Siêu âm thai và tầm quan trọng của siêu âm trong thai kỳ mẹ bầu cần biết

Siêu âm thai dường như đã là một điều khá quen thuộc đối với các mẹ bầu. Việc làm này được các bác sĩ chuyên khoa cho rằng là hoàn toàn cần thiết, nhằm giúp kiểm tra tình hình sức khỏe của chính mẹ bầu cũng như của bé yêu. Thêm vào đó, siêu âm thai cũng sẽ tầm soát được một số dị tật và các vấn đề bất thường ở thai nhi. Để hiểu rõ hơn về điều này và tầm quan trọng của siêu âm trong thai kỳ, mẹ hãy theo dõi ngay bài viết dưới đây nhé.

banner ads
siêu âm thai
Siêu âm thai cũng sẽ tầm soát được một số dị tật và các vấn đề bất thường ở thai nhi. Ảnh Internet

1. Siêu âm thai là gì

Siêu âm thai là hình thức khám thai định kỳ cực kỳ quan trọng dành cho mẹ bầu. Theo y khoa, siêu âm thai được xem là một phương pháp kiểm tra chuẩn đoán không xâm lấn. Những hình ảnh của siêu âm thai được hình thành từ các sóng âm thanh có tần số cao thông qua cơ thể (phần bụng của mẹ bầu) để tạo ra những hình ảnh y học giúp các bác sĩ dễ dàng hơn trong việc theo dõi, chuẩn đoán tình hình sức khỏe, sự phát triển cũng như những bất thường đối với thai nhi.

2. Siêu âm thai sẽ được thực hiện như thế nào

Siêu âm thai thường được thực hiện bằng cách các bác sĩ sẽ thoa lên bụng mẹ một lớp gel mỏng. Loại chất này có tác dụng loại bỏ các bọt khí giữa đầu dò của máy siêu âm và phần bụng của mẹ, để các sóng siêu âm được dẫn truyền và giúp kết qua đưa ra được chính xác hơn.

Cũng theo nguyên lý trên, nếu mẹ siêu âm trước tuần thứ 6 - 7 của thai kỳ, các bác sĩ có thể thực hiện siêu âm qua được âm đạo hay còn gọi là siêu âm đầu dò. Các bác sĩ sẽ di chuyển dầu dò trong đường âm đạo để kiểm tra tử cung và quan sát em bé khi việc siêu âm bằng đường bụng chưa phát hiện được.

Siêu âm đầu dò
Nếu mẹ siêu âm trước tuần thứ 6 - 7 của thai kỳ, các bác sĩ có thể thực hiện siêu âm qua được âm đạo hay còn gọi là siêu âm đầu dò. Ảnh Internet

Máy tính sẽ giúp dịch những kết quả bằng sóng âm thành những hình ảnh được hiển thị trên màn hình. Các bác sĩ sẽ giúp mẹ hình dung ra hình ảnh của thai nhi một cách rõ ràng hơn đấy.

Thời gian trung bình cho mỗi lần siêu âm thai là khoảng từ 15 - 20 phút. Nhưng đối với những lần siêu âm kiểm tra chi tiết như đo độ dài của các bộ phận, tầm soát các dị tật ở thai nhi,... các bác sĩ sẽ cần phải sử dụng đến những dụng cụ phức tạp hơn và thời gian cho lần siêu âm này cũng sẽ lâu hơn đấy mẹ.

3. Những lợi ích tuyệt vời khi siêu âm thai trong từng giai đoạn

Như đã nói ở trên thì việc siêu âm thai sẽ sử dụng các sóng âm để hình thành những hình ảnh cũng như hoạt động của thai nhi. Việc siêu âm thai định kỳ còn giúp mẹ phát hiện sớm những dị tật bẩm sinh cũng như đưa ra các biện pháp can thiệp kịp thời nhằm hạn chế tốt đa các dị tật và giúp trẻ sinh ra được phát triển một cách bình thường.

3.1 Trong tam cá nguyệt đầu tiên

Trong tam cá nguyệt đầu tiên, việc siêu âm thai sẽ giúp mẹ bầu:

  • Xác định chính xác là mẹ đã có thai hay không và là mang thai đơn hay đa thai.
  • Kiểm tra tổng quát về nhau thai, buồn trứng và tử cung của mẹ.
Siêu âm thai cho bà bầu
Trong tam cá nguyệt đầu tiên việc siêu âm thai sẽ giúp mẹ bầu kiểm tra tổng quát về nhau thai, buồn trứng và tử cung. Ảnh Internet
  • Chuẩn đoán vị trí của thai nhi và nếu là thai ngoài tử cung, các bác sĩ đưa ra phương án nhằm loại bỏ những biến chứng của tình trạng này.
  • Xác định tuổi thai, nhịp tim và những bất thường của thai nhi.
  • Trong trường hợp mẹ bị mất máu, siêu âm sẽ giúp tìm ra nguyên nhân và vị trí chảy máu.

3.2 Trong tam cá nguyệt thứ hai và tam cá nguyệt thứ ba

Cũng như việc siêu âm ở tam cá nguyệt đầu tiên, trong những lần siêu âm tiếp theo của tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba sẽ cho mẹ biết:

  • Nhận biết được giới tính của thai nhi, từ đó giúp hạn chế được các bệnh di truyền liên quan đến nhiễm sắc thể giới tính.
  • Theo dõi quá trình phát triển bình thường của thai nhi.
  • Kiểm tra những bất thường ở nhau thai.
  • Sàng lọc các dị tật bẩm sinh đặc biệt là Hội chứng Down.
  • Kiểm tra lượng nước ối và đo độ dài cổ tử cung của mẹ để chuẩn bị cho cuộc vượt cạn.
  • Phát hiện những bệnh lý ở cuối thai kỳ như thai chậm phát triển, thiếu máu, các bất thường ở vị trí bánh nhau,...

3. Các cột mốc siêu âm thai quan trọng dành cho mẹ

Các mốc khám thai
Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe mà số lần siêu âm thai của các mẹ bầu cũng sẽ khác nhau. Ảnh Internet

Theo các bác sĩ, tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe mà số lần siêu âm thai của các mẹ bầu cũng sẽ khác nhau. Tuy nhiên, thông thường, mẹ sẽ có được thực hiện siêu âm thai vào những tuần thai sau đây:

  • Lần 1:  Lần siêu âm đầu tiên là khoảng thời gian mà mẹ cảm thấy cơ thể mình có các dấu hiệu mang thai như trễ kinh, ốm nghén,... thì siêu âm sẽ giúp mẹ xác nhận tình trạng làm tổ thành công của phôi thai.
  • Lần 2: Thai nhi được 11 - 13 tuần tuổi, để tầm soát những nguy cơ dị tật bẩm sinh, đặc biệt là bệnh Down.
  • Lần 3: Khi thai nhi được 21 - 25 tuần tuổi, siêu âm ở lần này giúp xác định tình hình sức khỏe, các dị tật về ngũ quan hoặc các chi và kiểm tra lượng nước ối, bánh nhau của mẹ bầu.
  • Lần 4: Thai nhi được 32 - 36 tuần, lần siêu âm này giúp mẹ biết được ngôi thai, lượng nước ối, bánh nhau, dây rốn và sự phát triển ổn định của thai nhi về cân nặng, chiều cao. Cuối cùng là xác định ngày sinh dự kiến cho mẹ
  • Lần 5: Trước ngày dự sinh, giúp cho mẹ xác định rõ hơn về cân nặng, nước ối,.. và đặc biệt là ngôi thai để từ đó các bác sĩ sẽ lựa chọn cách sinh hợp lý đó là sinh thường hoặc sinh mổ.
Dự sinh
Trước ngày dự sinh, siêu âm giúp cho mẹ xác định rõ hơn về cân nặng, nước ối,.. Ảnh Internet

4. Cách đọc những chỉ số siêu âm thai

Khi đi siêu âm thai định kỳ, ngoài việc được ngắm nhìn những hình ảnh dễ thương của con thì trên tờ kết quả, mẹ cũng sẽ nhận được vô số những kí hiệu thể hiện các chỉ số siêu âm của con yêu. Để giúp mẹ dễ dàng hơn khi đọc kết quả, dưới đây là những kí hiệu phổ biến nhất.

  • GA (Gestational age): Tuổi thai tính từ những ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối.
  • GSD (Gestational Sac Diameter): Đường kính túi thai, được đo vào những ngày đầu tiên khi cơ thể bé chưa hoàn thiện.
  • BPD (Biparietal diameter): Đường kính lưỡng đỉnh, là đường kính lớn nhất ở vòng đầu của bé.
  • CRL (Crown rump length): Chiều dài đầu - mông. Do bé thường xuyên cuộn người lại khi nằm trong bụng mẹ nên rất khó để bác sĩ đo được chiều dài từ đầu đến chân. Chỉ có những tuần cuối của thai kỳ mẹ mới có thể biết được chiều dài đầu - chân của bé.
  • HC (Head circumference): Chu vi vòng đầu.
Chỉ số siêu âm thai
Cách đọc những chỉ số siêu âm thai. Ảnh Internet
  • AC (Abdominal circumference): Chu vi vòng bụng của bé.
  • EFW (Estimated fetal Weight): Cân nặng của thai nhi.
  • FL (Femur length): Chiều dài của xương đùi
  • EFW (estimated fetal weight): Khối lượng ước đoán của thai nhi.
  • AFI(Amniotic fluid index): Chỉ số nước ối của mẹ.
  • OFD (Occipital frontal diameter): Đường kính xương chẩm
  • EDD (Estimated date of delivery): Ngày dự kiến sinh

5. Các loại siêu âm thai cơ bản

Việc siêu âm thai luôn là điều vô cùng thú vị vì mỗi giai đoạn siêu âm khác nhau mẹ đều sẽ nhận được những điều mới lạ về con, nhất là đối với những mẹ mang thai lần đầu. Ngoài việc cung cấp các thông tin y tế cần thiết như dự kiến ngày sinh, đa thai, dị tật bẩm sinh, kiểm tra tăng trưởng và phát triển của bé... thì siêu âm thai còn giúp mẹ có những hình ảnh đầu tiên về con và tạo nên sự gắn kết tuyệt vời. Với mỗi giai đoạn mẹ sẽ có thể sử dụng một loại siêu âm khác nhau. Cùng tìm hiểu chúng nhé.

5.1 Siêu âm thai 2D

Siêu âm thai 2D hay còn gọi là siêu âm mức độ 1. Loại siêu âm này cho phép mẹ thấy hình ảnh của bé thông qua các sóng âm và hình ảnh hiển thị trên màn hình máy tính. Tuy nhiên, vì siêu âm 2D chỉ cho ra hình ảnh phẳng và màu đen trắng nên mẹ chỉ có thể thấy bé yêu mờ mờ và ở một góc độ thôi.

Siêu âm 2D
Siêu âm thai 2D cho ra hình ảnh phẳng và chỉ có hai màu đen và trắng. Ảnh Internet

5.2 Siêu âm Doppler

Siêu âm Doppler là loại siêu âm dùng để phát hiện dòng chảy, hướng và vận tốc của nó. Do vậy, trong siêu âm thai, siêu âm doppler được dùng để khảo sát tim và mạch máu của thai nhi giúp phát hiện các trường hợp hẹp van tim và các chỉ số trở kháng của động mạch rốn, động mạch não giữa,... của bé. Tuy nhiên, khi đang ở những tháng đầu được khuyến cáo là không nên thực hiện vì siêu âm doppler có tác dụng nhiệt có thể ảnh hưởng đến thai nhi.

5.3 Siêu âm 3D

Siêu âm 3D là hình thức siêu âm ba chiều, giúp mẹ có thể nhìn rõ hơn những gì đang xảy ra trong cơ thể mình và có thể nhìn tương đối rõ hình hài của bé với đầy đủ khuôn mặt, tay chân và giới tính của con hơn so với siêu âm 2D. Loại siêu âm này còn giúp bác sĩ chuẩn đoán chính xác những dị tật ở thai nhi như hở hàm ếch, các dị tật về não,... Tuy nhiên, với siêu âm 3D mẹ có thể thấy rõ cơ thể của bé trong màn hình máy tính nhưng đây cũng chỉ là những hình ảnh tĩnh.

5.4 Siêu âm 4D

Siêu âm 4D mặc dù sử dụng công nghệ của siêu âm 3D nhưng loại siêu âm này giúp mẹ có thể thấy những hình ảnh chuyển động của bé như một đoạn clip ngắn. Khi bé nhúc nhích, mút ngón tay, mở mắt hoặc thậm chí là nhép miệng, bạn cũng có thể nhìn thấy những chuyển động này trên máy tính khi nó đang xảy ra. Ngoài ra, siêu âm 4D còn giúp xác định tuổi thai, vị trí nhau thai, nhưng vấn đề về cấu trúc của tử cung, khối u, đặc biệt là những bất thường ở thai nhi. Tuy nhiên, ngoài nhưng ưu điểm vượt trội đó, chi phí cho loại siêu âm này thường sẽ rất cao và không nằm trong gói dịch vụ sản khoa thông thường.

Siêu âm 4D
Siêu âm 4D giúp mẹ có thể thấy những hình ảnh chuyển động của bé như một đoạn clip ngắn. Ảnh Internet

6. Một số lưu ý khi mẹ bầu thực hiện siêu âm thai

Để việc siêu âm thai định kỳ của mẹ thêm dễ dàng và an toàn, ngoài việc có được một bác sĩ giỏi, chuyên khoa thì mẹ cũng cần lưu ý một số nguyên tắc dưới đây trong việc thực hiện siêu âm thai:

  • Nếu siêu âm thai trong những tháng đầu tiên, mẹ cần uống nhiều nước để làm đầy bàng quang giúp việc nhìn thấy em bé sẽ dễ dàng hơn cho các bác sĩ.
  • Nhưng trong tam cá nguyệt thứ 2 mẹ lại cần phải làm trống bàng quang trước khi siêu âm đấy.
  • Nếu mẹ đã từng bị xảy thai hay đang điều trị vô sinh, chảy máu, đau một bên bụng hoặc mắc những hội chứng, bệnh lý liên quan đến tử cung thì mẹ nên được tiến hành siêu âm sớm để kịp thời phát hiện những bất thường ở thai nhi và tốt nhất là tuần thứ 6 của thai kỳ.
  • Nếu mẹ bị sốt thì việc siêu âm nên được tiến hành nhanh chóng do thân nhiệt của mẹ lúc này đang rất cao.
  • Mặc những bộ đồ thoải mái khi đi siêu âm sẽ dễ dàng hơn cho mẹ rất nhiều đấy.
  • Hãy luôn giữ tâm trạng thoải mái, tránh những căng thẳng vì điều này có thể ảnh hưởng không tốt đến quá trình khám thai của mẹ.
Tâm trạng thoải mái
Mặc những bộ đồ thoải mái khi đi siêu âm sẽ dễ dàng hơn cho mẹ rất nhiều đấy. Ảnh Internet

7. Giúp mẹ trả lời những thắc mắc về siêu âm thai

7.1 Siêu âm thai có nên ăn gì không?

Câu trả lời là không nên ăn gì mẹ nhé. Vì ngoài việc siêu âm thì trong mỗ lần khám thai, mẹ bầu cũng sẽ được thực hiện những kiểm tra khác như xét nghiệm máu, nước tiểu, đường huyết,... vì thế việc ăn trước khi đi siêu âm có thể làm ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm của mẹ.

7.2 Siêu âm thai có gây hại gì cho thai nhi?

Theo các nghiên cứu đã được thực hện trong hơn 35 năm qua đều không tìm ra bằng chứng cho thấy việc siêu âm sẽ gây tổn hại gì đến thai nhi. Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn khuyên rằng không nên lạm dụng và sử dụng siêu âm thai quá nhiều, vì siêu âm là một dạng năng lượng đặc biệt, có thể có nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Và điều này đặc biệt đúng trong ba tháng đầu của thai kỳ, mẹ chỉ nên siêu âm khi thực sự cần thiết và đúng theo lịch trình của bác sĩ đưa ra thôi mẹ nhé.

Siêu âm thai
Mẹ chỉ nên siêu âm khi thực sự cần thiết và đúng theo lịch trình của bác sĩ đưa ra, mẹ nhé. Ảnh Internet

7.3 Siêu âm thai hết bao nhiêu tiền

Thông thường, chi phí siêu âm thai sẽ tùy thuộc vào cơ sở y tế và các loại hình siêu âm mà mẹ chọn, với chi phí  giao động:

  • Chi phí của siêu âm 2D là khoảng từ 100.000 - 500.000 đồng/lần.
  • Chi phí của siêu âm 3D/4D sẽ giao động khoảng: 350.000 – 500.000 đồng/ lần.
  • Siêu âm doppler sẽ khoảng 250.000 - 400.000 đồng/lần.

Bên cạnh đó, khi mang thai , liên quan đến vấn đề siêu âm, mẹ cũng nên chọn những cơ sở y tế y tín và chuyên khoa để có được những kết quả siêu âm chính xác nhất nha.

7.4 Dự tính sinh theo siêu âm có chuẩn không?

Hiện này, hầu như các cơ sở y tế đều dùng siêu âm để xác định về ngày dự sinh, nhưng kết quả này không phải là kết quả tuyệt đối và cũng sẽ có nhiều sai số. Ngày dự sinh có thể bị sai lệch khoảng một tuần hoặc là hơn và nó còn phụ thuộc vào các yếu tố như thời gian siêu âm, kích thước thai và năng lực của kĩ thuật viên y khoa.

Ngày dự sinh
Dự tính sinh theo siêu âm có chuẩn không? Ảnh Internet

Qua bài viết này, hy vọng rằng mẹ đã có thể nắm rõ hơn về các phương pháp cũng như tầm quan trọng của việc siêu âm thai trong suốt giai đoạn thai kỳ. Dù siêu âm thai là một phần không thể thiếu trong cuộc sống mẹ bầu , nhưng mẹ cũng nên hiểu về vấn đề này, để tuân thủ đúng các mốc siêu âm cần thiết, mà không phải lo lắng quá nhiều về việc siêu âm. Yeutre.vn chúc mẹ cùng bé luôn khỏe mạnh và có một cuộc vượt cạn thành công nhé!

Hiền Anh tổng hợp

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI