Test trẻ chậm phát triển cha mẹ có thể tự thực hiện không?

Test trẻ chậm phát triển là việc giúp chẩn đoán một đứa trẻ có bị chậm so với những mốc phát triển chung của độ tuổi hay không. Việc nhận biết đúng tình trạng thông qua các biểu hiện của trẻ sẽ giúp ích rất nhiều cho quá trình chẩn đoán và can thiệp để giúp trẻ cải thiện. Vậy cha mẹ có thể làm gì trong quá trình này, hãy cùng tìm hiểu nhé. 

banner ads
Bé ngồi chơi đồ chơi
Test trẻ chậm phát triển là việc giúp chẩn đoán trẻ có bị chậm so với những mốc phát triển chung của độ tuổi hay không. Ảnh Internet 

1. Trẻ chậm phát triển là gì

Một đứa trẻ được xem là chậm phát triển khi bé bị tụt hậu so với các bạn đồng trang lứa trong một hoặc nhiều lĩnh vực phát triển về cảm xúc, tinh thần hoặc thể chất. Nếu trẻ bị chậm phát triển , can thiệp và điều trị sớm là cách tốt nhất để giúp trẻ tiến bộ hoặc thậm chí là bắt kịp các bạn.

Có nhiều dạng chậm phát triển khác nhau ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, chúng bao gồm các vấn đề với:

  • Ngôn ngữ hoặc lời nói.
  • Tầm nhìn.
  • Vận động – kỹ năng vận động.
  • Kỹ năng xã hội và cảm xúc.
  • Kỹ năng tư duy – nhận thức.

Đôi khi, một sự chậm trễ đáng kể xảy ra ở hai hay nhiều lĩnh vực kể trên. Lúc này, tình trạng của trẻ được gọi là chậm phát triển toàn diện. Nó đề cập đến tình trạng trẻ sơ sinh và trẻ mẫu giáo đến 5 tuổi có biểu hiện chậm phát triển kéo dài ít nhất 6 tháng.

Chậm phát triển khác với các dạng khuyết tật phát triển bao gồm các tình trạng như bại não, khiếm thính và rối loạn phổ tự kỷ, là tình trạng thường kéo dài suốt đời. 

Bé tập đi với mẹ
Nếu trẻ gặp vấn đề về vận động - đây cũng có thể là một dạng chậm phát triển – Nguồn ảnh: Cleverland Clinic Health Essentials 

2. Test trẻ chậm phát triển bao gồm những hình thức nào

Các cuộc test trẻ chậm phát triển được thực hiện để xác nhận sự hiện diện của tình trạng chậm phát triển ở trẻ, dựa trên cơ sở trẻ đã có một số dấu hiệu nghi ngờ là chậm phát triển.

Vì nguyên nhân dẫn đến tình trạng này khá nhiều, nên các xét nghiệm, chẩn đoán thường được thực hiện trên nhiều lĩnh vực, bao gồm:

  • Xét nghiệm và sàng lọc chuyển hóa – xét nghiệm di truyền.
  • Kiểm tra thính giác và thị lực.
  • Sàng lọc các nguy cơ tiềm năng.
  • Kiểm tra tuyến giáp.
  • Ghi điện não (EEG), chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI).
  • Đánh giá tâm lý.

Đánh giá tâm lý thường bao gồm một cuộc phỏng vấn sâu với phụ huynh, và có thể là đánh giá tâm lý của các phụ huynh. Cha mẹ cũng được yêu cầu hoàn thành bảng câu hỏi có cấu trúc về hoạt động của trẻ. Các hoạt động này bao gồm các quan sát về hành vi của trẻ trong sân chơi, tương tác với trẻ khác và kỹ năng khác nhau mà trẻ sẽ thực hiện ở một số độ tuổi nhất định. Ví dụ: khả năng trẻ buộc dây giày, tự mặc quần áo,…

Bản thân trẻ cũng được kiểm tra về kỹ năng vận động, kỹ năng học tập và kỹ năng ngôn ngữ

Mẹ cùng trẻ gặp bác sỹ
Các xét nghiệm, chẩn đoán thường được thực hiện trên nhiều lĩnh vực. Nguồn ảnh: YouTube 

3. Test trẻ chậm phát triển – cha mẹ có thể thực hiện không

Mặc dù để test trẻ chậm phát triển thì vai trò của bác sĩ có chuyên môn và các chuyên gia là vô cùng quan trọng. Nhưng cha mẹ mới chính là người giúp họ đưa ra được những chẩn đoán sớm và chính xác để giúp trẻ được can thiệp và điều trị sớm nhất.

Mặc dù không được đào tạo chuyên môn nhưng các bậc cha mẹ vẫn có thể đóng góp vào quá trình test trẻ chậm phát triển.

Để thực hiện điều này, cha mẹ cần phải:

3.1. Nắm được các mốc phát triển quan trọng của trẻ

Kết hợp với theo dõi và quan sát chặt chẽ khả năng của trẻ trong mọi lĩnh vực như vận động, nhận thức, giao tiếp, tương tác xã hội,…

Như vậy, bạn có thể nhận biết được bất kỳ biểu hiện bất thường nào ở trẻ so với độ tuổi cũng như so với các bạn đồng trang lứa. Từ đó, bạn có thể cung cấp thông tin làm cơ sở cho các chẩn đoán của bác sĩ và chuyên gia một cách dễ dàng và thuận lợi hơn.

3.2. Nắm được các dấu hiệu

Bạn cần nắm được các dấu hiệu cảnh báo về khả năng trẻ bị chậm phát triển về kỹ năng ngôn ngữ. Cũng như chậm phát triển về kỹ năng vận động, nhận thức và giao tiếp xã hội.

3.3. Luôn ghi nhớ mỗi đứa trẻ đều khác biệt

Bạn nên ghi nhớ rằng, mỗi đứa trẻ đều khác biệt. Con bạn có thể phát triển theo tốc độ riêng và điều này khá bình thường. Hầu hết các trường hợp chậm phát triển ở trẻ em đều không nghiêm trọng, và cuối cùng, trẻ sẽ bắt kịp những trẻ khác. Ngay cả những đứa trẻ chậm phát triển nghiêm trọng cũng có thể cải thiện đáng kể khi bắt đầu điều trị càng sớm càng tốt.

Bạn đừng vì quá lo lắng mà gây áp lực cho trẻ, khiến tình trạng của con (nếu có) trở nên nặng hơn, hoặc nếu con phát triển bình thường thì sẽ bị ảnh hưởng về tâm sinh lý.

Tốt nhất là khi bạn nghi ngờ trẻ gặp vấn đề nào đó về phát triển ở một hay nhiều lĩnh vực, hãy hỏi ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn những bước hành động tiếp theo một cách đúng đắn và hữu ích. 

Trẻ chơi cùng mẹ
Bạn nên ghi nhớ rằng, mỗi đứa trẻ đều khác biệt. Nguồn ảnh: FDNA Telehealth 

4. Các dấu hiệu cảnh báo nếu cha mẹ nắm được, sẽ rất hữu ích cho việc test trẻ chậm phát triển

Như đã đề cập ở trên, mỗi trẻ đều phát triển theo tốc độ khác nhau. Nhưng thông thường, sẽ có các mốc phát triển chung cũng như các dấu hiệu cảnh báo để cha mẹ có cơ sở để theo dõi con mình. Một số các dấu hiệu cảnh báo bạn nên lưu ý:

4.1. Dấu hiệu cảnh báo về sự chậm phát triển khả năng ngôn ngữ ở trẻ

Những dấu hiệu cảnh báo về sự phát triển khả năng ngôn ngữ ở trẻ mà các cha mẹ nên lưu ý gồm:

Ở độ tuổi 3 – 4 tháng, trẻ:

  • Không phản ứng với tiếng động lớn.
  • Không bập bẹ.
  • Bắt đầu bập bẹ nhưng không cố gắng bắt chước các loại âm thanh.

Ở độ tuổi 7 tháng, trẻ:

  • Không phản ứng với âm thanh.

Ở độ tuổi lên 1, trẻ:

  • Không nói được từ đơn.
  • Không hiểu từ đơn giản, ví dụ như “bái bai” hay “không”.

Ở độ tuổi lên 2, trẻ:

  • Không nói được ít nhất 15 từ.
  • Không tự nói được cụm hai từ đơn giản mà không lặp lại lời người khác, chỉ có thể bắt chước lời nói.
  • Không sử dụng lời nói để truyền đạt nhiều hơn các nhu cầu tức thời. 
Trẻ chơi một mình
Không nói được ít nhất 15 từ khi lên 2, có thể là dấu hiệu của chậm phát triển ngôn ngữ ở trẻ. Nguồn ảnh: Mark Their Words Therapy Services 

4.2. Các dấu hiệu cảnh báo về sự chậm phát triển thị lực ở trẻ

Một số dấu hiệu cảnh báo về thị lực ở trẻ gồm:

Ở độ tuổi 3 tháng, trẻ:

  • Không nhìn theo vật chuyển động.
  • Không tự quan sát đôi tay của mình.
  • Gặp vấn đề khi di chuyển một hoặc hai mắt theo mọi hướng.
  • Mắt bị lác/ lé hầu hết thời gian.

Ở độ tuổi 6 tháng, trẻ:

  • 1 hoặc 2 tròng mắt hướng ra ngoài hầu hết thời gian.
  • Chảy nước mắt liên tục .
  • Không nhìn theo các vật ở gần (30 cm) hoặc ở xa (1,8 m) bằng cả hai mắt.

4.3. Các dấu hiệu cảnh báo về sự chậm phát triển kỹ năng vận động của trẻ, có thể giúp ích cho quá trình test trẻ chậm phát triển

Những dấu hiệu cảnh báo về kỹ năng vận động của trẻ mà các bậc cha mẹ cần lưu ý gồm:

Ở độ tuổi 3 – 4 tháng, trẻ:

  • Không với, hay cầm, nắm đồ vật.
  • Cổ chưa vững và chưa hỗ trợ tốt để giữ đầu thẳng.
  • Không đưa đồ vật lên miệng.
  • Không đẩy chân xuống khi được bế đứng trên một bề mặt vững chắc.

Ở độ tuổi 7 tháng, trẻ:

  • Có cơ cứng hoặc rất mềm.
  • Đầu vẫn còn lắc lư chưa vững khi ngồi.
  • Chỉ dùng một tay để với hoặc không chủ động với lấy đồ vật.
  • Gặp khó khăn khi đưa đồ vật vào miệng.
  • Không lật theo một hoặc cả hai hướng (khi được 5 tháng).
  • Không thể ngồi nếu không được hỗ trợ (khi được 6 tháng).
  • Không dồn lực và sức nặng vào chân khi được kéo đứng lên.

Ở độ tuổi lên 1, trẻ:

  • Không bò (theo bất kì kiểu nào).
  • Không thể đứng khi được hỗ trợ.

Sau 2 tuổi, trẻ:

  • Không biết đi.
  • Không phát triển khả năng đi bằng bàn chân hoặc chỉ đi trên đầu ngón chân.
  • Không thể đẩy một món đồ chơi có bánh xe. 
Trẻ được bế ngồi
Bạn nên lưu ý nếu ở độ tuổi 7 tháng tuổi trẻ không thể ngồi nếu không được hỗ trợ. Nguồn ảnh: Raising Children Network 

4.4. Dấu hiệu cảnh báo về sự chậm phát triển kỹ năng xã hội và cảm xúc ở trẻ

Dấu hiệu cảnh báo về sự chậm phát triển kỹ năng xã hội và cảm xúc ở trẻ gồm:

Ở độ tuổi 3 tháng, trẻ:

  • Không cười với bạn.
  • Không chú ý vào một gương mặt lạ hay có vẻ sợ hãi khi trông thấy người lạ.

Ở độ tuổi 7 tháng, trẻ:

  • Từ chối sự vỗ về.
  • Thờ ơ với cha mẹ và người chăm sóc.
  • Không thể hiện sự vui thích khi ở cùng người khác.
  • Không thể dỗ được vào ban đêm.
  • Không cười nếu không được thúc đẩy, chỉ dẫn (khi được 5 tháng).
  • Không cười hoặc kêu thét lên.
  • Không quan tâm đến trò chơi ú òa.

Sau 1 tuổi, trẻ:

  • Không thể hiện sự tương tác bằng nụ cười, nét mặt hoặc âm thanh.
  • Không thể hiện các cử chỉ thông thường như vẫy tay, với tay hoặc chỉ tay.

4.5. Dấu hiệu cảnh báo về sự chậm phát triển khả năng nhận thức ở trẻ

Cha mẹ nên lưu ý các dấu hiệu cảnh báo về sự chậm phát triển khả năng nhận thức ở trẻ, bao gồm:

Khi được 1 tuổi, trẻ:

  • Không tìm kiếm đồ vật mà trẻ trông thấy được giấu đi.
  • Không sử dụng các cử chỉ, ví dụ như vẫy tay.
  • Không chỉ vào đồ vật hay tranh, ảnh.

Khi được 2 tuổi, trẻ:

  • Không hiểu chức năng của các đồ vật, ví dụ như lược chải đầu, điện thoại hay thìa, muỗng.
  • Không thể làm theo các chỉ dẫn đơn giản.
  • Không bắt chước âm thanh hoặc từ ngữ. 
Trẻ chơi cùng bố
Nếu 1 tuổi mà trẻ không sử dụng các cử chỉ như vẫy tay chẳng hạn, bạn cũng cần lưu ý điểm này. Vì nó có thể liên quan đến phát triển khả năng nhận thức của trẻ. Nguồn ảnh: TheBump 

Khi nhận thấy trẻ có thể hiện những dấu hiệu cảnh báo như trên, bạn nên báo cho bác sĩ để được đánh giá và hướng dẫn các bước tiếp theo. Đó có thể là những cuộc kiểm tra chuyên môn hay chỉ là hướng dẫn theo dõi, quan sát trẻ kỹ hơn, dựa vào mức độ, tần suất thể hiện các dấu hiệu của trẻ.

Test trẻ chậm phát triển là quá trình bao gồm cả đánh giá chuyên môn của các chuyên gia, bác sĩ kết hợp với kết quả từ sự quan sát của cha mẹ. Vì trong những năm đầu đời, cha mẹ chính là chuyên gia của trẻ, là người hiểu và nắm rõ những biểu hiện hàng ngày của con. Thông tin từ cha mẹ sẽ là cơ sở để các bác sĩ đưa ra các chẩn đoán kịp thời và chính xác, nhằm giúp đỡ trẻ một cách sớm và hiệu quả nhất.

Theo WebMD

Lily Nguyễn lược dịch

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI