Nuôi con bằng sữa mẹ đúng cách, mẹ đã thực hiện đến đâu?

banner ads
Nuôi con bằng sữa mẹ
Hầu hết các bà mẹ tin rằng nuôi con bằng sữa mẹ đúng cách là điều mình đã và đang thực hiện vì đây là bản năng. Ảnh Internet 

Trên thực tế, hầu như mọi phụ nữ đều được học cách nuôi con dưới một hình thức nào đó. Có thể là lời chỉ dạy từ bà, mẹ, chị, hay hướng dẫn từ bạn bè, người quen,…Và chúng ta mặc nhiên coi đó chỉ là sự chia sẻ kinh nghiệm đơn thuần chứ không phải học một cách đúng nghĩa.

Tuy nhiên, những kinh nghiệm đó có thể chỉ là đúc kết của một cá nhân và truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Vì vậy chúng có khả năng phù hợp và có ích cho bạn hoặc không. Bởi thế bên cạnh lắng nghe người khác, việc tìm hiểu và học hỏi thông tin một cách chính thống về nuôi con rất quan trọng.

Đặc biệt về vấn đề sữa mẹ, yếu tố chịu khá nhiều “oan ức” nếu chiếu theo kinh nghiệm của người xưa. Để biết được nuôi con bằng sữa mẹ đúng cách sẽ có lợi như thế nào cho bạn và bé, chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé. 

Mẹ cho bé bú
Nuôi con bằng sữa mẹ thực tế thường đúc kết qua kinh nghiệm và các mẹ truyền tai nhau. Ảnh Internet 

1. Bạn nên bắt đầu hành trình nuôi con bằng sữa mẹ đúng cách như thế nào

Để bắt đầu hành trình nuôi con bằng sữa mẹ đúng cách, việc đầu tiên bạn cần nhuần nhuyễn chính là cho con bú. Nghe có vẻ đơn giản nhưng thực tế thì không như vậy.

Việc học cách cho con bú sẽ cần có thời gian, thực hành và sự kiên nhẫn. Khi bạn và bé đã “phối hợp” được một cách ăn ý, bạn sẽ ngạc nhiên vì kết quả đạt được đấy.

Tập cho con bú mẹ gồm hai cách thức: bé chỉ huy và mẹ chỉ huy. Cụ thể như sau:

1.1. Cho con bú mẹ do bé chỉ huy  

Bé bú mẹ chỉ huy
Bạn có thể cho bé bú mẹ theo cách thức bé chỉ huy ngay sau khi sinh. Ảnh Internet 

Khi cho bé bú mẹ, việc bạn để bé dạy bạn làm như thế nào là cách tốt nhất giúp bạn thực hành. Bé chỉ huy nghĩa là bạn để bé tự tìm đến đầu vú mẹ theo bản năng. Bạn có thể áp dụng cách cho bú này ngay sau khi sinh bé. Vì khoảng thời gian bạn và bé đang được da kề da chính là điều kiện thuận lợi giúp bé sớm học được cách bú mẹ.

Cho con bú mẹ bé chỉ huy như thế nào?

Bạn có thể cho bé bú khi da kề da hoặc khi bé mặc quần áo mỏng. Và tốt nhất bạn nên cởi bỏ áo ngực. Điều này có nghĩa là bạn sẽ cần một không gian riêng tư để “học” cùng con trong thời gian đầu.

Dưới đây là những bước cơ bản khi bạn áp dụng kĩ thuật này:

  • Bạn hãy dùng gối hỗ trợ để có một tư thế thoải mái. Tốt nhất bạn nên ngồi ngả ra sau hơn là ngồi thẳng.
  • Bạn đặt bé nằm úp giữa hai bầu ngực của mình. Em bé nên còn thức nhưng không khóc. Nếu bé khóc bạn nên dỗ bé nín trước
  • Khi đã bình tĩnh, bé sẽ tự tìm đến ngực bạn theo bản năng. Bé sẽ bắt đầu trườn đến một bầu ngực. Bạn hãy hỗ trợ bé bằng cách đỡ vai và mông của bé (bạn chỉ đỡ phần đầu khi bé thực sự cần). Sau đó, bạn hãy để bé tự tiến đến nơi cần đến – bầu sữa của bạn. Bé biết phải đi đâu. Nhiệm vụ của bạn là xoa dịu và dỗ bé cũng như giúp bé di chuyển một chút nếu cần 
Mẹ đang cho bé bú
Khi con bình tĩnh, bé sẽ tìm đến ngực mẹ theo bản năng. Ảnh Internet 
  • Em bé thường sẽ thích cố định ở một góc nghiêng, với miệng mở lớn gần đầu vú và đôi chân được đùi của bạn hỗ trợ
  • Khi bé đã ở gần đầu vú của bạn, bé sẽ rúc cằm vào ngực bạn, miệng mở lớn và với lên ngậm vào đầu ngực rồi bắt đầu nút sữa

Lưu ý:

  • Nếu bạn sinh mổ , hãy nhẹ nhàng giúp bé di chuyển thân người qua phía bên hông bạn. Như vậy bé sẽ không đạp vào vết thương của bạn. Bạn hãy đặt một chiếc gối mềm bên cạnh để hỗ trợ bé
  • Nếu cần thiết bạn có thể nâng phần mông và hỗ trợ phần vai để giúp bé di chuyển đến gần bạn hơn.

1.2.Cho con bú mẹ do mẹ chỉ huy 

Bé bú mẹ mẹ chỉ huy
Bú mẹ - mẹ chỉ huy là cách thức truyền thống được áp dụng phổ biến. Ảnh Internet 

Cho con bú mẹ do mẹ chỉ huy là cách thức cho con bú truyền thống. Nó hiệu quả đối với rất nhiều bà mẹ và em bé.

Những bước cơ bản của kĩ thuật này gồm:

  • Bạn ngồi thẳng và dùng gối đỡ để có tư thế thoải mái nhất. Nếu bạn có bộ ngực nhỏ, bạn có thể cần một chiếc gối kê ở đùi để giúp bé với tới ngực bạn. Nhưng bạn nên lưu ý không nâng bé lên cao quá độ cao của đầu ngực
  • Bạn ôm bé, đỡ phần vai và lưng (không phải phần đầu), để ngực bé tiếp xúc với ngực bạn. Sau đó bạn nâng cho mũi bé ngang với đầu vú của mình
  • Bạn nhẹ nhàng cầm đầu vú lướt nhẹ từ mũi đến môi bé. Việc này sẽ khuyến khích bé mở rộng miệng hơn
  • Khi miệng bé đã mở lớn, hãy đưa bé gần đến bầu ngực để miệng bé ngậm vào đầu vú của bạn và bắt đầu nút sữa

Khi bé bú mẹ đúng cách, bạn sẽ nhận thấy những điều sau:

  • Bạn thấy thoải mái và không bị đau 
Cho con bú đúng cách
Khi bé bú mẹ đúng cách bạn thấy thoải mái và không bị dau. Ảnh Internet 
  • Bé ngậm khớp hoàn toàn vào đầu ngực của bạn và nút sữa đều đặn (thỉnh thoảng có dừng lại một chút). Bạn có thể nghe thấy bé nuốt sữa
  • Bé ngậm toàn bộ đầu vú và một khoảng lớn quầng vú của bạn
  • Phần cằm của bé sẽ sát, thậm chí ấn vào ngực bạn trong khi phần mũi thì không. Hoặc mũi bé chỉ chạm nhẹ vào ngực bạn
  • Bạn thấy phần môi của bé
  • Đầu ngực của bạn không bị đau hoặc tổn thương
  • Bé rút cạn sữa khiến ngực của bạn mềm và xẹp đi sau khi cho bú

2. Những công việc khác bạn cần lưu ý nếu muốn nuôi con bằng sữa mẹ đúng cách

Ngoài việc cho bé bú đúng kĩ thuật, bạn cũng cần lưu ý những điểm liên quan sau:

2.1. Điều chỉnh tư thế cho bú và giúp bé ợ hơi 

Giúp bé ợ hơi
Bạn hãy giúp bé ợ hơi sau khi bú. Nguồn ảnh: FirstCry Parenting 

Nếu bạn thấy bé ngậm bú không đúng, không khớp, hãy tách bé ra khỏi đầu vú và cho bé ngậm bú lại.

Khi tách bé ra khỏi ngực, bạn cần tránh kéo bé ra một cách đột ngột. Thay vào đó, bạn hãy đưa ngón tay út vào khóe miệng của bé, giữa hai lợi, và nhẹ nhàng đưa bé ra khỏi ngực mình.

Sau khi bú mỗi bên ngực, bạn nên giúp bé ợ hơi để tránh bị đầy bụng. Bạn có thể cho bé nằm úp lên đùi hoặc bế bé đứng dựa vào vai mình. Sau đó bạn xoa nhẹ lưng để giúp bé ợ.

2.2. Đổi bên ngực cho bé bú như thế nào

Bạn nên đổi bên cho bé bú và cố gắng cho bé bú đều hai bên ngực trong lịch trình ăn mỗi ngày. Điều này giúp duy trì mức sản xuất sữa ở cả hai bên ngực của bạn. Đồng thời nó cũng giúp bạn tránh tình trạng bị đau do căng sữa.

Em bé của bạn có thể chỉ bú một bên ngực hoặc cả hai bên mỗi lần ăn. Bạn hãy nhớ cho bé bú bên ngực còn lại (nếu bé chỉ bú một bên ở cữ trước), hoặc bên ngực đầu tiên (nếu bé bú cả hai bên ngực trong cữ ăn trước) cữ ăn tiếp theo.

Bạn có thể dùng ruy băng, hoặc một vật đánh dấu an toàn gài vào dây áo ngực để tránh bị quên. Hãy làm bất cứ điều gì thoải mái và có hiệu quả nhất với cả bạn và bé. 

Bé đang ngước nhìn
Hãy làm những điều khiến cả bạn và bé thoải mái. Ảnh Internet 

2.3. Thời gian cho bé bú và lịch trình bú mỗi ngày

Một em bé mới sinh cần được cho ăn khoảng 8-12 lần mỗi 24 giờ. Trong những ngày và những tuần đầu, một cữ ăn của bé có thể kéo dài tới 1 tiếng. Sau đó thời gian bú sẽ giảm dần xuống khoảng 20 phút/ lần ăn.

Bé càng lớn thì số lần ăn cũng như thời gian mỗi lần ăn càng giảm xuống.

Lịch trình ăn hàng ngày thường thay đổi phụ thuộc vào mỗi bé. Một số bé có thể bú một bên ngực, thay tã, sau đó bú bên ngực còn lại. Một số bé thì lại thích thay tã trước sau đó bú hết cả hai bên ngực. Và số bé khác thì chỉ bú một bên ngực cho mỗi lần ăn. 

Mẹ ôm bé
Lịch trình ăn hàng ngày thường thay đổi phụ thuộc vào mỗi bé. Ảnh Internet

Nếu bạn áp dụng cách thức bé chỉ huy, bạn có thể nhẹ nhàng khuyến khích bé di chuyển đến bên ngực cần được cho bú. Hoặc bạn có thể đặt bé nằm gần bên ngực cần bú và để bé tự di chuyển đến đó.

2.4. Cho bé bú mẹ bao lâu 

Mẹ nên cho bé bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời. Trong khoảng thời gian này, bé không cần thêm bất kì loại chất lỏng nào khác kể cả nước. Các loại chất lỏng khác như vitamin hay chất bù điện giải có thể được dùng cho bé nếu có chỉ định từ bác sĩ.

Sau 6 tháng tuổi, khi bé đã bắt đầu ăn dặm , mẹ vẫn nên tiếp tục cho con bú mẹ là chính. Việc bú mẹ nên duy trì đến khi trẻ được 2 tuổi hoặc hơn, tùy vào nhu cầu, hoàn cảnh và mong muốn của mẹ và bé. 

Cho bé bú đến 2 tuổi
Bạn có thể cho bé bú mẹ đến 2 tuổi hoặc hơn. Ảnh Internet 

Nuôi con bằng sữa mẹ đúng cách là việc sẽ đem lại nhiều lợi ích cho cả bạn và bé. Bé được cung cấp đủ dinh dưỡng, sự kết nối với bạn và cả nền tảng của tính tự lập. Bạn cũng được giảm bớt gánh nặng và áp lực cho bạn trong quá trình chăm con vì tâm lý nhẹ nhàng thoải mái hơn. Vì vậy nếu bạn đã đang cho con bú, hãy tiếp tục và cố gắng làm đúng hơn nữa nhé.

Theo Raising Children

Lily Nguyễn lược dịch

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI