Không giống với nhiều món ăn khác, nộm chân gà rút xương hấp dẫn người ăn bởi sự kết hợp hài hòa của các vị chua cay ngọt cùng với cảm giác giòn giòn, sần sật khi ăn. Sau đây là cách làm nộm được nhiều chị em sử dụng.
1. Nguyên liệu
- 8 cái chân gà (nên chọn những loại chân gà to)
- 1 củ cà rốt
- 1 củ hành tây
- Rau thơm
- 1 củ gừng
- Gia vị chuẩn bị: Đường, nước mắm, chanh, ớt, giấm, muối, bột nêm.
2. Cách làm nộm chân gà rút xương
Bước 1: Bạn mua chân gà về, rửa sạch với rượu trắng, muối để khử mùi. Sau đó, phần móng được cắt bỏ cẩn thận, rửa lại với nước, bỏ thêm một ít gừng nhỏ vào nồi để luộc sơ trong khoảng thời gian 10 phút.
Bước 2: Khi chân gà chín, bạn vớt ra, ngâm qua bát nước lạnh, đợi nguội thì để vào hộp, bỏ vào ngăn mát của tủ lạnh trong khoảng thời gian 2 giờ. Việc làm này giúp nguyên liệu săn lại, có độ giòn và khi rút không bị rách. Tiếp theo, chị em dùng một con dao nhọn khía từng ngón chân gà rồi dùng tay lấy các đốt xương ra, tách từ phần trên xuống cổ chân gà, cố gắng giữ sao cho miếng da không bị rách vụn.
Bước 3: Bạn gọt phần vỏ bên ngoài cà rốt, đem nạo sợi, ngâm với một ít giấm, muối, đường để tạo độ giòn. Sau một khoảng thời gian, nguyên liệu được vớt ra, để ráo rồi cho vào chén hoặc đĩa, chờ thực hiện các khâu tiếp theo.
Bước 4: Dưa chuột mua về đem ngâm sơ với muối, bỏ phần ruột, thái lát mỏng, cho vào đĩa. Hành tây được bóc bỏ lớp vỏ ngoài, thái thành từng sợi mỏng, ngâm qua nước muối để giảm vị cay, hăng.
Bước 5: Gừng, tỏi, ớt được băm nhỏ. Lưu ý, bạn thực hiện thao tác này với riêng từng loại gia vị, không bỏ vào băm chung. Sau đó, mọi thứ được cho lần lượt ra một chiếc đĩa hoặc có thể đựng trong chén.
Bước 6: Bạn đem phần chân gà sau khi sơ chế ướp với bột nêm để ngấm gia vị. Điều này giúp món ăn sau khi chế biến đậm đà hơn.
Bước 7: Pha nước trộn theo tỷ lệ như sau: 3 thìa mắm, 3 thìa nước, 2 thìa đường, 1.5 thìa nước cốt chanh, ớt, tỏi, gừng băm nhỏ.
Bước 8: Bạn trộn cà rốt, hành tây, dưa chuột với chân gà. Sau đó, hỗn hợp nước mắm được cho vào, trộn đều tay trong khoảng 2 phút. Lúc này, bạn có thể nêm nếm cho phù hợp với khẩu vị của gia đình mình.
Bước 9: Trình bày món gỏi chân gà ra đĩa, thêm phần rau thơm lên trên. Thành phẩm sau khi thực hiện xong khá bắt mắt. Chân gà trắng giòn, cà rốt vẫn giữ được độ ngọt, không bị nhũn, vị của món ăn là sự kết hợp hài hòa giữa các vị chua - cay - mặn - ngọt.
Yêu cầu món ăn
- Chân gà sau khi sơ chế không bị rách phần da, dễ rút được phần xương.
- Có thể sử dụng thêm su hào để làm gỏi tùy vào sở thích của bạn.
- Yêu cầu thành phẩm: phần chân gà giòn, có mùi vị chua ngọt tùy vào cách nêm nếm.
- Sử dụng thêm rau húng quế, hành, ngò nếu thích.
4. Cách lựa chọn chân gà ngon
- Bạn không nên chọn những chân gà lúc vuốt xuống thấy có nước chảy giọt, ẩm ướt vì nguyên liệu có thể đã bị ngâm trong các chất lỏng bảo quản.
- Bên cạnh đó, chân gà bị bơm nước với phần móng căng, ngón tách nhau cũng không nên chọn.
- Bạn chú ý chỉ nên lựa chọn các chân gà có màu trắng hồng tự nhiên; không có các đốm đỏ, xanh, vàng; sờ vào không bị dính; hình dạng bình thường, không căng phồng.
Nộm chân gà rút xương là sự lựa chọn hoàn hảo cho thực đơn ăn uống của gia đình. Món ăn vừa mới lạ lại thơm ngon, không kén người dùng. Do đó, bạn có thể chế biến cho bữa ăn chính, ăn phụ hay đơn thuần là làm món nhậu ngon cho ông xã. Chúc các bạn thực hiện món ăn trên thành công nhé!
Phương Lê tổng hợp