Nhiều nguy cơ thừa từ vitamin D
Để trẻ cao lớn, không còi xương, nhiều bà mẹ hiểu rằng bé không chỉ cần calci mà phải bổ sung vitamin D. Nhưng có một điều thường thấy ở thói quen của người Việt là khi biết cái gì quan trọng thì hay có tâm lý lạm dụng. Mặt khác, nghe nói vitamin D có ít trong thực phẩm, đa phần phải tự tổng hợp nhờ tắm nắng, nên không ít chị em vì lo con còi xương đã “háo hức” tìm mua viên bổ sung vitamin D dù bác sĩ không chỉ định. Việc dùng vitamin D loại nhỏ giọt cũng rất dễ gây nên tình trạng thừa vì bạn có thể nhỏ lượng lớn hơn quy định.
Lạm dụng vitamin D có thể gây ngộ độc ở trẻ
Gần đây, trên một số diễn đàn, nhiều chị em còn vô tư mách nhau cho con dùng Obimin, một loại bổ sung vitamin giành cho bà bầu. Thực chất, vitamin D trong Obimin cũng như nhiều loại khác có hàm lượng lớn đặc biệt với nhu cầu của cả mẹ và thai nhi chứ không phải lượng hợp lý cho trẻ nhỏ.
Trên thị trường, còn nhiều sản phẩm đóng hộp cho trẻ hiện nay như sữa, bột ngũ cốc… đều được các nhà sản xuất thường bổ sung vitamin D (D3, D2) để yên lòng các bà mẹ. Ví dụ loại bột ngũ cốc ăn dặm P. chứa 200IU vitamin D trong 100g, mỗi ngày trẻ cần ăn 2-3 lần, mỗi lần 50g. Như vậy so với nhu cầu 200-400IU/ngày cho trẻ trong độ tuổi tiểu học thì chỉ cần ăn bột P. cũng đã đủ lượng vitamin D cần thiết.
Chưa kể trẻ còn được tắm nắng và thu nạp vitamin D từ nhiều nguồn khác. Nếu con bạn thường xuyên dùng thực phẩm sữa, cá hồi, đậu nành, dầu cá thì cũng rất dồi dào vitamin D. Một khẩu phần cá hồi 100g chứa 360 IU vitamin D, 1 thìa dầu cá đã có hơn 1000 IU.
Chính vì thế bên cạnh nỗi lo thiếu vitamin D, cha mẹ cũng phải rất cảnh giác, chăm sóc quá kỹ lưỡng, bồi bổ quá nhiều, loại gì cũng phải có vitamin D thì lại dẫn tới tình trạng thừa.
Dùng vitamin D cẩn thận… mù mắt
Vitamin D cũng như vitamin A là hai loại vô cùng cần thiết, khi thiếu chúng sẽ gây ra nhiều khiếm khuyết thể chất, tinh thần. Vitamin D được coi là chất chống còi xương bởi chúng thúc đẩy việc hấp thụ và chuyển hoá chất canxi và phốt pho.
Vitamin D khi đưa vào cơ thể sẽ được vận chuyển tới gan, chuyển hóa thành dạng khác hoạt động mạnh hơn rồi tiếp tục đi qua thận và lại được chuyển hóa tiếp. Một phần vitamin D sẽ được lưu ở gan và thận giúp chúng ta kiểm soát lượng calci trong máu, phần khác được lưu trong xương để giữ canxi.
Thiếu vitamin D thì dù con bạn có bổ sung nhiều calci đến bao nhiêu cũng như mang công đổ sông đổ biển. Nhưng thừa vitamin D cũng như thừa vitamin A lại gây ra những nguy hiểm hơn nhiều các loại vitamin khác.
Ở người lớn, việc thừa vitamin D thường được cơ thể giải phóng dần nhưng trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ rất nhạy cảm dễ có biến chứng nặng nề. Dùng vitamin D liều cao dài ngày sẽ gây tích luỹ thuốc, làm tăng calci trong máu, khiến trẻ mệt mỏi, chán ăn, nôn, tiêu chảy, đau nhức xương khớp, bàng quang, luôn khát và tiểu nhiều.
Ngoài ra còn có thể gây tổn thương thận, tăng huyết áp. Đặc biệt ở trẻ em thừa viatmin D hay có hiện tượng có lớp màng che ở kết mạc hoặc triệu chứng viêm giác mạc dải băng (cần được chỉ định phẫu thuật ngay). Một số trường hợp ngộ độc cấp nếu cha mẹ tùy tiện cho uống dài ngày các loại bổ sung vitamin và chất khoáng, trong đó có chứa vitamin D liều cao, hoặc cho trẻ uống cùng lúc các loại thuốc có chứa vitamin D. Nếu liều lượng lên đến 50.000 IU có thể khiến trẻ suy thận, tử vong.
Khi nào cần bổ sung vitamin D?
Nếu thấy tình trạng con ngủ không ngon giấc, hay ra mồ hôi trộm, bạn đừng vội cho bé uống vitamin D mà cần có sự kiểm tra của bác sĩ. Qua tắm nắng, vitamin D được hình thành từ việc tiếp xúc của da với tia cực tím buổi sáng có thể đáp ứng 70-80% nhu cầu cơ thể. Nên nếu con bạn sinh ra vào mùa hè, thường xuyên được đưa ra tắm nắng (30 phút mỗi ngày trong khoảng 7-8 giờ), bú sữa từ người mẹ không thiếu vitamin D hoặc được nuôi bằng sữa công thức có bổ sung vitamin D thì cũng không cần cho bé uống viên bổ sung.
Chỉ nên lo lắng khi trẻ sinh ra vào mùa đông (nắng mùa đông thường ít tia cực tím) hoặc nuôi dưỡng ở môi trường thiếu nắng, các bà mẹ cho con bú có tiền sử thiếu vitamin D.
Thực tế, có một số trường hợp được bác sỹ kê toa loại uống bổ sung và “khuyên” dùng cho bé đến tận 2 tuổi nên cha mẹ cứ thế cho con uống không quan tâm có còn cần thiết không. Bạn cần chú ý nếu sau đó bé không còn dấu hiệu còi xương (ngủ trằn trọc, hay vặn vẹo, ra mồ hôi trộm cả khi thời tiết mát, đau nhức xương …) thì không phải uống kéo dài.
Bổ sung đúng cách:
- Nhu cầu vitamin D của trẻ không quá 400IU/ngày (tương đương 10mcg).
- Nếu bạn đang cho bé dùng các sản phẩm trị chán ăn, hoặc vitamin tổng hợp thì nên cân nhắc: Trong trường hợp các sản phẩm này chứa hàm lượng vitamin D cao thì bố mẹ nên giảm liều lượng hoặc ngừng sử dụng viên uống vitamin D bổ sung.
- Con bạn từng bị còi xương, được bác sỹ kê thuốc có vitamin D liều cao khoảng trên 1000IU thì sau đợt điều trị phải khám lại, bệnh giảm thì nên dùng liều thấp xuống, tránh triền miền duy trì liều cao.
- Cho trẻ dùng thực phẩm giàu vitamin D: gan, trứng, cá, sữa…
Ths.BS Nguyễn Bạch ĐằngBộ môn Tiêu hóa, Học viện Quân YNguồn Sức khỏe đời sống