Cẩm nang chăm sóc trẻ sơ sinh trong tuần đầu tiên dành cho các bà mẹ trẻ

Tuần đầu tiên của bé sau khi chào đời trôi qua thật không dễ dàng đối với mẹ. Bao bỡ ngỡ, lóng ngóng ban đầu không thể tránh khỏi nhưng rồi mẹ sẽ nhanh chóng thích nghi với mọi việc vì một phần trong chúng thuộc về bản năng của mẹ.

banner ads

Hãy cũng tìm hiểu xem bé sẽ cần được chăm sóc những gì trong tuần đầu tiên nhé!

24 giờ đầu tiên

27067-da-ke-da.jpg

Sau khi lọt lòng, mẹ nên để bé được “da tiếp da” với mình nhất là với những bé sinh thiếu tháng.

Sau khi lọt lòng, bé cần tìm được cảm giác gần gũi với mẹ vừa để thắt chặt mối dây tình mẫu tử vừa để trẻ cảm thấy an toàn hơn trong quá trình thích nghi dần với môi trường sống mới. Do vậy, mẹ nên để bé được “da tiếp da” với mình nhất là với những bé sinh thiếu tháng, nhẹ cân.

Chỉ trong vòng một tiếng đầu tiên sau sinh, bé đã có phản xạ tìm và mút vú mẹ. Phản xạ này sẽ kém dần đi nếu thời gian cho bú từ sau sinh giãn cách quá lâu. Khi đã được cho bú no bé sẽ ngủ ngon giấc hơn. Lúc này mỗi cữ bú của bé chỉ từ 5-10 phút và lượng sữa bú được chỉ từ 30ml – 50ml.

Bé có thể làm ướt 1-2 chiếc tã trong một ngày và có thể đã bắt đầu đi phân su ngay trong ngày đầu tiên. Tuy nhiên, cũng có những bé mãi đến ngày thứ 2 mới bắt đầu đi phân su.

Thông thường, ngày đầu tiên sau sinh bé sẽ không được tắm vì trước đó các hộ lý đã lau sạch mình bé. Lúc này nếu quan sát rốn bình thường, không có dấu hiệu sưng tấy, mẹ chỉ cần nhúng khăn xô sạch lau quanh rốn bằng nước muối sinh lý hoặc nước sôi để nguội.

Ngày thứ 2 sau sinh

27066-da-ke-da-4.jpg

Bé bú no sẽ ngủ ngon hơn.

Những lúc mở mắt, bé sẽ chú ý nhìn chăm chăm vào gương mặt mẹ và chỉ nhìn được trong khoảng 15-25cm. Bé bắt đầu khóc nhiều và đòi bú. Để trẻ bú đủ no và đảm bảo nguồn sữa mẹ nên cho bé bú khoảng 20-30 phút/ cữ cho hai bên vú. Cứ cách 2 tiếng, mẹ hãy cho bé bú một lần và khi bú nhớ đặt bé đúng tư thế để tránh sặc sữa nếu sữa về quá nhiều. Cần nhớ, dung tích của dạ dày bé vẫn còn rất nhỏ nên chỉ cần cho bú theo nhu cầu của bé là đủ.

Bé có thể làm ướt nhiều tã hơn ngày hôm trước với số lượng từ 3-4 chiếc. Có những bé bắt đầu đi phân su vào lúc này, vì vậy mẹ hãy luôn để ý đến sự khó chịu của bé để thay tã.

Lúc này mẹ đã có thể tắm rửa cho bé. Hãy quan sát kỹ động tác của y tá để đảm bảo việc vệ sinh rốn đúng cách.

Ngày thứ 3 sau sinh

Bé sẽ có những biểu hiện để mẹ nhận biết bé đang đói chẳng hạn như khóc, dúi đầu vào ngực mẹ… Do đã bắt đầu quen với việc bú mẹ nên nhịp mút của bé đã dần trở nên sâu và nhịp nhàng hơn. Bé cảm thấy vui mỗi khi được áp vào mình mẹ. Lúc này bé có thể nghe được tiếng mẹ cưng nựng vì đã quen với giọng mẹ từ những ngày tháng còn trong tử cung mẹ.

27065-da-ke-da-3.jpg

Mẹ nên thay tã cho bé sau mỗi lần bé tè.

Do sức mút và lượng sữa đã tăng hơn nên trẻ đi tiêu, đi tiểu cũng nhiều hơn. Phân su lúc này cũng đã hết, thay vào đó là phân nhớt vàng. Mỗi ngày bé chỉ cần thay khoảng 3 chiếc tã.

Rốn bé lúc này vẫn còn ướt nhưng không chảy nước. Vì thế nếu thấy rốn có dịch mủ, chảy nước, mẹ nên báo cho bác sĩ ngay.

Việc tắm rửa lúc này cũng sẽ giúp bé thư giãn hơn. Mẹ có thể massage cho bé sau mỗi lần tắm để bé được dễ chịu và đi vào giấc ngủ sâu hơn.

Ngày thứ 3 - 4

Động tác mút vú của bé đã thành thạo hơn rất nhiều. Lực bú cũng mạnh hơn và do đó bé bú được lượng sữa nhiều hơn. Để tăng cường kích thích tuyến sữa, mẹ nên cho bé bú đều hai bên và duy trì mỗi cữ bú từ 20-30 phút.

Do bé bú tốt nên mẹ chú ý thay tã thường xuyên cho bé sau mỗi 2 tiếng. Một ngày trung bình bé có thể thay từ 4-6 chiếc tã. Phân của bé lúc này có màu vàng, nhớt, có lẫn các hột vón. Khi vệ sinh cho bé nên dùng nước sạch chùi rửa nhẹ nhàng để tránh viêm nhiễm.

27064-da-ke-da-2.jpg

Tắm bé thường xuyên vào lúc nền nhiệt cao nhất trong ngày.

Việc tắm rửa cho bé phải được thực hiện đều đặn mỗi ngày và cần thiết phải chọn thời điểm nền nhiệt cao nhất trong ngày.

Lúc này rốn bé đã bắt đầu khô hơn nhưng mẹ vẫn phải vệ sinh vùng quanh rốn cho bé bằng nước muối sinh lý. Tăng cường massage để giúp bé dễ chịu hơn.

Ngày thứ 5 - 6

Bé cần được tiếp tục cho bú đều đặn mỗi 2 tiếng, mỗi cữ bú chừng khoảng 60 - 90ml. Giấc ngủ của bé lúc này có thể đảo lộn so với thông thường. Bé sẽ thức đêm và ngủ ngày nên mẹ cũng cần chuẩn bị tâm lý đón nhận và tập dần cho bé chuyển đổi thích nghi về nếp sống thường nhật.

Đừng nghĩ bế bé trên mình ôm ấp, vỗ về sẽ khiến bé bén hơi và không chịu rời mẹ về sau. Thực ra, lúc này bé vẫn còn quá nhỏ và sợ hãi với những thay đổi từ môi trường bên ngoài nên sự chở che của mẹ là điều cần thiết.

Bé đi tiêu trong ngày khoảng 2-3 lần với phân lỏng màu vàng và đi đều đặn mỗi ngày. Nếu thấy bé có dấu hiệu phân cứng, 2-3 ngày đi tiêu một lần, mẹ nên xem lại khẩu phần dinh dưỡng của mẹ.

27063-da-ke-da-5.jpg

Một số bé có thể rụng rốn chỉ sau một tuần đầu sau sinh.

Rốn bé cũng bắt đầu khô dần. Tuy nhiên, việc vệ sinh vùng rốn bằng nước muối sinh lý vẫn nên duy trì mỗi ngày. Một số bé có thể rụng rốn chỉ sau một tuần đầu sau sinh. Số khác có thể kéo dài đến 11-15 ngày. Nếu thấy rốn bé đến thời điểm này vẫn chưa khô, rỉ nước, nổi chồi hạt hoặc sưng tấy đỏ xung quanh chân rốn, mẹ nên cho bé đi khám tại các bệnh viện nhi để được can thiệp vì đây đều là những dấu hiệu nhiễm trùng hoặc bệnh lý liên quan. Tuyệt đối không nên dùng bột hoặc thuốc bào chế theo kinh nghiệm truyền miệng để đắp cho trẻ vì chúng sẽ dẫn đến tình trạng bội nhiễm nguy hiểm đến tính mạng.

Ba giai đoạn diễn ra khi cho con bú:

- Giai đoạn đầu tiên: vài giây đầu tập cho bé làm quen với việc ngậm núm vú và bú thật thoải mái.

- Giai đoạn thứ hai: Bé mút sâu và bú nhiều tạo ra âm thanh. Mỗi lần bú sẽ có những lúc bé nghỉ đôi ba phút.

- Giai đoạn thứ ba: Thỉnh thoảng bé ngưng bú và mút chậm lại. Sau cùng là buông vú. buông vú mẹ.

Vậy là bé đã trải qua một tuần đầu tiên với những thay đổi mới mẻ. Mẹ hãy tiếp tục cùng con khám phá chặng đường phát triển tiếp theo nhé!

Yeutre.vn (Tổng hợp)

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI