Cách đọc sách cho con ba mẹ đã thực hiện đúng?

Cách đọc sách cho con là việc nhiều bậc cha mẹ cho là khá đơn giản. Vì đọc một bài thơ, kể một câu chuyện cho trẻ trước khi ngủ thì có vẻ không phức tạp. Chúng ta thường nghĩ rằng trang bị sách truyện thiếu nhi, cổ tích và lần lượt đọc cho con nghe là đủ. Nhưng sự thực có phải như vậy. Và thực tế thì bạn đã thực hiện đúng cách trong vấn đề này chưa. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé. 

banner ads
Bố cùng con đọc sách
Cách đọc sách cho con là việc cha mẹ nên thực hiện đúng từ sớm. Nguồn ảnh: Nurturing Literacy 

1. Tầm quan trọng của cách đọc sách cho con

Chúng ta có lẽ đều nhận thức được tầm quan trọng của việc đọc sách đối với trẻ nhỏ. Sách sẽ giúp trẻ phát triển trí tuệ cũng như sự ham học hỏi trong tương lai. Tuy nhiên chúng ta cũng cần lưu ý rằng cách đọc sách cho con cũng không kém phần quan trọng. Nó sẽ góp phần lớn quyết định trẻ có yêu thích, hào hứng với việc đọc sách. Và từ đó giúp con hình thành thói quen tốt này khi lớn lên hay không.

Để trẻ lớn lên thông minh hơn, việc rèn luyện để trở thành “mọt sách” từ sớm là điều cha mẹ cần làm. Để giúp con hình thành thói quen đọc sách , bạn hãy giúp con bắt đầu từ thật sớm, từ độ tuổi sơ sinh đến tiểu học.

Một môi trường đọc sách vui vẻ, thoải mái và sinh động sẽ khiến trẻ sớm yêu thích việc đọc. Vì đối với con, đọc sách là một hoạt động thú vị, tích cực và đem lại nhiều niềm vui. 

Bé trai đọc sách
Sách giúp trẻ phát triển trí tuệ và sự ham học hỏi. Ảnh Pixabay 

2. Cách đọc sách cho con như thế nào

Để thực hiện đúng cách đọc sách cho con bạn có thể tham khảo các bước dưới đây:

2.1. Hướng dẫn chung về cách đọc sách cho con

Dưới đây là một số hướng dẫn chung về cách đọc sách cho con, bạn hãy:

  • Ngồi đọc sách ở vị trí mà cả bạn và trẻ đều thấy thoải mái. Bạn hãy đảm bảo mọi người đều có thể xem được hình ảnh trong sách. Ví dụ, bạn có thể ngồi bên cạnh một hoặc hai trẻ. Nếu bạn đọc cho đông trẻ hơn, hãy cho trẻ ngồi thành nửa vòng tròn, sau đó bạn ngồi lên trước trẻ một chút để tất cả trẻ đều có thể nhìn được sách.
  • Cho trẻ một chút thời gian, đặc biệt là trẻ nhỏ, để ổn định chỗ ngồi và sẵn sàng cho việc đọc, nghe sách.
  • Tâm trạng là một yếu tố quan trọng đối với việc lắng nghe. Bạn hãy tạo cho trẻ sự mong đợi, háo hức.
  • Sử dụng cách đọc thật diễn cảm và thường xuyên thay đổi tông giọng cho phù hợp với các nhân vật trong truyện.
  • Điều chỉnh tốc độ đọc của bạn cho phù hợp với câu chuyện. Trong phần hồi hộp, bạn hãy giảm tốc độ, nhấn mạnh từ ngữ để làm cho các “khán giả” không thể ngồi yên ở chỗ của mình được.
  • Hãy đọc thật nhiệt tình, hăng hái. Để làm được điều này, bạn hãy chọn câu chuyện mà bạn cũng yêu thích. Vì sự hời hợt sẽ thể hiện rất rõ trong giọng đọc của bạn. Và trẻ nhỏ - những khán thính giả vô cùng tinh ý – sẽ dễ dàng nhận ra điều đó.
  • Đừng để trẻ chỉ nhìn vào những hình ảnh trong sách trong khi bạn đọc toàn bộ câu chuyện. Hãy hướng sự chú ý của trẻ cả vào phần chữ nữa. Bạn hãy đọc cùng trẻ chứ đừng chỉ đọc cho trẻ nghe. Bạn hãy lưu ý rằng mình đang cố gắng giúp trẻ xây dựng kỹ năng cũng như chiến lược đọc sách, chứ không phải cho con xem sách tranh không. 
Bé gái đọc sách trong vườn
Bạn nên giúp con tập thói quen chọn chỗ ngồi đọc sách thoải mái. Ảnh Pixabay 

2.2. Cách đọc sách cho con

Cách đọc sách cho con không chỉ gồm cách thức trong khi đọc. Nó bao gồm cả quá trình chuẩn bị, đọc và sau khi kết thúc giờ đọc.

2.2.1. Trước mỗi lần đọc sách cho con

Giai đoạn chuẩn bị trong cách đọc sách cho con bao gồm những lưu ý sau, bạn hãy:

  • Giới thiệu tên tác giả, ví dụ như bằng cách nói: con có nhớ chúng ta đã thích câu chuyện….của tác giả này như thế nào không? Con có nhớ chúng ta thích điểm nào nhất trong câu chuyện không? Và đây là một câu chuyện khác của cô ấy/ ông ấy. Chúng ta hãy cùng đọc xem câu chuyện này có điểm gì thú vị như quyển sách hôm trước không nhé.
  • Cho trẻ xem bìa quyển sách. Bạn hãy hỏi ý kiến của trẻ về bìa quyển sách và qua đó con dự đoán như thế nào về câu chuyện sắp đọc.
  • Cùng thảo luận với trẻ về tiêu đề của câu chuyện.
  • Cung cấp cho trẻ thông tin về bối cảnh, nhân vật và nơi câu chuyện diễn ra. Với trẻ lớn hơn, bạn hãy cho trẻ biết thể loại (tiểu thuyết, phi hư cấu, truyện dân gian, thần thoại, bí ẩn, khoa học viễn tưởng, truyện ngụ ngôn.)
  • Hãy đưa ra mục đích đọc và báo hiệu rằng câu chuyện sẽ bắt đầu. Bạn có thể nói với trẻ: “Mẹ sẽ bắt đầu đọc nhé. Trong khi mẹ đọc, con hãy lắng nghe cẩn thận xem “…” (tên nhân vật) gặp phải vấn đề gì và anh ấy/ cô ấy giải quyết như thế nào”. 
2 cậu bé cầm sách
Cho trẻ xem bìa sách và hỏi ý kiến trẻ về nó. Ảnh Pixabay 

2.2.2. Trong khi đọc sách cho con

Trong khi đọc sách cho con, bạn cần không những đọc mà giữ tương tác để đảm bảo trẻ lắng nghe cũng như hiểu câu chuyện. Bằng cách:

  • Hỏi trẻ các câu hỏi để cung cấp thêm thông tin cho con. Việc này sẽ giúp trẻ:

+ Hiểu nghĩa của một số từ không thông dụng. Ví dụ: “Con hiểu nghĩa từ … như thế nào?

+ Giúp trẻ phát triển khả năng suy đoán. Ví dụ: “Con nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo? Vì sao con lại nghĩ như vậy?

+ Hiểu ý nghĩa của câu chuyện một cách sâu sắc hơn.

+ Hiểu được các khái niệm khó hơn.

  • Trẻ cũng sẽ hỏi bạn nhiều câu hỏi. Bạn hãy trả lời chúng một cách kiên nhẫn, đừng bỏ qua hay gạt đi. Vì bạn cần lưu ý rằng “Không có giới hạn thời gian để đọc một cuốn sách, nhưng có giới hạn thời gian đối với sự tò mò của trẻ” (Trelease, 1993)

Bạn cũng hãy:

  • Thảo luận các hình minh họa trong câu chuyện và sự liên quan của chúng đến nội dung truyện.
  • Dừng lại theo định kỳ để trẻ tự kể lại những gì đã xảy ra cho đến nay. Bạn hãy điền vào những khoảng trống của thông tin còn thiếu hoặc làm rõ những điều mà trẻ hiểu sai lệch. 
Hãy cùng đọc với con
Hãy cùng đọc với con chứ không chỉ là đọc cho con nghe. Ảnh Pexels

2.2.3. Sau khi đọc sách cho con

Cách đọc sách cho con không chỉ kết thúc khi bạn đọc xong. Sau khi đọc, bạn hãy:

  • Cho trẻ thời gian để thẩm thấu cũng như suy nghĩ về câu chuyện vừa đọc. Bạn hãy yêu cầu trẻ thuật lại đoạn mình thích nhất và vì sao con lại thích đoạn đó.
  • Hãy cùng trẻ điểm lại chi tiết của câu chuyện, ví dụ như bối cảnh, vấn đề mà nhân vật gặp phải và nó đã được giải quyết như thế nào.
  • Hãy hỏi trẻ các câu hỏi để khuyến khích trẻ suy nghĩ về việc vì sao các sự kiện lại xảy ra như vậy; cũng như vì sao các nhân vật lại hành động như thế; trẻ sẽ làm như thế nào nếu ở cùng vị trí.
  • Giúp trẻ liên kết sự kiện trong câu chuyện với hiện thực, những điều tương tự trẻ đã từng trải qua.
  • Hãy yêu cầu trẻ đọc lại câu chuyện cho bạn nghe.
  • Cung cấp các hoạt động tiếp theo để mở rộng tác động của trải nghiệm đọc mà bạn và trẻ vừa chia sẻ. 
Thảo luận khi đọc sách
Hãy hỏi trẻ các câu hỏi để khuyến khích trẻ suy nghĩ. Ảnh Pixabay 

3. Cách đọc sách cho con ở các độ tuổi khác nhau

Trẻ ở mỗi độ tuổi có cách tiếp nhận khác nhau đối với việc đọc sách, vì vậy cách đọc sách cho con ở mỗi độ tuổi cũng phải phù hợp. Đối với ba độ tuổi đặc biệt dưới môt tuổi, đang tập đi và mẫu giáo, bạn cần có cách áp dụng phù hợp.

3.1.Cách đọc sách cho con ở độ tuổi nhỏ

Cách đọc sách cho con ở độ tuổi dưới một có những lưu ý sau. Bạn hãy:

  • Vỗ về trẻ trong khi đọc để giúp con thấy khoảng thời gian đọc sách thật thoải mái, dễ chịu và vui vẻ.
  • Đọc chậm, sử dụng giọng trầm bổng và nhấn mạnh vào các yếu tố quan trọng trong câu chuyện của quyển sách. Điều này sẽ giúp thu hút sự quan tâm cũng như kích thích trí não của bé.
  • Đừng thấy kì quặc khi bạn diễn tả lại một số hành động có vẻ ngốc nghếch. Thực tế thì đây chính là cách thu hút sự chú ý của bé. Bạn hãy kết hợp giọng nói, cử chỉ và biểu hiện khuôn mặt để làm câu chuyện sống động hơn.
  • Chọn sách với các lời kể ngắn gọn, đơn giản, câu cú không quá phức tạp. Các vần có tác động tốt nhất với bé ở giai đoạn này, vì đây là âm thanh mà não trẻ rất yêu thích. Sách với lượng từ chỉ một từ mỗi trang cũng rất tốt vì chúng giúp xây dựng vốn từ vựng cho bé từ sớm.
  • Chọn sách với các trò chơi có tác dụng kích thích giác quan của trẻ như trò ú òa,… là ý tưởng vô cùng tuyệt vời. 
Mẹ cùng bé đọc sách
Với trẻ nhỏ, vừa đọc vừa chơi các trò chơi kích thích giác quan của trẻ là điều bạn nên làm. Ảnh Pixabay 
  • Khuyến khích trẻ tham gia đọc cùng bạn như cầm tay con chỉ vào hình trong sách, bắt chước âm thanh bạn tạo ra hay tự lật sách.
  • Chọn sách có các hình ảnh to, rõ ràng, màu sắc tươi sáng về các chủ để quen thuộc như con vật, đồ chơi, con người.
  • Khi đưa sách cho bé chơi, bạn hãy chọn những cuốn có kết cấu chắc chắn hoặc mềm mại (như sách vải.)
  • Hãy biến giờ đọc sách thành hoạt động quen thuộc bằng cách thực hiện một ít phút ít nhất hai lần mỗi ngày. Bạn nên đọc sách cho con khi bé đã ăn no, không quấy khóc, và còn tỉnh táo. Như vậy, việc đọc sẽ trở thành thói quen, thành lịch trình hàng ngày của bé. Tuy nhiên, bạn cần đảm bảo bé chấp nhận hợp tác, cũng như trẻ không muốn làm việc gì đó khác ngoài cùng ngồi yên đọc với bạn.
  • Cuối cùng, hãy làm gương cho bé bằng cách bạn thường xuyên đọc sách. Việc này sẽ có hiệu quả tích cực hơn những lời nói của bạn. Khi cho trẻ bú, bạn có thể cho con thấy bạn đọc sách hoặc bạn cũng có thể đọc to một vài trang. 
Đọc sách
Bạn cũng nên thường xuyên đọc sách để làm gương cho con. Ảnh Pixabay 

3.2. Cách đọc sách cho con ở độ tuổi đang tập đi

Cách đọc sách cho con ở độ tuổi đang tập đi chắc chắn có sự khác biệt so với trẻ nhỏ hơn. Bạn hãy:

  • Để trẻ giúp bạn lựa chọn quyển sách sẽ đọc.
  • Chọn một chỗ ngồi thoải mái để cùng nhau đọc.
  • Đọc sách với các tông giọng khác nhau, kết hợp với cử chỉ và biểu hiện của khuôn mặt để giúp trẻ thấy việc đọc thật thú vị, hấp dẫn.
  • Sử dụng từ ngữ của chính bạn nếu từ ngữ trong sách quá phức tạp. Việc này sẽ giúp trẻ không bị mất hứng thú.
  • Cho trẻ thời gian để đọc từng trang sách. Khuyến khích trẻ xem tranh, chỉ vào từng vật và đọc tên chúng cũng như nói về câu chuyện.
  • Hỏi trẻ những câu như: “Ai đã làm thế nhỉ?”, “Cô ấy đang làm gì vậy?”, “Cái đó gọi là gì nhỉ?”. Để giúp trẻ theo dõi, hiểu và ghi nhớ câu chuyện bạn đừng vội đọc toàn bộ nội dung cho con nghe. Bạn hãy hỏi con chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo và vì sao.
  • Sau khi đọc sách xong, bạn hãy dành thời gian hỏi trẻ về nội dung vừa đọc, những gì con thích hoặc không thích. Việc thảo luận về các hình ảnh minh họa trong sách sẽ giúp con dễ hiểu hơn.
  • Để xây dựng vốn từ cho trẻ, bạn hãy hỏi trẻ tên các đồ vật xuất hiện trong hình minh họa của sách. Khi trẻ chỉ đúng, bạn hãy khen ngợi trẻ
  • Chọn những cuốn sách có các từ lặp đi lặp lại nhiều lần.
  • Chọn sách có nhiều hình ảnh minh họa. Đọc các hình ảnh là bước khởi đầu để trẻ đọc chữ.
  • Nếu các trẻ nhà bạn ở độ tuổi khác nhau, đặc biệt từ hai tuổi trở lên, bạn hãy đọc riêng cho mỗi trẻ.
  • Thường xuyên đưa trẻ đến thư viện hoặc nhà sách. 
Mẹ đọc sách cho bé nghe
Hãy cho trẻ đang tập đi giúp bạn chọn sách để cùng đọc. Nguồn ảnh: WBGO 

3.3. Cách đọc sách cho con ở độ tuổi mẫu giáo

Đối với cách đọc sách cho con ở độ tuổi mẫu giáo, ngoài việc thực hiện các bước như trẻ mới tập đi, bạn hãy lưu ý thêm một số điểm sau. Bạn hãy:

  • Để trẻ phát huy hứng thú của mình khi đọc sách bằng cách đưa con đến thư viện hoặc nhà sách và để con chọn một quyển con thích. Hãy nhớ rằng bạn muốn dạy trẻ rằng đọc sách là một niềm vui.
  • Để khuyến khích hơn việc đọc, bạn hãy đọc to và cùng lúc chỉ vào các từ. Nếu trẻ mắc lỗi, bạn hãy nói từ đúng và tiếp tục. 
Trẻ mẫu giáo đọc sách
Trẻ ở độ tuổi mẫu giáo cũng cần được tạo hứng thú để thích đọc sách hơn. Nguồn ảnh: Teach Starter 

Cách đọc sách cho con là việc bạn cần thực hiện một cách kiên nhẫn, đều đặn để tạo một lịch trình quen thuộc cho con. Bạn càng bắt đầu sớm thì con càng sớm hình thành thói quen đọc sách tốt đẹp. Nó không những giúp con thu nhận, mở rộng kiến thức trong tương lai mà còn là cách tuyệt vời để giúp cho sự phát triển trí não của con.

Theo Rais Smart Kid

Lily Nguyễn lược dịch

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI