Ngoài ra còn rất nhiều nguyên nhân khác nữa, hãy cùng yeutre.vn tìm hiểu và đưa ra những cách xử lý đối với trường hợp trên nhé!
Vì sao trẻ lại bỏ nhà đi bụi?
Gia đình không hạnh phúc là một trong những nguyên nhân khiến trẻ đi bụi
- Trẻ sống trong gia đình bạo lực nhiều hơn cả tình yêu thương và luôn mang tâm lý sợ cha mẹ đánh đòn mỗi khi sai phạm điều gì đó.
- Cuộc sống gia đình không hạnh phúc, bố mẹ luôn bất hòa khiến trẻ chán ghét chính ngôi nhà của mình và muốn rời xa tổ ẩm để đi bụi.
- Do cha mẹ thiếu quan tâm chăm sóc khiến trẻ cảm thấy cô đơn. Từ sự cô đơn trẻ cảm thấy bị cha mẹ bỏ rơi, dẫn đến tủi thân và bỏ nhà ra đi như một cách nổi loạn để thu hút sự quan tâm, chú ý của cha mẹ.
- Cha mẹ quá nghiêm khắc và quản con quá chặt không cho trẻ có không gian riêng và được có tiếng nói riêng nên trẻ muốn bỏ đi bụi để được sống tự do và làm những điều mình thích mà không bị cấm đoán.
- Trẻ chơi với nhóm bạn xấu và bị bạn xấu lôi kéo. Sự thiếu quan tâm và thờ ơ của các bậc làm cha mẹ trong việc giáo dục con cái đã tạo điều kiện để bạn xấu lợi dụng và dụ dỗ con bỏ nhà ra đi.
Những nguy hiểm rình rập khi trẻ đi bụi
- Khi bỏ nhà ra đi, trẻ sẽ thành người vô gia cư, không nơi nương tựa, không chỗ ăn ngủ. Khi đói trẻ có thể ăn bất cứ thứ gì và khi không còn gì để ăn trẻ có thể đi ăn xin, xấu hơn nữa thành trộm cướp. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, thể chất mà còn hủy họa nghiêm trọng nhân cách, đạo đức và cả tương lai còn rất dài của trẻ..
Khi trẻ đi bụi dễ bị kẻ xấu lợi dụng
- Ở tuổi vị thành niên, do chưa đủ nhận thức về nhân sinh quan cuộc sống nên trẻ dễ nghĩ quẩn, bế tắc, chán nản, mất niềm tin vào gia đình và xã hội. Trong lúc túng quẫn, trẻ có thể tìm đến cái chết như một sự giải thoát.
- Trẻ dễ bị kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo tham gia và hoạt động trái pháp luật, bị bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục và có thể biến thành tội phạm mà không hay.
- Cuộc sống bên ngoài khắc nghiệt, bấp bênh con người dùng mọi thủ đoạn để mưu sinh và tồn tại. Nếu trẻ tiếp xúc nhiều với những điều như thế, lâu dần trẻ sẽ sống vô cảm, tàn bạo, có thể trở thành tội phạm nguy hiểm cho xã hội. Ở trường hợp này, rất khó để đưa trẻ trở về hòa nhập với cộng đồng và gia đình.
Để trẻ không đi bụi cha mẹ cần làm gì?
- Cha mẹ cần quan tâm lắng nghe con, để từ đó hiểu được tâm lý, tránh làm tổn thương đến con. Bởi ở tuổi dậy thì, trẻ luôn có xu hướng thích chứng tỏ mình là người lớn. Nếu cha mẹ không hiểu và nắm bắt được tâm lý này dễ làm tổn thương trẻ, dẫn đến trẻ bất mãn và bỏ nhà ra đi để chứng tỏ mình.
Gia đình hạnh phúc là nơi con muốn trở về mỗi ngày
Bên cạnh đó, cha mẹ cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường và các thầy cô giáo trong việc giáo dục nhân cách và các kỹ năng sống cần thiết cho trẻ. Đừng nghĩ rằng, việc giáo dục là trách nhiệm của một mình nhà trường, mà hơn ai hết cha mẹ phải là người thầy đầy bao dung, kiên nhẫn dạy con cách sống và đạo lý ở đời.
- Khi con đã bắt đầu nhận thức, cha mẹ nên tôn trọng và lắng nghe suy nghĩ của con. Không nên cấm đoán hoặc quản con quá chặt. Đứa trẻ nào rồi cũng phải lớn lên, thay vì sợ chúng vấp ngã, bị lợi dụng mà giữ khư khư con bên mình, hãy dạy cho trẻ những kỹ năng sống cơ bản, dạy con cách đối nhân xử thế ở đời. Và một điều cũng quan trọn không kém, nên bình đẳng với con trong gia đình.
- Để ngôi nhà thực sự trở thành mái ấm hạnh phúc, là nơi con muốn trở về mỗi ngày, hơn ai hết cha mẹ phải biết yêu thương và trân trọng nhau cũng như dành cho con cái tình yêu thương và sự quan tâm đúng mực. Đó là cách tốt nhất để “dụ” con tránh xa những cám dỗ, tránh xa việc đi bụi.
- Ngoài ra, cha mẹ cũng cần thay đổi cách giáo dục con cái. Những đứa trẻ luôn bị đòn roi, lâu dần sẽ trở nên lì lợm và việc phản kháng bằng cách bỏ nhà ra đi là điều dễ hiểu.
- Khi trẻ có ý định bỏ nhà ra đi vì muốn cha mẹ đáp ứng một yêu cầu nào đó, hoặc chứng tỏ bản thân. Lúc này, cha mẹ không nên thách thức trẻ mà cần bình tĩnh phân tích đúng sai cho trẻ hiểu. Và cảnh báo những nguy hiểm rình rập ngoài kia nếu trẻ bỏ nhà đi bụi.
Cách xử lý khi trẻ bỏ nhà đi bụi
- Khi con bỏ nhà ra đi, đầu tiên cha mẹ nên bình tĩnh và huy động các mối quan hệ trong gia đình hoặc phối hợp với cơ quan chức năng để nhanh chóng tìm con về nhà. Hãy gạt bỏ những bực tức, giận dữ sang một bên, đưa con về nhà càng sớm càng giúp trẻ tránh được những điều xấu.
Hãy tôn trọng và dành thời gian quan tâm đến con
- Nếu tìm được trẻ, cha mẹ không được đưa ra bất cứ một lời kết tội hay trách phạt nào cả. Ở trong hoàn cảnh này, vì sĩ diện nên trẻ khó nói lời xin lỗi hoặc chấp nhận sai lầm của mình. Cha mẹ cần nhẹ nhàng, thỏa hiệp và trấn an tinh thần con trước tiên để thuyết phục con về nhà. Trong trường hợp, trẻ không muốn gặp và nói chuyện với cha mẹ, hãy nhờ sự trợ giúp của người mà con tin tưởng nhất để làm “sứ giả hòa bình” thuyết phục con về nhà.
- Sau khi đã thuyết phục được trẻ trở về nhà, cha mẹ tuyệt đối không nên làm căng mọi chuyện. Thay vì kết tội hay trách mắng hoặc bỏ mặc con, lúc này gia đình nên tìm hiểu rõ nguyên nhân, để giải quyết ổn thỏa những bất đồng giữa cha mẹ và con cái, tránh sự việc tái diễn lần sau.
Yeutre.vn