1. Thai 23 tuần tuổi đang phát triển ra sao?
Ở thời điểm 23 tuần, thai nhi có cân nặng khoảng 500g, chiều dài của bé tính từ đầu đến chân là khoảng 29 cm. Tuần tuổi này, phía dưới lợi của bé đã xuất hiện những chiếc răng sữa. Các bộ phận trên khuôn mặt như môi, mắt, lông mày, lông mi đã phát triển và hình thành rõ nét nhưng vẫn chưa hoàn chỉnh. Mắt của mé vẫn chưa xuất hiện lòng đen. Bên cạnh đó, tụy của bào thai vẫn đang phát triển. Cơ quan này có vai trò rất quan trọng trong việc sản xuất ra hormone, đặc biệt là insulin.
Tuần này, lỗ mũi của em bé đã thông và không còn bít chặt. Bên cạnh đó, chất hoạt dịch đang bao phủ các túi phổi của em bé, giúp chúng mở và giữ khí oxi sau khi sinh sinh. Dây rốn, chìa khóa cho sự sống của bé dài và khỏe hơn, kích thước cuộn dây rốn đo được lúc này là khoảng 55 cm. Hơn nữa bé đã có hàng tỉ nơron thần kinh, nó đủ dùng cho cả cuộc đời của bé sau này. Bé trở nên hiếu động hơn với những cú đạp, thúc vào bụng mẹ ngày càng nhiều.
Thính giác của bé cũng đặc biệt rất nhạy cảm với âm thanh, cho nên bất kỳ âm thanh nào ở bên ngoài cũng khiến bé của mẹ hứng thú. Đặc biệt bé sẽ phản ứng khi gặp tiếng ồn quá lớn, nhạc êm dịu và giọng nói nhẹ nhàng của mẹ sẽ làm bé thích thú vô cùng.
2. Những thay đổi của mẹ khi mang thai 23 tuần
Khi thai 23 tuần, tử cung của bạn nhô thêm khoảng 3,75cm so với rốn. Các thay đổi diễn ra ở phần bụng có vẻ chậm dần đi, nhưng chắc chắn vào thời gian này, hình dáng tử cung của các bà mẹ đều đã khá tròn. Tổng trọng lượng của bạn có thể tăng từ 2,5 đến 6,8 kg. Bạn lo lắng khi thấy máu xuất hiện trong bọt kem đánh răng cũng như trên bàn chải? Lợi của bạn đang làm việc “ngoài giờ” để hỗ trợ răng và hệ xương bao quanh, thỉnh thoảng lợi của bạn cũng có thể bị sưng hoặc viêm. Nhớ đánh răng mỗi ngày ít nhất hai lần và dùng chỉ nha khoa vào các buổi tối nhé. Lợi bị chảy máu là dấu hiệu cho thấy cần phải đánh răng nhiều hơn chứ không phải ít đi, hãy cố gắng duy trì thói quen hẹn gặp nha sĩ ít nhất 2 lần trong suốt thai kỳ.
Dây chằng và cơ hỗ trợ tử cung của bạn cũng đang tập thể dục. Progesterone và Relaxin, những hormone quan trọng trong thai kỳ, đang phù phép bằng cách nới lỏng và làm chùng những bó xơ căng cứng. Điều này giúp cơ thể bạn chuẩn bị cho việc sinh nở, nhưng nó đi kèm với việc khiến cho mọi thứ trở nên lỏng lẻo hơn. Tắm nước ấm, xoa bóp bụng và thậm chí là vật lý trị liệu đều có thể giúp xoa dịu sự khó chịu.
Bạn luôn trong trạng thái muốn ăn, thèm ăn và ăn? Hãy nhớ rằng bánh quy và bánh ngọt có thể hấp dẫn nhưng không tốt cho mẹ hay bé cưng đâu. Hãy chọn bánh mì làm từ 100% bột lúa mì nguyên hạt, bánh nướng xốp, thức uống từ sữa và ngũ cốc loại tốt, nhúng trong sữa phủ thêm ít trái cây. Hãy nghĩ đến chất lượng, không phải số lượng. Không cần phải bỏ đói chính mình, nhưng nên tránh những thứ vô bổ vì chúng không giúp bé cưng phát triển.
Thai 23 tuần bạn tiếp tục có những biến đổi về tâm lý. Hầu hết các nhà khoa học tin rằng nó bắt nguồn từ những thay đổi về hormone diễn ra liên tục trong suốt quá trình mang thai. Bạn khó có thể làm được gì để cải thiện tình trạng tâm lý bất ổn. Nếu bạn nghĩ chồng bạn hoặc một số người khác phải chịu đựng những tâm lý thất thường của bạn thì bạn hãy nói với họ về vấn đề này. Hãy giải thích cho họ hiểu, đây chỉ là những biểu hiện và thông cảm với bạn. Sau đó, hãy cố gắng thư giãn, đừng buồn về chuyện này. Những biến cố tâm lý là một hiện tượng bình thường ở phụ nữ mang thai.
3. Thai 23 tuần - hãy bắt đầu cho bé nghe nhạc
Theo các chuyên gia sản khoa, từ tuần thứ 16 trở đi, bé đã có thể cảm nhận được âm thanh, tuy nhiên bạn nên đợi đến tuần này thì mới cho bé nghe và cảm nhận âm nhạc. Khi này, chức năng thính giác của bé phát triển tốt hơn, khả năng cảm thụ cũng bắt đầu có tác dụng hơn.
Bạn có thể hát cho bé nghe, nghe loa ngoài với âm lượng vừa phải, hoặc dùng tai nghe chuyên dụng cho bà bầu áp vào thành bụng, để âm lượng khoảng 70dB là đủ cho bé cảm nhận rồi. Âm thanh có bản chất là sóng cơ học nên có thể lan truyền trong môi trường lỏng, cụ thể là nước ối trong cơ thể mẹ.
Nếu đó là bản nhạc được người mẹ yêu thích, thì bản thân các tế bào não của mẹ cũng tăng tiết Endomorphin lưu hành trong máu, qua rau thai và dây rốn đến vòng tuần hoàn của thai nhi, giúp cho tế bào thần kinh của thai nhi phát triển tốt hơn. Không nên cho bé nghe nhạc quá to vì nó sẽ ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển thính giác của bé, quấy phá giấc ngủ của bé đấy các mẹ.
Cho bé nghe nhạc gì thì tùy vào sự chọn lựa của các bạn, tuy nhiên bạn nên cho bé nghe các dòng nhạc cổ điển (như các bản nhạc của Mozart, Vivaldi, Bethoven...), pop ballad nhẹ nhàng, nhạc Jazz (của các nghệ sỹ như Sarah Vaughan, Bill Evans, Miles Davis, Charlie Parker, Stan Getz, Dave Brubeck…) hoặc thánh ca cũng là một lựa chọn hoàn hảo. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể hát cho bé nghe những bài hát nhẹ nhàng, tình cảm, lời hát ru, truyện trò với bé … theo cách riêng của bạn, bé cũng sẽ cảm nhận được điều đó.
Nhiều nghiên cứu đã khẳng định rằng bé dành phần lớn thời gian trong bụng mẹ để ngủ. Nếu bạn cho bé nghe nhạc không đúng cách sẽ là “lợi bất cập hại”. Bạn chỉ nên cho bé nghe nhạc mỗi lần khoảng 20 phút và từ 2 - 3 lần/ngày (không quá 1 giờ/ngày). Nên cho bé nghe trong lúc bé thức (lúc bạn thấy bé máy nhiều, hoặc lớn hơn một chút thì thấy bé đạp mẹ) để tránh làm gián đoạn giấc ngủ và ảnh hưởng không tốt đến nhịp sinh học của bé nhé.
Thai 23 tuần trở đi, vì thính giác của bé đã trở nên rất nhạy cảm với âm thanh, nên việc cho bé nghe nhạc đúng cách từ đây thực sự là điều cần thiết. Việc nghe nhạc này sẽ giúp bé thông minh hơn, phát triển ngôn ngữ tốt hơn, giúp bé có thiên hướng âm nhạc tốt hơn ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Không gì tuyệt vời khi con yêu đã lớn hơn, ở giai đoạn đã có thể cùng bạn thư giãn và tận hưởng những giai điệu nhẹ nhàng của âm nhạc phải không nào. Và thời điểm thai 23 tuần, chính là khoảng thời gian bắt đầu những điều tuyệt vời như thế.
Nguyễn Vũ Thường tổng hợp