1. Ốm nghén ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ bầu như thế nào?
Ốm nghén là tình trạng các mẹ sẽ gặp phải khi mang thai . Ốm nghén có các biểu hiện như buồn nôn, nôn, khó tiêu, chướng bụng, nhạy cảm với các mùi thức ăn. Tuy tình trạng ốm nghén không ảnh hưởng đến sự phát triển của em bé, nhưng sẽ tạo ra không ít những khó chịu cho các mẹ trong sinh hoạt hằng ngày.
Hơn nữa, tình trạng ốm nghén kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ bầu. Cụ thể, chúng khiến cho cơ thể các mẹ trở nên mệt mỏi, không ăn uống được, kiệt sức,... Thậm chí, có nhiều mẹ bầu không thể lao động, làm việc.
2. Các mẹ có cần phải truyền nước khi ốm nghén không?
Truyền nước hay truyền dịch là quá trình đưa các dưỡng chất - gồm các thành phần muối, các chất điện giải - vào cơ thể bằng đường tĩnh mạch. Ốm nghén có thể khiến mẹ mất nước, mệt mỏi và thậm chí có mẹ bầu bị rối loạn điện giải và hạ đường huyết. Vì vậy, có thể nói, truyền nước là một biện pháp tốt.
Khi truyền nước, các mẹ sẽ được bổ sung nước, chất điện giải, chất dinh dưỡng để điều chỉnh những rối loạn của phụ nữ khi mang thai. Thế nên, các mẹ có thể truyền nước khi ốm nghén , điều này sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi.
Tuy nhiên, quá trình truyền nước luôn có những rủi ro nhất định nếu không tuân thủ các nguyên tắc riêng. Nếu mẹ bầu chỉ bị ốm nghén nhẹ ở mức bình thường, không quá nghiêm trọng trong thai kỳ, các mẹ không cần thiết phải truyền nước. Việc các mẹ bầu có cần phải truyền nước hay không còn phụ thuộc vào những yếu tố khác nhau.
3. Những lưu ý dành cho mẹ bầu ốm nghén phải truyền nước trong thai kỳ
Việc truyền nước có thể giúp các mẹ bổ sung nước, các chất dinh dưỡng, nhưng chúng cũng có khá nhiều rủi ro. Trên thực tế, đã từng có trường hợp mẹ bầu bị sốc khi truyền dịch. Và, việc lạm dụng truyền dịch có thể gây ảnh hưởng đến não bộ, cũng như sự phát triển của thai nhi , thậm chí đe dọa đến tính mạng của mẹ. Vì thế, các mẹ bầu ốm nghén phải truyền nước cần phải lưu ý những vấn đề sau đây:
- Trong trường hợp bị mất nước, nếu các mẹ vẫn ăn uống được thì có thể bù chất điện giải, bù nước thông qua chế độ ăn uống hợp lí. Ví dụ như khi uống một ly nước có pha thêm một muỗng cà phê đường tương đương với việc truyền 1 chai gucose 5%. Hoặc, húp một bát canh nhạt tương đương truyền một chai dung dịch muối 9%.
- Không phải trường hợp mẹ bầu bị nghén, mệt mỏi hoặc mất ngủ nào cũng cần phải truyền nước. Để biết được mình có cần phải truyền nước hay không, các mẹ nên tham vấn ý kiến của bác sĩ.
- Khi thực hiện truyền nước, các mẹ phải có sự chỉ định và theo dõi của các bác sĩ hoặc nhân viên y tế. Điều này sẽ giúp tránh tình trạng bị sốc thuốc. Ngoài ra, địa điểm truyền dịch cũng phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về cơ sở vật chât để kịp thời xử lý các sự cố không may.
- Các mẹ bầu tuyệt đối không được truyền nước tại nhà hoặc sử dụng dịch vụ truyền nước tại nhà.
- Nếu mẹ gặp phải tình trạng tăng u-rê huyết, kali huyết, suy thận cấp, mãn tính, suy tim, suy gan, viêm gan nặng... tuyệt đối không truyền dịch. Khi các mẹ choáng váng, đổ mồ hôi và mất nước nhiều sau khi luyện tập cường độ cao,... cũng không được truyền do truyền dịch. Bởi vì nếu truyền dịch lúc này sẽ có nguy cơ cao gặp phải các biến chứng như: ngộ độc nước, ngộ độc, co giật, phù não hoặc thậm chí tử vong.
- Tuyệt đối không pha trộn hỗn hợp truyền với các loại thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
- Mẹ bầu cũng cần phải lưu ý các nguyên tắc y khoa về tiêm truyền để không bị lây nhiễm các bệnh: viêm gan siêu vi B, C, HIV/AIDS,... và một số bệnh lây qua đường máu.
- Tránh lạm dụng việc truyền nước thường xuyên. Đồng thời, không nên sử dụng biện pháp truyền nước thay cho việc ăn uống.
- Sau khi truyền dịch xong, các mẹ không nên về nhà ngay, mà nên ở lại đợi 15-30 phút xem có thể có những biểu hiện bất ổn không. Nếu gặp phải những biểu hiện bất thường nghi ngờ do việc truyền nước gây nên, cần phải ngay lập tức thông báo cho bác sĩ hoặc nhân viên y tế đẻ được xử lý kịp thời.
4. Mẹ bầu cần làm gì để tránh việc ốm nghén phải truyền nước?
Để tránh việc ốm nghén phải truyền nước và trường hợp mẹ bầu kiệt sức, mệt mỏi do ốm nghén nhưng không truyền nước được, các mẹ có thể áp dụng những phương pháp dưới đây:
- Không nên để bụng rỗng : Các mẹ có thể chia các bữa chính thành nhiều bữa nhỏ, và ăn thường xuyên trong ngày. Luôn mang theo đồ ăn vặt bên mình như bánh cho bà bầu ăn vặt , ngũ cốc,..và ăn ngay khi đói. Điều này là để đảm bảo cơ thể của mẹ luôn tràn đầy năng lượng.
- Uống các loại trà thảo dược như trà gừng , trà mật ong, trà bạc hà,...Những loại trà này có thể giúp các mẹ giảm cơn nghén. Đồng thời, các loại trà này còn giúp các mẹ bầu ngủ ngon hơn, sâu hơn và khỏe mạnh hơn, tránh tình trạnh cơ thể mệt mỏi, kiệt sức.
- Thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý : Mẹ bầu nên cố gắng bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng, cũng như uống nhiều nước. Điều này giúp hạn chế việc mất nước nghiêm trọng do nôn và dẫn đến việc mẹ bầu phải truyền nước.
- Bổ sung nhiều rau xanh và trái cây . Đồng thời, hạn chế các món cay, nóng, muối chua và các thực phẩm chế biến sẵn.
- Thay vì truyền nước, truyền dịch, các mẹ có thể bổ sung đầy đủ các dưỡng chất, vitamin thông qua các loại thuốc. Các mẹ nên tăng cường các loại vitamin đặc biệt là canxi, vitamin A, vitamin B9, vitamin C,...để giúp mẹ khỏe hơn, tăng cường sức đề kháng, hạn chế mệt mỏi.
- Thỉnh thoảng, mẹ bầu nên dành thời gian tản bộ, hít thở không khí trong lành. Và, việc thường xuyên tập thể dục nhẹ, yoga cho bà bầu , thiền định,... có thể giúp cơ thể các mẹ khỏe mạnh, tinh thần thêm phấn chấn, không còn mệt mỏi.
- Mẹ bầu cũng nên sắp xếp thời gian nghỉ ngơi hợp lý. Theo đó, nên nghỉ ngơi ở một không gian thoáng mát sạch sẽ và mặc trang phục rộng, rãi thoải mái.
Tình trạng ốm nghén phải truyền nước trong thai kỳ không phải là một việc nguy hiểm. Các mẹ bầu có thể truyền nước khi cơ thể quá mệt mỏi, kiệt sức nhưng lại không ăn uống được. Tuy nhiên, việc truyền nước có thể phát huy tác dụng tốt nhất khi đúng người, đúng trường hợp và đúng thời điểm.
Nguyễn Ngọc Yến Vy