Dạy trẻ 4 tuổi biết nghe lời với 5 chiến lược hiệu quả

Dạy trẻ 4 tuổi biết nghe lời là một trong rất nhiều cuộc chiến mà các bậc cha mẹ phải đối mặt. Vì khi càng lớn, trẻ càng muốn thể hiện sự độc lập của mình một cách mạnh mẽ hơn. Do vậy mà chúng ta thấy con có vẻ ngày càng khó nghe lời hoặc dễ phản kháng lại cha mẹ. Vậy những chiến lược nào phù hợp với bạn để rèn dạy trẻ ở độ tuổi lên 4? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé. 

banner ads
Dạy trẻ 4 tuổi biết nghe lời là một cuộc chiến
Dạy trẻ 4 tuổi biết nghe lời lại là một cuộc chiến nữa mà cha mẹ phải trải qua. Nguồn ảnh: Childup

1. Vì sao dạy trẻ 4 tuổi biết nghe lời lại là việc khá khó khăn với cha mẹ

Chúng ta đều biết rằng dạy trẻ ở mỗi độ tuổi đều gặp phải những khó khăn riêng đặc trưng. Vậy dạy trẻ 4 tuổi biết nghe lời thì như thế nào?

Bạn có thể bắt gặp mình và con trong tình huống sau: trẻ chùng vai, khoanh tay, phùng má và trợn mắt nói với bạn “Mẹ không phải là sếp của con”, khi bạn khăng khăng muốn cậu bé 4 tuổi của mình giúp cất chiếc xe đạp của “anh ấy” vào nhà kho.

Mặc dù những khoảnh khắc như vậy có thể khó khăn để bạn điều hướng. Nhưng bạn hãy lưu ý rằng kiểu thách thức này là khá bình thường ở độ tuổi lên 4 của trẻ.

Trẻ ở độ tuổi này đang học cách tự lập bằng cách luôn muốn tự đưa ra quyết định của riêng mình. Dù không dễ dàng để bạn uốn nắn những đứa trẻ 4 tuổi ương bướng. Nhưng trên thực tế, nếu chúng không tìm cách tự khẳng định mình thì mới là điều đáng lo. 

Trẻ đang dùng máy chụp ảnh
Trẻ 4 tuổi đang học cách tự lập bằng cách luôn muốn tự đưa ra quyết định của riêng mình. Ảnh Pixabay 

Đôi khi, trẻ sử dụng cách nói của mình như “Mẹ không thể bắt con…”, hay “Mẹ thật là xấu” để trực tiếp bày tỏ sự thất vọng của bản thân với tình huống. Khi một đứa trẻ 4 tuổi nói “Con không thích bố/ mẹ”, có thể trẻ đang cố gắng làm tổn thương cảm xúc của bạn vì bạn đã làm tổn thương con.

Trẻ nhỏ không có khả năng tự chủ để chống lại việc nói những điều gây tổn thương người khác. Cũng như trẻ cũng chưa đủ kỹ năng ngôn ngữ để thể hiện cảm xúc theo những cách dễ dàng được người khác chấp nhận hơn.

Chúng ta có thể làm tổn thương cảm xúc của một đứa trẻ ở độ tuổi này đơn giản qua cách đối xử với chúng. Và chúng cũng thể hiện rằng mình không thích những yêu cầu mà bạn đặt ra bằng cách này hay cách khác. Điều dễ nhận thấy nhất là trẻ không chịu thực hiện hành vi bạn yêu cầu hoặc tỏ thái độ phản kháng.

Vì vậy, để có thể làm cho trẻ nghe lời, trước tiên bạn cần hiểu được tâm lý của trẻ

Mẹ và bé trai
4 tuổi vẫn là độ tuổi trẻ đang muốn thể hiện sự độc lập của mình. Nguồn ảnh: Today’s Parent 

2. Cha mẹ không phải lúc nào cũng là ưu tiên hàng đầu của trẻ 4 tuổi

Đây chính là lý do khiến việc dạy trẻ 4 tuổi biết nghe lời không hề dễ dàng.

Thông thường, các bậc cha mẹ thường xem con cái là ưu tiên số 1. Tuy nhiên, trẻ 4 tuổi lại không như vậy/ Đây chính là lý do khiến việc dạy trẻ 4 tuổi biết nghe lời là không hề dễ dàng.

Trẻ em cũng có những ưu tiên khác mà không phải cha mẹ, và điều này thường là nguyên nhân dẫn đến “xung đột”.

Một đứa trẻ đang mai mê chơi trò xếp hình sẽ có xu hướng chống lại khi bạn gọi chúng vào bàn ăn. Vì lúc này, điều quan trọng đối với trẻ không phải là bữa ăn, mà là hoàn thành một “dự án” mà trẻ đang thấy thích thú.

Điều khiến trẻ cảm thấy khó chịu chính là sức mạnh và khả năng kiểm soát của bạn.

Tất nhiên, bạn sẽ rất dễ mắc bẫy và đưa “xung đột giữa hai phía” leo thang khi đưa ra những lời đe dọa hoặc đổ lỗi với trẻ, ví dụ như: “Nếu con không đến ăn, mẹ sẽ không dành phần ăn cho con”.

Một không khí hợp tác sẽ giúp tránh được tình trạng “tranh giành quyền lực” giữa bạn và trẻ. Vì khi bọn trẻ cảm thấy chúng đã thua cuộc cạnh tranh, chúng có khả năng đưa xung đột lên cấp độ tiếp theo, đó là nổi loạn, trả đũa (“Con không thích mẹ”), sau đó là các khối xếp hình sẽ “được” bay tung tóe khắp nhà. 

Trẻ đang chơi xếp hình
Đối với trẻ lên 4, cha mẹ không phải lúc nào cũng là ưu tiên hàng đầu. Nguồn ảnh: Today Show 

3. Dạy trẻ 4 tuổi biết nghe lời như thế nào

Dưới đây là một số chiến lược giúp dạy trẻ 4 tuổi biết nghe lời có thể hữu ích cho bạn:

3.1. Giải thích cho trẻ hiểu sự cần thiết đối với tình huống đang/ sắp diễn ra

Để dạy trẻ 4 tuổi biết nghe lời hiệu quả, bạn hãy giải thích cho trẻ hiểu sự cần thiết đối với tình huống đang hoặc sắp diễn ra.

Khi bạn sắp phải ra ngoài vào buổi sáng, bạn hãy thử nói “Đến giờ đi rồi. Con cần làm gì để mình sẵn sàng nhỉ? Con sẽ đem giày lên xe để mang hay mang chúng vào luôn nào? Vì mình cần đi đánh kẻo muộn học đó con.”

Đôi khi bạn quên mất việc cho trẻ biết điều gì sẽ đợi chúng phía trước.

3.2. Dạy trẻ 4 tuổi biết nghe lời bằng cách đặt câu hỏi

Việc đặt câu hỏi cũng sẽ giúp ích rất nhiều trong việc dạy trẻ 4 tuổi biết nghe lời.

Nếu trẻ đòi ăn bánh ngay trước giờ ăn cơm, bạn hãy hỏi con: “Khi nào mình sẽ ăn bánh quy nhỉ?”

Những câu hỏi sẽ khuyến khích trẻ ngừng lại và suy nghĩ về tình huống đang diễn ra. Nó cũng giúp bạn tránh được việc phải nói không với con – một việc rất dễ khơi mào cuộc xung đột.

3.3. Cung cấp thông tin hoặc phương án thay thế

Để có thể dạy trẻ 4 tuổi biết nghe lời theo cách tích cực, bạn hãy cung cấp thông tin hoặc phương án thay thế cho con.

Bạn có thể đề nghị: “Mẹ biết là con đang rất đói, hay là con ăn một vài thanh cà rốt trước nhé. Rồi chúng ta sẽ dành bánh quy cho bữa tráng miệng?” 

Mẹ dạy trẻ làm bánh
Bạn có thể cung cấp thông tin hoặc phương án thay thế để dạy trẻ 4 tuổi biết nghe lời theo cách tích cực hơn. Nguồn ảnh: What Parents Ask 

3.4. Sử dụng sự hài hước

Đây là cách hay để giúp việc dạy trẻ 4 tuổi biết nghe lời đỡ căng thẳng hơn.

Trẻ em được sinh ra để kiểm tra giới hạn chịu đựng của bạn. Sự hài hước sẽ là một cách tuyệt vời để dập tắt một cuộc tranh giành quyền lực tiềm tàng. Đôi khi bạn chỉ cần một nụ cười toe toét hay một cái nhíu mày là đủ để xoa dịu tình huống hay làm nó căng thẳng hơn.

Ví dụ khi con đòi bánh quy, bạn có thể dùng cử chỉ và giọng trầm để chạy theo trẻ: “Con khủng long bánh quy đang đói bụng đây”. Bạn cùng trẻ chỉ cần chạy một vòng quanh nhà một cách vui vẻ là trẻ sẽ quên ngay thứ mình vừa đòi hỏi.

3.5. Cho trẻ tham gia vào việc thiết lập lịch trình

Việc cho trẻ tham gia vào việc thiết lập lịch trình cũng như các quyết định của gia đình cũng là cách tuyệt vời để dạy trẻ 4 tuổi biết nghe lời.

Người lớn chúng ta thường quyết định lịch trình và mong đợi trẻ tuân theo nó mà không thắc mắc gì. Và trẻ đôi khi chỉ phản đối vì chúng không được tự lựa chọn điều mình muốn làm ở một thời điểm, chứ không phải thực sự không muốn làm điều bạn yêu cầu. Thay vì áp đặt trẻ, bạn hãy cho trẻ cùng góp ý kiến trong việc xây dựng lịch trình cho các hoạt động ít ảnh hưởng đến các hoạt động quan trọng khác của trẻ (như việc đến trường). Ví dụ như bạn đề nghị cùng con xem xét nhằm chọn ra 3 ngày trong tuần để tắm bồn, và những ngày còn lại để tắm bình thường.

Khi trẻ em được coi là những người đóng góp có năng lực, chúng sẽ có xu hướng hợp tác hơn. 

Bé ngồi cùng mẹ
Đôi khi bạn chỉ cần một cái nhíu mày là đủ để xoa dịu tình huống. Ảnh Pixabay 

Đôi khi việc trao đổi để cùng trẻ đưa ra biện pháp giải quyết cũng là cách tuyệt vời mà bạn có thể áp dụng. Vì qua đó, bạn giúp trẻ nhận ra chúng có quyền lựa chọn và tiếng nói trong tình huống. Việc này cũng có ích trong việc khiến con học được cách chịu trách nhiệm về hành vi của mình.

Dạy trẻ 4 tuổi biết nghe lời là bước tiếp nối những khoảng thời gian bạn đã nỗ lực trước đó, khi con nhỏ hơn. Tuy nhiên, giai đoạn 4 tuổi sẽ là một thách thức mới. Bạn vẫn cần kiên nhẫn để cùng con vượt qua. Năm chiến lược trên đây chỉ là số ít trong những cách có thể áp dụng để dạy trẻ 4 tuổi hiệu quả. Bạn hãy dựa vào hoàn cảnh và tính cách của trẻ để sử dụng những cách phù hợp nhé.

Theo Today's Parent

Lily Nguyễn lược dịch

Đã có 5 người đánh giá Hữu Ích

Đã có 1 người đánh giá bài viết này Đáng Tin Cậy

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI