Trẻ em còi xương suy dinh dưỡng ở Việt Nam và thực trạng đáng lo ngại

Trẻ em còi xương suy dinh dưỡng ở Việt Nam chiếm tỉ lệ cao. Đây là vấn đề chung của mọi gia đình và toàn xã hội. Vậy ở cương vị làm cha mẹ, chúng ta nên làm gì để góp phần đẩy lùi vấn đề này một cách hiệu quả? 

banner ads
Trẻ em còi xương suy dinh dưỡng
Trẻ em còi xương suy dinh dưỡng. Ảnh Internet

1. Thực trạng trẻ em còi xương suy dinh dưỡng ở Việt Nam hiện nay - những con số đáng phải suy nghĩ

Theo thống kê của các cơ quan khảo sát liên quan đến trẻ em, chúng ta sẽ phải giật mình bởi những con số biết nói về thực trạng trẻ em còi xương suy dinh dưỡng ở Việt Nam:

Theo số liệu giám sát của Viện Dinh dưỡng năm 2014, số trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi lớn hơn, lên đến 2,1 triệu trẻ và chiếm tỷ lệ 24,9%. Cứ 6 trẻ dưới 5 tuổi thì có một trẻ bị nhẹ cân. Cứ 4 trẻ dưới 5 tuổi thì có một trẻ suy dinh dưỡng thấp còi. Số liệu năm 2015 của đơn vị này cho thấy, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi là 24,6%, tương đương, cứ 4 trẻ dưới 5 tuổi thì có 1 trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi, thể nhẹ cân là 14,1%. Về số liệu 2017 về tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở Việt Nam là khoảng 23,8%, trong đó tỷ lệ trẻ nhẹ cân chiếm 13,8%. Và, người ta ước tính, cứ 1% tỷ lệ suy dinh dưỡng tồn tại, khả năng gây thiệt hại nói chung sẽ ở khoảng hơn 20 triệu USD/ năm. 

Qua các năm, tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở Việt Nam có xu hướng giảm, đứng thứ ba trong khu vực sau Malaysia và Trung Quốc. Trong 2 thập kỉ qua, tỉ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng ở Việt Nam đã giảm đáng kể, từ 51,2% năm 1985 xuống còn 25,2% năm 2005. Tuy nhiên, tỉ lệ trẻ còi xương suy dinh dưỡng ở Việt Nam vẫn còn khá cao so với khu vực (Trung Quốc: 8%, Malaysia: 11%, Mông cổ: 13%).

Một điểm lưu ý khác, tỉ lệ trẻ Việt Nam mắc chứng suy dinh dưỡng có sự khác biệt khá rõ giữa các vùng, miền. Tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở Đắc Nông là 35%, nhiều hơn gấp 3 lần ở Thành phố Hồ Chí Minh (10%). Tỷ lệ suy dinh dưỡng vẫn tập trung cao ở những nơi khó khăn như Tây Nguyên, Trung du và miền núi phía Bắc. Ở các khu vực này, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi tương ứng là 34,2% và 30,3%, nhẹ cân là 21,6% và 19,5%.

Một bức tranh tổng quát có thể cho chúng ta thấy, trẻ em còi xương suy dinh dưỡng ở Việt Nam thực sự là một vấn đề rất lớn. Để cải thiện được điều này, cần sự chung tay của toàn xã hội, song, cố gắng đầu tiên nhất, vẫn là xuất phát từ các gia đình, trong đó, nỗ lực của các bậc làm cha mẹ chính là yếu tố tiên quyết. Vậy chúng ta sẽ bắt đầu từ đâu và cần phải làm như thế nào, phụ huynh hãy theo dõi tiếp chia sẻ sau đây nhé. 

2. Cùng tìm hiểu nguyên nhân gây ra tình trạng trẻ em còi xương suy dinh dưỡng ở Việt Nam

Tháp dinh dưỡng
Trẻ em suy dinh dưỡng ở Việt Nam cần có chế độ ăn phù hợp - Ảnh Internet

Trẻ em suy dinh dưỡng ở Việt Nam có tỷ lệ giảm thấp, trước hết nằm ở nguyên nhân do các bà mẹ trước khi sinh con chưa được trang bị kiến thức đầy đủ về dinh dưỡng. Thời kỳ mang thai không được chú trọng chăm sóc, đến khi trẻ sinh ra không được chăm sóc đúng cách dễ dẫn đến tình trạng trẻ thiếu vi chất dinh dưỡng (vitamin A, vitamin nhóm B, vitamin C, vitamin D, canxi, sắt, i-ốt, kẽm, selen,...). Và như thế, trẻ rất dễ mắc nguy cơ biếng ăn , dẫn đến tình trạng không hấp thụ được các dưỡng chất cần thiết, hệ quả cuối cùng là bị suy dinh dưỡng.

Bên cạnh đó, cách nuôi con không hợp lý, chưa khoa học còn là nguyên nhân khiến trẻ bị ốm đau liên tục. Và khi trẻ bị các bệnh như tiêu chảy hay bị sốt rét,... mà không được chữa trị kịp thời đúng cách, đều có thể là những nguyên nhân chính gây ra tình trạng trẻ em suy dinh dưỡng ở Việt Nam.

Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia Lê Danh Tuyên cho biết, theo kết quả nghiên cứu sau hơn 10 năm, lượng thịt cá tiêu thụ trong bữa ăn đã tăng gấp rưỡi nhưng rau xanh lại giảm. Khẩu phần ăn chủ yếu là cơm và rau ở một số vùng nông thôn nghèo, vùng khó khăn hay xảy ra thiên tai. Còn các vùng thành phố, vùng nông thôn khá giả và ở nhiều tầng lớp có thu nhập khá, thì bữa ăn lại quá nhiều đạm, chất béo dẫn đến tình trạng thừa cân.

Một vài nguyên nhân khác khiến trẻ còi xương suy dinh dưỡng có thể kể đến như: trẻ hoạt động quá nhiều, hoặc sống trong môi trường quá nóng, quá lạnh. Trẻ bị bệnh nặng có nhu cầu các dưỡng chất cao mà không được cung cấp đủ, cũng khiến trẻ mắc nguy cơ suy dinh dưỡng.

3. Hậu quả của thực trạng trẻ em suy dinh dưỡng ở Việt Nam

Trẻ em suy dinh dưỡng
Trẻ em suy dinh dưỡng ở Việt Nam có nhiều nguy cơ nhiễm bệnh hơn - Ảnh Internet

Theo phó giáo sư Nguyễn Thị Lâm, tình trạng suy dinh dưỡng sẽ khiến trẻ có nhiều nguy cơ nhiễm bệnh hơn vì sức đề kháng của trẻ kém. Ngoài ra, trẻ cũng có nguy cơ bị thiếu máu, thiếu vitamin A, thiếu canxi dẫn đến còi xương, thiếu kẽm.

Ông Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: " Các địa phương chịu ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu thì khả năng tiếp cận với thực phẩm cần thiết trở thành nỗi lo canh cánh của mỗi người, mỗi nhà. Hậu quả trước mắt là trẻ em dễ bị suy dinh dưỡng, luôn bị đe dọa bởi bệnh tật và tử vong. Nếu may mắn thoát khỏi suy dinh dưỡng, thì tương lai của những trẻ này cũng sẽ vẫn bị đe dọa do không thể phát huy hết tiềm năng phát triển về tầm vóc thể lực cũng như trí tuệ, dẫn đến học vấn thấp, khả năng lao động cống hiến cho gia đình và xã hội sẽ giảm, đồng thời, lại có nguy cơ mắc nhiều bệnh mạn tính không lây khi trưởng thành và có thể ảnh hưởng tới thế hệ sau ".

Suy dinh dưỡng không chỉ ảnh hưởng đến phát triển chiều cao, mà còn gây tổn thương đến chức năng và cấu trúc của não bộ, do đó, làm chậm quá trình phát triển nhận thức và trí tuệ của trẻ, ảnh hưởng không tốt tới khả năng học tập. Hậu quả của suy dinh dưỡng rất đáng sợ, gây ra các tác động tiêu cực, ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe. Hậu quả trước mắt chúng ta thấy khá rõ, rằng hơn 1/3 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong đều trong tình trạng suy dinh dưỡng nặng. Và đương nhiên, những hậu quả mang tính lâu dài khác diễn ra âm thầm, chúng ta đều không thực sự nắm rõ hết hoặc đánh giá hết được. 

4. Khắc phục tình trạng trẻ suy dinh dưỡng như thế nào

Bác sỹ khám cho trẻ
Trẻ em suy dinh dưỡng ở Việt Nam cần được hỗ trợ đầy đủ từ y tế - Ảnh Internet

Trẻ em suy dinh dưỡng ở Việt Nam ảnh hưởng không nhỏ đến tương lai không chỉ của chính trẻ, mỗi gia đình mà cả đất nước. Do vậy, ở cương vị phụ huynh, chính chúng ta cũng phải thật tích cực bằng cách này hay cách khác, đóng góp cho sự khắc phục tình trạng này kịp thời và hiệu quả hơn.

Nhà nước đã kêu gọi thành lập một “mạng lưới an toàn” về dinh dưỡng để đảm bảo cho trẻ em được tiếp cận các dịch vụ về dinh dưỡng hàng ngày. Điều này có nghĩa là, phải đảm bảo rằng, vấn đề về dinh dưỡng cho trẻ em được đặt vào trung tâm của các chính sách và ngân sách quốc gia, cung cấp tốt hơn các thông tin cũng như nguồn dinh dưỡng cho các gia đình, và có kế hoạch để giải quyết các vấn đề cấp thiết. Để làm được điều này, cần tuyên truyền rộng rãi các kiến thức về dinh dưỡng cho toàn dân, giúp đỡ lương thực cho các vùng khó khăn, và tuyên truyền về cân bằng dinh dưỡng ở thành phố.

Mặt khác, UNICEF đã hợp tác chặt chẽ cùng Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện tình hình dinh dưỡng cho phụ nữ - trẻ em, như hoạt động truyền thông và vận động xã hội. Mục đích cuối cùng của chương trình này là nhằm tạo dựng, duy trì một môi trường tốt để cải thiện tình hình dinh dưỡng cho phụ nữ và trẻ em. Cụ thể, ở địa phương nói chung và trong các gia đình nói riêng, cần đẩy mạnh việc cung cấp Vitamin A liều cao kết hợp tăng cường bổ sung I-ốt cho trẻ từ 6 đến 36 tháng tuổi. Đồng thời, cung cấp viên đa vi chất dinh dưỡng cho phụ nữ trước và trong khi mang thai ở những vùng khó khăn.

Thực phẩm dinh dưỡng
Cung cấp đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng cho bé yêu phát triển toàn diện - Ảnh Internet

Về phía phụ huynh, các cha mẹ ngoài hưởng ứng tích cực các chương trình cải thiện dinh dưỡng, chính bản thân cũng cần tự trang bị những kiến thức nền tảng về việc chăm sóc con cái. Hãy làm gương lối sống lành mạnh trong gia đình, đặc biệt là xây dựng bữa ăn hợp lý, phong phú, bổ sung vitamin và các khoáng chất (sắt, kẽm, selen, iod, canxi,…), các enzym tiêu hóa thông qua các loại thực phẩm khác nhau, hoặc một số sản phẩm/ chế phẩm hỗ trợ tiêu hóa cho trẻ và cả gia đình. Và, cha mẹ cũng đừng quên dành thời gian tăng cường các hoạt động vui chơi ngoài trời  để con yêu được phát triển toàn diện nhé!

Trẻ em còi xương suy dinh dưỡng ở Việt Nam là một vấn đề chưa khi nào hết nghiêm trọng. Do đó, cha mẹ cần cập nhật những hiểu biết nhất định, để có thể chăm sóc con tốt nhất. Ngoài ra, cũng không nên thờ ơ với cộng đồng, hay các chương trình với mục đích phòng chống cải thiện suy dinh dưỡng trẻ em từ các ban ngành hay sự phối hợp của các tổ chức thế giới nữa. Tất cả hãy vì một tương lai tươi đẹp cho con cái mình nói riêng, và trẻ em Việt Nam nói chung các cha mẹ nhé.

Minh Tâm tổng hợp

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI