1. Đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ 2 tháng tuổi
Sự thay đổi khá rõ rệt ở trẻ 2 tháng tuổi chính là nhu cầu ăn uống. Trong giai đoạn này, bé biết được cảm giác đói bụng và đòi ăn. Những lúc đói, cần bú sữa mẹ, con yêu thường quấy khóc. Mẹ cần chú ý tới trẻ để có thể cho bé bú bất kỳ khi nào con có nhu cầu.
Khi cho con bú sữa mẹ, hãy cho bé bú đều cả 2 bên. Mẹ cần lưu ý trong thời gian này bé cho thể liên tục đói bụng và đòi bú vào ban đêm nhiều hơn. Vì nhu cầu dinh dưỡng của con yêu tăng lên nên mẹ cần áp dụng chế độ ăn uống đủ dinh dưỡng hơn, để đáp ứng đủ nhu cầu của bé.
2. Chăm sóc giấc ngủ thật khoa học
Thời gian ngủ của bé cũng sẽ thay đổi ở giai đoạn này, cụ thể là mỗi giấc ngủ sẽ có thời gian dài hơn và bé có thể ngủ bất kỳ lúc nào trong ngày. Bên cạnh đó, bé thường có dấu hiệu mệt mỏi và thèm ngủ khoảng 30 phút - 1 giờ sau khi bú. Mẹ hãy đặt bé lên giường cho bé ngủ vào lúc này.
Thời gian ngủ bình thường của trẻ 2 tháng tuổi có thể từ 9 - 18 giờ/ngày là bình thường. Bố mẹ cần nắm rõ khoảng thời gian biểu này để phục vụ tốt hơn cho nhu cầu của con.
3. Dỗ dành khi bé khóc
Mẹ có thể cảm thấy bức bối, lo lắng hay khó chịu khi bé khóc nhiều ở giai đoạn 2 tháng tuổi. Trên thực tế, trẻ 2 tháng tuổi thường khóc nhiều bởi hệ thần kinh có xu hướng trưởng thành, bé bắt đầu hứng thú và cảm giác được sự vật sự việc.
Bất kỳ lúc bé khóc, thay vì bức bối, khó chịu hay lo lắng, mẹ hãy tìm cách dỗ dành con. Mẹ có thể đưa con ra ngoài để giúp bé bình tĩnh hoặc nói chuyện với con, cho bé nhìn thấy các đồ chơi có màu sắc, ngộ nghĩnh để trấn an tinh thần cho trẻ.
4. Kích thích sự phát triển của con
Khi trẻ 2 tháng tuổi, các cơ quan bắt đầu nhận thức được mọi thứ xung quanh, đặc biệt là thị giác. Bé bắt đầu biết nhìn các đồ vật và khung cảnh, đồng thời có những cử chỉ về hình thể như nhìn, đưa tay chân lên cao với mong muốn cầm nắm đồ vật.
Bố mẹ có thể kích thích sự phát triển của bé trong lúc này bằng cách dán nhiều hình thù khác nhau xung quanh không gian của bé, có thể là hình các con vật, hoa lá, trái cây với nhiều màu sắc khác nhau. Cho bé tiếp xúc với một số đồ chơi có màu sặc sỡ cũng là một cách hay giúp bé phát triển tốt hơn về thị giác và trí não.
5. Bé 2 tháng tuổi cần tương tác
Từ 5 - 8 tuần tuổi, trẻ sẽ nghe được âm thanh và có những phản ứng như giật mình, hỗn loạn với tiếng ồn hay âm thanh bất chợt. Mẹ có thể nhẹ nhàng trò chuyện cùng con về những tiếng ồn đó. Tuy bé con không hiểu những gì mẹ nói nhưng hãy cố giải thích với con rằng những âm thanh ngoài kia sẽ không gây hại đến bé. Đây là sự tương tác tích cực, phân tán sự chú ý của bé, không còn lưu ý đến những tiếng ồn ngoài kia.
6. Đảm bảo an toàn cho con
Bố mẹ cần quan tâm đặc biệt đến vấn đề đảm bảo an toàn cho trẻ 2 tháng tuổi. Tuyệt đối không để bé nằm một mình trên sàn nhà hay cạnh các vật sắc nhọn, liên tục quan sát khi cho bé chơi các đồ vật mềm, hạt nhỏ vì chúng có thể gây hại đến bé.
Bên cạnh đó, với trẻ 2 tháng tuổi , thực hiện tiêm chủng và thăm khám sức khỏe định kỳ là 2 việc làm không thể thiếu nếu bạn muốn con yêu của mình luôn được bảo vệ. Hơn nữa, thời gian này, bé cưng rất dễ bị nhiễm trùng hệ tiêu hóa. Phụ huynh cần đảm bảo giữ gìn vệ sinh cho trẻ thật sạch sẽ, không cho bé tiếp xúc với môi trường lạ và cần đưa bé đến gặp bác sĩ ngay, khi trẻ có những dấu hiệu bất thường về sức khỏe.
Tuyết Nguyễn tổng hợp