Để biết thai nhi 25 tuần tuổi đã phát triển như thế nào, cơ thể mẹ bầu đã thay đổi ra sao, mẹ bầu nên làm gì để giúp thai nhi phát triển hơn trong giai đoạn này, các mẹ hãy tham khảo nội dung chi tiết dưới đây nhé!
1. Cuộc sống của mẹ thay đổi như thế nào?
Khoảng thời gian này, mẹ sẽ cảm thấy đau lưng và nhói ở vùng bụng dưới. Nguyên nhân là do tử cung giãn nở làm thay đổi trọng tâm cơ thể và chèn ép lên các dây thần kinh. Tuy nhiên, các mẹ đừng quá lo lắng, vì đây là triệu chứng thông thường khi mang thai. Để giảm bớt tình trạng khó chịu này, các mẹ nên thả lỏng cơ thể, không ngồi hoặc đứng quá lâu, khi ngủ nên nằm nghiêng và kê cao chân. Bên cạnh đó, việc tắm nước ấm, chườm nóng hoặc massage tinh dầu cũng có tác dụng rất tốt.
Tuần này, mẹ bầu thường xuyên cảm thấy khó thở hoặc thở dốc khi nói chuyện, leo cầu thang, di chuyển nhanh... Nguyên nhân là do cơ thể thai nhi 25 tuần phát triển quá nhanh, chiếm hết phần bụng làm lá phổi của mẹ không còn chỗ để nở ra khi hít vào. Chính vì vậy, các mẹ nên di chuyển nhẹ nhàng, nói chuyện từ tốn và nghỉ ngơi trong môi trường thoáng mát.
2. Thai nhi 25 tuần phát triển ra sao?
Trong giai đoạn tam cá nguyệt này, em bé sẽ nặng khoảng 900 gram và dài hơn 35cm tính từ đầu đến chân. Lúc này, các tế bào thần kinh trong tai của bé ngày càng hoàn thiện và nhạy cảm hơn trước. Chính vì vậy, bé có thể nghe rõ các âm thanh bên ngoài và phân biệt được giọng nói của bố mẹ với những người khác.
Thai nhi 25 tuần tuổi tăng trưởng cân nặng rất nhanh và có hình dáng rất giống đứa trẻ lúc mới sinh. Tuần này, mắt bé có nhiều thay đổi như võng mạc hoàn thiện hơn, nhạy cảm với ánh sáng và nhắm mở mắt tốt hơn.
3. Dinh dưỡng dành cho mẹ bầu ở tuần 25 của thai kỳ
Thai nhi 25 tuần là thời điểm phát triển mạnh mẽ cả về cân nặng và trí não. Chính vì vậy, các mẹ cần có chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng hợp lý hơn. Mỗi ngày mẹ bầu nên bổ sung từ 1000 - 1200mg canxi và nạp thêm từ 350 - 400mg magie có trong yến mạch, sữa, hải sản, hạnh nhân, các loại hạt và ngũ cốc.
Một số lưu ý dành cho mẹ bầu:
- Các loại thực phẩm giàu DHA, omega-3, omega-6... có trong cá hồi, cá ngừ, trứng, sữa, nước ép trái cây... sẽ giúp bé phát triển trí não (giúp gia tăng tế bào não) tốt hơn.
- Uống nước cam, bơ, chanh... mỗi ngày sẽ giúp bé hấp thụ canxi tốt hơn.
- Mẹ nên ăn nhiều trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, đậu, rau quả và uống nhiều nước để giảm bớt các triệu chứng liên quan đến hệ tiêu hóa như táo bón, khó tiêu, ợ nóng...
4. Lời khuyên dành cho mẹ bầu khi thai nhi 25 tuần
Vào tuần này, mẹ bầu rất dễ bị mất ngủ và thường xuyên đi tiểu đêm. Thay vì cố gắng chìm vào giấc ngủ và "lăn qua lăn lại" trên giường, các mẹ nên uống thêm cốc sữa, đọc sách hoặc đi tắm. Ngoài ra, sử dụng quạt gió, máy điều hòa hoặc thay chiếc ga trải giường có mùi thơm dịu nhẹ sẽ giúp mẹ dễ đi vào giấc ngủ hơn.
Thai nhi 25 tuần tuổi, là giai đoạn có thể xuất hiện ở mẹ bầu dấu hiệu tiền sản giật, nghĩa là rối loạn về huyết áp. Một số triệu chứng như sưng phù một số bộ phận trên cơ thể (tay, chân, mặt...), tăng cân nhanh chóng (tăng 2kg/ tuần) hoặc giảm thị lực đột ngột. Nếu gặp phải tình trạng này, các mẹ nên đến bệnh viện để được bác sĩ tiến hành kiểm tra và có liệu pháp điều trị phù hợp.
Thai nhi 25 tuần tuổi đã phát triển như thế nào và cuộc sống mẹ bầu đã thay đổi ra sao ở giai đoạn này, hẳn đến đây các mẹ bầu đã biết qua. Mẹ hãy lưu ý những thông tin được cung cấp này, để xây dựng một chế độ dinh dưỡng phù hợp cho thai nhi được phát triển khỏe mạnh. Bên cạnh đó, mẹ cũng đừng quên chăm sóc bản thân nghỉ ngơi hợp lý, để đảm bảo sức khỏe thai kỳ nhé!
Liên Tiểu Di tổng hợp