt bị áp lực và có thể thử những món mới một cách thoải mái và cởi mở hơn.
Trẻ ăn cùng gia đình như mọi thành viên
Hãy để trẻ ăn uống như một thành viên trong gia đình ăn phần ăn của mình. Ảnh Internet

2. Trẻ thấy mình không có tiếng nói (đối với bữa ăn gia đình)

2.1 Tình huống thường gặp

Khi trẻ không được góp sức vào việc chuẩn bị bữa ăn cho gia đình, trẻ sẽ cảm thấy trẻ không kiểm soát được những gì mình ăn. Trẻ cũng có thể thấy không thích đồ ăn hay cách thức đồ ăn được trình bày trên đĩa, từ đó dẫn đến tâm trạng chán nản, không hào hứng với bữa ăn.

banner ads

2.2 Cách giải quyết

Mặc dù trên thực tế bạn luôn là người quyết định sẽ cho trẻ ăn gì, nhưng nếu bạn thay đổi cách thực hiện, bạn cũng sẽ thay đổi được suy nghĩ và cảm nhận của trẻ. Trẻ sẽ thấy mình được quyền lựa chọn và thấy việc ăn uống trở nên vui vẻ hơn. Sự thay đổi ấy có thể gồm:

  • Cho trẻ tham gia vào việc lên thực đơn cũng như mua sắm nguyên liệu cho bữa ăn.
Trẻ đi chợ cùng mẹ
Cho nên cho trẻ đi chợ cùng nếu có dịp phù hợp. Ảnh Internet
  • Cho trẻ thực hiện những công đoạn đơn giản trong bếp như: rửa rau củ, trộn salad hay dọn bàn, thậm chí là rửa chén đĩa.
  • Khen ngợi nỗ lực của trẻ và chỉ ra những món mà trẻ tham gia chuẩn bị.

Dù rằng cho trẻ tham gia vào việc bếp núc có thể khiến mọi thứ trở nên lộn xộn hoặc kéo dài thời gian nấu nướng, dọn dẹp của bạn. Tuy nhiên, nếu kiên nhẫn, bạn sẽ thấy mọi thứ sẽ rất đáng công, vì dần dà trẻ sẽ nhuần nhuyễn và thực hiện mọi thứ trôi chảy hơn. Như vậy, bạn vừa giúp trẻ cải thiện được cảm hứng trong ăn uống, vừa dạy trẻ về trách nhiệm cũng như rèn luyện sự khéo léo và tính tổ chức, những kỹ năng rất quan trọng đối với trẻ sau này.

Trẻ nấu ăn cùng mẹ
Cho trẻ nấu ăn cùng, con sẽ hứng thú với việc ăn uống hơn sau đó. Ảnh Internet

3. Trẻ thấy buồn chán

3.1 Tình huống thường gặp

Khi bạn quá bận rộn, mệt mỏi vì công việc và mọi thứ xung quanh đời sống gia đình, bạn có thể thiếu thời gian và việc chuẩn bị bữa ăn cho trẻ trở nên qua loa hoặc lặp đi lặp lại khiến trẻ thấy chán nản.

Dù trẻ đã từng thích một món ăn hay một khẩu phần ăn trưa/ ăn nhẹ nào đó, nhưng nếu bạn cho trẻ ăn liên tục hoặc thường xuyên, trẻ sẽ không còn thấy ngon và hào hứng ăn nữa.

Trẻ chán nản với bữa ăn nghèo nàn nhàm chán
Trẻ chán nản với các bữa ăn nghèo nàn lặp đi lặp lại. Ảnh Internet

3.2 Cách giải quyết

Nếu thấy trẻ thường bỏ thừa đồ ăn hoặc không đụng đến phần ăn trưa/ ăn nhẹ mà bạn đã chuẩn bị cho trẻ, bạn hãy trò chuyện với trẻ để tìm hiểu xem con thích thay đổi như thế nào.

Từ đó, bạn hãy cố gắng đa dạng hóa bữa ăn cho trẻ để con không thấy buồn chán. Bạn không cần chuẩn bị bữa ăn quá phức tạp, đơn giản là đừng lặp đi lặp lại mà hãy luân chuyển các nguyên liệu để trẻ luôn thấy bữa ăn mới mẻ và hấp dẫn.

4. Trẻ không đói

4.1 Tình huống thường gặp

Trẻ em cũng giống như người lớn, có những lúc đói và những lúc không. Có thể trẻ ăn nhiều vào bữa trước đó và khi đến bữa ăn tiếp theo, trẻ vẫn chưa thực sự đói.

Trẻ không đói
Khi trẻ không đói, trẻ cũng không muốn ăn. Ảnh Internet

4.2 Cách giải quyết

Bạn hãy cố gắng chấp nhận tình trạng “không đói của trẻ”. Nếu trẻ vẫn vui chơi bình thường, tăng trưởng đều đặn thì bạn không cần quá lo lắng khi thỉnh thoảng trẻ ăn ít hoặc không ăn khi đến bữa. Trẻ em có thể tự cân bằng rất tốt, cơ thể chúng sẽ tự lên tiếng khi có nhu cầu.

Tuy nhiên, bạn vẫn nên nhắc nhở trẻ rằng tủ đồ ăn sẽ khóa sau bữa ăn để trẻ hiểu rằng, nếu trẻ không ăn đúng bữa thì sẽ phải đợi đến bữa ăn tiếp theo.

5. Trẻ bị mất tập trung

5.1 Tình huống thường gặp

Trẻ em có thể dễ dàng bị phân tán sự chú ý khỏi bữa ăn bởi các nguyên nhân như:

  • Vừa ăn vừa xem điện thoại, ipad, tivi
  • Vừa ăn vừa chơi đồ chơi
  • Vừa ăn vừa chạy nhảy, đùa giỡn với anh chị em hoặc bạn
  • Những yếu tố nhỏ nhặt khác

Khi trẻ vừa ăn vừa làm chuyện khác như một số việc đã nêu ở trên, trẻ sẽ chỉ tập trung vào việc đó và có thể ăn quá nhiều. Thói quen này rất tai hại, có thể ảnh hưởng lâu dài không những đến việc ăn uống, sự tiêu hóa mà còn đến khả năng tập trung của trẻ .

Gia đình vừa ăn vừa xem điện thoại máy tính
Nếu bị phân tán sự chú ý bởi chiếc điện thoại hay ipad, chắc chắn trẻ sẽ không muốn ăn bữa ăn của mình một cách tập trung. Ảnh Internet

5.2 Cách giải quyết

Để hạn chế tình trạng mất tập trung trong bữa ăn của trẻ, bạn có thể thực hiện những cách sau:

  • Không cho phép sử dụng điện thoại, ipad, đồ chơi tại bàn ăn hay xem tivi trong khi ăn (áp dụng với cả người lớn.)
  • Sắp xếp chỗ ngồi cho các trẻ một cách hợp lý để chúng không thể đùa giỡn với nhau trong khi ăn.
  • Đặt một chiếc ghế kê dưới chân trẻ để trẻ cảm thấy được ổn định và yên tâm tập trung vào bữa ăn của mình.

6. Phần ăn của trẻ quá nhiều

6.1 Tình huống thường gặp

Một số trẻ có thể không muốn ăn vì phần ăn của mình quá nhiều khiến chúng bị ngộp và không còn hứng thú ăn uống nữa.

Chúng ta có thể không để ý nhưng sự thực thì một đĩa đồ ăn quá đầy sẽ làm trẻ sợ hãi, choáng ngợp hơn là kích thích trẻ ngon miệng.

Đĩa ăn của trẻ quá nhiều
Phần ăn quá nhiều khiến trẻ choáng ngợp và không muốn ăn. Ảnh Internet

6.2 Cách giải quyết

Bạn hãy cắt giảm lượng đồ ăn của trẻ xuống còn 1/3 hoặc 1 nửa để xem phản ứng của con như thế nào. Bạn có thể sẽ phải ngạc nhiên khi trẻ ăn trở lại và đôi khi còn xin thêm đồ ăn đấy.

7. Trẻ không được khỏe

7.1 Tình huống thường gặp

Khi trẻ cảm thấy không khỏe đó có thể là dấu hiệu trẻ sắp bị ốm, hay đơn giản chỉ là trẻ mệt mỏi tạm thời, thì tất nhiên việc ăn uống của con cũng sẽ bị ảnh hưởng, vì lúc này con sẽ không cảm thấy ngon miệng.

Ngoài ra, tình trạng táo bón ở trẻ hoặc trào ngược axit cũng có thể là nguyên nhân khiến trẻ không muốn ăn.

Trẻ không khỏe
Khi không được khỏe, con cũng không muốn ăn. Ảnh Internet

7.2 Cách giải quyết

Khi trẻ gặp vấn đề về sức khỏe và không muốn ăn, để đảm bảo con vẫn được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết, bạn hãy thực hiện những việc sau:

  • Cho trẻ ăn những món dễ tiêu như: cháo, bánh mì trắng, súp, nước táo, chuối. Hạn chế những thực phẩm chua, cay, nhiều gia vị
  • Cung cấp đủ chất lỏng cho trẻ
  • Nếu tình trạng của trẻ không được cải thiện, bạn hãy đưa con đến gặp bác sỹ

8. Trẻ uống quá nhiều sữa hoặc nước trái cây

8.1 Tình huống thường gặp

Có thể bạn đã cho trẻ uống quá nhiều sữa hoặc nước trái cây khiến trẻ đầy bụng, giảm cảm giác thèm ăn và không muốn ăn khi đến bữa chính.

Sữa và nước cam
Có thể trẻ đã uống nhiều sữa và nước trái cây trước bữa ăn. Ảnh Internet

8.2 Cách giải quyết

Lượng sữa và nước trái cây phù hợp cho trẻ đó là: không quá 2 ly sữa (khoảng 500ml) 1 ngày; không quá nửa ly nước trái cây (khoảng 125 ml) 1 ngày. Bạn nên cho trẻ uống sữa hoặc nước trái cây cùng với bữa ăn. Khoảng thời gian giữa các bữa ăn, tốt nhất chỉ nên cho trẻ uống nước mà thôi.

9. Trẻ ăn vặt quá nhiều

9.1 Tình huống thường gặp

Trẻ được phép ăn vặt thường xuyên giữa các bữa ăn, hoặc ăn vặt ngẫu nhiên trong suốt một ngày thì rất dễ bị đầy bụng và không còn muốn ăn khi đến bữa chính.

Thức ăn vặt
Trẻ ăn vặt nhiều bị đầy bụng và không muốn ăn khi đến bữa. Ảnh Internet

9.2 Cách giải quyết

Bạn cần thiết lập cấu trúc cho bữa ăn nhẹ một cách hợp lý để vừa đảm bảo cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ, vừa đảm bảo đáp ứng được nhu cầu của trẻ khi đói, cũng như không ảnh hưởng tới việc ăn uống của trẻ trong bữa ăn chính.

Để làm được điều này, bạn nên lên đanh sách những món ăn nhẹ bổ dưỡng như: trái cây, yogurt, phô mai, bánh quy...và sắp xếp chúng một cách hợp lý với những hoạt động thể chất cũng như sinh hoạt của gia định bạn.

10. Trẻ quá mệt mỏi

10.1 Tình huống thường gặp

Có thể trẻ quá mệt mỏi sau những hoạt động trong ngày nên không còn thiết tha việc ăn uống. Nếu bạn thấy trẻ có những biểu hiện như: quấy khóc, nháy mắt hay cáu gắt thì rất có thể trẻ đang mệt.

Trẻ mệt mỏi
Trẻ mệt mỏi nên không muốn ăn. Ảnh Internet

10.2 Cách giải quyết

Hãy khuyến khích trẻ ăn nhiều nhất có thể và lưu ý trẻ rằng sẽ không có thêm đồ ăn gì cho đến sáng hôm sau. Nếu trẻ không ăn được nhiều, bạn cũng không cần lo lắng vì trẻ sẽ tự bù lại vào bữa sau theo nhu cầu của mình.

Nếu bạn thấy trẻ thường xuyên có biểu hiện mệt mỏi vào bữa tối, bạn nên cho trẻ ngủ trưa hoặc chiều. Hoặc bạn có thể thay đổi giờ ăn sớm hơn, như vậy trẻ có thể ăn uống một cách thoải mái trước khi cần đi ngủ vì mệt.

Chúng ta có thể thấy trẻ không muốn ăn khi đến bữa có thể bởi rất nhiều lý do, và hầu hết chúng đều có cách giải quyết. Điều quan trọng là chúng ta cần quan tâm và để ý đến biểu hiện của trẻ để áp dụng phương pháp phù hợp. Các cha mẹ hãy cố gắng hiểu trẻ, để bữa ăn luôn là khoảng thời gian vui vẻ giúp trẻ ăn ngon hơn, cả gia đình thêm gắn kết với nhau hơn, các cha mẹ nhé.

Theo Sarah Remmer

Lily Nguyễn lược dịch

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI