Cách cai sữa cho bé chậm mà tốt

Cách cai sữa cho bé có lẽ là chủ đề không ít mẹ quan tâm tìm hiểu. Vì, đây thực sự là một việc rất khó khăn đối với cả mẹ và bé. Vậy làm thế nào để chuẩn bị cho quá trình này diễn ra một cách êm đẹp và ít tổn thương nhất. Chúng ta hãy cùng xem kinh nghiệm của một bà mẹ rất kiên nhẫn dưới đây nhé. 

banner ads
Bé ôm mẹ
Cai sữa cho bé là việc rất khó khăn với cả mẹ và bé. Ảnh Internet 

Chắc hẳn nếu đã làm mẹ, bạn sẽ nghe qua rất nhiều cách cai sữa cho bé. Đó có thể là những mẹo từ dân gian, hay từ chính bà, mẹ, chị của mình. Tất cả chúng đều được đúc kết từ những trải nghiệm của người đi trước. Và vì là trải nghiệm cá nhân nên mỗi trẻ với tính cách khác nhau, có thể chấp nhận nó hay không. Với bà mẹ chúng ta sắp “gặp gỡ” thì cách cai sữa của cô không chỉ là kinh nghiệm. Chúng còn là những bước của một quá trình mà nhiều người có thể áp dụng.

Nhưng trước tiên chúng ta hãy cùng tìm hiểu độ tuổi nào thích hợp để cai sữa cho bé đã nhé.

1. Khi nào bạn nên cai sữa cho bé 

Bé gái đang cười
Việc cai sữa phụ thuộc rất nhiều vào bạn và bé. Ảnh Internet 

Theo Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc – Unicef, Tổ chức Y tế Thế giới – WHO hay Hiệp hội Nhi khoa Canada thì bạn nên cho bé bú ít nhất hai năm đầu đời. Sau đó bạn vẫn có thể tiếp tục cho con bú mẹ tùy thuộc vào nhu cầu, điều kiện của bạn và bé.

Một đứa trẻ có thể cai sữa một cách tự nhiên. Nghĩa là khi bé không còn nhu cầu bú mẹ (không phụ thuộc vào văn hóa). Bé sẽ tự làm điều này trong khoảng 3-7 tuổi.

Việc chọn cai sữa sớm sẽ khiến bạn chịu một số tác động như bị đau, tức sữa hay buồn bã, mất bình tĩnh.

Trên thực tế, khá nhiều mẹ cai sữa sớm cho con do mẹ chọn hoặc do hoàn cảnh bắt buộc. Quyết định này rất mang tính cá nhân, đồng thời phụ thuộc nhiều vào bạn và bé.

Về cách cai sữa cho bé , phương pháp bạn lựa chọn không có nghĩa đó là phương pháp duy nhất. Đó chỉ là cách an toàn và tốt nhất cho bạn và bé, cũng như cả gia đình.

Bất kể lý do cai sữa của bạn là gì, thì cách tự nhiên nhất là giãn dần khoảng cách giữa các cữ bú cũng như thời gian mỗi lần bú. Điều này giúp giảm thiểu hiệu ứng về cảm xúc đối với bé. Đồng thời đảm bảo bạn không gặp vấn đề đối với các ống dẫn sữa hoặc tình trạng viêm vú.

2. Cảm xúc của mẹ khi quyết định cai sữa cho bé 

Mẹ ôm bé
Việc cai sữa phụ thuộc rất nhiều vào bạn và bé. Ảnh Internet 

“Ti ti”. Cô con gái 2 tuổi của tôi hỏi khi bé đang được ba đọc truyện trước giờ ngủ. Tôi mỉm cười và ông xã tiếp tục đọc truyện.

Chúng tôi đã thay đổi thói quen đi ngủ lần đầu tiên. Bố dỗ con và đọc sách. Mẹ thì ngồi trên ghế dài quan sát cả hai cha con. Sau khi bố đọc xong, bé ôm hôn cả hai chúng tôi và vui vẻ đi về cũi ngủ của mình.

“Nó là như vậy thôi sao?”

Tôi hầu như bị tổn thương. Vậy đêm trước là đêm cuối cùng tôi cho con bú. Tôi đã chẳng lưu lại bức ảnh nào. Tôi đã không tận hưởng những khoảnh khắc quý giá cuối cùng khi bé ngậm bầu ngực mình. Tôi đã không khóc. Và tôi cũng đã không ngắm nhìn gương mặt bé khi con đang nút sữa và tự nhủ “đây là lần cuối cùng”.

Mọi thứ diễn ra quá đột ngột (đối với tôi).

Hai năm và 8 ngày bé con của tôi đã bú mẹ từ hoàn toàn đến theo nhu cầu. Và rồi tất cả kết thúc một cách thật dễ dàng, đơn giản. Tôi đã lưu lại rất nhiều bài viết về việc cai sữa để tham khảo. Tôi đã từng khóc mỗi lần nghĩ đến việc ngưng cho con bú. Chỉ cần nghĩ đến việc phải tước đi một thứ quen thuộc mà con gái yêu thích là tim tôi tan vỡ. Tôi đã nghĩ rằng mình không thể làm được điều này.

Khi nhận thức được rằng “ngày đó” sắp đến, vào đêm trước đêm cuối cùng, tôi đã bực bội và nghi ngờ bản thân. Tôi cố gắng hồi tưởng và lưu lại cảm giác con áp sát bầu ngực mình.

Và như vậy, mọi việc đã xảy ra rất nhanh chóng. Cuối cùng, tiến trình chậm rãi mà chúng tôi lựa chọn đã thực sự hiệu quả.

3. Cách cai sữa cho bé bạn có thể áp dụng 

Cai sữa khi cả bạn và bé đã sẵn sàng
Hãy cai sữa khi cả bạn và bé đã sẵn sàng. Ảnh Internet 

Những cách cai sữa cho bé trong bài viết này sẽ áp dụng cho trẻ từ 18 tháng tuổi trở lên. Vì ở độ tuổi này, bé đã hiểu bạn, có thể hợp tác và thỏa hiệp cùng trong suốt quá trình. Mẹ đã thực hiện các bước này từ ngày 15/06 và đã cai sữa vào 29/09. Khoảng thời gian tổng cộng của quá trình cai sữa này kéo dài đến 15 tuần và 1 ngày.

Nếu bạn cai sữa cho bé sớm hơn, nhiều trong số những lời khuyên này vẫn có thể áp dụng được. Nhưng điều quan trọng là bạn hãy thực hiện từ từ nhất có thể thì càng tốt.

Cách cai sữa cho bé cụ thể như sau:

  • Bạn đừng đề nghị cũng đừng từ chối bé. Chỉ đơn giản là thực hiện mà thôi.
  • Bạn hãy đặt mục tiêu. Bạn hãy quyết định khi nào muốn hoàn thành việc cai sữa. Bạn có thể thay đổi suy nghĩ và cần thêm thời gian khi đã đến mốc thời gian dự định. Hoặc bạn cũng có thể sẵn sàng sớm hơn.
  • Bạn hãy phân tán sự chú ý của bé là một trong những cách cai sữa cho trẻ hiệu quả . Khi bé đòi bú, bạn hãy cố thu hút sự chú ý của con bằng nước uống, một món ăn nhẹ bé thích hay đưa bé qua một phòng khác.
  • Bạn hãy bắt đầu từ chối 1 vài lần trong số những lần đòi bú của bé. Bạn hãy chọn những cữ bú mà bạn muốn duy trì lâu hơn. Ví dụ như bạn giảm các cữ bú xuống chỉ còn bữa sáng, bữa ngủ trưa và bữa ngủ tối. Đây là những bữa quan trọng và khó “cai” nhất, nên bạn hãy giảm sau cùng.
Bé đang chơi với mẹ
Bạn hãy chọn và giảm cữ bú. Ảnh Internet 
  • Bạn hãy “đàm phán” và giải thích. Việc này sẽ giúp bé cảm thấy mình là một phần của quyết định, và sẽ chấp nhận nó một cách dễ dàng hơn. Ví dụ: “Chúng ta không ti ti vào lúc này mà chỉ vào bữa sáng, trưa và tối thôi. Con nhớ chứ”.
  • Bạn hãy trò chuyện với trẻ về việc cai sữa. Vì lúc này trẻ đã có thể hiểu khá nhiều. Nên bạn hãy trò chuyện và nói cho trẻ biết bạn sẽ cho bé bú ít hơn.
  • Bạn hãy giảm cữ bú chính và giảm thời gian mỗi lần bú đến còn 1 cữ 1 ngày. Bạn có thể bắt đầu với bữa bú buổi sáng. Thay vì ti ti, bạn hãy đổi cho ba bé chơi với bé và cho con ăn bữa sáng. Tiếp theo là bữa trưa. Thay vì cho bé bú trước giờ ngủ, bạn hãy đổi cách dỗ con. Ví dụ như cho bé vào xe đẩy đẩy quanh nhà và dặn bé nếu thấy chán thì nhắm mắt lại. Như vậy bé đã đi vào giấc ngủ trưa mà không cần bú mẹ. Bạn hãy để cữ bú trước khi ngủ buổi tối đến cuối cùng vì đây là “ca” khó nhất. 
Mẹ nằm dỗ bé ngủ
Thay vi cho bé bú trước giờ ngủ, hãy dần đổi cách dỗ con. Ảnh Internet 
  • Bạn hãy bắt đầu giảm thời gian bú. Ví dụ thay vì cho bé bú ngay khi bắt đầu câu chuyện trước khi ngủ. Bạn hãy nói bé có thể ti ti sau khi ba đọc truyện xong. Sau đó, bạn cho bé biết đã đến giờ ngủ. Cuối cùng, bé sẽ chỉ bú vài phút mà thôi.
  • Bạn hãy thay đổi lịch trình của mình. Bạn nên bắt đầu các hoạt động mới khi vẫn còn cho bé bú. Như vậy, khi bạn ngưng cho bú, bé sẽ thấy bình thường. Bạn cũng cần tránh những nơi thường xuyên cho bé ti ti. Đồng thời, hãy để ông xã tham gia nhiều hơn vào lịch trình của bạn và con.
  • Bạn hãy trêu và cười với bé khi con đòi bú. Ví dụ: “Giờ mình không ti ti được con à, mẹ hết sữa rồi!”
  • Bạn hãy cho bé biết lý do cai sữa. Ví dụ: “Chỉ em bé mới ti ti thôi, còn con lớn rồi mà!”
  • Bạn hãy vỗ về, cho trẻ nhìn, chạm vào ôm ấp, hôn ngực mẹ. Chắc chắn ngoài sữa, bé nhớ cả cảm giác ấm áp khi gần bạn. Việc này sẽ giúp bạn và bé vẫn gắn kết với nhau mà không qua bú mẹ. 
Mẹ ôm ấp bé
Bạn hãy vỗ về và ôm ấp trẻ. Ảnh Internet 
  • Bạn hãy chăm sóc bầu ngực của mình. Bạn càng thực hiện việc cai sữa chậm rãi bao nhiêu thì càng giảm được nguy cơ tắc sữa và nhiễm trùng bấy nhiêu. Nguồn sữa của bạn sẽ giảm dần khi bạn giảm cho bé bú. Ban đầu, bạn có thể thấy căng sữa. Khi đó bạn hãy vắt ra một chút để cảm thấy dễ chịu hơn. Phần sữa còn lại sẽ giúp kích hoạt não bộ giảm lượng sữa sản xuất xuống. Bạn cũng có thể dùng đá lạnh để chườm hoặc ibuprofen để giảm đau nếu cần.

Cách cai sữa cho bé như đã chia sẻ ở trên là một quá trình bạn nên thực hiện chậm rãi. Vì như vậy sẽ giúp bé quen dần và không bị tổn thương khi bạn ngưng cho con bú hoàn toàn. Bên cạnh đó, việc tiến hành từ từ cũng giúp cơ thể bạn giảm nguy cơ bị ảnh hưởng, đặc biệt là tình trạng nhiễm trùng khi ngực bạn căng sữa. 

Bé ngồi trong lòng mẹ
Cai sữa cho bé nên là một quá trình thực hiện chậm rãi. Ảnh Internet 

Việc cai sữa sẽ kết thúc một mối quan hệ, một quá trình vô cùng độc đáo mà bạn cùng chia sẻ với bé. Sự gắn kết này là điều mà không có bất cứ thứ gì có thể đánh đổi được. Chính vì vậy, không có lý do gì để dừng lại trước khi bạn và bé đã sẵn sàng. Hãy lưu ý một điều rằng bạn càng chia sẻ lâu hơn trong hành trình nuôi con bằng sữa mẹ, thì càng tốt cho cả bạn và bé yêu.

Theo Motherly

Lily Nguyễn lược dịch

Đã có 1 người đánh giá Hữu Ích

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI