1. Trẻ khóc đêm ngủ ngày và hậu quả
Các mẹ có để ý rằng, ngay từ khi trong bụng mẹ, trẻ đã có thói quen ngủ ngày, trẻ thường nghịch vào bạn đêm nhưng khá “yên ắng” vào ban ngày phải không nhỉ. Do đó, trẻ có thể duy trì nhịp sinh học này sau khi chào đời. Với những trẻ được sinh ra vào ban đêm thì khả năng thức đêm của trẻ sẽ cao và kéo dài hơn bình thường.
Hiện tượng trẻ khóc đêm ngủ ngày không những kìm hãm sự phát triển lành mạnh của trẻ, mà còn gây căng thẳng cho các mẹ. Giấc ngủ đêm là vô cùng quan trọng đối với quá trình phát triển toàn diện từ thể chất đến tâm sinh lý của trẻ. Ban đêm là khoảng thời gian vàng để hệ thần kinh cũng như toàn bộ cơ thể của trẻ được thư giãn.
Thêm vào đó, hệ miễn dịch và toàn bộ quá trình trao đổi chất trong cơ thể trẻ được diễn ra một cách hiệu quả nhất. Các quá trình bài tiết chất độc cũng diễn ra mạnh mẽ vào ban đêm giúp cơ thể trẻ lớn lên lành mạnh. Vì vậy, nếu trẻ khóc đêm ngủ ngày kéo dài liên tục sẽ dễ gây ra các bệnh lý. Tình trạng có thể còn gây ức chế thần kinh, kém phát triển trí tuệ kèm theo các triệu chứng tâm lý đáng tiếc cho trẻ.
Ban ngày là thời điểm lý tưởng để trẻ vui chơi, học hỏi và tham gia các hoạt động ngoài trời. Các hoạt động này kích thích sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ. Mọi vận động cơ thể, trí não và ăn uống, tắm nắng đóng vai trò rất quan trọng đối với trẻ. Nếu trẻ khóc đêm ngủ ngày sẽ là thiếu hụt to lớn cho các quá trình trao đổi và tổng hợp chất, cũng như các quá trình nhận thức về thế giới xung quanh vào ban ngày.
Trẻ khóc đêm ngủ ngày liên tục còn làm cho thời gian sinh học của mẹ cũng bị ảnh hưởng tiêu cực. Sau một ngày làm việc mệt mỏi, mẹ còn phải thức trông và ra sức dỗ dành trẻ vào ban đêm. Như thế mẹ sẽ không được ngủ đủ để khôi phục năng lượng sau một ngày dài. Điều này cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình nuôi dạy con của mẹ. Sự thiếu ngủ có thể gây ra mệt mỏi, khiến mẹ trở nên cáu gắt và không thể kiên nhẫn với trẻ trong quá trình trông con hay dạy con.
2. Biện pháp cải thiện tình trạng trẻ khóc đêm ngủ ngày
2.1 Dạy con phân biệt ngày – đêm
Vào ban ngày, mẹ hãy tích cực cho trẻ tham gia các hoạt động vui chơi, vận động cơ thể để đánh thức não bộ cũng như toàn bộ cơ thể trẻ. Mẹ cần thiết phải cho trẻ tiếp xúc với ánh sáng mặt trời thường xuyên để trẻ nhận biết được ánh nắng sáng. Từ đó, trẻ sẽ nhận biết được ban ngày có nhiều ánh sáng và mình sẽ hoạt động vào ban ngày.
Khi cho trẻ đi ngủ, mẹ sẽ tắt hết các đèn trong phòng, chỉ để đèn ngủ với ánh sáng dịu nhẹ. Mẹ cũng nên đóng cửa và hạn chế tất cả các hoạt động khác, không chơi cùng con, không tạo tiếng ồn. Tập cho trẻ thói quen đi ngủ vào một khung giờ cố định và không gian ít sáng.
Tạo thói quen sinh học cố định sẽ giúp hạn chế tình trạng trẻ khóc đêm ngủ ngày. Sau một giấc ngủ dài vào ban đêm, mẹ nhất thiết phải đánh thức trẻ vào một khung giờ cố định vào buổi sáng cho dù trẻ có muốn “nướng” đến đâu đi nữa.
Việc cho trẻ tập thể dục và tắm nắng sáng cũng là tín hiệu giúp cơ thể trẻ thức giấc, nhằm khắc phục tình trạng trẻ khóc đêm ngủ ngày. Sau thời điểm thức giấc đó, mẹ hãy cùng trẻ tham gia các trò chơi, trò chuyện, hướng trẻ vào các hoạt động vừa sức. Trẻ sẽ nhận thấy ban ngày có nhiều hoạt động, tiếng ồn, ánh sáng và có người chơi với mình. Ba mẹ lưu ý cho trẻ nghỉ ngơi vào ban ngày một cách hợp lý, sẽ giúp cơ thể trẻ được khỏe mạnh và trẻ ngủ ngon hơn vào ban đêm. Việc dạy trẻ phân biệt ngày – đêm giúp trẻ ý thức được những hoạt động nên làm ban ngày và ban đêm là thời gian để ngủ.
2.2 Ngủ liền mạch - biện pháp hiệu quả giúp cải thiện tình trạng trẻ khóc đêm ngủ ngày
Mẹ hãy trang bị không gian ngủ lý tưởng để trẻ có thể tập trung vào giấc ngủ ban đêm của mình. Tạo cho trẻ những thói quen trước khi đi ngủ cũng là một tín hiệu cho trẻ thấy sau những hoạt động đó là thời gian nằm ngủ: Uống sữa, làm sạch răng miệng, mặc tã, mặc quần áo thoải mái, ba mẹ kể chuyện cho trẻ nghe,…
Nếu trẻ khóc giữa đêm mà không có gì nguy hiểm thì ba mẹ cũng không cần lập tức xuất hiện và dỗ dành. Nên để yên cho trẻ khóc và khi thấy không được đáp ứng nhu cầu thì trẻ sẽ tự ru mình vào giấc ngủ. Những hoạt động này diễn ra thường xuyên, giúp trẻ ý thức rằng sau đó mình sẽ không thể khóc lóc đòi hỏi hoạt động vào ban đêm nữa. Thói quen này đóng vai trò quan trọng giúp khắc phục hiệu quả tình trạng trẻ khóc đêm ngủ ngày.
Đảm bảo trẻ không mắc các bệnh lý hay thiếu can-xi . Những yếu tố này sẽ cản trở giấc ngủ của trẻ, làm trẻ khó chịu và thức giấc khóc vào ban đêm. Vậy nên, ba mẹ nên cho trẻ thăm khám bệnh định kỳ để có thể kịp thời phát hiện và điều trị bệnh lý cho trẻ nếu có, hoặc bổ sung các chất bị thiếu hụt. Từ đó, trẻ sẽ cảm thấy thoải mái dễ chịu, cơ thể khỏe mạnh và an tâm đi ngủ, không còn xảy ra tình trạng trẻ khóc đêm ngủ ngày nữa.
Trẻ khóc đêm ngủ ngày không phải là vấn đề quá xa lạ đối với hầu hết các bà mẹ. Ít nhất trong một giai đoạn nhất định nào đó khi chăm con, bà mẹ nào cũng đều gặp tình trạng này, với các mức độ và thời gian ngắn dài khác nhau mà thôi. Yeutre.vn mong rằng, qua nội dung chia sẻ này, ba mẹ sẽ nắm rõ hơn cách cải thiện tình trạng trẻ khóc đêm ngủ ngày một cách thực sự hiệu quả, để con phát triển tốt, còn ba mẹ thì cũng đỡ cực và lo lắng đi.
Minh Tâm tổng hợp