1. Tại sao cần phải tiêm phòng sởi quai bị rubella cho trẻ?
Sởi, quai bị, rubella là những căn bệnh truyền nhiễm lây lan nhanh chóng, tỉ lệ mắc bệnh ở trẻ em khá cao do sức đề kháng yếu, hệ miễn dịch còn kém, dễ bị virus tấn công. Khi cơ thể đã bị bộ ba loại virus của bệnh này xâm nhiễm, thì sẽ để lại vô vàn những tác hại xấu khôn lường như:
- Sởi
Virus sởi tấn công gây ra tình trạng ho, chảy nước mũi, phát ban, ngứa mắt và sốt. Bệnh này có thể dẫn đến nhiễm trùng tai, viêm phổi, động kinh, tổn thương não, đặc biệt là có thể gây tử vong.
- Quai bị
Virus quai bị xâm nhiễm sẽ gây sốt, nhức đầu, đau cơ, biếng ăn và sưng hạch. Bệnh này có thể dẫn đến điếc, viêm màng não, sưng đau tinh hoàn hoặc buồng trứng, tỉ lệ gây vô sinh cao.
- Rubella (bệnh sởi Đức)
Virus rubella gây phát ban, viêm khớp và sốt nhẹ. Nếu phụ nữ đang trong quá trình mang thai 3 tháng đầu mà bị nhiễm bệnh, có thể sẽ bị sẩy thai đến 90%, hoặc trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh nặng.
2. Tiêm phòng sởi quai bị rubella cho trẻ vào độ tuổi nào để đạt hiệu quả tốt nhất?
Để bảo vệ sức khỏe trẻ, cần chủ động tiêm phòng cho con để ngăn ngừa hiệu quả sự tấn công của các virus gây bệnh này. Hiện nay, với sự tiến bộ của khoa học công nghệ, các nhà khoa học đã phát minh ra loại vắc xin phối hợp “3 trong 1” rất hiệu quả và an toàn. Loại vắc xin phối hợp này, qua nghiên cứu lâm sàng, đã cho thấy hiệu quả tối ưu, nếu sử dụng 2 liều sẽ giúp gia tăng tỷ lệ phòng bệnh vượt trội lên đến 99,7%.
Hiệu quả bảo vệ của vắc xin này rất cao, cùng một lúc phòng ngừa 3 loại bệnh: sởi , quai bị , rubella, thích hợp cho người lớn và trẻ em từ 12 tháng tuổi trở lên. Nếu sau khi tiêm vắc xin liều đầu tiên cho trẻ 12-15 tháng tuổi, thì khả năng bảo vệ trẻ phòng tránh các loại bệnh này có thể lên tới 90 - 95%, và liều vắc xin thứ 2 nên tiêm cho trẻ khi trẻ được 4 - 6 tuổi để phát huy hiệu quả tối đa
3. Tiêm phòng sởi quai bị rubella trẻ có bị sốt không?
Đa số các mẹ đều có tâm lí chung là khá lo lắng về tình trạng trẻ có bị sốt sau tiêm phòng không? Về vấn đề này, chính các nhà nghiên cứu và chuyên gia đã chứng minh rằng, sau khi tiêm vắc xin phòng bệnh, một số trẻ có thể sẽ xuất hiện những dấu hiệu như sốt nhẹ, nổi phát ban, sưng đau tại chỗ tiêm. Thế nhưng, đây là những biểu hiện bình thường, chỗ đau ở vị trí tiêm sẽ nhanh chóng chấm dứt trong vòng 24h, còn sốt và nổi ban thông thường cũng sẽ biến mất trong 1-2 ngày.
Những phản ứng của cơ thể với thuốc sau khi tiêm không gây nguy hiểm đến sức khỏe cho trẻ. Nếu trong trường hợp tình trạng sốt cao kéo dài đến khoảng 1 tuần, hoặc lâu hơn bình thường, các mẹ hãy đưa trẻ đến trung tâm y tế gặp bác sĩ để được theo dõi và khám chữa trị đúng cách.
Lưu ý
- Phụ nữ đang mang thai được khuyến cáo không nên tiêm vắc xin, tốt nhất nên tiêm phòng trước khi có thai ít nhất là 3 tháng, hoặc phụ nữ đang cho con bú thì tiêm vắc xin vẫn an toàn bình thường.
- Những người có tiền sử dị ứng hoặc phản ứng bất ổn với các thành phần gelatin, neomycin của thuốc thì cũng không nên tiêm.
- Người bị suy giảm hệ miễn dịch do đang trong quá trình điều trị ung thư.
- Người bị bệnh ác tính về máu, nhiễm trùng cấp tính, hoặc các bệnh mạn tính như viêm phế quản, viêm phổi...
Tiêm phòng sởi quai bị rubella cho trẻ là cách tốt nhất để ngăn ngừa các căn bệnh nguy hiểm này. Theo lịch tiêm chủng mở rộng, tốt nhất nên tiêm loại vắc xin này cho con trong độ tuổi khoảng từ 12 đến 14 tháng. Nếu có nhiều thắc mắc về những bệnh này, mẹ nên tìm đến các cơ sở y tế trao đổi cụ thể với bác sĩ, đồng thời, tự chuẩn bị cho mình nhiều kiến thức, kỹ năng cần thiết để xử lý khi trẻ gặp biến chứng nguy hiểm sau tiêm phòng.
Thủy Nguyễn tổng hợp