Ở giai đoạn 5 tháng tuổi, hệ miễn dịch của bé còn non nớt, bé rất dễ bị tấn công bởi các tác nhân bên ngoài. Và sốt là một trong những tình trạng rất phổ biến ở trẻ 5 tháng tuổi. Với những người lần đầu làm bố mẹ thì không khỏi lúng túng khi bé yêu bị sốt.
1. Nhiệt độ cơ thể trẻ bao nhiêu độ thì gọi là sốt?
Sốt là phản ứng của cơ thể trước sự xâm nhập của các loại vi khuẩn, virus gây bệnh Sốt là một triệu chứng chứ không phải một loại bệnh lý. Ở trẻ 5 tháng tuổi, nhiệt độ bình thường là trong khoảng 36,5 – 37,5 độ C. Trẻ sơ sinh có thân nhiệt khoảng 37,5 – 38 độ C được xem là sốt nhẹ. Nhiệt độ khoảng từ 38,4 - 40 độ là sốt cao. Khi bị sốt, bé thường mệt mỏi, ít bú, hay quấy khóc.
2. Nguyên nhân trẻ 5 tháng bị sốt
Có rất nhiều nguyên nhân khiến bé bị sốt. Và không phải trường hợp nào bé bị sốt cũng nguy hiểm. Do đó, bố mẹ cần biết được nguyên nhân bé nhà mình bị sốt, từ đó có phương pháp xử lý đúng đắn. Nguyên nhân gây sốt ở trẻ phổ biến là:
- Sốt do vi khuẩn, virut: Các bệnh do vi khuẩn bên ngoài xâm nhập thông qua đường hô hấp và đường tiêu hóa như: viêm họng, viêm tai giữa, viêm phế quảng, bệnh tả, kiết lỵ… đều có thể khiến bé bị sốt.
- Sốt khi mọc răng: Nhiều trường hợp trẻ 5 tháng tuổi đã bắt đầu mọc răng và đây cũng là nguyên nhân phổ biến khiến bé bị sốt.
- Sốt sau khi tiêm phòng: Trẻ bị sốt sau tiêm phòng do một số thành phần của thuốc. Khi cho bé đi tiêm phòng, đặc biệt là vắc xin ho gà sẽ có thể khiến bé bị sốt. Tình trạng sốt này thường sẽ tự hết sau 1-2 ngày nên mẹ không cần quá lo lắng.
- Do một số bệnh khác gây nên: Với những bé bị sốt cao trên 38,5 độ C rất có thể do bé mắc phải những bệnh nguy hiểm như viêm phổi, viêm màng não, sốt rét, sốt siêu vi, sốt xuất huyết… Nếu nghi ngờ con sốt kèm theo những triệu chứng liên quan đến bệnh lý, bố mẹ cần đưa bé đến bệnh viện để được kiểm tra và điều trị kịp thời.
3. Trẻ 5 tháng tuổi bị sốt phải làm sao?
Nhiều bố mẹ tỏ ra lo lắng, cuống quýt, khi bé yêu bị sốt, nhất là với những người chưa có nhiều kinh nghiệm chăm con. Lúc này, bố mẹ cần bình tĩnh xử lý theo những lưu ý như dưới đây:
Ngay khi thấy biểu hiện bé bị tăng thân nhiệt , cần hạ nhiệt nhanh cho bé bằng cách thay quần áo rộng để cơ thể bé tỏa bớt nhiệt. Đồng thời, để bé nằm ở nơi thoáng mát nhưng tránh những chỗ có gió lộng.
Dùng khăn mềm nhúng nước ấm để lau người cho bé, đặc biệt là ở vùng nách và bẹn. Nước ấm có thể làm giãn mạch máu giúp cho thân nhiệt từ từ giảm xuống. Nhưng mẹ lưu ý không dùng nước quá nóng để tránh tác dụng ngược.
Trẻ thường bị mất nước khi sốt nên bố mẹ cần cho bé uống nhiều nước. Đồng thời, thường xuyên theo dõi nhiệt độ cơ thể bé bằng nhiệt kế cách 3 - 4 giờ 1 lần.
Mẹ cũng có thể cho bé dùng thêm những loại thuốc hạ sốt. Tuy nhiên, khi dùng thuốc hạ sốt cho trẻ cần phải được sự hướng dẫn của bác sĩ. Trường hợp bé sốt cao trên 38,5 độ C, mẹ cần hạ sốt tức thời cho bé bằng những cách trên rồi đưa bé đến bác sĩ để được kiểm tra, thăm khám.
4. Những điều bố mẹ cần tránh khi trẻ bị sốt
Khi bé 5 tháng tuổi bị sốt, mẹ tuyệt đối không ủ ấm hay mặc nhiều quần áo cho bé. Việc này không giúp bé hạ sốt mà ngược lại càng làm tăng nhiệt độ cơ thể bé dẫn đến sốt cao hơn.
Không dùng nước đá lạnh để làm mát cho bé. Nhiều mẹ quan niệm dùng nước lạnh sẽ giúp giảm thân nhiệt của bé. Tuy nhiên, điều này thực sự rất nguy hiểm. Khi cơ thể bé đang nóng nếu chườm đá lạnh thì nhiệt độ sẽ bị chênh lệch quá mức có thể gây ra tình trạng sốc nhiệt độ, bỏng lạnh, khiến bé bị suy hô hấp.
Mẹ không được dùng thuốc Aspirin để hạ sốt cho trẻ 5 tháng tuổi vì có khả năng gây tổn thương não bộ của bé.
Trẻ 5 tháng tuổi bị sốt cần được hạ sốt và chăm sóc đúng cách. Do đó, bố mẹ cần cẩn thận trong cách hạ sốt cho con , theo dõi kỹ càng và mang đi bác sỹ ngay khi cần thiết. Bố mẹ cũng cần chú ý, chuẩn bị nhiều kiến thức để luôn xử lý tốt các tình huống, giúp việc chăm con được tốt hơn.
Tuyết Nguyễn tổng hợp