Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho bé và bà mẹ nào cũng đều muốn nuôi con bằng sữa mẹ thật tốt, cho đến khi con đủ lớn. Tuy nhiên, không phải bà mẹ nào cũng đủ sữa cho con, cũng như không phải bà mẹ nào cũng đủ sữa cho bé đến cùng.
1. Dấu hiệu nhận biết mẹ ít sữa và trẻ bú ít sữa
Mẹ ít sữa không chỉ đơn giản ở việc nguồn sữa trong bầu ngực của mẹ ít, mà còn liên quan đến việc bé tiếp nhận sữa nhiều hay ít. Do đó, mẹ cần phải xác định việc ít sữa cụ thể hơn ở việc nguồn sữa của mình cho con không đủ, hay lượng sữa bé tiếp nhận là không đủ. Có một số dấu hiệu giúp mẹ rất nhận biết tình trạng ít sữa từ trong bầu ngực và bé bú ít, bú không đủ sữa (trường hợp này có thể mẹ có nhiều hoặc ít sữa) như sau:
- Lượng nước tiểu của bé ít (thông thường nếu bé được bú đủ sữa thì trung bình một ngày các mẹ sẽ thay từ 8-10 tã ướt).
- Lượng phân ít (các bé bú đủ sẽ đi ngoài trung bình 5 lần/ ngày).
- Cảm giác xuống sữa trong lúc cho bé bú không có hoặc rất ít. (Trong thời gian cho bé bú, nếu mẹ nhiều sữa sẽ có cảm giác xuống sữa từ 2-3 lần).
- Bé mút liên tục và mạnh. Đây là biểu hiện bé mút không ra sữa hoặc rất ít sữa. Các mẹ nhiều sữa bé sẽ bú mút và nuốt đều đặn, từ từ.
- Bé cáu gắt, khóc lóc khi vừa bú xong.
- Nhu cầu của bé cao, nguồn sữa của mẹ đáp ứng cho bé không đủ.
- Bé lên cân chậm hoặc không tăng cân.
Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng, tình trạng mẹ ít sữa nếu do ít sữa từ bầu sữa, sẽ có các nguyên nhân khác nhau và cách khắc phục cải thiện tương ứng. Cũng như vậy, nếu bé bú ít mà không phải do nguồn sữa, mà do cách mẹ cho bé bú , thì hẳn nhiên mẹ cũng cần chọn đúng cách cải thiện phù hợp thì mới có kết quả.
2. Nguyên nhân khiến mẹ ít sữa
Để giải đáp câu hỏi ít sữa phải làm sao để cải thiện tình hình, các mẹ hãy cũng tìm hiểu qua các nguyên nhân cụ thể gây ít sữa sau đây, để từ đó tìm ra những giải pháp khắc phục hiệu quả nhé.
- Cho bé bú không đúng tư thế. Việc bé ngậm ti mẹ không đúng, sẽ khiến sữa không ra được nhiều, về lâu dài sẽ làm mẹ ít sữa.
- Mẹ không cho bé bú thường xuyên. Khoảng cách mỗi lần cho bé bú quá xa.
- Mẹ ăn những thực phẩm gây mất sữa như bắp cải, lá dâu, lá lốt,...
- Mẹ bị mệt mỏi, lo lắng, căng thẳng.
- Mẹ dùng một số loại thuốc có tác dụng phụ ảnh hưởng đến sự tiết sữa.
- Thời gian cho bé bú quá ngắn.
- Cho bé uống xen kẽ giữa sữa công thức và sữa mẹ.
3. Vậy mẹ bị ít sữa phải làm sao để cải thiện tình hình?
Các mẹ bị ít sữa phải làm sao để cải thiện tình hình, nhằm giúp bé có thể có nhiều sữa bú, bé bú nhiều đủ theo nhu cầu của mình và mẹ thì không cần phải lo lắng mệt mỏi? Hãy theo dõi câu trả lời ngay sau đây mẹ nhé.
- Cho bé đúng tư thế. Khi bú mẹ, miệng trẻ há to, lúc ngậm phải ngậm cả quầng vú chứ không chỉ ngậm mỗi núm vú. Các mẹ phải để cho bé ngậm đúng, thì các bé sẽ bú được nhiều hơn, đồng thời cũng kích thích cơ thể mẹ tạo thêm nhiều sữa.
- Cho bé bú cả hai bầu ngực. Các mẹ nên cho bé bú cạn bên này rồi vắt bớt sữa đầu của ngực bên kia rồi tiếp tục cho bé bú tiếp.
- Các mẹ có thể sử dụng máy hút sữa để có thể vắt thêm sau khi cho bé bú để kích thích cơ thể tạo ra nhiều sữa.
- Các mẹ nên uống ít nhất 3 lít nước mỗi ngày và tránh các loại thực phẩm gây mất sữa.
- Dùng khăn ấm chườm lên ngực và mát xa ngực 5 phút trước khi cho bé bú.
- Cho bé bú thường xuyên hơn. Mỗi lần bú cách nhau từ 2 đến 3 giờ.
- Cho bé bú sữa mẹ hoàn toàn để kích sữa mẹ về nhiều và nhanh hơn.
- Các mẹ nên dành thêm thời gian nghỉ ngơi thư giãn tránh lo âu, căng thẳng.
Tóm lại, việc sữa mẹ nhiều hay ít không chỉ phụ thuộc vào cơ địa của mỗi người, chế độ ăn uống của mẹ, mà còn phụ thuộc vào cả việc mẹ cho bé bú có đúng cách hay không nữa. Hy vọng bài viết trên đây sẽ giúp các mẹ thêm phần bình tĩnh, để xử lý đúng cách khi tình trạng ít sữa xảy ra. Chúc các mẹ thực hiện thành công không chỉ có được nguồn sữa dồi dào đầy dinh dưỡng cho bé yêu, mà con bú mẹ được đủ nhu cầu cần thiết của bé nhé.
Thanh Ngân tổng hợp