1. Nguyên nhân gây ra tình trạng trẻ hay khóc mơ
Gặp ác mộng là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hiện tượng trẻ hay khóc mơ giữa đêm. Trẻ em thường có nhiều nỗi sợ hãi vô hình trong cuộc sống hàng ngày, như sợ ma, sợ quái vật. Kết hợp với những áp lực như bị ba mẹ la, thầy cô la, nhiều bài tập chưa làm được, bạn bè không chơi với mình - tất cả khiến cho trẻ căng thẳng và không thoải mái khi ngủ.
Thêm vào đó, cùng với trí tưởng tượng phong phú, trẻ hay cường điệu nhiều hình ảnh, sự vật kì lạ thành nỗi sợ của mình. Chính những điều đó có thể làm cho trẻ có những giấc mơ đáng sợ, khiến trẻ bất ngờ khóc mếu máo, la hét, đạp chân, vung tay và dẫn đến tình trạng trẻ hay khóc mơ. Khóc là dấu hiệu cho thấy trẻ quá mệt mỏi, trẻ đang giải tỏa áp lực một cách vô thức. Khi lớn lên, trẻ nhận thức được nhiều hơn về thế giới thực tế, những nỗi sợ đó cũng dần biến mất.
Theo một nghiên cứu được tiến hành tại Hà Lan, có khoảng 96% trẻ từ 7 – 9 tuổi hay gặp những cơn ác mộng, 76% xảy ra ở trẻ 10 – 12 tuổi và 68% xảy ra ở trẻ từ 4 – 6 tuổi. Trẻ hay khóc mơ còn có thể do các nguyên nhân khác như sau:
- Chỗ ngủ không thoải mái, nhiều tạp âm, quá tối, quá lạnh hoặc quá nóng
- Trẻ hoạt động quá mức, vượt quá giới hạn thể chất của trẻ vào ban ngày
- Trẻ bị bệnh thông thường như đau bụng, đau răng, nghẹt mũi, ho,...
- Trẻ mắc các bệnh lý liên quan đến hệ thần kinh, xương,...
- Trẻ thường xuyên tè dầm
- Trẻ bị đói bụng hay quá no
2. Cần xử lý thế nào khi trẻ hay khóc mơ?
Điều quan trọng trước tiên là cần hạn chế để trẻ hoạt động và cười đùa quá mức, hạn chế phim ảnh mang tính bạo lực, khoa học viễn tưởng, kinh dị,...vào ban ngày. Ba mẹ không nên quát mắng, hù dọa con quá mức, quá thường xuyên để tránh gây ra áp lực, nỗi sợ cho trẻ để hạn chế tình trạng trẻ hay khóc mơ vào ban đêm. Ba mẹ nên nhẹ nhàng dạy bảo con, kiên nhẫn lắng nghe trẻ và giải thích để trẻ hiểu nhằm giúp trẻ cảm thấy được yêu thương và yên tâm ngủ ngon giấc vào ban đêm .
Nếu trẻ nhìn thấy các cảnh bạo lực nào đó, hoặc nghe những điều không hay từ mọi người xung quanh khiến trẻ sợ hãi, ba mẹ nên vỗ về, trấn an và trò chuyện để giải đáp những khúc mắc trong suy nghĩ của con. Khi trẻ được giải tỏa nỗi niềm đó, dây thần kinh cảm giác sẽ hoạt động êm dịu hơn, giúp trẻ yên tâm với giấc ngủ của mình, tránh gây ra tình trạng trẻ hay khóc mơ.
Nếu biết trẻ đang bị áp lực về tinh thần, bị thầy cô la hay mối quan hệ bạn bè không tốt, ba mẹ nên tìm cách giúp trẻ giải quyết các vấn đề căng thẳng đó - điều đó giúp trẻ dễ dàng ngủ thẳng giấc, không còn bị áp lực đè nén, giúp hạn chế tình trạng trẻ hay khóc mơ.
Trường hợp trẻ hay khóc mơ với các biểu hiện như khóc thét, la hét, quấy tung mền gối, đổ mồ hôi đầu đầm đìa,... Ba mẹ cần nhanh chóng đến bên xoa dịu trẻ, vỗ về. Có thể trấn an trẻ bằng cách trò chuyện nhẹ nhàng, hát ru êm ái, khi đó, trẻ sẽ yên tâm hơn với sự hiện diện của người thân bên cạnh. Sau đó, ba mẹ giúp con lau mồ hôi, xếp lại nệm, tạo không gian thoải mái hơn, có thể đốt tinh dầu hương trẻ yêu thích để giúp con tiếp tục giấc ngủ của mình.
Trước khi trẻ đi ngủ, ba mẹ nhớ chuẩn bị phòng ngủ cho bé thoáng đãng hợp lý, cho bé ăn uống vừa đủ no, mặc tã thoáng mát, để không cảm thấy khó chịu, tránh thức giấc giữa đêm. Ngoài ra, ba mẹ cần nhớ cung cấp đủ can-xi vào khẩu phần ăn hàng ngày cho con. Nếu trẻ mắc bệnh, cần đi khám bác sĩ để được điều trị kịp thời, phù hợp. Đối với trường hợp trẻ hay khóc mơ kéo dài liên tục, ba mẹ cần tham khảo ý kiến từ các chuyên gia tâm lý, cũng như bác sĩ, để có biện pháp can thiệp kịp thời cho trẻ, giúp con ngủ sâu sau những ngày học tập và vui chơi mệt nhọc.
Trẻ hay khóc mơ là tình trạng xảy ra khá phổ biến ở các bé dưới 1 tuổi. Đây là độ tuổi trẻ có những biến đổi quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển các đặc điểm thể chất, cũng như tâm sinh lý. Do đó, ba mẹ cần lưu ý nhiều hơn trong việc thiết kế không gian phòng ngủ, bổ sung khẩu phần ăn đảm bảo dinh dưỡng, quản lý các chương trình trẻ tiếp xúc, nói chuyện giải tỏa những áp lực con gặp phải, để giúp con ngủ ngon và mơ đẹp hơn.
Minh Tâm tổng hợp