Trẻ em mấy tuổi được dùng điện thoại bố mẹ có thực sự quan tâm?

banner ads
Trẻ nhỏ dùng điện thoại
Trẻ dùng điện thoại, thiết bị thông minh ngày nay từ rất sớm là cực kỳ phổ biến. Ảnh Internet 

1. Trẻ em mấy tuổi được dùng điện thoại?

Trẻ mấy tuổi được dùng điện thoại không phải theo chủ quan của chúng ta, mà vấn đề này đã được cả thế giới vào cuộc, bàn luận từ lâu, bởi nó là một vấn đề khá bức thiết của thời đại.

Vào giữa năm 2019, WHO đã đưa ra hướng dẫn, lặp lại khuyến nghị của Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ trước đó, liên quan đến độ tuổi trẻ có thể tiếp xúc điện thoại và thiết bị thông minh như sau:

  • Trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi không nên tiếp xúc với màn hình điện tử.
  • Trẻ em trong độ tuổi từ 2-4 tuổi không nên tiếp xúc với màn hình điện tử quá 1 giờ đồng hồ mỗi ngày.

Với các trẻ từ 5 đến dưới 9 tuổi 12 tuổi, theo nhiều chuyên gia, việc sử dụng điện thoại hay các thiết bị thông minh cũng cần được xem xét về thời lượng, có giám sát chặt chẽ để bảo đảm sức khỏe và sự phát triển của con.

Còn với trẻ từ 9-15 tuổi, một điều cần kiên quyết nhất định phải thực thi là trẻ không được dùng điện thoại, thiết bị thông minh trong khoảng 9 giờ tối đến 7 giờ sáng. 

Trẻ lớn dùng điện thoại
Với trẻ lớn, thời lượng dùng điện thoại hay thiết bị thông minh cũng cần phải được giám sát. Ảnh Internet 

2. Tại sao không nên cho trẻ dùng điện thoại sớm và cần nghiêm khắc về vấn đề này?

Có rất nhiều nghiên cứu, đánh giá, kết luận của các chuyên gia, bác sỹ...nêu ra tác hại cụ thể của việc trẻ tiếp xúc với màn hình điện tử từ sớm. Cụ thể có thể tóm lược qua 7 tác hại rất điển hình như dưới đây:

banner ads

2.1. Màn hình điện tử lấy đi thời gian quan trọng của bé

Một số chuyên gia cho rằng, màn hình điện tử không thực sự nguy hiểm cho trẻ em nhưng tác hại thấy rõ nhất là màn hình sẽ lấy đi thời gian của bé để con có hoạt động thể chất và có được giấc ngủ chất lượng. Trong khi đó, sự vận động và giấc ngủ mang lại rất nhiều lợi ích cho sự phát triển toàn diện của trẻ. 

Trẻ khó ngủ
Điện thoại hay thiết bị thông minh sẽ khiến trẻ không có giấc ngủ chất lượng. Ảnh Internet 

2.2. Màn hình gây hại cho não bộ, ảnh hưởng đến sự phát triển ngôn ngữ, tương tác xã hội của bé

Chúng ta cần biết rằng, ở những năm đầu đời, bộ não của trẻ phát triển rất nhanh và cách để trẻ học hỏi tốt nhất là qua tương tác với mọi người, chứ không phải là màn hình. Cũng trong thời gian này, việc không giao tiếp bằng mắt với mọi người có thể gây hại cho sự phát triển não bộ của bé.

Cụ thể hơn, giao tiếp với màn hình thay vì giao tiếp với cha mẹ, anh chị em hay mọi người xung quanh sẽ cản trở sự phát triển ngôn ngữ, tương tác xã hội và cảm xúc của trẻ. Điều này ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ về hiểu biết, đồng cảm, cách nhận biết bản thân và kết nối với các mối quan hệ khác. Cũng có nghiên cứu còn chỉ ra cụ thể rằng, sử dụng điện thoại di động có thể trì hoãn ngôn ngữ biểu cảm ở trẻ 19 tháng tuổi.

Trong đầu năm 2020, một nghiên cứu công bố, việc quét MRI não của trẻ từ 3-5 tuổi cho thấy, ở những trẻ sử dụng màn hình điện tử hơn 1 tiếng mỗi ngày mà không có sự tham gia của cha mẹ, thì phát triển chất trắng trong não trẻ thấp hơn. Mà, chất trắng này liên quan đến ngôn ngữ, khả năng đọc viết và phát triển kỹ năng nhận thức.  

Trẻ buồn bã
Sử dụng điện thoại sớm có thể tri hoãn sự phát triển ngôn ngữ ở trẻ. Ảnh Internet 

2.3. Màn hình làm kém đi kỹ năng vận động của trẻ và các kỹ năng liên quan khác

Với các trẻ mới biết đi và dưới 2 tuổi, bé cần phải hoạt động thể chất để khám phá môi trường xung quanh. Nếu gắn với màn hình, con ít vận động thậm chí là không vận động, như vậy kỹ năng vận động và những gì con xây dựng được qua hoạt động thể chất chắc chắn sẽ kém đi. Điều này ảnh hưởng nhiều đến những kỹ năng khác khi con lên 3 tuổi. Cứ thế những hệ lụy lại liên đới đến các giai đoạn phát triển tiếp theo khi con lên 4-5 tuổi.

2.4. Tiếp xúc sớm với điện thoại và thiết bị điện tử, trẻ dễ bị bệnh về tim mạch trong tương lai hơn

Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ cũng đưa ra nhận định rằng, thời gian gắn bó với màn hình điện tử nhiều có thể góp phần gây ra bệnh tim cho trẻ trong tương lai. Vì khi dành thời gian cho màn hình điện tử nhiều, trẻ sẽ ít vận động đi. Điều này liên quan trực tiếp đến tình trạng thừa cân béo phì . Và thực tế, tình trạng béo phì ở trẻ sẽ có xu hướng tiếp tục diễn tiến đến tuổi trưởng thành. Đây chính là một trong những yếu tố gây ra cholesterol cao, huyết áp cao dẫn đến các bệnh về tim mạch và hàng loạt các bệnh nghiêm trọng khác nữa. 

Bệnh tim ở trẻ
Tiếp xúc sớm và thường xuyên dùng điện thoại khi còn nhỏ, trẻ dễ bị bệnh tim trong tương lai. Ảnh Internet 

2.5. Màn hình góp phần làm giảm sự tập trung chú ý của trẻ

Không chỉ ảnh hưởng đến kỹ năng vận động, ngôn ngữ, sức khỏe thể chất,...các bác sỹ còn lo ngại, việc trẻ tiếp xúc nhiều với màn hình có ảnh hưởng đến sự chú ý, tập trung lẫn kiểm soát sự thèm ăn của trẻ.

Giải thích cho lo ngại này, có những nghiên cứu cụ thể chỉ ra rằng, các trẻ từ 3-5 tuổi được cha mẹ đọc sách cho nghe hay dạy cho tập đọc qua sách điện tử, thì khả năng đọc hiểu của các bé thấp hơn so với hoặc qua nghe qua các loại sách giấy bình thường. Một phần lý do là âm thanh từ sách điện tử làm cho cả trẻ lẫn cha mẹ bị mất tập trung vào câu chuyện, hay nội dung chính của sách. Một số nghiên cứu khác thì cho thấy, những bé ở độ tuổi lên 2 khi học qua ứng dụng tương tác, con học từ ngữ nhanh hơn so với ứng dụng thụ động.

2.6. Các thiết bị thông minh ảnh hưởng đến cảm xúc của trẻ

Các nhà nghiên cứu cũng đưa ra bằng chứng rằng, trẻ tiếp xúc nhiều với màn hình các thiết bị thông minh , thiếu tương tác trực diện sẽ khiến chúng khó có thể hiểu được cảm xúc của người khác. Trong khi đó, trí tuệ xã hội và cảm xúc rất quan trọng để giúp trẻ thành công trong cuộc sống khi lớn lên.

Ngoài ra, theo bà Catherine Steiner Adair - nhà tâm lý học lâm sàng trực thuộc Harvard cho rằng, trẻ em cần thời gian để mơ mộng giải quyết những lo lắng, xử lý những suy nghĩ và chia sẻ chúng với cha mẹ của mình - những người có thể trấn an trẻ khi cần thiết. Điều này sẽ không xảy ra khi trẻ gắn bó với thiết bị thông minh. 

Trẻ ngồi một mình
Thiết bị thông minh ảnh hưởng nhiều đến phát triển cảm xúc của trẻ. Ảnh Internet 

2.7. Hệ lụy tiêu cực từ nội dung trên các thiết bị thông minh

Liên quan đến vấn đề này, hầu như chúng ta đều thấy rõ ràng, trẻ em ngây thơ, mức độ tự nhận diện hay sàng lọc thông tin tích cực có ích cho mình qua thiết bị thông minh có kết nối trực tuyến là rất thấp. Các con hoàn toàn có thể dễ dàng trở thành nạn nhân của thông tin và video sai lệch trên Internet. Còn về bằng chứng cụ thể cho thấy vấn đề này ảnh hưởng nghiêm trọng hay nguy hiểm thế nào đối với suy nghĩ, cảm xúc, hành vi của trẻ, có lẽ hầu hết phụ huynh người lớn chúng ta đều đã rõ rồi.

3. Giải pháp nào thay thế cho việc cho trẻ dùng điện thoại để giải trí?

Đề cập như trên không hoàn toàn có nghĩa là điện thoại hay thiết bị thông minh hoàn toàn mang lại điều xấu cho trẻ. Tuy nhiên chúng ta cần phải xác định rõ độ tuổi của con và thời lượng trẻ dùng để không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của bé.

Nghiêm khắc thực thi và cương quyết thực hành một cách phù hợp trong thực tế, liên quan đến việc cho trẻ dùng điện thoại hay thiết bị thông minh khác là điều đầu tiên mọi phụ huynh nên lưu ý thực hiện. Vì một vài lần tặc lưỡi cho qua hay mặc kệ hoặc chấp nhận đó là giải pháp tạm thời, đều có thể tạo thói quen không tốt cho trẻ và gây hệ lụy sâu, lâu dài đến sự phát triển, tương lai của con. 

Mẹ nói chuyện với trẻ
Mọi phụ huynh đều nên nghiêm khắc với việc cho con sử dụng điện thoại hoặc thiết bị thông minh. Ảnh Internet 

Vậy trong thời gian rảnh rỗi của trẻ, chúng ta có thể chọn giải pháp nào để thay thế? Theo các chuyên gia giáo dục chăm sóc trẻ em, các nhà tâm lý học,...có rất nhiều cách để phụ huynh giúp trẻ biến thời gian nhàn rỗi thành khoảng thời gian có ích cho học hỏi, phát triển các kỹ năng, cải thiện thể chất mà chúng ta có thể áp dụng. Cụ thể như:

  • Cha mẹ tạo "công ăn việc làm" cho trẻ qua việc chia sẻ việc nhà, tập cho trẻ làm việc nhỏ phù hợp với khả năng và độ tuổi. Trẻ sẽ nhận thấy giá trị của bản thân với sinh hoạt hàng ngày của gia đình hơn.
  • Tập cho trẻ một kỹ năng nào đó phù hợp trong thời gian không đến trường như nấu ăn, tự sắp xếp không gian học tập vui chơi của mình, dạy trẻ làm việc nhà , các lập kế hoạch cho một việc gì đó, kỹ năng tính toán chi tiêu tiết kiệm, kỹ năng giao tiếp với người khác, chăm sóc cây vườn,...Các kỹ năng này đều có bài học bài tập để con thực hành xen kẽ các việc khác trong thời gian tạm nghỉ ở nhà.
  • Cho trẻ học thêm một bộ mon nào đó phù hợp trong thời gian ngắn hạn như học vẽ, học may vá, đan móc, sửa chữa đồ đạc,...
  • Cùng con nghiên cứu bàn luận về một vấn đề nào đó, một quyển sách, những câu chuyện, các bài hát,...

Và không chỉ dừng ở đó, tùy hoàn cảnh, điều kiện gia đình, độ tuổi của trẻ, ý tưởng của cha mẹ,...chúng ta hoàn toàn có thể tìm ra thêm nhiều giải pháp thú vị khác, giúp trẻ tiêu pha thời gian một cách có ích nhất, mà không phụ thuộc vào điện thoại hay các thiết bị thông minh khác. 

Bố vẽ cùng bé
Cùng con học vẽ cũng là một giải pháp tuyệt vời để biến thời gian rảnh của con trở nên có ích. Ảnh Internet

Có thể với nhiều cha mẹ, biết trẻ em mấy tuổi thì được dùng điện thoại, biết tác hại của việc trẻ tiếp cận điện thoại hay thiết bị thông minh sớm là không tốt nhưng nhắm mắt cho qua vì nhiều lý do. Song, chúng ta nên tỉnh táo rằng, quan tâm đến việc cho trẻ dùng điện thoại hay thiết bị thông minh trong thời gian con "rảnh", Yeutre.vn thiết nghĩ cũng quan trọng như vấn đề chăm sóc dinh dưỡng bồi bổ thể chất, tăng đề kháng cần thiết cho các con vậy. Vì thế, nhân dịp thời gian "rỗi" không mong muốn ở hiện tại, cả chúng ta và trẻ có thêm một khoảng thời gian được xem là lợi tức bất ngờ, khi có giải pháp tích cực phù hợp.

Nguồn tham khảo: WHO, WebMD & Raise Smart Kid

Cát Lâm tổng hợp

Đã có 4 người đánh giá Hữu Ích

Đã có 2 người đánh giá bài viết này Đáng Tin Cậy

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI