Quá trình thụ thai và stress - những vấn đề liên quan nhất định bạn nên biết

Quá trình thụ thai của người phụ nữ thường bị tác động bởi khá nhiều yếu tố như tình trạng sức khỏe thể chất và tinh thần, chế độ dinh dưỡng, môi trường xung quanh…Trong đó, stress hay sự căng thẳng đóng một vai trò nhất định. Vậy mối liên hệ giữa quá trình thụ thai và stress là như thế nào, chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé.

banner ads

Stress ảnh hưởng đến quá trình thụ thai
Stress ảnh hưởng nhất định đến quá trình thụ thai của phụ nữ. Ảnh Internet

1. Mối liên hệ giữa stress và quá trình thụ thai

Một khuynh hướng khá rõ ràng về stress và quá trình thụ thai đó là stress làm bạn khó thụ thai hơn. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra nguyên nhân của việc này, đó là:

  • Đầu tiên, khi bạn căng thẳng, bạn có lẽ sẽ không quan hệ tình dục thường xuyên (việc này chắc chắn ảnh hưởng đến quá trình thụ thai của bạn), mà có nhiều khả năng hút thuốc và uống rượu hơn (cả hai đều có tác động tiêu cực đến việc thụ thai).
  • Stress cũng có thể ảnh hưởng đến việc rụng trứng ở phụ nữ và sản xuất tinh trùng ở nam giới. Tình trạng căng thẳng mãn tính ở phụ nữ có thể làm thay đổi tín hiệu đến vùng dưới đồi – khu vực trung tâm của não điều chỉnh một số hormone kích hoạt trứng rụng mỗi tháng – khiến sự rụng trứng diễn ra không thường xuyên, dẫn đến khó thụ thai. Còn, sự căng thẳng cũng có tác động đến mức độ testosterone và sự sản xuất tinh trùng ở nam giới.
Cặp đôi bị stress
Stress ảnh hưởng đến cả nữ giới và nam giới trong việc có con. Ảnh Internet
  • Stress còn được cho là tác động đến các khía cạnh khác của khả năng sinh sản như các vấn đề về thụ tinh và cấy ghép trong tử cung. Cụ thể, một nghiên cứu từ Đại học California San Diego cho thấy những phụ nữ bị căng thẳng nhất sẽ ít thành công hơn trong mỗi giai đoạn của quá trình thụ tinh nhân tạo IVF (lượng trứng lấy được ít hơn và cũng ít trứng được cấy thành công hơn).

Hay, một nghiên cứu khác từ các nhà nghiên cứu của Israel đã kiểm tra xem việc giúp phụ nữ giảm stress trong khi thực hiện IVF có giúp tỷ lệ thành công tăng lên hay không. Họ nhận thấy rằng những phụ nữ được các chú hề mua vui sau khi được điều trị (tiếng cười được xem là liều thuốc khá hiệu quả trong việc giảm căng thẳng) có khả năng thụ thai cao hơn những phụ nữ căng thẳng mà không được giải trí.

Xem qua thụ thai
Stress cũng ảnh hưởng đế cả vấn đề thụ tinh và cấy ghép trong tử cung. Ảnh Internet

2. Liệu việc khó thụ thai có gây ra stress không?

Việc bạn không thể mang thai khi mình mong muốn có thể là một nguồn cơn gây lo lắng, căng thẳng và trầm cảm khá lớn. Một nghiên cứu của Nhật Bản cho thấy, 40% phụ nữ có vấn đề về sinh sản đã lo lắng hoặc trầm cảm trước khi họ bắt đầu điều trị hiếm muộn .

Hầu hết những người không thể mang thai đều do một nguyên nhân nào đó về thể lý. Và ngay cả khi họ tiến hành điều trị y tế, thì sự căng thẳng, lo lắng hay trầm cảm do trải qua từ tháng này đến tháng khác không thể mang thai trước đó – vẫn có thể khiến cho việc thụ thai trở nên khó khăn hơn.

Stess vì khó có con
Chính việc khó thụ thai cũng gây ra stress. Ảnh Internet

3. Tôi có một công việc khá nhiều áp lực, có phải tôi sẽ khó thụ thai?

Hầu hết các nghiên cứu về căng thẳng và khả năng sinh sản xem xét những phụ nữ đang gặp vấn đề về sinh sản (như những người đang thực hiện IVF) chứ không phải những phụ nữ bình thường, vì vậy rất khó để đưa ra câu trả lời chính xác cho câu hỏi trên.

Tuy nhiên, bạn nên biết rằng mọi người đều trải qua cảm giác căng thẳng – nó là một phần của cuộc sống – và không có gì chắc chắn rằng một vài ngày căng thẳng tại văn phòng mỗi tuần sẽ tác động đến quá trình mang thai của bạn. Đặc biệt là khi bạn có thể rũ bỏ nó sau giờ làm và không phải lúc nào cũng thấy lo lắng, hoặc bạn không gặp phải các vấn đề khác như khó ngủ, rối loạn ăn uống hay mất hứng thú với những gì bạn thường làm.

Cơ thể bạn có cơ chế thích nghi với sự căng thẳng hằng ngày khá tốt. Tuy nhiên, đối với những cú sốc hay những sự kiện xảy ra đột ngột thì không (ví dụ như bạn mất người thân, mất việc hay chuyển nhà…). Những cú sốc hay sự kiện có thể đảo lộn hoặc làm rối loạn chu kỳ hàng tháng của bạn, gây ảnh hưởng đến quá trình thụ thai .

Áp lực công việc khiến khó thụ thai
Công việc nhiều áp lực cũng làm chị em khó thụ thai. Ảnh Internet

4. Tôi có thể làm gì để giảm sự căng thẳng do khó mang thai?

Để giảm stress trong quá trình chuẩn bị mang thai , bạn có thể thực hiện bất cứ điều gì khiến bạn thấy thoải mái và thư giãn. Tuy nhiên, một số cách được xem là rất hữu ích cho quá trình thụ thai của bạn, tiêu biểu như những cách dưới đây:

  • Thực hiện những bài tập có tư thế giúp bạn trấn tĩnh : Bạn có thể tham gia một lớp yoga hoặc tập theo hướng dẫn tại nhà với các động tác tập trung vào hơi thở và chuyển động. Vì các bài tập như vậy sẽ có tác động rất lớn, trong việc giảm mức độ của hormone gây căng thẳng, giúp cải thiện khả năng sinh sản.
Tập yoga bên bãi biển
Tập yoga giúp bạn giảm căng thẳng, cải thiện khả năng sinh sản. Ảnh Internet
  • Ngủ sớm hơn : Có một thực tế thú vị đó là hơn 80% phụ nữ rụng trứng vào khoảng thời gian từ nửa đêm đến 8 giờ sáng, do đó việc ngủ quá ít - dẫn tới mất cân bằng nội tiết tố - có thể có tác động đáng ngạc nhiên đến việc thụ thai. Giấc ngủ có khả năng siêu tái tạo và giúp cơ thể phục hồi sau một ngày hoạt động. Mặc dù mỗi người có nhu cầu giấc ngủ khác nhau nhưng nếu bạn có xu hướng thức dậy mà vẫn mệt mỏi, hoặc cảm thấy như cơ thể không có năng lượng, thì rất có thể do bạn ngủ chưa đủ. Vì vậy, hãy cố gắng ngủ sớm hơn để ngủ đủ và giúp cơ thể có đủ thời gian nghỉ ngơi.
  • Quan hệ tình dục : Không phải vì nhiệm vụ “thụ thai” mà để cơ thể hai bạn được thư giãn, cũng như tăng sự thân mật và liên kết giữa hai bạn. Điều này có thể giúp hai bạn thấy vui vẻ và thoải mái hơn.
Cặp đôi yêu
"Yêu" để tăng sự thân mật chứ không nên vì nghĩa vụ "thụ thai". Ảnh Internet
  • Thực hiện bài tập 10 phút về sự căng thẳng : bài tập này bao gồm các động tác siết chặt và thư giãn mọi bộ phận của cơ thể. Ví dụ như: động tác vuốt trán trong 5 giây sau đó thưa giãn khuôn mặt trong 5 giây, nhăn mũi trong 5 giây và thư giãn trong 5 giây. Bạn làm tương tự với hàm của mình và tiếp tục với các bộ phận khác trong vòng 10 phút nếu bạn có thời gian. Bài tập này sẽ giúp bạn cảm nhận được cơ thể của mình khi căng thẳng và khi thư giãn.
  • Viết ra giấy dù chỉ vài phút mỗi ngày : Việc viết nhật ký sẽ giúp bạn cảm thấy mình kiểm soát được các vấn đề của mình. Nó giúp bạn thấy tích cực hơn cũng như bớt lo lắng về bất cứ điều gì làm phiền bạn.
  • Nói chuyện với một chuyên gia : Nếu bạn vẫn cảm thấy mình không kiểm soát được sự căng thẳng, hoặc có xu hướng kéo dài những cơn lo lắng và cảm giác tuyệt vọng, buồn bã hoặc mơ hồ, hãy xem xét việc gặp gỡ một chuyên gia tâm lý học hoặc bác sỹ tâm thần có kinh nghiệm về những bệnh nhân vô sinh để được giúp đỡ.
Vợ chồng gặp bác sỹ
Hãy gặp chuyên gia tâm lý học hoặc bác sỹ nếu bạn không kiểm soát được sự căng thẳng. Ảnh Internet

Chúng ta có thể thấy, những vấn đề liên quan đến quá trình thụ thai có thể ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần và tâm lý của một người. Đặc biệt, không phải chỉ các yếu tố bên ngoài có thể gây stress, mà chính kế hoạch có con cũng có khả năng gây ra stress cao. Do vậy, hãy áp dụng mọi phương pháp bạn có thể để cải thiện tinh thần của mình. Vì, việc để sức khỏe cảm xúc của mình đi đúng hướng tích cực là điều bắt buộc, khiến việc thụ thai diễn ra dễ dàng dàng hơn, cũng như bạn có được một thai kỳ khỏe mạnh và còn hơn thế nữa.

Theo Parents

Lily Nguyễn lược dịch

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI