1. Trẻ chậm phát triển trí tuệ
Trẻ chậm phát triển có thể hiểu dưới nhiều dạng khác nhau như: Chậm phát triển triển trí tuệ, chậm phát triển ngôn ngữ, chậm phát triển chiều cao, chậm phát triển cân nặng, chậm phát triển tâm vận,...Trong đó, chậm phát triển trí tuệ là dạng ảnh hưởng nghiêm trọng nhất đến chất lượng cuộc sống của trẻ. Vì thế, nó cũng được người ta quan tâm và nghiên cứu nhiều hơn.
Chậm phát triển trí tuệ không phải là bệnh nhưng lại kéo dài đến hết cuộc đời. Dựa vào chỉ số IQ người ta phân loại chậm phát triển trí tuệ thành bốn dạng:
- Chậm phát triển trí tuệ mức độ nhẹ: Có IQ nằm trong khoảng từ 55 - 70. Người chậm phát triển trí tuệ ở mức này có thể học tới lớp 6, có khả năng sống độc lập hoặc chịu ít sự giảm sát từ người khác. Có khoảng 85% người chậm phát triển tâm thần thuộc loại này.
- Chậm phát triển trí tuệ mức độ vừa: Có IQ nằm trong khoảng từ 40 - 54. Người chậm phát triển trí tuệ ở mức này cần phải có sự giúp đỡ ít nhiều trong cuộc sống. Họ cần sống trong môi trường có sự giám sát và có thể đáp ứng tốt với đời sống cộng đồng.
- Chậm phát triển trí tuệ mức độ nặng: Có IQ nằm trong khoảng từ 25 - 39. Người chậm phát triển trí tuệ ở mức này chỉ có thể học được những kỹ năng liên quan đến sự sống còn như: ăn, uống, đi lại, nói được một vài từ cơ bản,...Họ luôn cần phải có sự giảm sát và có thể hoàn thành được một số nhiệm vụ cơ bản liên quan đến sự tồn tại của bản thân.
- Chậm phát triển trí tuệ mức độ rất nặng: Có mức IQ dưới 25. Người chậm phát triển trí tuệ mức độ này cần được chăm sóc và hỗ trợ suốt đời.
Trẻ chậm phát triển tâm thần nên được phát hiện sớm để dựa vào khả năng, mà có những hình thức huấn luyện phù hợp, nhằm tối ưu nhất sự phát triển của trẻ.
2. Nguyên nhân trẻ chậm phát triển trí tuệ
Có hai nguyên nhân lớn gây ra tình trạng chậm phát triển trí tuệ là nguyên nhân thực thể và nguyên nhân văn hóa - gia đình.
- Trẻ mắc các bệnh lý di truyền hay các khuyết tất về gen như: Hội chứng Down, rối loạn chuyển hóa, rối loạn nhiễm sắc thể X, chứng đầu nhỏ, bênh não thủy thũng, rối loạn chuyển hóa, bị thiểu năng tuyến giáp trạng,...Người mẹ sinh ra bé trong quá trình mang thai bị nhiễm độc, chế độ dinh dưỡng thai kỳ của mẹ không được đảm bảo khiến bào thai bị suy dinh dưỡng. Mẹ bị bệnh Giang mai, Rubella, Sởi, hay bị chấn thương khi sinh nở. Trẻ khi sinh ra bị nhẹ cân thiếu tháng, vàng da, sinh ngạt hay bị chấn thương lúc còn dưới 3 tháng tuổi khiến chức năng não bị ảnh hưởng.
- Trẻ bị bỏ bê, lạm dụng, không được chăm sóc đầy đủ, bị thiếu hụt cảm xúc giữa mẹ và con trong 3 năm đầu đời. Trẻ sống trong môi trường thiếu sự kích thích phát triển, gia đình mất tổ chức thiếu sự quan tâm đến cá nhân trẻ.
Nhiều nhà khoa học cho rằng, trẻ chậm phát triển tâm thần nặng có thể là do các tổn thương thực thể gây ra. Tình trạng chậm phát triển trí tuệ nhẹ có thể là do sự kết hợp của yếu tố xã hội và sinh học.
2. Các dấu hiệu trẻ chậm phát triển trí tuệ
2.1. Dấu hiệu trẻ chậm phát triển trí tuệ theo độ tuổi
Ở những tuần đầu tiên ngay khi được sinh ra, trẻ chậm phát triển có dấu hiệu như ngủ nhiều, không có nhu cầu bú sữa mẹ,... các biểu hiện này khá giống với trẻ sinh non.
3 tháng: Trẻ chậm phát triển không đưa tay lấy đồ vật, không nhìn theo đồ vật chuyển động và khồng tự nâng đầu lên được.
4 tháng: Trẻ chưa "ê a" bắt chước các âm thanh khác, chưa biết nở nụ cười xã hội, chưa biết giẫm chân khi được đặt xuống sàn nhà,...
5 tháng: Trẻ chưa biết lật hay đưa đồ vào miệng.
6 tháng: Đầu trẻ ngã về sau khi được kéo, trẻ nhảy mắt liên tục, trẻ không cười lớn, không biết ôm vì chân tay quá mềm.
1 tuổi: Trẻ vẫn còn chảy nước miếng, không biết giữ thăng bằng, trẻ chậm nói , không biết diễn đạt bằng chỉ vào vật thể hay lắc đầu, không thể đứng mặc dù đã được người lớn trợ giúp.
2 tuổi: Trẻ vẫn chậm nói, không biết làm theo những chỉ dẫn đơn giản, không biêt bắt chước hành động hay từ ngữ.
Từ 3 tuổi trở lên: Trẻ không giao tiếp mắt, phát âm khó khăn, không hứng thú với đồ chơi, tự cô lập và không thích đùa nghịch với những trẻ xung quanh, gặp khó khăn khi phát âm.
2.2. Dấu hiệu về vận động và hình dáng thể chất
- Trẻ chậm biết đi, tay chân lóng ngóng.
- Trẻ quá mềm hay cứng nhắc, khi ta bế trẻ lên không có cảm giác trẻ biết co người lại.
- Sau 7 tháng mà trẻ chậm phát triển vẫn chưa thể nhai, hai chân luôn ở trong trạng thái mềm, bắt chéo khi ta kéo bé đứng lên.
- Diện mạo của trẻ trông không bình thường như: miệng hay há ra, mũi tẹt, thường thè đầu lưỡi ra ngoài, khoảng cách giữa hai mắt rộng,...
- Được 6 tháng tuổi mà trẻ vẫn lặng lẽ không khóc hay quẩy, ít cử động
- Trẻ khó khăn khi bú, nhai, bị sặc và nghẹn thường xuyên.
2.3. Dấu hiệu về ngôn ngữ giao tiếp và khả năng nhận thức
- Không biết mỉm cười khi được mẹ đùa, nói chuyện
- Chậm nói, vốn từ của trẻ ít, không phong phú
- Khó diễn đạt theo ý của mình, trao đổi thông qua ngôn ngữ nói yếu hơn các trẻ cùng tuổi
- Thường thụ động trong giao tiếp, chỉ nói khi được yêu cầu, không tự giác gợi chuyện
- Không thích tìm tòi khám phá và nhận biết thê giới xung quanh
- Nhận biết mặt chữ chậm, nhớ kém hơn các bạn cung tuổi khi trẻ đến lớp
- Sau 6 tháng mà trẻ vẫn không biết đưa mắt dò theo vật hoặc người khác
- Trẻ ít chơi và thiếu tính hợp tác khi chơi, thường ném và đập phá đồ
Trong thực tế, nhiều trường hợp trẻ vẫn phát triển bình thường tới một độ tuổi nào đó - thường là trước 3 tuổi - mới có các biểu hiện chậm phát triển, và ngược lại, một số trẻ lại có khả năng phát triển nhanh hơn sau một độ tuổi nhất định. Vì vậy, khi phát hiện dấu hiệu nghi ngờ ở con, phụ huynh nên kịp thời đưa trẻ đi khám, để có những kết luận chính xác về trường hợp của bé.
3. Biện pháp can thiệp và phòng ngừa nguy cơ trẻ chậm phát triển trí tuệ
Trừ số ít các trường hợp được phát hiện sớm và chữa khỏi, đa số các trường hợp trẻ chậm phát triển còn lại kéo dài suốt đời với khó khăn của mình. Hình thức can thiệp chủ yếu là áp dụng các biện pháp, giúp trẻ rèn luyện kỹ năng tự chăm sóc cần thiết trong cuộc sống.
Theo Hiệp hội Nhi khoa Hoa kỳ, bố mẹ cần đưa trẻ chậm phát triển đi kiểm tra ngay khi phát hiện dấu hiệu bất thường. Bác sĩ sẽ đánh giá kỹ năng của trẻ trong các lĩnh vực như giao tiếp, vận động, nhận thức đang ở mức nào để có các biện pháp can thiệp phù hợp.
Đối với trẻ chậm phát triển, cha mẹ cần lưu ý:
- Quyết đinh hình thức hoạt động cho con tùy theo mức độ chậm phát triển và độ tuổi của trẻ
- Đặt ra những kỳ vọng phù hợp với khả năng của con
- Phân chia các phần việc của con một cách tỉ mỉ và chi tiết
- Có phần thưởng hoặc dành lời khen để động viên con khi làm được một việc nào đó
- Kiên nhẫn khi hướng dẫn trẻ các lễ nghi cơ bản trong giao tiếp
- Cho trẻ làm những việc hợp lý, không bao bọc nhưng luôn khuyến khích trẻ tìm hiểu và học tập vừa với sức của mình.
Phòng ngừa nguy cơ trẻ chậm phát triển trí tuệ
Chậm phát triển tí tuệ không phải là bệnh nhưng có thể phòng ngừa được với một số gợi ý như sau:
- Người mẹ trong thời kỳ mang thai cần chú ý chăm sóc sức khỏe thai nhi , tránh môi trường độc hại, không sử dụng các chất kích thích, có chế độ dinh dưỡng hợp lý để con phát triển khỏe mạnh sau khi chào đời.
- Chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ ngay từ khi mới sinh. Trong suốt quá trình phát triển của con, cần có biện pháp bảo vệ trẻ khỏi các tai nạn không cần thiết. Cha mẹ cũng cần dành thời gian cho con để trẻ cảm nhận được, tình yêu thương vô điều kiện dành cho mình.
- Tạo môi trường kích thích sự phát triển của trẻ: Bố mẹ không nên quá kìm kẹp con, mà hãy tạo cho con không gian được vui chơi và khám phá để định hướng trí tò mò của trẻ .
Để thực hiện các nhiệm vụ cơ bản trong cuộc sống, trẻ chậm phát triển trí tuệ gặp nhiều khó khăn. Do vậy, các em cần nhiều hơn sự yêu thương và chia sẻ từ những người xung quanh và xã hội.
Nguyễn Oanh tổng hợp