Cai nghiện điện thoại cho con bằng trò chơi rối ngón tay

Quan sát thấy bé thích xem và hát theo bài Finger Family, chị Thu Phương đã mua vải về làm đồ chơi để tăng khả năng vận động tinh của bé.

banner ads

Bé Mía nhà chị Thu Phương (Thanh Nhàn, Hà Nội), 2 tuổi, và rất ham chơi điện thoại của bố mẹ. Bé có thể say sưa chơi điện thoại cả tiếng đồng hồ mà không dứt ra được. Điều này không tốt cho bé mà còn gây nhiều phiền toái cho bố mẹ.

38314-c1.jpg

Trẻ ham chơi điện thoại sẽ bị hạn chế khả năng giao tiếp và kỹ năng vận động. Ảnh minh họa: IT.

Chị Thu Phương chia sẻ: "Bé Mía nghiện chơi điện thoại cũng là lỗi của mình. Nhà có hai vợ chồng mình và bé, nhiều lúc mình muốn nghỉ một lát nên cho bé chơi điện thoại, rồi không ngờ bé ham lúc nào không hay. Hai vợ chồng mình thống nhất sẽ không dùng điện thoại trước mặt bé, và tích cực chơi với bé thường xuyên hơn. Nhưng hiệu quả cũng không cao vì bé nhớ và đòi chơi điện thoại, hoặc có lúc bố mẹ phải nghe điện thoại hay check email vì công việc đột xuất nên việc cai nghiện điện thoại cho bé mặc dù đã được lên chiến dịch nhiều lần nhưng chưa thành công như ý. Trung bình, mỗi ngày, bé chơi điện thoại khoảng vài tiếng và thường xem các bài hát tiếng anh hoặc video bóc trứng, các bài hát thiếu nhi, video giới thiệu đồ chơi...".

Lo lắng về tác hại của việc cho bé chơi smartphone quá sớm, chị Thu Phương đã tìm đọc nhiều tài liệu sách báo và được biết về những mối nguy hại mà smartphone mang lại cho bé khi sử dụng quá thời gian quy định như: ảnh hưởng đến sự phát triển của mắt và não, hạn chế khả năng giao tiếp, gây khó ngủ, bứt dứt, thiếu tập trung, thờ ơ với môi trường xung quanh, lười vận động làm hạn chế sự phát triển vận động tinh và vận động thô của bé… Chỉ có một điểm cộng duy nhất của smartphone đó là giúp bé làm quen với ngoại ngữ sớm khi bé được xem đúng thời gian quy định.

Khi quan sát bé chơi điện thoại, chị nhận ra bé rất thích bài hát Finger Family, bé có thể hát lại cả bài và hay làm theo động tác của bài hát này. Vì vậy, chị Thu Phương đã làm thử rối ngón tay để cho bé chơi, kết quả thật bất ngờ.

38315-c2.jpg

Nguyên liệu để làm rối ngón tay: Vải nỉ, kéo, kim chỉ và kéo. Ảnh: Hồng Nguyễn.

So với những món đồ chơi sản xuất hàng loạt chị mới mua cho bé như: bộ đồ chơi bác sĩ, micro bé làm ca sĩ, bộ đồ chơi nấu bếp, xếp hình… bé chỉ chơi một lúc là chán rồi lại đòi chơi điện thoại, thì trò chơi rối ngón tay làm bằng vải nỉ mềm khiến bé rất thích thú và tập trung chơi lâu hơn.

Kể về quá trình làm quen và chơi với các bạn rối ngón tay của bé Mía, chị Thu Phương cho biết: "Chỉ với một bạn rối ngón tay nhỏ xinh mà bé Mía nhà mình chơi được rất lâu. Khi chơi với các bạn rối ngón tay, bé Mía tự nghĩ ra khá nhiều trò chơi như: bé tập tự đeo rối vào ngón tay của mình và của mẹ, bé tập biểu diễn với rối ngón tay giống như trong video bé từng xem, bé tự đóng hoạt cảnh với rối ngón tay, bé gập tay nhanh cho rối ngón tay tự bung ra khỏi tay bé và cười thích thú… Bây giờ, thay vì đòi chơi điện thoại, bé Mía thường đòi mẹ cho chơi với các bạn rối ngón tay, và hai vợ chồng mình có thể dùng điện thoại trước mặt bé mà bé không đòi điện thoại nữa".

38316-c3.jpg

Hình rối ngón tay chị Thu Phương làm cho bé Mía. Ảnh: Hồng Nguyễn.

Cảm thấy bất ngờ trước khả năng sáng tạo của bé khi chơi với rối ngon tay và nhận ra đồ chơi đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển trí não và vận động cho bé, chị Thu Phương chia sẻ: "Mỗi ngày mình dành ra một ít thời gian làm cho con một bạn rối ngón tay mới để con không bị nhàm chán. Sắp tới mình sẽ thử làm thêm những món đồ chơi mới cho bé như sách vải, đồ chơi sâu chuỗi vật để giúp bé phát triển tốt kỹ năng vận động tinh vì lúc 2 tuổi các bé rất thích mở kéo khóa, tháo nút, lắp ghép đồ vật".

Theo ngoisao

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI