1. Phụ nữ khóc trong thời kỳ mang thai
1.1. Tại sao phụ nữ lại dễ khóc trong thời kỳ thai nghén
Chúng ta hầu hết đều biết và thấy, các bà bầu rất dễ xúc động. Cảm xúc của họ cũng dễ thay đổi và dễ bị tác động hay bị ảnh hưởng. Những điều trên được giải thích là do khi mang thai, phụ nữ có những thay đổi lớn về nội tiết tố . Đây được cho là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến thể chất lẫn cảm xúc của phụ nữ khi mang thai.
Thực tế, có những mẹ bầu chỉ dễ xúc động và hay khóc ở 3 tháng đầu thai kỳ . Tuy nhiên, cũng có những mẹ bầu hay khóc suốt cả thai kỳ.
1.2. Khóc trong thời kỳ mang thai có là chuyện bình thường?
Như đã đề cập, trước hết khóc trong thời kỳ mang thai có nguyên nhân chính là do nội tiết tố thay đổi và tác động. Sự tác động này dễ làm mẹ bầu khóc dù là khi họ buồn bã bởi những chuyện rất nhỏ nhặt, hay họ cảm thấy lo lắng, sợ hãi hoặc vui mừng tột độ.
Ngoài ảnh hưởng từ việc thay đổi nội tiết tố, những tác động thông thường từ cuộc sống cũng có thể khiến mẹ bầu khóc. Ví dụ, khi quá lo lắng cho con, lo cho sức khỏe hoặc tài chính hay việc con sắp chào đời,...đều có thể khiến mẹ bầu khóc.
Tuy nhiên, khóc trong thời kỳ mang thai không phải lúc nào cũng là bình thường. Vậy căn cứ vào đâu để phân biệt tình trạng bình thường và khác thường của việc khóc trong thai kỳ, chúng ta cùng tìm hiểu tiếp ngay sau đây nhé.
1.3. Khi việc khóc trong thời gian mang thai trở thành bất thường
Theo các chuyên gia, mẹ bầu khóc trong thai kỳ sẽ trở thành nghiêm trọng khi kèm các biểu hiện sau:
- Mẹ bầu khó tập trung
- Không còn thèm ăn như trước
- Không còn hứng thú với những việc mình yêu thích trước đó
- Cảm thấy thất vọng, chán nản
- Cảm thấy tội lỗi, tự trách bản thân
- Có lúc khóc lóc thảm thiết
- Ngủ quá nhiều hoặc ngủ quá ít hoặc mất ngủ
- Có suy nghĩ không lành mạnh như muốn làm hại bản thân hoặc làm hại người khác
Cũng theo các chuyên gia, những biểu hiện trên xuất hiện kèm với việc hay khóc có khả năng lớn là triệu chứng liên quan đến sức khỏe tinh thần. Thậm chí đây có thể vấn đề liên quan đến trầm cảm.
2. Mẹ bầu khóc nhiều ảnh hưởng gì đến thai nhi
2.1. Trường hợp không ảnh hưởng đến thai nhi
Mẹ bầu khóc không ảnh hưởng đến thai nhi khi:
- Thỉnh thoảng khóc trong thai kỳ.
- Có thể là hay khóc nhưng tự xác định được việc khóc của mình không nghiêm trọng mà chỉ là cảm xúc bình thường.
- Việc khóc liên quan chủ yếu đến cảm xúc thông thường, không kèm theo các triệu chứng nghiêm trọng khác có khả năng liên quan đến trầm cảm khi mang thai .
2.2. Mẹ bầu khóc nhiều ảnh hưởng đến thai nhi
Nếu mẹ bầu khóc nhiều kèm theo các triệu chứng liên quan đến sức khỏe tâm thần có thể gây ra những ảnh hưởng nhất định đến thai nhi. Có nghiên cứu đã tìm thấy sự liên hệ giữa đau khổ về tinh thần và sinh non . Và cũng có nghiên cứu cho thấy, mẹ bầu có vấn đề về sức khỏe tâm thần trong thai kỳ có thể làm tăng nguy cơ sinh non và em bé sẽ bị nhẹ cân.
Một điều cần lưu ý khác là, nếu mẹ bầu gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần, điều này cũng góp phần làm tăng nguy cơ mắc trầm cảm sau sinh .
Ngoài ra, việc mẹ bầu bị trầm cảm trong thai kỳ có thể ảnh hưởng lâu dài đến em bé trong tương lai. Con có thể bị ảnh hưởng bởi những thất bại về cảm xúc, và trẻ cũng có thể bị trầm cảm khi trưởng thành.
3. Làm gì khi bạn khóc nhiều lúc mang thai?
Khóc nhiều khi mang thai có thể khó kiểm soát hơn chúng ta nghĩ. Vì như đã đề cập, phần lớn mẹ bầu khóc là do thay đổi hormone trong thai kỳ. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể chọn các cách làm giảm việc khóc, cũng như làm dịu cảm xúc. Các cách cụ thể bạn có thể cố gắng thực hiện như:
3.1. Ngủ đủ giấc
Việc ngủ đủ giấc luôn có lợi đủ đường cho cơ thể từ thể chất lẫn tinh thần. Giấc ngủ ngon cũng giúp bạn giảm đi những căng thẳng nếu bạn đang gặp phải hoặc đang trải qua.
3.2. Vận động
Vận động cũng là "liều thuốc" khá hữu hiệu để bạn xoa dịu cảm xúc. Việc vận động giúp cơ thể bạn như được tiếp thêm năng lượng, sức khỏe tinh thần của bạn cũng được cải thiện.
Để cơ thể vận động nhịp nhàng và tốt hơn bạn có thể chọn cách đơn giản nhất là đi bộ . Bạn có thể chọn tập yoga với những bài tập phù hợp khi mang thai. Nếu bạn thích và thường xuyên bơi lội trước đây, bạn có thể chọn bơi lội. Môn thể dục nhịp điệu cũng có thể là lựa chọn được xem xét để thực hiện. Để an toàn hơn, hãy hỏi bác sĩ kỹ lưỡng để chọn cách vận động phù hợp với bạn nhất nhé.
3.3. Tâm sự với người bạn muốn và tin tưởng
Nói chuyện với người bạn tin tưởng nhất hoặc nói chuyện với các mẹ bầu khác mà bạn quen hoặc thân. Việc chia sẻ, trao đổi, trò chuyện cũng là "giải pháp" rất hữu hiệu để bạn xoa dịu cảm xúc, giúp giảm đi những lần dễ khóc và dễ xúc động.
3.4. Nới lỏng cho bản thân
Có thể bạn khá cầu toàn và đặt rất nhiều kỳ vọng nơi bản thân về việc mang thai, sinh con, cũng như chăm sóc con trong tương lai. Hoặc bạn cũng đang đặt quá nhiều kỳ vọng vào người khác liên quan đến chuyện quan trọng này. Thực tế, hầu hết các gia đình nói chung, phụ nữ nói riêng đều có những căng thẳng nhất định khi mang thai và sinh con.
Bạn nên biết rằng, những căng thẳng, kỳ vọng, lo lắng,...đều tạo ra những áp lực không thể hình dung. Áp lực này có thể dẫn đến sự thất vọng, buồn bã,...rồi khiến bạn dễ khóc, khóc nhiều hơn. Thậm chí, nếu áp lực là quá lớn còn khiến bạn dễ rơi vào trầm cảm hơn. Do đó, bạn cần nới lỏng cho bản thân lẫn người bên cạnh kịp lúc. Chúng ta đều có những giới hạn nhất định, hoàn cảnh hay môi trường cũng vậy. Bạn không thể làm mọi thứ và giải quyết mọi thứ hoặc có được mọi thứ xảy đến hay diễn ra theo ý mình.
3.5. Nỗ lực trong việc ăn uống
Có thể bạn sẽ trải qua không ít khoảnh khắc chán ăn trong thai kỳ. Cho dù nguyên nhân đến từ đâu bạn cũng cần nỗ lực vượt qua điều này. Bạn cần ăn uống đủ chất để tăng cường sức khỏe cho bản thân. Việc ăn uống đầy đủ của bạn là vô cùng cần thiết không chỉ cho sức khỏe của mình mà còn liên quan đến sự phát triển của thai nhi .
3.6. Ưu tiên bản thân
Ngoài việc nới lỏng cho bản thân bạn cũng cần phải ưu tiên chính mình. Làm những việc bạn cần và muốn làm mà không cần phải quá cân nhắc về sự đánh giá hay thái độ của người khác. Ưu tiên nhu cầu của bản thân, tự chăm sóc chính mình trong thời kỳ này là việc làm đúng đắn.
3.7. Cẩn thận với mạng xã hội
Mạng xã hội đôi khi cũng là một trong những yếu tố tiềm ẩn nguy cơ, khiến sự căng thẳng của bạn leo thang. Nếu bạn không kiểm soát được việc dùng mạng xã hội để giải trí lành mành, bạn hãy tránh xa nó một thời gian.
4. Khi nào bạn nhất định cần đến sự giúp đỡ của bác sĩ?
Khóc có thể là cảm xúc bình thường do tác động của thay đổi hormone trong thai kỳ. Tuy nhiên, khóc cũng có thể là một trong các biểu hiện liên quan đến sức khỏe tâm thần, rõ hơn là liên quan đến trầm cảm.
Trầm cảm khi mang thai có thể diễn ra trong thời gian ngắn và có thể tự khỏi. Dù thế, một khi các triệu chứng liên quan đến sức khỏe tâm thần kèm theo khóc kéo dài lâu hơn trên 2 tuần, đã đến lúc bạn cần đến bác sĩ.
Bạn và Yeutre.vn vừa tìm hiểu qua chủ đề " mẹ bầu khóc nhiều ảnh hưởng gì đến thai nhi". Chúng ta phần nào thấy được trọng tâm của vấn đề là khi nào thì sẽ ảnh hưởng và khi nào thì không. Dù vậy, khi mang thai, các mẹ bầu đều được khuyên là cần giữ tinh thần nhẹ nhàng, tâm trạng vui vẻ. Chỉ khi sức khỏe tinh thần tốt thì chúng ta mới bảo đảm về sức khỏe thể chất. Và, chỉ khi tinh thần tốt cộng thể chất khỏe mạnh, bạn mới có một thai kỳ suôn sẻ, cũng như bạn có thể giúp cho thai nhi được phát triển một cách toàn diện.
Cát Lâm tổng hợp và lược dịch
Nguồn tham khảo chính :
1. Healthline.com, Can crying and depression affect an unborn baby?
2. Mylofamily.com, Crying During Pregnancy Causes, Effects & Treatment
Và các trang thông tin khác: Webmd.com, Parenting.firstcry.com, Usatoday.com, NIH .