1. Rối loạn giấc ngủ ở trẻ tự kỷ được xác định dựa vào những yếu tố nào?
Bên cạnh chế độ ăn uống và vận động, giấc ngủ cũng là yếu tố đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của trẻ nhỏ. Một giấc ngủ ngon sẽ mang lại nhiều lợi ích khác nhau cho sức khỏe của trẻ như: khôi phục lại sức lực đã tiêu hao, phát triển tế bào não, cân bằng hệ thần kinh, bồi dưỡng trí nhớ, gia tăng cảm giác sảng khoái và tính cách cởi mở hơn. Theo từng giai đoạn phát triển, thời lượng giấc ngủ trung bình của một đứa trẻ giảm đều 15 phút mỗi năm:
- Trẻ từ 1 đến 3 tuổi cần ngủ 12 đến 14 tiếng mỗi ngày.
- Trẻ đến 6 tuổi cần ngủ từ 10 đến 12 giờ mỗi ngày.
- Trẻ đến 12 tuổi cần ngủ 10 đến 11 giờ mỗi ngày.
- Trẻ đến 16 tuổi cần ngủ trung bình 8,5 giờ mỗi ngày.
Đây là ước tính chung, còn trong thực tế, thời gian trẻ ngủ nhiều hay ít còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau.
Phụ huynh cần quan sát giấc ngủ của trẻ ở nhiều mặt để xác định mức độ rối loạn giấc ngủ ở trẻ tự kỷ. Có thể sử dụng các câu hỏi sau đây để theo dõi bé yêu:
- Con có thói quen ngủ nghỉ phù hợp không?
- Con có thường gặp tình trạng khó ngủ không?
- Chất lượng giấc ngủ của con như thế nào?
- Con có thường xuyên cảm thấy bứt rứt trước và trong khi ngủ không?
- Con có thức dậy nhiều lần trong đêm, ngủ muộn, dậy sớm hay không?
Sau khi đã có những quan sát và nhận định về tình trạng của con, phụ huynh có thể tìm đến bác sĩ chuyên môn để được tư vấn cách thức chẩn đoán, cũng như can thiệp hợp lý nếu phát hiện bất kì dấu hiệu bất thường nào ở trẻ.
2. Nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ ở trẻ tự kỷ là gì?
Hiện vẫn chưa có kết luận chắc chắn về nguyên nhân gây nên rối loạn giấc ngủ ở trẻ tự kỷ. Nhưng có một số quan điểm khá thuyết phục được đưa ra lý giải cho tình trạng này - bao gồm:
- Trẻ tự kỷ khá nhạy cảm với âm thanh ánh sáng, chỉ cần xuất hiện một kích thích nào đó, trẻ cũng có thể thức giấc đột ngột và khó ngủ trở lại.
- Trẻ tự kỷ thường có một số rối loạn khác đi kèm như rối loạn hành vi, rối loạn cảm xúc. Nhiều trẻ thường hay căng thẳng và lo âu, khó đi vào giấc ngủ hơn trẻ khác.
- Một giả thuyết khác có liên quan đến hormone Melatonin. Trẻ tự kỷ sản sinh Melatonin vào những thời điểm không phù hợp trong ngày với liều lượng khác nhau. Cụ thể, hàm lượng melatonin ở trẻ tự kỷ tăng nhiều vào ban ngày và thấp hơn vào ban đêm - đây cũng có thể là một trong những nguyên nhân gây ra rối loạn giấc ngủ ở trẻ tự kỷ.
- Trẻ mắc rối loạn tự kỷ thường gặp khó khăn trong việc hiểu các hành vi xã hội. Trẻ tự hỏi vì sao các trật tự - như việc đi ngủ vào ban đêm chẳng hạn - phải diễn ra? Điều này có thể khiến trẻ tách biệt, không đồng bộ được giữa thời điểm cả nhà đi ngủ và thời điểm trẻ đi ngủ.
- So với các trẻ khác, cơ thể trẻ tự kỷ có thể phản ứng nhạy cảm hơn với các loại thực phẩm gây khó ngủ như đường, cà phê, nước tăng lực,...Điều này đồng nghĩa với việc những thức uống kích thích trên sẽ khiến trẻ khó đi nào giấc ngủ hơn so với trẻ thường.
3. Biện pháp khắc phục rối loạn giấc ngủ ở trẻ tự kỷ tại nhà
- Thiết lập một thời gian biểu đảm bảo các hoạt động diễn ra theo đúng lịch trình như ăn cơm, xem tivi, tắm rửa, đi ngủ,...giúp trẻ quen với chu kỳ hoạt động, đảm bảo giấc ngủ đến đúng thời điểm.
- Giảm hàm lượng các chất kích thích như caffeine, đường,...trong thức ăn hàng ngày của trẻ. Thay vào đó, bổ sung các sản phẩm có tác động tích cực lên não bộ, hoặc thực phẩm tốt cho giấc ngủ của bé .
- Tăng cường vitamin cho trẻ cùng các nguyên tố vi lượng cần thiết như: Taurin, Coenzym Q10, natri, Vitamin nhóm B. Các sản phẩm này giúp làm ổn định sóng thần kinh, tăng cường vi chất, giảm trạng thái ủ rũ, căng thẳng lo âu ở trẻ, cải thiện rối loạn giấc ngủ ở trẻ tự kỷ, giúp bé ngủ sâu giấc hơn.
- Hạn chế cho trẻ tham gia các hoạt động kích thích mạnh, xem tivi trước khi ngủ.
- Áp dụng các biện pháp thư giãn cho con như: massage , xông tinh dầu , đọc truyện, nghe nhạc nhẹ, trò chuyện, xem tranh ảnh,...
- Tạo không gian thoải mái, dễ chịu cho trẻ trước và trong lúc ngủ: Điều chỉnh nhiệt độ phòng phù hợp với trẻ, sử dụng ánh sáng đèn dịu nhẹ tránh gây cảm giác khó chịu. Ngoài ra, cần lưu ý sử dụng giường và các loại chăn gối mềm mại mang lại cảm giác dễ chịu giúp con nhanh vào giấc ngủ.
Khi đã sử dụng các biện pháp can thiệp cho trẻ mà không hiệu quả, bác sĩ có thể kê toa thuốc an thần để giải quyết vấn đề giấc ngủ của trẻ. Tuy nhiên, phụ huynh cũng cần hỏi bác sĩ chi tiết liều lượng, cách thức sử dụng loại thuốc này cho con để giảm thiểu tối đa tác dụng phụ nếu có.
Việc cải thiện rối loạn giấc ngủ ở trẻ tự kỷ quả thực là một cuộc chiến không dễ dàng của cha mẹ. Bằng tình yêu dành cho con cái, tất cả những gì phụ huynh có thể làm là áp dụng các biện pháp nêu trên, kết hợp với lời khuyên từ nhà chuyên môn can thiệp trẻ tự kỷ để bé yêu có giấc ngủ ngoan, trí não phát triển toàn diện. Từ đó, giúp trẻ mắc rối loạn này hướng đến việc học các kỹ năng tự chăm sóc khi trưởng thành.
Nguyễn Oanh tổng hợp