Phụ nữ sướng - khổ có phải đều do chồng?
Mình sinh ra và lớn lên bên cạnh những người phụ nữ hết sức tần tảo, hết lòng vì chồng con. Như bà ngoại mình, ông hy sinh khi bà còn trẻ, bà vẫn ở vậy nuôi con, tới nay đã ngót nghét hơn nửa thế kỷ rồi. Các cô các mẹ của mình cũng luôn như thế, một lòng hướng về gia đình dù có phải hy sinh nhiều thứ. Nhiều thứ ở đây không chỉ nhan sắc và thời gian, là những điều qua đi sẽ mãi mãi chẳng bao giờ trở lại mà còn là sự nhẫn nại với mọi biến cố, khó khăn trong cuộc sống.
Vì được sinh trưởng trong môi trường như vậy nên dù tính cách khi còn nhỏ dại tới lúc trưởng thành, có nổi loạn như thế nào đi chăng nữa, bản thân vẫn bị ảnh hưởng bởi vô số những thói quen của phụ nữ truyền thống. Dù nói nhiều nhưng cũng vẫn giấu một vài điều. Dù nóng nảy nhưng vẫn níu giữ vô vàn thứ.
Nhưng như thế, không có nghĩa là mình ủng hộ việc người phụ nữ phải sống không bằng con ở, mà thời buổi này "con ở" thậm chí không phải cái nghề.
Mình không bao giờ kêu gào cái gọi là nam nữ bình quyền hay nữ quyền, gì gì đó. Mình cảm thấy đàn ông, đàn bà sinh ra đều có nghĩa vụ riêng. Nếu đàn ông có sức khỏe, mình cũng không tranh giành việc khuân vác với họ cho bình đẳng để mà làm gì.
Nếu hôm nay ở nhà, anh giúp em đóng đinh thì em nấu cơm, giặt giũ, cho con ăn cũng là việc bổn phận em phải làm. Trong quan hệ gia đình là mình suy nghĩ như vậy đó. Là việc vợ chồng cùng nhau cố gắng.
Em bên anh trong lúc gian khó buồn rầu. Em cũng mong rằng, em biết chắc được anh sẽ ở đâu khi em tủi hổ. Là ở bên em, chứ không phải ở bên ai đó, để em phải ghen tuông, giành giật.
Em lùi một bước. Em muốn anh đứng lại, kéo em tiến một bước chứ không phải em lùi, anh tiến, rồi dồn em tới tận đáy chân tường. Những khái niệm ấy vô hình trung, nhiều ít gì cũng khác thế hệ đi trước.
Mình không ủng hộ việc đàn ông "dạy" vợ. Xét cho cùng anh có đẻ ra vợ anh không mà anh có quyền "dạy dỗ"? Đặc biệt, mình luôn cảm thấy việc dùng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn gia đình là hoàn toàn sai lệch và sai lầm.
Phụ nữ phần lớn rất yếu đuối trong vấn đề sức lực. Bị đánh đập không những tổn thương nặng nề về thể xác mà còn di chứng ám ảnh về tinh thần. Mình nghĩ, việc bạo hành này phải bị bài trừ, không phải vì bình đẳng, chẳng phải vì nữ quyền mà chỉ vì quyền làm người tối thiểu. Con người sinh ra không phải để bị đánh đập dã man.
Hãy nên nhớ rằng hôn nhân đỗ vỡ không phải lỗi riêng của đàn bà
Nếu không còn yêu nhau nữa, có thể đường ai nấy bước. Nhưng hãy nhớ một điều rằng, hôn nhân đổ vỡ là do lỗi cả hai, ít nhiều luôn thế. Không bao giờ là lỗi riêng của đàn bà. Hãy chịu trách nhiệm với những vết xước gia đình mà đôi bên cào cấu. Đừng bấu víu vào quan niệm phụ nữ giữ gia đình mà đổ lỗi lên người vợ, tội nghiệp biết bao.
Ai sẽ đứng lên bảo vệ người phụ nữ, khi họ cô độc trước định kiến xã hội và sự tàn nhẫn trong chính ngôi nhà của mình?
Trước khi là một người vợ, người chồng, chúng ta là một con người. Hãy cư xử với nhau như con người.
Điều này luôn ám ảnh mình, hôm trước mình chứng kiến một người phụ nữ bị chồng đánh khi anh ta say. Người phụ này ôm lấy chân chồng và chồng thì cứ nện vào đầu chị ấy. Chị ấy cứ: "Em xin anh, vì con em xin anh!". Mọi người can ngăn thì chị ấy lại xin: "Đừng đánh chồng em, em xin các anh các chị!".
Là người phụ nữ ấy chịu khổ. Và không ai ngay cả chính bản thân bế tắc của chị ấy có thể cứu chị ấy ra khỏi địa ngục này. Chỉ có người chồng, chỉ có người đàn ông mới có thể làm điều đó. Khi anh ta thay đổi. Nhưng phải mất bao nhiêu thời gian anh ta mới thay đổi?
Chúng ta đừng bàn nữa vì sao người phụ nữ chọn một người đàn ông tồi. Đôi khi bạn đi chợ, nhìn miếng thịt rất tươi nhưng mua về nấu lên lại dai nhanh nhách. Cuộc đời người may mắn có thể chọn được chồng tốt thương mình. Còn người kém phước hơn, chọn sai đối tượng. Hoặc thời gian nhăn nhúm đã khiến bản tính con người lộ dần những khiếm khuyết và không chịu sửa chữa cũng chưa biết chừng.
Chúng ta không thể lo giùm việc nhà người khác. Cũng không thể sống thay cuộc đời họ. Nhưng ít nhất, đừng bắt ai phải chịu đựng cái nỗi đau mà chúng ta không hiểu, không biết, cũng chưa từng trải qua. Và khi họ bật ra khỏi tổn thương của chính họ để hứng chịu đổ vỡ mà chính họ cũng không hề muốn, chúng ta cười hề hề và nói họ thật kém khôn ngoan ư?
Theo ngoisao