1. Khám thai lần đầu khi có dấu hiệu mang thai
Lần khám thai đầu tiên rất quan trọng. Không những giúp cho các mẹ biết rõ mình có đang mang thai hay không, lần khám thai này còn giúp cho các mẹ sớm phát hiện được những nguy cơ bệnh tật mà hai mẹ con có thể gặp phải trong những tuần đầu tiên của thai kỳ.
Theo các bác sĩ sản phụ khoa, mẹ bầu không khám thai sớm có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc như sảy thai sớm, thai lưu, thai nằm ngoài tử cung... mà mẹ không hề hay biết. Từ đó đưa ra những giải pháp can thiệp kịp thời để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe và tương lai sản khoa về sau.
2. Khám thai lần thứ 2 để nghe tim thai
Khoảng thời gian từ tuần thứ 6 - 8 của thai kỳ là một trong những mốc khám thai quan trọng. Bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm để xác định tim thai, kích thước túi ối, chiều dài phôi thai...để đánh giá sự phát triển của thai nhi có tương xứng với tuổi thai hay không.
Bên cạnh đó, mẹ cũng sẽ được thực hành các bước khám lâm sàng như cân nặng, đo huyết áp... để kiểm tra sức khỏe có bị ảnh hưởng hay không, từ đó đưa ra hướng điều chỉnh phù hợp.
3. Do độ mờ da gáy ở lần khám thai thứ 3
Mốc khám thai quan trọng thứ 3 nên thực hiện trong giai đoạn từ tuần 11 - 13. Lần khám thai này rất cần thiết để đo độ mờ da gáy nhằm phát hiện các bất thường của nhiễm sắc thể có thể gây ra bệnh down, dị dạng tim, dị dạng tay chân, thoát vị cơ hoành...
Nếu qua tuần thai thứ 13, việc dự đoán thông qua các chỉ số này sẽ không còn chính xác nữa. Vì vậy, mẹ bầu đừng quên mốc khám thai quan trọng này nhé!
4. Xét nghiệm sàng lọc Triple test ở lần khám thai thứ 4
Xét nghiệm tầm soát trước sinh Triple test (xét nghiệm bộ ba) là loại xét nghiệm để tìm hiểu nguy cơ một số rối loạn bẩm sinh ở thai và có thể dự đoán nguy cơ thai nhi mắc hội chứng Down hay dị dạng nhiễm sắc thể. Lần khám này rơi vào tuần 14 - 17 của thai kỳ.
5. Siêu âm 4D vào lần khám thai thứ 5
Một trong những mốc khám thai quan trọng là khoảng thời điểm 21 – 24 tuần tuổi trong thai kỳ. Khi tiến hành siêu âm 4D, bác sĩ có thể phát hiện các bất thường về hình thái của thai nhi như sứt môi, hở hàm ếch dị dạng ở cơ quan, đặc biệt là các bất thường về tim và hệ xương, của thai nhi, từ đó có thể can thiệp kịp thời.
6. Khám thai lần thứ 6 khi thai nhi khoảng 32 tuần tuổi
Khi bé yêu được 32 tuần tuổi, mẹ nên đến bác sĩ siêu âm sẽ giúp gia đình chủ động trong công tác chuẩn bị cho quá trình sinh nở. Ngoài ra, các bác sĩ còn theo dõi động mạch rốn, động mạch não, động mạch tử cung, kiểm tra tình trạng nước ối, dây rốn… nhằm đảm bảo bé đang phát triển tốt ở giai đoạn cuối của thai kỳ.
7. Khám thai lần 7 từ tuần thứ 36 của thai kỳ trở đi
Trong những mốc khám thai quan trọng, mốc khám này là bắt buộc, vì bác sĩ sẽ đưa ra các dự đoán về kỳ sinh nở của mẹ như sinh thường hay sinh mổ tùy vào tình hình cụ thể.
Các bác sĩ khuyến cáo ở giai đoạn này, mẹ bầu nên khám thai đều đặn để đảm bảo sức khỏe cho cả hai mẹ con và chuẩn bị đón bé chào đời.
Trên đây là những mốc khám thai quan trọng mẹ bầu không nên bỏ qua, vì những thời điểm này sẽ thích hợp nhất để kiểm tra và phát hiện kịp thời những bất thường trong thai kỳ. Không những thế, việc khám thai đều đặn còn giúp mẹ bầu chủ động hơn trong việc dưỡng thai và an tâm hơn cho thời điểm chuyển dạ.
Ánh Ngọc tổng hợp