1. Đặc điểm phát triển của trẻ 9 tháng tuổi
Để việc dạy trẻ thực hiện các hoạt động khác nhau giúp phát triển trí não và các kỹ năng vận động, chúng ta hãy cùng xem trẻ 9 tháng tuổi đã làm được những gì:
- Trẻ có thể bò vững và có thể di chuyển khắp nhà. Một số trẻ còn trở thành “chuyên gia” khi bò lên và xuống cầu thang.
- Trẻ có thể thay đổi tư thế một cách dễ dàng: từ nằm sang ngồi, bò sang vịn đứng (với sự hỗ trợ của các đồ vật chắc chắn như ghế sô pha).
- Trẻ có thể nhặt những đồ vật nhỏ (như sợi chỉ, con kiến…) và cho khối hình vào hộp theo từng khuôn.
- Trẻ có thể bập bẹ, ê a không ngừng.
- Trẻ có thể bắt đầu hiểu những gì bạn nói và đáp lại bằng một âm thanh ê a hoặc bằng một nụ cười.
- Trẻ có thể ngồi vững mà không cần hỗ trợ. Không giống như những tháng trước khi ngồi trẻ cần bạn đỡ hoặc gối mềm chèn xung quanh.
2. 10 hoạt động bạn có thẻ dạy trẻ 9 tháng tuổi
2.1 Thả đồ vật vào xô
Bạn hãy thả một khối hình hoặc một món đồ chơi vào một cái thùng hoặc xô. Khi chúng chạm đáy thùng, bạn hãy tạo ra một âm thanh (ví dụ boom boom…). Bạn lặp lại vài lần như vậy sau đó thả đồ vật mà không tạo ra âm thanh xem trẻ có bắt chước không. Ngoài bắt chước âm thanh bạn cũng hãy cho trẻ thả đồ chơi vào thùng để giúp con rèn luyện kỹ năng vận động và kỹ năng ngôn ngữ .
2.2 Trốn tìm với âm thanh
Bạn hãy chọn một món đồ chơi phát ra tiếng, sau đó giấu sau lưng, dưới thảm hay dưới một tấm khăn và để trẻ đi tìm món đồ chơi đó. Bạn có thể tiếp tục chơi đến khi nào trẻ vẫn còn hứng thú.
2.3 Lăn bóng
Bạn hãy lăn một quả bóng kích thước trung bình về phía trẻ và xem liệu trẻ có dừng quả bóng lại không. Sau đó, hãy khuyến khích trẻ lăn quả bóng lại cho bạn. Ngay cả khi trẻ không lăn bóng lại cho bạn, hãy vẫn hoan hô và cổ vũ trẻ. Bạn có thể yêu cầu các thành viên lớn khác trong nhà cùng tham gia trò này. Đây là hoạt động giúp phát triển các kỹ năng cơ bản cũng như dạy trẻ bắt chước và thay phiên.
2.4 Trốn tìm
Bạn hãy đặt trẻ vào một thùng giấy lớn và thoải mái, bên trong có lót chăn, đệm mềm. Hãy giả vờ bạn không tìm thấy trẻ, và khi thấy trẻ, bạn hãy kêu to một cách vui vẻ và phấn khích. Bạn có thể cho trẻ khám phá chiếc hộp nếu con thích.
Hoạt động trốn tìm này giúp tăng cường khả năng theo dõi trực quan cũng như phát triển kỹ năng vận động cơ bản, kỹ năng xã hội và dạy trẻ về sự tồn tại của một đối tượng nào đó.
2.5 Vỗ tay và hát
Trẻ 9 tháng tuổi đã có thể biết vỗ tay nên bạn hãy hát những bài hát vui nhộn dành cho trẻ em và vỗ tay theo nhịp bài hát, đồng thời khuyến khích trẻ vỗ tay theo.
Đây là hoạt động giúp trẻ phát triển khả năng kiểm soát cơ, sự phối hợp giữa mắt và tay cũng như học về giai điệu.
2.6 Chơi với nước
Tắm là khoảng thời gian lý tưởng giúp trẻ vừa học vừa chơi một cách hiệu quả. Trong khi tắm, bạn nói chuyện sẽ giúp trẻ phát triển ngôn ngữ; chơi với bong bóng giúp trẻ phát triển kỹ năng phối hợp tay và mắt; vắt nước từ miếng bọt biển hay làm nước bắn tung tóe là cách tuyệt vời giúp trẻ phát triển các kỹ năng cảm xúc xã hội của mình. Đó là thời gian không có sự đụng chạm nhưng các giác quan khác của trẻ vẫn được kích hoạt và phát triển.
2.7 Đi dạo
Đi dạo là một trong những hoạt động ngoài trời tốt nhất với trẻ 9 tháng tuổi. Bạn có thể đưa bé cùng đi siêu thị, đến cửa hàng tạp hóa để mua đồ, hay đơn giản chỉ là đi dạo trong công viên. Bằng hoạt động này, bạn giúp trẻ được quan sát mọi thứ xung quanh mình, mọi người đi ngang qua, trẻ em chơi đùa hay một chú chó đang sủa…
Bạn hãy cho trẻ khám phá đồ chơi trong công viên. Bạn có thể ngồi trên xích đu hoặc trượt cầu tuột khi ôm trẻ trong lòng.
Những kinh nghiệm từ hoạt động ngoài trời sẽ giúp kích thích đa giác quan của trẻ.
2.8 Chơi với cát
Vì trẻ 9 tháng tuổi đã có thể ngồi vững nên bạn hãy cho trẻ ngồi trong 1 hố cát nhỏ và chơi với cát. Bạn hãy để trẻ rút một chiếc xẻng nhỏ, xem xét những cái xô nhỏ hay những cái thuổng…Đó là những hoạt động tuyệt vời giúp phát triển các giác quan của trẻ. Tuy nhiên bạn hãy theo sát trẻ để tránh cát lọt vào mắt hay miệng con.
2.9 Rổ kho báu
Trong một chiếc rổ, giỏ hoặc hộp (với kích thước phù hợp sao cho trẻ có thể nhìn thấy những vật bên trong) bạn hãy để một số đồ vật. Những đồ vật đó có thể là tự nhiên (như trái cây) hay đồ vật tự làm (không độc hại) với màu sắc, hình dạng và kết cấu khác nhau. Bạn không cần phải chuẩn bị những thứ đắt tiền mà hãy tận dụng những đồ vật quen thuộc trong nhà, trong vườn, ở bãi biển, công viên…
Bạn hãy khuyến khích trẻ khám phá chiếc rổ/ giỏ hay hộp, nhặt một món đồ trong đó, cho vào miệng, cảm nhận kết cấu hoặc đập chúng vào các vật khác hay đập lên sàn.
Đây là một hoạt động tuyệt vời giúp kích thích các giác quan cũng như nhận thức và khả năng vận động của trẻ.
2.10 Đọc sách
Bạn có thể cho trẻ xem các loại sách ảnh (nhiều hình ảnh và ít chữ) để tăng sự hứng thú cho con. Khi đọc cho trẻ nghe, bạn hãy nâng cao giọng một chút để tạo hứng thú cho bé.
Trẻ bắt đầu đọc sách sớm (ngay cả khi đó là sách bằng hình ảnh) sẽ sớm hình thành và phát triển sự yêu thích đối với sách cũng như thói quen đọc sách sau này. Cả hai điều đó đều có ích cho trẻ và là những đức tính tuyệt vời mà bạn có thể tập cho bé ngay từ lúc này.
3. Một số lưu ý dành cho bạn khi chơi với trẻ
Khi cho bé thực hiện các hoạt động trên, bạn hãy lưu ý một số điểm sau:
- Hãy đảm bảo bé thấy hứng thú với hoạt động mà bạn đưa ra. Nếu bé không thích, đừng ép bé mà hãy tìm một hoạt động khác mà bé thích.
- Hãy đảm bảo đồ vật hoặc đồ chơi bạn sử dụng trong các hoạt động của bé đảm bảo vệ sinh và không độc hại.
- Không rời mắt khỏi bé dù chỉ 1 giây. Bạn hãy luôn cảnh giác vì chỉ 1 giây bất cẩn có thể để lại hậu quả nghiêm trọng và làm hại trẻ. Ví dụ, khi trẻ chơi cát, nếu bạn không để ý cát có thể rơi vào mắt trẻ, hoặc con có thể nuốt một thứ gì đó.
- Đối với các hoạt động phải di chuyển xung quanh, trẻ có thể bị va vào tường hoặc ngã xuống sàn và bị đau.
- Hãy cho trẻ giữ chân trần vì việc này sẽ giúp trẻ có tư thế đúng khi tập đi. Hơn nữa, bàn chân của trẻ 9 tháng tuổi khá nhạy cảm có thể xử lý các cảm giác xúc giác cao hơn, điều này đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển thần kinh của trẻ. Trong trường hợp trời quá lạnh, bạn có thể mang vớ chống trượt cho trẻ để giúp con tránh bị trượt hoặc té ngã khi di chuyển xung quanh.
Trẻ 9 tháng tuổi vẫn còn khá nhỏ nhưng không có nghĩa là khả năng tiếp nhận và học hỏi thấp. Trái lại, trẻ ở độ tuổi này rất tò mò và thích khám phá mọi thứ xung quanh mình. Vì vậy, bạn hãy thử áp dụng 10 hoạt động kể trên vào việc dạy trẻ. Bạn sẽ ngạc nhiên vì chúng không những sẽ giúp tăng sự gắn kết giữa bạn và trẻ, mà còn giúp con phát triển nhận thức cũng như những kỹ năng vận động rất hiệu quả đấy.
Theo Parenting Firstcry
Lily Nguyễn lược dịch