Cân nặng, chiều cao của trẻ sơ sinh là vấn đề mà bố mẹ nào cũng quan tâm. Đặc biệt là khi bé được 9 tháng tuổi - giai đoạn bé có nhiều sự phát triển vượt bậc, thì cân nặng và chiều cao cũng ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển đó.
1. Tốc độ tăng trưởng của trẻ 9 tháng tuổi
Nếu 6 tháng đầu đời, tốc độ tăng trưởng của trẻ rất nhanh (khoảng 0,6 – 1 kg mỗi tháng) thì từ tháng thứ 7 đến tháng thứ 12, tốc độ tăng trưởng của bé sẽ chậm lại, chỉ còn 0,4 – 0,7 kg mỗi tháng. Thậm chí, bé có thể sụt cân tại một thời điểm nào đó. Mẹ đừng quá lo lắng vì trong giai đoạn này, nguyên nhân khiến bé sụt cân thường là do mọc răng. Mẹ cần theo dõi tốc độ tăng trưởng của bé để có cách chăm bé tốt hơn.
2. Trẻ 9 tháng tuổi nặng bao nhiêu kg?
Trẻ 9 tháng tuổi nặng bao nhiêu kg và cao bao nhiêu cm? Theo bảng cân nặng và chiều cao trung bình của trẻ em Việt Nam, trẻ 9 tháng tuổi nặng khoảng 7,9 – 10 kg (bé trai) và 7,3 – 9,3 kg (bé gái). Tương ứng với cân nặng là chiều cao. Chiều cao trung bình của trẻ 9 tháng tuổi khoảng 69 – 74 cm (bé trai) và 67 – 72 cm (bé gái).
Nhiều bố mẹ có xu hướng so sánh cân nặng và chiều cao của con mình với những bé khác cùng tháng tuổi. Hoặc, bố mẹ cũng so sánh với mức trung bình trên để đảm bảo rằng bé đang phát triển đúng hướng. Tuy nhiên, cũng có nhiều bé không phát triển trong phạm vi này. Điều này không nhất thiết là nguyên nhân khiến bố mẹ cần phải lo lắng. Bởi mỗi trẻ có sự tăng trưởng và phát triển khác nhau. Hơn nữa, có thể giai đoạn này bé phát triển chậm nhưng giai đoạn khác bé phát triển với tốc độ rất nhanh. Điều này là bình thường nếu như sức khỏe của bé ổn định, không có gì bất thường.
Nhưng nếu sau nhiều tháng mà bé không có sự tăng trưởng, hay vẫn giữ chỉ số chiều cao – cân nặng thấp hơn mức trung bình trên, thì mẹ cần hỏi ý kiến bác sĩ để phát hiện những vấn đề bất thường nếu có. Còn nếu chỉ số chiều cao – cân nặng của trẻ đều cao hơn mức trung bình trên, thì điều này là tốt. Nhưng nếu chỉ có cân nặng vượt quá mức trong khi chiều cao không tương xứng thì tức là trẻ có nguy cơ bị béo phì. Lúc này, mẹ cũng cần điều chỉnh chế độ dinh dưỡng cho bé.
3. Trẻ 9 tháng tuổi cần chế độ dinh dưỡng thế nào?
Khi được 9 tháng tuổi thì nhu cầu dinh dưỡng của bé cũng tăng lên. Ngoài sữa mẹ, bé cần được cung cấp đủ các dưỡng chất thiết yếu cho sự phát triển. Nói như vậy không có nghĩa là sữa mẹ không còn quan trọng. Sữa mẹ luôn là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, cần bổ sung thêm nhiều dưỡng chất trong chế độ ăn dặm, để đảm bảo sự phát triển bình thường cho trẻ.
Ở giai đoạn 9 tháng tuổi, bé cần khoảng 500 ml sữa mỗi ngày. Sữa mẹ là tốt nhất, tuy nhiên, nếu không đủ sữa mẹ thì có thể ăn thêm sữa công thức và các sản phẩm từ sữa. Nhưng mẹ cần chọn đúng loại sữa phù hợp và pha theo công thức chuẩn, để tránh ảnh hưởng xấu đến đường ruột của bé.
Bên cạnh đó, mẹ cũng cần đảm bảo các dưỡng chất cần thiết trong bữa ăn dặm của bé. Cụ thể, mỗi ngày bé cần:
- 3 bữa bột/cháo xay (khoảng 600ml)
- Gạo tẻ trắng (60-90g);
- Thịt tôm, cá (60-90g);
- Dầu (15g);
- Rau xanh, quả chín…
Mẹ lưu ý cho bé ăn bổ sung theo nguyên tắc: ăn từ ít đến nhiều, từ loãng đến đặc, làm quen từng loại thực phẩm mới. Thêm vào đó, mẹ nên cho bé ăn đa dạng các loại thực phẩm và thay đổi thực đơn ăn dặm liên tục, để bé ngon miệng mà không bị chán.
Những thông tin trên đã giúp mẹ giải đáp thắc mắc trẻ 9 tháng tuổi nặng bao nhiêu kg cũng như chế độ dinh dưỡng cần thiết ở giai đoạn này cho bé rồi đúng không nào! Mẹ hãy thường xuyên theo dõi cân nặng và chiều cao của bé, cũng như chú ý đến chế độ dinh dưỡng, để đảm bảo bé phát triển đúng hướng mẹ nhé!
Tuyết Nguyễn tổng hợp