Vitamin tổng hợp cho bé - khi nào mẹ nên bổ sung cho con

Vitamin tổng hợp cho bé có lẽ là vấn đề được nhiều cha mẹ quan tâm vì mong muốn bé được cung cấp đủ chất để con phát triển toàn diện. Tuy nhiên, đối với trẻ em nói chung và trẻ dưới 1 tuổi nói riêng thì việc bổ sung vitamin không thể tùy tiện thực hiện mà cần tham khảo ý kiến bác sỹ trước. Vậy có những khuyến cáo chung nào về vấn đề này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé. 

banner ads

Vitamin tổng hợp cho bé
Vitamin tổng hợp cho bé là vấn đề nhiều cha mẹ quan tâm. Ảnh Internet 

1. Khi nào bé cần bổ sung vitamin tổng hợp

Đối với hầu hết trường hợp thì sữa mẹ hoặc sữa công thức đã cung cấp đủ các chất cần thiết cho nhu cầu của bé trong vòng 4 đến 6 tháng đầu đời. Một trường hợp ngoại lệ đó là vitamin D, loại vitamin được khuyến cáo bổ sung cho bé bú mẹ hoặc bé bú sữa công thức dưới 960ml (32 ounce) một ngày.

Sau 6 tháng tuổi, khi bé bắt đầu chế độ ăn dặm và được làm quen với nhiều loại thực phẩm khác nhau, bác sỹ có thể hoặc không khuyến cáo bổ sung vitamin cho bé.

Những trường hợp trẻ có thể được bác sỹ chỉ định bổ sung vitamin gồm:

  • Trẻ sinh non
  • Trẻ sinh nhẹ cân hoặc nhỏ hơn tuổi thai
  • Trẻ thường xuyên uống ít sữa mẹ hoặc sữa công thức hơn những trẻ khác cùng tuổi, và vấn đề tương tự đối với việc ăn uống
  • Trẻ có vấn đề sức khỏe mãn tính ảnh hưởng đến khả năng ăn uống

Bạn hãy hỏi ý kiến bác sỹ nếu có mối quan tâm đặc biệt đến bất kỳ vấn đề gì liên quan đến khả năng cần bổ sung vitamin của trẻ.

Tình trạng sức khỏe của bạn cũng có thể là một lý do khiến bác sỹ phải chỉ định việc bổ sung vitamin cho bé. Ví dụ những phụ nữ đã phẫu thuật cắt dạ dày hoặc uống một số loại thuốc hàng ngày có thể hấp thụ được ít chất dinh dưỡng hơn. Điều này có thể làm giảm hàm lượng chất dinh dưỡng trong sữa mẹ. 

Mẹ nói chuyện với bác sỹ
Hãy hỏi ý kiến bác sỹ nếu bạn có mối quan tâm đặc biệt đến khả năng cần bổ sung vitamin cho trẻ. Ảnh Internet 

Ngoài ra, nếu bạn là người tuân theo chế độ ăn thuần chay thì nên báo cho bác sỹ hoặc chuyên gia dưỡng của bé để được tư vấn. Vì các loại chất như vitamin B12, sắt, kẽm, canxi và a xít béo omega-3 là những chất dinh dưỡng mà mẹ và bé ăn chay phải nỗ lực nhiều hơn để tiêu thụ thông qua chế độ ăn uống hoặc bổ sung vitamin tổng hợp.

Tuy nhiên, có một điều bạn cần lưu ý đó là ngay khi chế độ ăn của bạn không hoàn hảo thì nguồn sữa của bạn vẫn có thể chứa đủ các chất cần thiết cho bé. Vì nhà máy sản xuất sữa sẽ lấy “nguyên liệu” từ kho dự trữ trong cơ thể bạn. Do vậy nếu bạn ăn uống thiếu chất thì chính các kho này sẽ bị thiếu hụt và đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp chính là cơ thể bạn. Lúc này bạn có thể bị mệt mỏi thậm chí kiệt sức. Vì vậy bạn hãy cân nhắc việc bổ sung vitamin tổng hợp trong thời gian bạn cho con bú.

Khi bắt đầu ăn dặm, em bé của bạn có thể nhận được nhiều vitamin và khoáng chất hơn bạn nghĩ, đặc biệt là nếu bé ăn những loại thực phẩm ăn dặm được tăng cường chất, chúng thường có thêm vitamin A, kẽm và folate. Tuy nhiên khi cho trẻ ăn các loại thực phẩm này, bạn nên xem xét nhãn thực phẩm thật kỹ để kiểm tra hàm lượng chất dinh dưỡng được bổ sung. Vì đối với một số bé, lượng chất tăng cường đó là đủ nhưng số khác thì lại quá nhiều.

Bạn cũng cần biết rằng, việc lưu hành các loại vitamin tổng hợp trên thị trường thường không được quy định cụ thể vì vậy chất lượng và công dụng có thể khác nhau giữa các nhãn hiệu. 

Mẹ cho bé uống bằng thìa
Bạn nên cân nhắc việc bổ sung vitamin tổng hợp trong thời gian cho con bú. Ảnh Internet 

2. Một số chất cần thiết trong các viên vitamin tổng hợp mà bác sỹ có thể đề nghị bổ sung cho bé

2.1. Sắt

Sữa mẹ và sữa công thức đều chứa sắt, nhưng khi bé bắt đầu ăn dặm thì nhu cầu về sắt của cơ thể sẽ tăng vọt (từ 0.27mg mỗi ngày đến 6 tháng lên 11mg mỗi ngày từ 7-12 tháng). Vào thời điểm đó, điều quan trọng là bé được cung cấp đủ sắt từ những loại thực phẩm giàu sắt như thịt, ngũ cốc tăng cường sắt và các loại đậu như đậu lăng, đậu thận, đậu lima, đậu đen và đậu pinto (các loại thực phẩm này nên được xay nhuyễn khi bắt đầu cho bé làm quen).

Bé sẽ được đề nghị bổ sung sắt nếu con không ăn thực phẩm giàu chất này.

Ngoài ra, trẻ sinh non có ít sắt dự trữ khi sinh và thường cần được bổ sung. 

Mẹ cho bé bú
Sữa mẹ có chứa sắt nhưng trong một số trường hợp đến thời kỳ con ăn dặm cần được bổ sung thêm qua thức ăn. Ảnh Internet 

2.2. Vitamin D

Chỉ một lượng nhỏ vitamin D được chuyển vào sữa mẹ, đó là lý do Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (APP) khuyến cáo nên bổ sung cho bé 400 iu vitamin D hàng ngày, bắt đầu từ khi bé được vài ngày tuổi. Đối với bé uống sữa công thức hoàn toàn hay một phần nhưng lượng sữa tiêu thụ hàng ngày dưới 960 ml (32 ounce) cũng cần bổ sung 400 iu vitamin D hàng ngày.

Cơ thể chúng ta (và cả em bé) sản xuất vitamin D sau khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên làn da của bé rất mỏng manh và mỗi phút phơi nắng sẽ góp phần làm tăng nguy cơ ung thư da và hình thành nếp nhăn sớm sau này, ngay cả khi da không bị bỏng. Kem chống nắng giúp giữ da bé an toàn dưới ánh mặt trời nhưng nó cũng ngăn chặn các tia cho phép cơ thể sản xuất vitamin D. Vì vậy hiện nay, việc phơi nắng cho bé không còn được khuyến cáo, và thay vào đó là việc bổ sung vitamin D

Mẹ cho bé uống vitamin D
Mẹ cho bé uống vitamin D. Ảnh Internet 

2.3. Vitamin B12

Vitamin B12 rất quan trọng cho sự phát triển của hệ thần kinh và ngăn ngừa thiếu máu. Vitamin này có chứa nhiều trong cá, thịt, thịt gia cầm, trứng, sữa và các chế phẩm sữa. Nếu bạn đang cho con bú và không ăn nhiều (hoặc bất kì) protein động vật nào thì điều quan trọng là bạn cần được cung cấp vitamin B12 từ nguồn thường xuyên và đáng tin cậy cho dù đó là từ thực phẩm bổ sung hay tăng cường, để chế độ ăn của bé cũng có được đầy đủ loại vitamin này. 

Thực phẩm giàu vitamin B12
Vitamin B12 có nhiều rong cá, thịt, thịt gia cầm, trứng,... Ảnh Internet 

2.4. DHA

DHA là một axit béo omega-3 quan trọng cho sự phát triển não và mắt của trẻ sơ sinh. Nó xuất hiện trong sữa mẹ tương ứng với lượng DHA và axit béo thiết yếu trong chế độ ăn uống của bạn (sữa công thức thường được bổ sung đầy đủ hàm lượng DHA cần thiết cho trẻ).

Việc bổ sung DHA thường không được khuyến cáo cho trẻ sơ sinh, nhưng các bà mẹ cho con bú không tiêu thụ một nguồn thực phẩm chứa DHA – đặc biệt là người ăn chay – có thể muốn xem xét bổ sung loại chất này. Vì người ăn chay và trẻ sơ sinh của họ có nồng độ DHA trong máu thấp hơn người ăn thịt. 

Bé và bình sữa
Sữa công thức thường được bổ sung đầy đủ hàm lượng DHA cần thiết cho trẻ. Ảnh Internet 

3. Chọn loại vitamin tổng hợp nào để bổ sung cho bé

Đối với việc bổ sung vitamin tổng hợp có chứa các loại chất cần thiết cho bé mà bác sỹ đề nghị hay khuyến cáo, họ thường không đưa ra một nhãn hiệu cụ thể mà chỉ nêu các chất cần được bổ sung. Vấn đề ở đây là không giống như thuốc bán theo đơn hoặc không theo đơn, các loại vitamin tổng hợp thường không được quy định cụ thể. Kết quả là không có gì đảm bảo rằng các chất bổ sung bao gồm vitamin, chế phẩm sinh học, các sản phẩm thảo dược,…có chứa những gì nhà sản xuất đưa ra, hoặc thậm chí nó có an toàn hay không.

Tuy nhiên, có một số tổ chức độc lập hoặc của chính phủ (tùy theo quốc gia và khu vực) thực hiện những thử nghiệm đối với một số loại chất bổ sung này, sau đó công nhận và phê duyệt nếu chúng thực sự có hiệu quả.

Vì vậy, để đảm bảo an toàn khi sử dụng vitamin tổng hợp cho bé, bạn hãy xem xét, lựa chọn những sản phẩm có dấu phê duyệt của những tổ chức có uy tín. 

Kệ thuốc
Bạn nên lưu ý kỹ về việc chọn lựa thương hiệu để đảm bảo an toàn khi sử dụng vitamin cho bé. Ảnh Internet 

Vitamin tổng hợp cho bé không phải là vấn đề bức thiết nếu xét theo nhu cầu của cơ thể bé. Tuy nhiên, bạn vẫn nên xem xét hoàn cảnh và tình trạng sức khỏe của bản thân cũng như của bé, đồng thời tham khảo ý kiến bác sỹ hoặc chuyên gia, để bổ sung cho bé nếu cần thiết bạn nhé.

Theo Baby Centre

Lily Nguyễn tổng hợp

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI