Trầm cảm sau sinh: mẹ nào cũng gặp

Trầm cảm sau sinh là tình trạng cơ thể có cảm giác mệt mỏi, buồn chán, lo lắng. Thời gian trầm cảm “ghé thăm” các bà mẹ là khoảng vài ngày đến 6 tuần sau sinh.

banner ads

Phần 1: Trầm cảm - Kẻ giấu mặt nguy hiểm

 Theo nhiều nghiên cứu, có tới 41% phụ nữ bị trầm cảm sau khi sinh và nguy cơ tái phát của hội chứng này là 50%. Nguyên nhân của tình trạng trên là do rối loạn nội tiết và áp lực căng thẳng trong cuộc sống cùng với việc chưa thích ứng với vai trò làm mẹ.

Trầm cảm sau sinh được chia thành hai giai đoạn sớm và muộn với mức độ ảnh hưởng khác nhau.

1. Hội chứng trầm cảm sớm sau sinh

Trầm cảm không điển hình (Post – Partum Blues)

Trầm cảm thường xảy ra vào ngày thứ ba. Hiện tượng các bà mẹ có trạng thái cảm xúc từ sự hứng khởi khi được làm mẹ sang cảm giác buồn bã và sợ hãi, lo lắng về tất cả mọi điều thuộc về con. Người mẹ có thể tự nhiên buồn vô cớ, có khi là khóc lóc mà không rõ nguyên nhân đến từ đâu.

Hiện tượng trầm cảm điển hình thường xảy ra vào ngày thứ 3 sau khi sinh

Nguyên nhân của hội chứng này được giải thích do sự thay đổi nội tiết xảy ra nhanh sau sinh và sự biến đổi tâm lý làm cho bà mẹ quá lo lắng, quá quan tâm để ý đến con, luôn nhạy cảm với tất cả những gì liên quan đến con. Cảm giác lo lắng thái quá khi con vặn mình, uốn éo, hay dướn người, hơi khóc là sợ con bị đói, bị lạnh hoặc bị bệnh gì đó mà mình chưa biết.

Hội chứng này thường chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, và điều này tùy thuộc vào sự quan tâm chăm sóc của những người thân trong gia đình. Hội chứng trầm cảm này thường nhẹ và lành tính. Muốn giảm nhẹ tình trạng này, bà mẹ nên được chăm sóc và hướng dẫn, giải thích để có kiến thức chăm sóc và nuôi con ngay từ những tháng cuối của thời kỳ mang thai và tiếp tục được cán bộ y tế theo dõi hướng dẫn chăm sóc nuôi con sau khi sinh.

Trầm cảm điển hình

Chứng trầm cảm này xảy ra khoảng từ 10 đến 20% các trường hợp sau đẻ từ 9 đến 15 tháng.

Các biểu của chứng này là: cảm xúc dễ bị thay đổi, dễ nổi cáu, biểu hiện suy nhược cơn chảy nước mắt, luôn luôn xuất hiện cảm giác bất lực, quá lo lắng về cách cho con ăn, cách dạy dỗ, cho ăn cầu kỳ tỉ mỉ… cách giữ vệ sinh. Có một số yếu tố thúc đẩy hội chứng này là người mẹ còn trẻ 20 tuổi hoặc trên 30 tuổi hoặc bản thân người mẹ có sự thiếu hụt tình cảm hoặc là nạn nhân của sự đối xử tàn tệ trong thời kỳ thơ ấu.

2. Hội chứng trầm cảm muộn sau sinh

Cơn trầm cảm nặng sau sinh

Các cơn khởi đầu cấp diễn ra sau khi sinh hai tuần hoặc trong khoảng ba tháng đầu sau sinh. Thường điều này càng trở nên tệ hơn làm cho các bà mẹ gặp khó khăn trong việc chăm sóc em bé mà không có người thân giúp đỡ, chia sẻ.

Cơn trầm cảm thường kèm theo trí nhớ lú lẫn, hay quên, bối rối lo âu, khí sắc dao động cảm giác bất lực...

Điều đáng ngại là có nhiều chị em không biết chứng bệnh này nên âm thầm chịu đựng, không dám thổ lộ với người khác vì sợ mọi người nghĩ xấu về mình. Bên cạnh đó, người thân cũng không am hiểu về chứng này nên đã không có sự chia sẻ đúng mức. Do vậy mà những bà mẹ này cảm thấy rất cô đơn và không ít trường hợp trở bệnh nặng hơn.

Những người mắc trầm cảm nặng sau sinh cần sự hỗ trợ của bác sĩ

Thường các trường hợp mắc hội chứng trầm cảm giai đoạn này cần được sự hỗ trợ chuyên môn từ bác sĩ để lấy lại cân bằng trong cuộc sống.

Các biểu hiện thường thấy của chứng trầm cảm sau sinh

• Sao nhãng trong việc chăm sóc con, cảm thấy mình không xứng đáng chăm sóc em bé.

• Cáu gắt với người khác. Cảm thấy căng thẳng và dường như lúc nào cũng muốn bùng nổ những cảm xúc dữ dội tiêu cực.

• Dễ lo âu và hoảng sợ. Thường lo lắng về sức khỏe bản thân và khó bình tĩnh với các tình huống bất chợt trong đời sống.

• Buồn bã.

• Cảm thấy có tội.

• Cảm thấy trống rỗng.

• Cảm thấy yếu ớt hoặc không còn sức lực.

• Không cảm thấy thoải mái trong quan hệ tình dục.

• Giảm khả năng diễn đạt chính xác khi nói hoặc viết.

• Không còn thích thú với những thứ, hoạt động mình ưu thích trước kia.

• Giảm thiểu giao tiếp với người khác. Thường có ý muốn cách ly với bạn bè hoặc người thân trong nhà như cha mẹ, anh em.

• Rối loạn giấc ngủ. Thường là mất ngủ, thức suốt đêm, cũng có biểu hiện ngược lại như ngủ rất nhiều.

• Ăn uống thất thường dẫn đến suy nhược cơ thể.

• An ủi không đem lại kết quả.

• Tuyệt vọng. Cảm xúc này có thể dần đến ý nghĩ muốn tự sát.

• Lòng tự trọng thấp.

Mất tập trung. Không thể tập trung suy nghĩ hoặc theo đuổi ý tưởng nào. Đôi lúc cảm thấy trí nhớ kém.

Phần 2: Ảnh hưởng và cách điều trị hội chứng trầm cảm sau sinh

Hội chứng trầm cảm sau sinh được xem kẻ giấu mặt nguy hiểm khi âm thầm gây ra nhiều tác động xấu, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sống và thậm chí hạnh phúc của các gia đình trẻ. Thế nhưng không quá khó để điều trị hội chứng này.

Hậu quả khôn lường của việc trầm cảm

Trầm cảm sau sinh ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân người mẹ: thể chất sụt cân, suy dinh dưỡng; tinh thần suy nhược, hoang tưởng, thậm chí có hành vi nguy hiểm...

Ở mức độ tăng, người bị trầm cảm luôn có ý nghĩ tự tử

Nếu ở mức độ nặng, người bị trầm cảm sau sinh có ý nghĩ hay hành vi tự tử (41,2%). Có những bà mẹ nghĩ con mình bị ma quỷ nhập nên tìm cách trừ tà, rất nguy hiểm đến tính mạng của bé. Một số người rối loạn tâm thần, luôn có cảm giác bị hại nên tìm cách trả thù hay đối phó.

Những đứa bé được sinh ra có mẹ mắc chứng trầm cảm sẽ bị ảnh hưởng tính cách, thậm chí rất nặng nề, khi trưởng thành như rụt rè, nhút nhát trước đám đông, rối loạn ngôn ngữ, nhận thức chậm, hành động tiếp thu yếu hơn các bạn cùng trang lứa.

Trầm cảm sau sinh có thể ảnh hưởng từ mẹ sang con và rất nhiều vấn để tình cảm trong gia đình. Nếu em bé của bà mẹ đã không được điều trị trầm cảm sau sinh có nhiều khả năng có vấn đề về hành vi, chẳng hạn như ngủ và ăn uống khó khăn, cơn giận và hiếu động thái quá. Khả năng phát triển ngôn nhữ kém.

Nếu không được quan tâm và chữa trị đúng lúc, chứng bệnh này càng để lâu càng khó chữa. Thậm chí, có thể trở thành một chứng rối loạn trầm cảm kinh niên.

Nâng đỡ tinh thần để chữa trị

Có ba bước thường được tiến hành để chữa trị cho các sản phụ bị mắc chứng bệnh này.

1. Tư vấn

Từ những tâm sự các triệu chứng của bản thân sau sinh, các chuyên gia trong lĩnh vực như bác sĩ tâm thần hoặc người tư vấn tâm lý có những phân tích tư vấn vá trấn an bệnh nhân. Thông qua tư vấn, các bà mẹ có thể tìm cách tốt hơn để đối phó với những cảm xúc, giải quyết vấn đề và đặt mục tiêu thực tế.

Cần tìm đến nhà tư vấn tâm lý để được tháo gỡ, chia sẻ những vấn đề đang gặp phải

Hoặc đơn giản, đó là các cuộc trò chuyện giữa các chị em phụ nữ với nhau về vấn đề khó khăn, hoặc đó cũng là những cuộc nói chuyện tháo gỡ, chia sẻ giữa các thành viên trong gia đình như vợ chồng, mẹ và con gái, chị và em gái.

2. Thuốc chống trầm cảm

Y bác sĩ chuyên môn sẽ giúp các bà mẹ thôi lo lắng về tác dụng của thuốc ảnh hưởng đến con thông qua đường sữa mẹ. Vì vậy điều trị trầm cảm bằng thuốc cần phải được thực hiện nghiêm ngặt theo sự hướng dẫn của bác sĩ điều trị.

3. Hormone liệu pháp

Như với thuốc chống trầm cảm, các mẹ cần cân nhắc những rủi ro tiềm năng và lợi ích của liệu pháp hormone với bác sĩ. Estrogen thay thế có thể giúp chống lại sự sụt giảm nhanh chóng trong estrogen đi kèm khi sinh con, có thể dễ dàng các dấu hiệu và triệu chứng của trầm cảm sau sinh ở một số phụ nữ.

Ngoài những liệu pháp điều trị đã nêu trên, bà mẹ sau khi sinh mắc phải hội chứng trầm cảm cũng cần phải chủ động chữa trị bệnh cho mình bằng những điều sau:

- Hãy làm những gì có thể và dành thời gian để nghỉ ngơi. Yêu cầu giúp đỡ khi cần. Không tạo ra những áp lực cho bản thân.

- Dành thời gian cho chính mình. Có thể cho mình không gian riêng như đi mua sắm, đi cà phê trò chuyện cùng bạn bè.

- Các bà mẹ không nên thu mình trong vỏ ốc của mình mà hãy sống cởi mở hơn. Thường xuyên trò chuyện với người thân, đối tác và bạn bè về các vấn đề mình quan tâm. Trao đổi với các bà mẹ khác về kinh nghiệm nuôi con của họ.

- Các mẹ hãy sống tích cực và lựa chọn cho mình lối sống lành mạnh. Bao gồm các hoạt động thể chất như lập thói quen đi bộ. Ăn thức ăn lành mạnh, và tránh uống rượu, bia…

Hãy chọn cho mình 1 lối sống lành mạnh

Cùng với sự chuẩn bị tốt về tâm lý, những lời khuyên giải, động viên, nâng đỡ, chia sẻ của người thân sẽ giúp tinh thần của các bà mẹ bình thường trở lại. Khoảng 15% kéo dài trạng thái trầm cảm đến hàng năm, hoặc bị trầm cảm nặng có các rối loạn hành vi. Những trường hợp này cần phải đưa đến các cơ sở chuyên khoa tâm thần để điều trị. Khi bệnh đã tạm ổn định, người mẹ cần được động viên, an ủi, nâng đỡ về tinh thần để tránh mặc cảm.

Mọi người trong gia đình cần tạo ra một bầu không khí vui vẻ, chan hòa tình cảm, cùng nhau chăm chút cho em bé mới chào đời để người mẹ cảm thấy yên tâm, không bị cảm giác tủi thân, lo lắng và sợ hãi.

Kết hợp tất cả những điều đó, trầm cảm sau sinh thường biến mất trong vòng vài tháng. Trường hợp nặng có thể kéo dài đến một năm. Điều lưu ý là việc điều trị phải tận gốc để tránh trầm cảm bị tái phát lại.

Các cơ sở y tế có thể trợ giúp người bị trầm cảm sau sinh

Một số bệnh viện tâm thần lớn trong cả nước, cũng như địa chỉ để có thể liên hệ chữa trị:

• Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia - 78, Giải Phóng, Phương Mai, Quận Đống Đa, TP.Hà Nội, web:

https://www.nimh.gov.vn

• Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương - Số 4, Phố Hồng Mai, Quận Hai Bà Trưng - TP.Hà Nội, web:

https://www.maihuong.gov.vn

• Khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103 - nằm trên đường 70, Hà Đông, TP.Hà Nội

• Bệnh viện Tâm thần Tiền Giang - Xã Nhị Bình, Huyện Châu Thành, Tỉnh Tiền Giang, web:

https://www.bvtamthantg.org.vn

• Bệnh viện Tâm thần Tp.Hồ Chí Minh - 192 Hàm Tử, p.1, Quận 5, TP.Hồ Chí Minh, web:

https://www.bvtt-tphcm.org.vn

• Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 - Xã Hoà Bình, Huyện Thường Tín, TP.Hà Nội

• Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 - Biên Hòa, Đồng Nai.

Phần 3: Các cách phòng tránh hội chứng trầm cảm sau sinh

Phòng bệnh hơn chữa bệnh, các bà mẹ đang mang thai nên bỏ túi cho mình những bí quyết sau để có thể chủ động và có cuộc sống tốt trong làm mẹ sắp tới của mình.

Chủ động phòng tránh hội chứng trầm cảm sau khi sinh là cách tốt nhất để các bà mẹ xây dựng gia đình và cuộc sống viên mãn trong thời gian bỡ ngỡ đón chào một thành viên mới.

1. Tìm hiểu về hội chứng trầm cảm trước khi làm mẹ

Việc làm mẹ lần đầu sẽ không tránh được những bỡ ngỡ. Vi vậy, bên cạnh việc tham khảo kinh nghiệm của người đi trước, các bà mẹ cũng nên đọc sách báo để nắm rõ hơn.

Lần đầu tiên làm mẹ sẽ không tránh được bỡ ngỡ

Điều này sẽ giúp các mẹ có hình dung rõ ràng về những thay đổi có thể xảy ra trong cuộc sống và bản thân mình khi con trẻ chào đời. Từ đó sẽ có sự chuẩn bị tâm lý và thậm chí có thể có những chuẩn bị cụ thể khác như trang bị thêm một số kỹ năng chăm sóc em bé hoặc xây đựng được “đội ngũ chuyên gia tư vấn” là bạn bè xung quanh để hỗ trợ mình khi gặp khó khăn.

2. Thông cảm và chia sẻ từ người thân

Sinh con ra là một niềm hạnh phúc lớn. Tuy nhiên, trong những ngày tháng đầu mẹ sẽ không thề tránh được những lo âu, bồn bề trong việc chăm sóc em bé. Vấn đề làm mẹ càng khó khăn hơn đối với phụ nữ nuôi con một mình, không có sự giúp đỡ của người thân, Ngoài ra, cuộc sống phải đối mặt nhiều vần đề khiến người mẹ trở nên áp lực cà căng thẳng.

Do đó mọi người trong gia đình, nhất là người chồng, cần nhận thức đúng về chứng suy sụp sau khi sinh, không nên nghĩ và “tám” rằng bà mẹ ấy là “người xấu”, “bà mẹ ác độc”, bị “trời phạt”… Hãy biết cảm thông và sẵn sàng chăm sóc, tích cực giúp đỡ bà mẹ sau sinh cả về thể chất, tinh thần, để giúp bà mẹ sau sinh nhẹ nhàng thoát khỏi chứng này.

3. Chuẩn để đón đợi vai trò mới

Để không bị suy sụp tinh thần sau sinh, các mẹ nên chuẩn bị cẩn thận từ lúc mang thai, không chỉ cho mình mà cho cả mọi người xung quanh nữa:

- Chuẩn bị cho việc sinh con bằng cách tham gia khóa hướng dẫn trước sinh.

- Sắp xếp nhờ thân nhân, bạn bè giúp đỡ người mẹ sau khi sinh con.

Gần sinh mẹ bầu nên gọi điện trước để nhờ người thân giúp đỡ khi sinh con

- Gần ngày sinh, cần tránh những thay đổi lớn nhu: dọn nhà, sửa nhà, thay đổi việc làm…

- Giúp người chồng chuẩn bị tinh thần trong việc chăm vợ sau sinh cả về thể chất và tinh thần; và biết cách giúp vợ chăm sóc con, trông nom việc nhà…

- Nếu sản phụ đã từng bị suy sụp tinh thần thì nên báo cho bác sĩ biết khi đi thăm thai.

Với những nỗ lực như trên các bà mẹ có thể tự tin hơn để đón chào con trẻ đến trong đời với niềm hạnh phúc nhất.

Yeutre.vn (Tổng hợp)

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI