Bài viết dưới đây sẽ giúp chúng ta, nhất là những người đàn ông hiểu được rằng phụ nữ hy sinh rất nhiều nhưng đó đều xuất phát từ tình yêu và sự tự nguyện, không bao giờ họ hi vọng được đáp đền. Bởi vì “nước chảy xuôi”…
1. Từ bỏ mọi sợ hãi
Thậm chí cô ấy đã từng rất sợ kim tiêm, sợ đi thăm khám chỗ bác sĩ, sợ để lộ thân thể của mình trước người khác… nhưng thực tế là những người mẹ đã sẵn sàng thoát ra khỏi sự sợ hãi cố hữu đó khi mang thai và sinh nở. Từ trước khi mang thai, họ đã chấp nhận khám sức khỏe sinh sản, chích ngừa; 9 tháng 10 ngày thai kỳ họ không ngại để người khác khám cơ thể mình (kể cả vùng kín) và chấp nhận những mũi chích ngừa. Đến khi chuyển dạ, cô ấy cũng trở thành anh hùng khi chấp hết những lần khám trong, những mũi tiêm truyền, những phẫu thuật dao kéo… Vượt lên tất cả nỗi sợ hãi đó là niềm hy vọng con mình chào đời khỏe mạnh, an toàn. Bạn có thể hy sinh được như cô ấy không?
2. Không bao giờ uống thuốc kể cả khi ốm
Khi mang thai là lúc người phụ nữ trở nên yếu ớt hơn cả, nhưng cô ấy không bao giờ uống một viên thuốc nào vào người khi chưa được sự cho phép của bác sĩ vì sợ em bé sẽ bị ảnh hưởng. Không ai không yêu và chăm sóc bản thân mình, nhưng cô ấy chấp nhận tìm những biện pháp khó khăn hơn và lâu hơn để ổn định thể chất, tất cả là vì con. Bạn có thể chịu đựng được những cơn mệt mỏi như cô ấy không?
3. Ăn cả những món không thích
Cô ấy yêu cuộc sống của con hơn cuộc sống của chính mình, chính vì vậy ngay cả khi bị những cơn nghén hành hạ, cô ấy cũng vẫn cố gắng nuốt những món bổ dưỡng (mà chưa chắc đã ngon lành) để cung cấp đủ dưỡng chất cho con. Mặc kệ cơ thể yếu ớt, khẩu vị thay đổi, miệng nhạt nhẽo, nhiều món không thích… nhưng cô ấy không từ chối tất cả những món gì có để làm cho con khỏe mạnh. Bạn có thể hy sinh sở thích ẩm thực của mình gần một năm trời vì con không?
4. Chấp nhận cơn đau đớn nhất trong cuộc đời
Có lẽ không có nỗi đau nào sánh bằng đau đẻ – đó là một cơn đau được báo trước mà cô ấy chấp nhận vượt qua khi mang thai. Không khác gì chết đi sống lại, nhưng vào cái ngày đau đớn nhất cuộc đời, cô ấy đã sinh ra một sự sống. Cơ thể con người chịu đựng tối đa được 45 đơn vị đau (del unit), nhưng khi phụ nữ sinh con, họ phải chịu đựng đến 57 đơn vị đau. Nó tương đương với việc bạn bị gãy 20 cái xương sườn cùng một lúc. Bạn có thể chịu được cơn đau như thể xé đôi thân thể như thế không?
5. Cố gắng cho con bú mẹ dù đang kiệt sức
Sau khi sinh, người mẹ còn rất mệt mỏi và kiệt sức, nhưng cô ấy chấp nhận vết thương đang đau đớn từng hồi để con yêu có thể hưởng trọn dòng sữa non quý giá. Vượt qua tất cả cơn đau bủa vây, cô ấy gượng dậy cho con bữa ăn đầu tiên trong đời. Bạn có thể làm như cô ấy không?
6. Không bao giờ ngủ đủ giấc
Người mẹ hầu như bị thiếu ngủ trong suốt quãng thời gian nuôi con mọn. Thậm chí khi con đã lớn, cô ấy cũng vẫn mất ngủ hàng đêm. Dường như ngủ đủ giấc đã trở thành món xa xỉ đối với người mẹ. Bạn có thể thức đêm thức hôm trường kỳ kháng chiến như những người mẹ không?
7. Hi sinh vòng 1 để gìn giữ dòng sữa cho con
Mặc dù sau 6 tháng thai sản là phải đi làm trở lại, nhưng người mẹ không từ bỏ nỗ lực nuôi con bằng sữa mẹ. Bằng cách tranh thủ giờ nghỉ để vắt sữa trữ cho con; bằng cách tất tả chạy về nhà giữa trưa để cho con bú; bằng cách cố gắng ăn những món lợi sữa (ai mách gì làm nấy, kể cả phải ăn món chân chó ám ảnh). Kể cả khi được cảnh báo vắt sữa sẽ làm cho vòng 1 sấp sệ, cô ấy vẫn kiên trì đều đặn vắt sữa cho con hàng ngày. Bạn có thể làm được như cô ấy không?
8. Thức khuya dậy sớm
Người mẹ luôn là người cuối cùng bước vào phòng ngủ sau khi con cái đã ăn no ngủ kỹ, nhà cửa dọn dẹp gọn gàng, đồ ăn cho ngày mai đã sẵn sàng và công việc được hoàn tất. Cô ấy cũng là người dậy sớm nhất nhà để chuẩn bị cho con đi học, nấu bữa sáng cho cả nhà và chuẩn bị cho bản thân để bắt đầu một ngày làm việc. Bạn có thể thức khuya dậy sớm miệt mài từ ngày này qua ngày khác như cô ấy không?
9. Không có thời gian riêng tư
Từ khi có con, người mẹ chấp nhận việc có rất ít thời gian riêng tư, không còn cơ hội để vui vẻ với bạn bè như trước; bởi vì tất cả thời gian cô ấy dành cho con cái và gia đình mình. Bây giờ, niềm vui và niềm hạnh phúc nhất đời của người mẹ chính là nhìn thấy con mình cười, khỏe mạnh, vui vẻ, gia đình thuận hòa hạnh phúc. Bạn có thể hy sinh niềm vui riêng để chăm sóc gia đình như cô ấy không?
10. Luôn luôn nghĩ cho người khác
Không còn nghĩ gì cho riêng mình nữa, người mẹ suy nghĩ về bản thân mình ít đi bởi vì cô ấy sẽ nghĩ về con cái trước tiên. Mình sẽ cho con ăn món gì trưa nay nhỉ? Hè này có nên đăng ký cho con một lớp học bơi không? Không biết giờ này ở trường con có vui không? Sao con cứ ốm hoài vậy nhỉ?… Trong tâm trí của người mẹ luôn là con cái, kế con cái là gia đình, công việc, sự nghiệp… Bản thân cô ấy luôn nằm ở vị trí cuối cùng. Bạn có chấp nhận vị trí cuối cùng như cô ấy không?
Rất nhiều người, đàn ông và kể cả phụ nữ đang coi làm mẹ là nghĩa vụ của người phụ nữ; xem sự hy sinh của họ là dĩ nhiên. Xin thưa: không có điều gì là dĩ nhiên cả, để cho nhà cửa yên ấm, chồng con khỏe mạnh, vui tươi thì cô ấy phải hy sinh rất nhiều. Vì thế, hãy trân trọng và san sẻ thay vì coi đó là thiên chức của người mẹ, là “việc của đàn bà”!
Theo methongthai