1. Sự phát triển của thai 20 tuần tuổi
Bước sang tuần thai thứ 20 bé đạt cân nặng khoảng 340gram và dài khoảng 27cm. Lớp mỡ ở dưới da dày hơn tuần trước. Đến lúc này, bé đã giống như một đứa trẻ thực sự rồi bởi tất cả các cơ quan đã hình thành. Tuy nhiên, cơ thể bé vẫn rất nhỏ nên trên da còn nhiều nếp nhăn, bởi bé chưa đủ trọng lượng để làm căng da. Quanh cơ thể bé được bao bọc bởi một lớp lông măng để điều hòa cơ thể và bảo vệ bề mặt da. Lớp lông này sẽ rụng dần vào những giai đoạn sau của thai kỳ.
Thai nhi đã có móng tay nhỏ xíu, tóc bé vẫn tiếp tục tăng trưởng. Thai nhi có thể mút ngón tay cái của mình nhưng hành động vẫn chưa thực sự phát triển đầy đủ trong giai đoạn này. Các cơ quan sinh sản của thai nhi đã hoàn thiện hơn và đang tiếp tục phát triển. Ở bé gái, tử cung và âm đạo đã được định vị và đang phát triển tiếp. Đối với bé trai, tinh hoàn bắt đầu di chuyển từ bụng xuống bìu.
2. Sự thay đổi trong cơ thể mẹ khi bước qua tuần thai thứ 20
Do bé phát triển, cơ thể mẹ cũng điều chỉnh để thích nghi với kích thước của bé. Mang thai 20 tuần, các cơ quan nội tạng của mẹ bắt đầu bị đẩy khỏi vị trí bình thường do tử cung không ngừng lớn lên. Khi tử cung giãn nở và khối lượng cơ thể gia tăng, mẹ có thể cảm nhận sự thay đổi về trọng tâm của cơ thể. Bên cạnh đó, tần suất đi tiểu của mẹ có thể giảm đi, hãy đi tiểu thường xuyên để giảm thiểu nguy cơ bị nhiễm trùng đường tiểu.
Dịch âm đạo có thể hơi tăng chút ít ở tuần thứ 20 của thai kỳ. Hãy nói cho bác sĩ biết nếu mẹ sợ bị nhiễm trùng âm đạo vì điều này hoàn toàn có thể trị được khi mang thai. Bên cạnh đó, các cơ và dây chằng xung quanh tử cung của mẹ sẽ ngày càng căng ra, mẹ sẽ cảm thấy đau, nhất là ở vùng bụng dưới và sau lưng.
Mẹ sẽ gặp một cơn đau đặc biệt gọi là đau dây chằng vùng xương chậu. Dây chằng vùng xương chậu có nhiệm vụ giữ cho tử cung của mẹn luôn ở vị trí của nó. Khi mang thai, dây chằng này sẽ giãn ra để thích nghi với tử cung lớn lên của mẹ.
Nếu cử động hay với lấy vật gì đó thật nhanh, mẹ có thể cảm thấy đau dây chằng xương chậu. Cảm giác này nhói lên, như thể mẹ bị vọp bẻ nhất thời tại vùng xương chậu dưới. Ngoài ra, tập thể dục cũng có thể khiến bạn thấy đau như thế. Hãy gặp bác sĩ nếu mẹ thấy đau lưng trầm trọng và không bớt, nếu nó hạn chế sinh hoạt bình thường của mẹ hoặc nếu mẹ bị vọp bẻ không ngừng.
3. Những thắc mắc thường gặp của mẹ khi siêu âm thai 20 tuần
3.1 Siêu âm thai 20 tuần tuổi để làm gì?
Trong suốt hơn 40 tuần thai nghén, mẹ bầu thường được khuyến cáo nên siêu âm tối thiểu từ 3 - 4 lần để dự đoán tình trạng sức khỏe và sự phát triển của thai nhi. Trong lần siêu âm vào giữa thai kỳ, ở tuần 20 - 22, các bác sĩ sản khoa sẽ giúp mẹ bầu hiểu rõ hơn về hình thể của thai nhi, và sớm phát hiện được những bất thường nếu có.
Đây là thời điểm thai đang tập trung phát triển cân nặng. Bé đã khá lớn và cứng cáp, có thể di động linh hoạt trong buồng tử cung nên dễ dàng phát hiện những bất thường về hình thể. Giai đoạn này, các cơ quan nội tạng đã hình thành và phân chia khá rõ rệt nên sẽ dễ dàng quan sát.
Đây chính là mốc siêu âm 3D, 4D có thể nói quan trọng nhất để bác sĩ chẩn đoán tình trạng thai và nhất là khảo sát các dị tật. Bởi vì bé lúc này đã gần như hoàn thiện nhưng chưa quá lớn để gây chật chội buồng ối, khiến một số bộ phận bị khuất lấp, khó phát hiện, bên cạnh đó, nước ối nhiều nên siêu âm dễ dàng quan sát hơn những tuần lễ sau.
3.2 Bé yêu của mẹ sẽ được siêu âm như thế nào?
Bác sĩ sẽ kiểm tra chiều dài tứ chi, đường kính sọ não, xác định chính xác hơn sự hiện diện cũng như tình trạng của các cơ quan khác như tim phổi, dạ dày… Từ đó sẽ phát hiện những dấu hiệu bất thường như sứt môi, hở hàm ếch, tim bẩm sinh, dị dạng ở nội tạng, các chi và các bộ phận khác. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể phát hiện sự bất thường của bánh nhau, nước ối…
Thông qua những con số, các bác sĩ sẽ đánh giá sự phát triển và tăng trưởng cũng như phát hiện những điều bất thường của thai nhi có thể liên quan đến sự phát triển cấu trúc của trẻ. Đồng thời, vị trí của tim, nhau thai, phổi…đều sẽ được kiểm tra. Và đây cũng là thời điểm để ba, mẹ biết được giới tính của thai nhi với độ chính xác cao.
3.3 Có phải tất cả bất thường đều được phát hiện qua siêu thai 20 tuần tuổi?
Câu trả lời là không phải mẹ nhé, siêu âm ở tuần thứ 20 không hoàn toàn phát hiện 100% các bất thường. Trung bình khoảng 50% có thể phát hiện và phần còn lại có thể không được rõ ràng tại thời điểm kiểm tra hoặc cho đến khi sinh. Dị tật tim và tắc nghẽn đường ruột nói riêng thường không phát triển cho đến giai đoạn cuối của thai kỳ. Người ta ước tính có khoảng 40 - 70% các bất thường cấu trúc có thể được phát hiện nhờ siêu âm tuần 20.
3.4 Nếu siêu âm phát hiện bất thường thì phải làm sao?
Mẹ có thể được khuyên nói chuyện với bác sỹ tư vấn hoặc sắp xếp một cuộc hẹn với một bác sĩ sản khoa chuyên môn. Các kết quả siêu âm sẽ được kiểm tra và báo cáo bởi một chuyên gia siêu âm hoặc chuyên gia chẩn đoán hình ảnh. Tùy thuộc vào mức độ đáng quan tâm, mẹ sẽ tiếp tục siêu âm một lần nữa để chẩn đoán chính xác hơn.
Đôi khi sự bất thường hay "điều đáng lưu ý" được phát hiện trên siêu âm khiến các bậc cha mẹ rất nhiều lo lắng và căng thẳng. Nhưng trong vài tuần tới, với sự phát triển của thai kỳ, nó có thể chỉ là một sự sai lệch nhỏ và có thể tự chữa lành mà không cần sự điều trị hoặc theo dõi nào cả. Đây là lý do tại sao mẹ có thể được khuyến cáo siêu âm một lần nữa.
3.5 Mẹ đang mang trong mình một bé trai hay một bé gái?
Một trong những lợi ích của việc siêu âm 20 tuần tuổi là mẹ sẽ biết mình sẽ sinh con trai hay con gái. Nhưng hãy nhớ, bác sĩ siêu âm chỉ có thể tư vấn là em bé của bạn "có khả năng" là một giới tính nào đó và kết quả siêu âm không đảm bảo cho biết chính xác tuyệt đối giới tính của trẻ. Mặc dù đôi khi kết quả là rất rõ ràng trên màn hình giới tính của em bé, nhưng em bé của mẹ cũng có thể nằm trong một vị trí không thể nhìn thấy bộ phận sinh dục và giới tính của bé sẽ vẫn là điều bí ẩn.
3.6 Siêu âm 4D có phải tốt hơn siêu âm 2D?
Trước tuần thai thứ 20, thai nhi còn chưa hoàn thiện về cấu trúc nên phần lớn các bác sĩ khuyến cáo mọi người chỉ nên siêu âm 2D để vừa tiết kiệm chi phí mà lại phù hợp và an toàn, nhưng khi từ 20 tuần tuổi trở lên thì dùng siêu âm 4D sẽ nhìn được nhiều hơn và thấy bé yêu rõ ràng hơn. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là mọi người lại lạm dụng siêu âm 4D đối với thai nhi từ 20 tuần trở lên nhé.
Không phải lúc nào siêu âm 4D cũng tốt mà nó chỉ tốt khi được thực hiện đúng thời điểm và đúng hoàn cảnh. Hãy trao đổi với bác sĩ chuyên khoa để được chỉ định lịch khám thai, siêu âm thai phù hợp nhất cho bản thân mình mẹ nhé.
3.7 Mẹ cần chuẩn bị gì cho việc thực hiện siêu âm khi thai 20 tuần?
Trước hết, mẹ cần đặt lịch hẹn với bác sĩ hoặc bác sĩ sẽ chỉ định ngày và mẹ bầu nên sắp xếp các công việc của mình để đến gặp bác sĩ đúng hẹn. Vì một lần siêu âm sẽ tốn khoảng 45 phút hoặc có thể hơn, hãy đảm bảo mẹ có đủ thời gian để thoải mái đến buổi siêu âm mà không phải vội vã, hấp tấp.
Mẹ có thể được yêu cầu không đi tiểu trong 30 phút hoặc lâu hơn trước khi siêu âm vì một số nước tiểu trong bàng quang của mẹ sẽ giúp nhìn thấy em bé rõ hơn. Và khi tìm thấy vị trí thuận lợi thì y tá hoặc bác sĩ sẽ mô tả những gì họ đang nhìn thấy và có thể chia sẻ những hình ảnh thú vị về bé yêu của mẹ.
Thai 20 tuần, chúc mừng mẹ bầu đã đi được một nửa chặng đường bầu bì gian nan nặng nhọc. Hy vọng bài viết trên đã giải đáp cho mẹ những thắc mắc xung quanh tuần thai thứ 20, cũng như cụ thể về việc siêu âm mà mẹ sẽ tiến hành trong tuần thai này.
Nguyễn Vũ Thường tổng hợp