Tóc non hay còn gọi là tóc máu sẽ lần lượt rụng đi thay vào đó là những sợi tóc trưởng thành khỏe mạnh. Theo thời gian, mỗi ngày tóc sẽ chết và rụng đi để tóc mới mọc thêm ra. Đây chính là “quy luật sống” tất yếu của tóc.
Hiện tượng rụng tóc ở trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh rụng tóc là hiện tượng rất bình thường.
Vào khoảng 24 tuần khi trẻ còn là bào thai, những sợi tóc đã bắt đầu mọc và dài ra. Lúc này dinh dưỡng để trẻ duy trì hoạt động sống và phát triển từng ngày đều nhờ hoàn toàn vào người mẹ. Do đó, tóc phát triển cũng dựa vào nguồn hormone có từ mẹ.
Khi trẻ được sinh ra cũng đồng nghĩa lượng tóc được nuôi dưỡng bằng hormone từ người mẹ đã không còn nguồn cung cấp dưỡng chất để tiếp tục phát triển. Vì thế, chúng sẽ tự rụng đi trong giai đoạn sơ sinh. Thông thường, tình trạng rụng tóc này sẽ tiếp diễn từ lúc trẻ chào đời cho đến khi trẻ được 6 tháng tuổi thì kết thúc. Do đó, nếu thấy bé có bị rụng tóc nhiều trong giai đoạn này, mẹ cũng không nên quá lo lắng.
Chỉ khi tình trạng rụng tóc vẫn tiếp tục diễn ra sau 6 tháng, có thể bé cần được bác sĩ kiểm tra để biết có sự thiếu hụt dinh dưỡng hoặc một bất thường sức khỏe nào không.
Đặc điểm của tóc trẻ sơ sinh
Tóc mỗi trẻ sơ sinh dày mỏng khác nhau là do dinh dưỡng của mẹ và yếu tố di truyền quyết định.
Dinh dưỡng của người mẹ trong thai kỳ có thể tác động đến sự hình thành và phát triển tóc của thai nhi. Tóc trẻ sơ sinh cũng phụ thuộc vào điều này cho đến khi chúng được 6 tháng, khi mà các sợi tóc trưởng thành đã bắt đầu thay thế. Mặt khác, do yếu tố di truyền, tóc mỗi trẻ có dày mỏng hoặc có các cấu trúc khác nhau. Có thể trẻ này tóc đen và dày nhưng trẻ khác lại mỏng và thưa. Trẻ kia tóc xoăn còn số khác tóc thẳng…
Nhiều gia đình có “truyền thống” cắt tóc máu cho trẻ sơ sinh để tóc mới mọc ra sẽ đen và dày hơn. Tuy nhiên, điều này không có chứng cứ khoa học để minh chứng. Ngược lại, một số trẻ được cắt tóc máu có nguy cơ bị trầy xước, thương tổn da đầu hoặc dễ mắc bệnh hơn do không được tóc bảo vệ khi còn quá non yếu.
Chăm sóc tóc cho bé đúng cách
Mẹ nên tắm gội thường xuyên cho trẻ.
- Vì trẻ sơ sinh thường được chăm sóc trong điều kiện bảo vệ tốt nhất nên tóc của trẻ ít bám bụi bẩn. Do vậy, mỗi tuần bạn chỉ nên cho trẻ tắm đầu từ 2 đến 3 lần.
- Khi tắm, bạn nên dùng những loại xà phòng dành riêng cho trẻ để tránh kích ứng da và làm cay mắt trẻ.
- Dùng nước ấm và một chiếc khăn xô mềm để gội đầu cho trẻ.
- Lau khô đầu ngay sau khi gội và làm sạch các vùng lân cận như vành tai, gáy.
- Dùng một loại dầu massage bôi lớp mỏng và giúp trẻ lưu thông máu.
- Với những trẻ đầu có “cứt trâu”, bạn nên massage da đầu trẻ trước lúc gội bằng những loại tinh dầu như oliu hoặc dùng dầu gội chuyên biệt để giúp làm bong tróc dần các mảng bám này. Tuyệt đối, không nên dùng tay cạy lớp mảng bám để tránh làm tổn thương da đầu của trẻ. Với các trẻ này, bạn có thể tăng cường gội đầu từ 3-4 lần trong tuần.
Những điều cần lưu ý khi chăm sóc tóc cho trẻ
- Tuyệt đối không dùng những loại dầu gội người lớn để tắm gội cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Những loại dầu gội này có các hóa chất làm ảnh hưởng đến nang tóc và cản trở quá trình mọc tóc của trẻ.
Tắm nắng mỗi sáng giúp tóc trẻ mọc nhanh hơn.
- Việc tắm nắng mỗi sáng sớm có thể hỗ trợ rất tốt cho việc mọc tóc của trẻ nhờ vào lượng vitamin D sẽ hấp thu được. Khoảng thời gian lý tưởng để tắm nắng là từ 7-8 giờ sáng và mỗi lần chỉ nên tắm từ 15-20 phút.
- Trẻ sơ sinh cần được bú mẹ đủ lượng và bú vào nhiều lần trong ngày để có đủ dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển nói chung của cơ thể và của mái tóc nói riêng. Đồng thời, người mẹ cũng cần được bổ sung dưỡng chất cần thiết để tạo nguồn sữa chất lượng đủ cho trẻ bú.
- Khi trẻ đã lớn, các bữa ăn dặm của trẻ cần đầy đủ và cân bằng giữa các dưỡng chất để cơ thể có đủ dinh dưỡng phát triển.
Yeutre.vn
Xem thêm các bài viết khác nếu bạn quan tâm:
- Những lý do thuyết phục mẹ không nên đội mũ che thóp cho trẻ sơ sinh
- Thuốc điều trị mọc răng, táo bón có thể khiến trẻ tử vong
- Cẩm nang chăm sóc trẻ sơ sinh trong tuần đâu tiên dành cho các bà mẹ trẻ
- 15 bất ổn về sức khỏe trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường gặp phải
- Khám sức khỏe định kỳ cho bé yêu từ 0 - 12 tháng tuổi