1. Các nguyên nhân khiến trẻ ngủ hay giật mình thường gặp nhất
Nguyên nhân cơ bản khiến trẻ ngủ hay giật mình là do cơ thể nhạy cảm với các kích thích bên ngoài. Dưới đây là những lý do cụ thể làm cho trẻ ngủ hay giật mình ba mẹ nên lưu ý để phòng tránh và xử lý kịp thời nhé:
- Trẻ ngủ hay giật mình do không gian. Chỗ ngủ không thoải mái do nhiều ánh sang, nhiều tiếng ồn, không đủ ấm. Đôi khi do bố mẹ thay đổi chỗ ngủ đột ngột của trẻ từ phòng này sang phòng khác, hay từ nôi sang giường…cũng khiến con ngủ không ngon giấc mà giật mình giữa đêm.
- Hiện tượng trào ngược thực quản hay bị đầy hơi, khó tiêu gây khó chịu và làm cho trẻ ngủ hay giật mình. Sẽ rất nguy hiểm nếu bố mẹ không để mắt đến những trẻ gặp tình trạng này.
- Trẻ hay giật mình khi ngủ do gặp ác mộng hoặc do hội chứng sợ hãi về đêm, dù vô hại ở một số trẻ. Nguyên nhân này khiến trẻ thường tỉnh giấc và khóc lóc, la hét vì sợ hãi.
- Thiếu canxi cũng là nguyên nhân khiến trẻ ngủ hay giật mình. Những trẻ còi xương do thiếu canxi thường đi kèm các dấu hiệu trẻ chậm mọc răng , ra mồ hôi trộm, rụng tóc vành khăn… làm cho trẻ khó chịu và không ngủ thẳng giấc.
- Trẻ ngủ hay giật mình còn do các nguyên nhân sau: viêm họng, côn trùng cắn, viêm tai giữa, mắc chứng giun kim… làm cho trẻ bứt rứt ngủ không yên.
- Những bất thường về não bộ cũng khiến bé dễ giật mình trong lúc ngủ. Đây là một nguyên nhân rất hiếm nhưng vẫn tác động đến giấc ngủ của trẻ.
2. Mẹ nên làm gì để phòng tránh tuyệt đối hiện tượng trẻ ngủ hay giật mình?
- Mẹ phải đảm bảo chỗ ngủ của trẻ thật sự an toàn. Chỗ ngủ của trẻ phải có nhiệt độ và ánh sáng thích hợp. Là nơi không có nhiều ánh sáng chiếu vào và không quá lạnh cũng không quá nóng. Chỗ trẻ ngủ cũng không có các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính. Người lớn trong nhà cố gắng giảm bớt các âm thanh khi nói chuyện hay tiếng ồn từ TV... Những tác nhân bên ngoài không thích hợp sẽ dễ quấy rối giấc ngủ của trẻ, khiến trẻ hay giật mình giữa đêm.
- Cho trẻ nằm trên giường ngay khi chuẩn bị vào giấc ngủ sẽ giúp trẻ học cách tự ru mình ngủ. Nếu bố mẹ ẵm ru trẻ trên tay, thì khi đặt trẻ xuống giường trong lúc trẻ ngủ sẽ dễ làm trẻ hoang mang, giật mình và khóc quấy. Do trẻ có cảm giác mình đang bị rơi xuống. Bạn có thể nằm gần ru trẻ cho đến khi trẻ say giấc và nhẹ nhàng rời đi sau đó.
- Quấn chăn mỏng cho trẻ là một trong những cách khá hiệu quả hạn chế tình trạng trẻ ngủ hay giật mình. Chiếc chăn trên người bé giúp bé có được cảm giác an toàn và ấm áp khi ngủ.
- Khuyến khích trẻ vận động vào ban ngày và trước khi ngủ. Việc vận động làm trẻ mệt hơn sau một ngày và trẻ cần một giấc ngủ sâu để bù đắp năng lượng cho mình. Thêm vào đó, vận động giúp trẻ tăng sức mạnh các cơ bắp và kiểm soát cử động của mình. Từ đó, trẻ không còn bị lạ lẫm với các cử động của mình khi đang ngủ và việc giật mình sẽ không còn xảy ra.
- Đảm bảo trẻ bú đủ/ ăn đủ và không bị đói trước khi ngủ. Nếu trẻ bị đói sẽ khiến trẻ bụng cồn cào, làm cho trẻ khó chịu và giật mình, khóc lóc để được ăn thêm.
- Phòng tránh trẻ bị trào ngược hay khó tiêu. Bố mẹ không cho trẻ ăn hay bú quá no trước khi đi ngủ, để tránh trường hợp trẻ ngủ hay bị giật mình lúc nửa đêm. Sau khi bú/ ăn xong, bố mẹ nên cho trẻ chơi hay vận động nhẹ nhàng, để dạ dày bé được thư giãn trước khi ngủ.
- Đảm bảo cho giấc ngủ của bé được khô ráo. Mẹ nên mặc tã ban đêm cho bé, bởi vì trẻ sẽ tiểu đêm rất nhiều trong giấc ngủ dài của mình. Mẹ tránh mặc lệch tã để nước tiểu không bị tràn ra ngoài. Đối với trẻ lớn hơn, không cần mặc tã khi đi ngủ thì luôn cho trẻ đi tiểu trước khi lên giường ngủ, để tránh trẻ tè dầm trong lúc ngủ. Trẻ ngủ hay giật mình nếu chỗ ngủ thường xuyên bị ướt, không khô ráo, thoáng mát.
- Cho con nghe nhạc êm dịu trước khi ngủ, sẽ giúp giảm tránh hiện tượng trẻ ngủ hay giật mình. Mẹ có thể hát ru nhẹ nhàng cho trẻ nghe. Trẻ sẽ cảm thấy hạnh phúc khi được nghe giọng mẹ bên tai khi đang lim dim. Giai điệu êm ái giúp cho cơ thể và não của trẻ thư giãn tuyệt đối, trẻ có được cảm giác yên bình trước khi chìm vào giấc ngủ.
- Mẹ nhớ cung cấp đủ canxi cho bé, để hạn chế tình huống trẻ ngủ hay giật mình mẹ nhé. Mẹ có thể cho trẻ ăn các thực phẩm giàu canxi , kết hợp cho trẻ tắm nắng sáng, để trẻ hấp thu được lượng canxi cần thiết.
3. Mẹ xử lý như thế nào khi trẻ ngủ hay giật mình?
Mẹ không nên vội vàng vỗ lưng trẻ khi trẻ giật mình hay cho bé bú ngay, mẹ phải quan sát xem trẻ có tiếp tục giấc ngủ của mình không. Nếu trẻ khóc lóc cử động mạnh thì lúc đó bố mẹ mới dỗ dành và ru trẻ ngủ tiếp.
Đối với những trẻ ngủ hay giật mình vì gặp phải ác mộng và có thể kể lại giấc mơ đó thì bố mẹ cho trẻ uống nước để trẻ bình tĩnh lại. Bố mẹ có thể nghe trẻ kể lại điều làm trẻ sợ trong giấc mơ và trấn an trẻ quên những hình ảnh đó. Bố mẹ chỉ cần trấn an và giúp trẻ thư giãn, thoải mái để tiếp tục giấc ngủ của mình là đủ. Bố mẹ không cần phải giải thích về giấc mơ vì các trẻ chưa đủ lớn để hiểu điều đó.
Giấc ngủ là vô cùng quan trọng đối với sự phát triển thể chất của trẻ cũng như tâm sinh lý của con. Trẻ ngủ hay giật mình là một trong những nguy cơ kìm hãm sự phát triển toàn diện của trẻ. Vì vậy, bố mẹ nên quan tâm và đảm bảo các điều kiện thật tốt, giúp con yêu có những giấc ngủ thật ngon thật chất lượng nhé.
Minh Tâm tổng hợp