Tập cho con thói quen đọc sách được xem là quá trình phức tạp. Tuy nhiên may mắn thay, chúng ta có nhiều cách để dạy trẻ. Và, các bước giúp trẻ xây dựng kỹ năng liên quan đơn giản và dễ hiểu hơn chúng ta tưởng. Dưới đây là 7 bước bạn có thể áp dụng hàng ngày và hiệu quả mang lại sẽ không khiến bạn phải thất vọng.
1. Tập cho con thói quen đọc sách bắt đầu từ các bài hát
Hẳn bạn sẽ thắc mắc tập cho con thói quen đọc sách tại sao lại liên quan đến bài hát phải không nào. Nếu để ý, bạn sẽ thấy những bài hát thiếu nhi thường có vần điệu rất dễ thương và nhịp điệu cũng vậy. Trẻ đa phần đều rất dễ tiếp nhận và ghi nhớ. Do đó, bài hát chính là "phương tiện" tuyệt vời để trẻ nghe được âm thanh và âm tiết trong từ, giúp chúng học đọc hiệu quả.
Một cách tốt để xây dựng nhận thức về ngữ âm cho trẻ là vỗ tay nhịp nhàng và đọc cái bài hát cùng lúc. Vần điệu bao giờ cũng giúp trẻ dễ tiếp cận và thích thú hơn. Và, hoạt động vui chơi gắn kết qua bài hát là cách tuyệt vời để trẻ phát triển kỹ năng đọc viết dễ thành công hơn.
2. Tập cho con thói quen đọc sách với các thẻ từ đơn giản
Thẻ từ đơn giản là cách giúp trẻ làm quen với âm và từ ngữ. Bạn có thể cắt các thẻ bằng giấy màu. Viết một từ có chứa 3 âm thanh trên thẻ và khuyến khích trẻ đọc, phát âm từ đó. Cách này cần một chút thời gian chuẩn bị nhưng hiệu quả mang lại thì rất tốt. Vì qua cách này, trẻ có thể tập trung vào kỹ năng phát âm, cũng như bạn có thể giúp trẻ điều chỉnh cách phát âm từ sao cho chuẩn nhất.
3. Thu hút trẻ bằng môi trường giàu có các ấn phẩm
Có thể bạn không ngờ, ấn phẩm in ấn thường gặp hàng ngày như một áp phích quảng cáo, một biểu đồ, bìa sách, bìa tạp chí, nhãn của một hộp đựng lại là phương tiện giúp trẻ xây dựng kỹ năng đọc khá tốt.
Trong nhà, nếu bạn có các hộp đựng thực phẩm có nhãn to, bạn có thể khuyến khích trẻ quan sát, nhận diện mặt chữ và phát âm. Hay khi đi ra ngoài, hãy chỉ cho trẻ các chữ cái trên áp phích, bảng quảng cáo hay bảng hiệu để trẻ đọc. Bạn có thể hướng dẫn trẻ tập trung vào chữ cái đầu tiên trong các từ. Bạn hỏi con là từ đó là từ gì, phát âm ra sao, các từ nào có thể gắn với từ đó hay âm đó, từ gì vần với từ đó,...Những câu hỏi gợi mở này không chỉ giúp trẻ tập đọc, phát âm mà còn có thể liên tưởng và phát triển mở rộng vốn từ vựng của mình.
4. Chơi các trò chơi liên quan đến chữ ở nhà
Đôi khi không cần dụng cụ hỗ trợ hay vật dụng gì cả, bạn có thể khuyến khích trẻ cùng chơi đố chữ đơn giản và thường xuyên. Chẳng hạn, bạn đưa ra một câu và hỏi con một từ có ý nghĩa nào đó trong câu. Hãy hỏi trẻ từ đó bắt đầu bằng âm gì và kết thúc bằng âm gì, những từ nào vần với từ đó hoặc có thể ghép với từ đó.
Cụ thể, bạn đề cập 1 câu nói có từ "đa" chẳng hạn. Bạn có thể hỏi trẻ từ "đa" bắt đầu bằng âm gì và kết thúc vằng âm gì. Sau đó, hãy hỏi trẻ ghép từ phù hợp với từ "đa" hay từ vần với từ "đa" này. Như vậy, 1 từ đơn giản trẻ có thể tiếp cận từ mặt âm thanh, nhận diện từ đến ý nghĩa và sử dụng từ đó một cách có ý nghĩa.
5. Đọc cùng nhau hàng ngày
Rất nhiều bố mẹ không nhận ra, thói quen đọc sách ở trẻ được xây dựng từ nhiều kỹ năng và hoạt động dù đơn giản nhất. Trong đó, việc bố mẹ đọc cho trẻ nghe hay sau này là đọc sách cùng con cũng là một yếu tố quan trọng góp phần giúp trẻ xây dựng thói quen đọc, hay nuôi dưỡng sở thích đọc của trẻ.
Đọc sách cùng trẻ có khá nhiều lợi ích và tác dụng trong chiến lược tập cho con thói quen đọc sách. Khi đọc cùng con, bạn không chỉ chỉ cho con cách phát âm, còn xây dựng cho con các kỹ năng hiểu, phát triển vốn từ vựng và cho trẻ thấy được một người đọc thông thạo nghe như thế nào. Tất cả các yếu tố này đều góp phần giúp trẻ ham thích đọc, ham thích học hỏi để trau dồi khả năng đọc của mình.
6. Đặt ra các câu hỏi cho trẻ liên quan đến nội dung đọc
Đây cũng là cách để bạn giúp con tăng cường kỹ năng hiểu của mình. Với các bé còn nhỏ, bạn có thể hỏi trẻ dựa vào hay liên quan đến các bức tranh để trẻ dễ liên tưởng nắm bắt. Ví dụ, bạn có thể hỏi bé con mèo trong bức tranh có màu gì, bạn thỏ đang đứng ở đâu, quả trên cây có màu gì, là quả gì,...
Với trẻ lớn hơn bạn có thể đặt ra các câu hỏi liên quan đến nội dung vừa đọc qua. Ví dụ, bạn có thể hỏi trẻ tại sao bạn thỏ lại đi lạc, tại sao bạn rùa lại sợ, khi nào thì bạn gấu nhận ra mình có sức mạnh to lớn,....
7. Tập cho trẻ đọc một cách vui vẻ
Có nhiều trẻ thích sách và thích đọc nên quá trình tập cho con thói quen đọc sách có vẻ nhẹ nhàng với phụ huynh hơn. Tuy nhiên, cũng có một số trẻ không thích sách và cũng không thích hoạt động đọc sách. Do đó, tập cho con thói quen đọc sách, bạn nên kiên nhẫn và tạo cho con niềm vui khi đọc. Không khí vui tươi luôn làm cho trẻ dễ chịu, dễ chấp nhận tham gia hơn là ép buộc hoặc áp lực lên chúng.
Vậy làm thế nào để hoạt động đọc sách hấp dẫn và thú vị? Tùy theo tính cách của trẻ và sở thích của con, bạn có thể:
- Lồng ghép các hoạt động vui chơi vào hoạt động đọc.
- Thỉnh thoảng cho trẻ tự chọn sách theo ý mình.
- Thỉnh thoảng cho con đi nhà sách và cho phép trẻ chọn mua sách như ý thích của con.
- Đôi lúc có thể tận dụng công nghệ và một số quảng cáo trên truyền hình để dạy trẻ nhận diện âm thanh, từ ngữ, phát triển vốn từ,...Đây cũng là mẹo nhỏ bạn có thể dùng để kích thích trẻ phát triển kỹ năng đọc của mình.
Bạn có thể thấy tập cho con thói quen đọc sách không bắt đầu từ việc bạn dạy cho trẻ đánh vần theo khối từ ngữ một cách máy móc. Tập cho trẻ đọc sách là một quá trình dài tập hợp nhiều hoạt động khác nhau, gồm cả những hoạt động đơn giản thường ngày. Các hoạt động này giúp trẻ không chỉ phát triển kỹ năng đọc ngày càng thuần thục, còn phát âm chính xác, hiểu từ, hiểu nội dung đọc và làm giàu vốn từ ngữ của mình. Những ý nghĩa này có thể khiến trẻ thích đọc sách. Vì không có kết quả nào tuyệt vời hơn, hiệu quả hơn bằng việc giúp trẻ hình thành thói quen đọc sách bằng việc trẻ thích hoạt động này.
Theo Reading Eggs, Read and Spell
Cát Lâm tổng hợp và lược dịch