Chỉ năm tuần sau khi sinh Anna Tyzack, mẹ của bé đã trở lại văn phòng làm việc. Tương tự, khi em trai Will của Anna ra đời, mẹ cũng chỉ nghỉ vài tuần. Thế nhưng, khi Anna bước vào tuổi dậy thì, mẹ nghỉ làm hẳn tám năm để gần gũi hai con.
Chị em Anna thường đùa: “Mẹ đâu cần thay tã cho chúng con, tụi con ở trường suốt”. Thế nhưng, hóa ra mẹ của Anna là người tiên phong của trào lưu mới: gạt bỏ tất cả để ở bên con khi trẻ dậy thì.
Jo Wiltshire dành ngiều thời gian cho con gái Evie khi cô bé bước vào tuổi dậy thì - Ảnh: Telegraph
Khảo sát dựa trên 16.000 trẻ vị thành niên của trường đại học Toronto (Canada) cho thấy, sự có mặt của bố mẹ, cả về thể chất và tinh thần, là một yếu tố liên quan chặt chẽ đến hành vi của trẻ trong những năm tháng mà các hormone trưởng thành đang "nổi loạn".
Trẻ càng có nhiều thời gian với bố mẹ bên bàn ăn và các sinh hoạt khác trong gia đình thì nguy cơ chúng sử dụng thuốc, uống rượu hoặc có những hành vi phạm pháp càng ít.
Chuyên gia tư vấn gia đình Jo Wiltshire cho biết, hiện tượng các bà mẹ nghỉ làm trong thời kỳ con bước vào tuổi dậy thì ngày càng tăng. Con gái của cô là Evie (11 tuổi) chuyển đến trường mới vào tháng Chín này. Jo quyết định dành toàn bộ thời gian với con để giúp bé làm quen môi trường mới.
“Ở độ tuổi 5 đến 10, chúng khá bình lặng và dễ chịu. Nhưng vào tuổi dậy thì, trẻ có thể quay lại giai đoạn cần sự có mặt của cha mẹ mọi lúc mọi nơi, thậm chí còn hơn thời còn là đứa bé ẵm ngửa”, Jo chia sẻ.
Bé gái cần sự quan tâm khi ở độ tuổi 13-14, trong khi bé trai thường mất phương hướng khi bước vào tuổi 16-17. Sự thay đổi lớn về môi trường sống cũng làm chúng hoang mang. Trẻ dễ xáo trộn, bị ảnh hưởng bởi những hành vi có thể xấu hoặc có tính chất hủy hoại.
Nếu cộng thêm áp lực phải đạt thành tích học tập tốt, sự ám ảnh về ngoại hình theo trào lưu trong nhóm bạn, việc làm mọi cách để được bạn bè chấp nhận, một số trẻ sẽ cảm thấy quá sức.
Trong “kỳ nghỉ” của mình, Jo dẫn bé Evie đến trường, đón con đi học về mỗi ngày. “Tôi mong chờ đến giờ tan trường để gặp con. Khi còn đi làm, thời gian ở nhà tôi phải tính toán sít sao, bây giờ, tôi có thể thong thả nói chuyện với con như một người bạn”, Jo cho biết.
Bà mẹ hai con Rachel Hirst, người có trang blog về cách làm cha mẹ Umeandthekids.com cho biết, quyết định đúng đắn nhất cô từng làm là nghỉ việc khi con trai lớn Lewis vào tuổi 13.
Giờ đây, Lewis 18 tuổi, nhưng Rachel vẫn sẽ chỉ trở lại làm việc khi con trai thứ hai (hiện 13 tuổi) rời ghế nhà trường. Cô nói: “Đây là giai đoạn chúng cần tôi nhất. Jake mới bị bạn bè ức hiếp và cô lập. Thật may, tôi phát hiện sớm và nói chuyện với thầy cô, giải quyết vấn đề triệt để.”
Rachel nhận thấy mối quan hệ giữa cô và hai con trai tiến triển nhiều, cô không còn là “kẻ đứng ngoài cuộc” nhìn các con lớn lên nữa. “Tôi có thể biết chuyện gì đang xảy ra. Một số bố mẹ không thể nói tất tần tật mọi chuyện với con. Tôi thường vào phòng các con đùa giỡn và tâm sự. Chúng tôi đi xem phim và đến các sự kiện cùng nhau, chúng tôi cười với nhau suốt”.
Rachel cũng đã nghỉ thai sản rất lâu vào thời điểm sinh hai đứa con, nhưng cô vẫn thấy quyết định nghỉ việc khi chúng vào tuổi dậy thì quan trọng hơn. “Một đứa trẻ có thể tự sinh hoạt trong nhà trẻ khi bạn đi làm, nhưng khi con bạn lớn hơn và các hormone dậy thì đang chạy đua trong cơ thể chúng, chúng cần bạn hơn bất cứ khi nào”.
Mẹ Anna thú nhận cảm giác buồn tẻ và nhớ văn phòng thỉnh thoảng cũng xuất hiện trong tâm trí chị, nhưng những kỳ nghỉ hè với con thì vô giá. Tuy nhiên, việc những người mẹ trở lại làm việc sau giai đoạn tuổi “teen” của con gần như là không tưởng, do “kỳ nghỉ” này thường kéo dài hơn nhiều so với kỳ nghỉ sinh.
Với những phụ nữ không có khả năng tài chính và cơ hội kiếm việc trở lại sau “kỳ nghỉ”, những bà mẹ có thể gặp thêm căng thẳng và mệt mỏi khi phải đối phó với các vấn đề của tuổi mới lớn, các nhà nghiên cứu khuyên họ nên tiếp tục làm việc. Một bà mẹ lo lắng và không yên vui chỉ sẽ làm cho tình hình tồi tệ hơn.
Theo PNO
Nguồn Telegraph