Lưu ý khi tiêm phòng cho trẻ - mẹ nên biết để chăm sóc con tốt nhất

Lưu ý khi tiêm phòng cho trẻ là vấn đề hết sức quan trọng trong quá trình tiêm chủng cho bé, mà mẹ không được bỏ qua. Nên làm gì hoặc không nên làm gì trước và sau khi tiêm, những trường hợp nào trẻ nên hoãn tiêm phòng - đây đều là những điều mẹ cần biết để chăm sóc trẻ tốt nhất.

banner ads

1. Độ tuổi cần tiêm phòng cho trẻ

tiêm phòng cho trẻ
Tiêm phòng đầy đủ theo lịch cho trẻ dưới 12 tháng tuổi - Ảnh Internet
  • Trẻ dưới 12 tháng tuổi : Độ tuổi này mẹ cần cho trẻ tiêm chủng đúng lịch, và đầy đủ theo chương trình tiêm chủng của quốc gia.
  • Trẻ trên 12 tháng tuổ i: Khi từ đủ 12 tháng tuổi trở lên, trẻ không còn thuộc đối tượng tiêm chủng theo chương trình y tế quốc gia, khi đó, mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở hoặc bệnh viện đã được cấp phép tiêm chủng, để tiêm vắc xin phòng các bệnh như: viêm màng não mủ, quai bị, sởi, rubella, cúm, viêm phổi, tiêm nhắc lại viêm gan B, bạch cầu - ho gà - uốn ván,...

Trẻ là đối tượng rất dễ bị nhiễm bệnh vì sức đề kháng còn yếu, cho nên, tiêm phòng là giải pháp đơn giản và an toàn nhất để bảo vệ sức khỏe cho bé yêu. Thế nhưng, tùy điều kiện và thể chất mỗi trẻ, mẹ cần xác định con thuộc nhóm đối tượng nào hoặc hỏi ý kiến bác sĩ trước khi quyết định cho con đi tiêm vắc xin.

trẻ sinh non
Trẻ sinh non dưới 2,5 kg là đối tượng cần được hoãn tiêm phòng - Ảnh Internet

Việc tiêm phòng cho trẻ cần phải thực hiện đúng quy trình, điều này giúp hạn chế những biến chứng không mong muốn. Mẹ nên gặp và trao đổi trực tiếp với bác sĩ về tình trạng sức khỏe của con, để được tư vấn thông tin phù hợp nhất. Nếu thuộc một trong các đối tượng sau, mẹ cần trì hoãn tiêm phòng cho trẻ:

  • Trẻ sinh non và cân nặng dưới 2.5 kg không được tiêm vắc xin phòng lao, mà cần lùi thời gian tiêm lại.
  • Một số trường hợp không được tiêm phòng khác như: bị nhiễm bệnh cấp tính, bị sốt cao, tiêu chảy, ho, bệnh ở thận, hoặc các bệnh liên quan đến dị ứng.

2. Mẹ nên làm gì trước khi trẻ tiêm phòng?

mẹ tắm bé trong thau màu xanh
Tắm rửa cho trẻ sạch sẽ trước khi tiêm phòng - Ảnh Internet

Để bảo vệ sức khỏe cho bé, mẹ cần làm một số điều dưới đây trước khi tiêm phòng cho con. 

  • Vệ sinh cho trẻ : Để hạn chế tình trạng bị nhiễm trùng, mẹ nên tắm rửa cho trẻ sạch sẽ trước khi đến cơ sở tiêm chủng.
  • Chọn trang phục đơn giản : Các bác sĩ khuyên mẹ nên cho trẻ mặc quần áo gọn gàng, đơn giản, để trẻ thấy thoải mái và thuận lợi tiêm chủng hơn.
  • Không cho trẻ ăn quá no : Một trong những điều mà mẹ cần chú ý là không cho trẻ ăn quá no, nhưng cũng không để trẻ quá đói, để tránh trường hợp con bị hạ đường huyết trong khi tiêm. 
  • Mang đầy đủ hồ sơ : Để bác sĩ dễ dàng theo dõi tình trạng bệnh án, cũng như lần tiêm chủng trước đó, mẹ nên nhớ mang theo hồ sơ, giấy tờ của trẻ đầy đủ.
  • Trao đổi với bác sĩ về sức khỏe của trẻ : Để bác sĩ đưa ra phương án hợp lý nhất, mẹ cần trao đổi với bác sĩ về sức khỏe hiện tại của bé, nếu bé đã từng có dị ứng với lần tiêm trước, mẹ cũng cần báo ngay cho bác sĩ.

3. Thời gian nào là thích hợp nhất để tiêm phòng cho trẻ?

bác sĩ khám bệnh vui vẻ với trẻ
Nên đưa trẻ đi tiêm vắc xin vào buổi sáng - Ảnh Internet

Thời gian cũng là điều mẹ cần lưu ý khi tiêm phòng cho trẻ . Buổi sáng thường là khoảng thời gian thích hợp nhất để mẹ đưa trẻ đi tiêm vắc xin. Các mẹ sẽ không thể lường trước được việc con có bị biến chứng hoặc sốc sau tiêm hay không, cho nên, việc đưa trẻ tiêm buổi sáng mẹ có thể dễ dàng phát hiện và kịp thời xử lý nhờ vào sự giúp đỡ của đội ngũ y, bác sĩ. Ngược lại, khi đưa trẻ được tiêm chủng vào buổi chiều, những biến chứng sau đó đến tối mới xuất hiện, mẹ sẽ khá vất vả trong việc giúp trẻ giải quyết các vấn đề này.

Sau khi tiêm phòng xong, mẹ không nên đưa trẻ về nhà ngay, mà phải ở lại theo dõi khoảng 15 đến 30 phút để kịp thời khắc phục khi thấy có những dấu hiệu bất thường xảy ra với trẻ. Khi con về nhà, mẹ cần theo dõi trẻ thường xuyên, quan sát trẻ có những biểu hiện nào khác như: quấy khóc, không chịu bú, bỏ ăn, sốt sau tiêm phòng , hoặc, xuất hiện tình trạng sưng tấy, nổi mẩn đỏ trên da xung quanh chỗ tiêm hay không để kịp thời xử lý. 

4. Xử lý một số phản ứng sau tiêm phòng cho trẻ như thế nào? 

nhiệt kế theo dõi trẻ bị sốt
Trẻ sau tiêm phòng có thể bị sốt - Ảnh Internet

Tùy cơ địa, mỗi trẻ sẽ có mức độ phản ứng với vắc xin nặng - nhẹ khác nhau. Dưới đây là một số gợi ý cho mẹ xử lý khi gặp những trường hợp như vậy ở trẻ.

  • Bị dị ứng : Trẻ sẽ bị nổi ban hoặc ngứa toàn thân do dị ứng với vắc xin, dấu hiệu này cũng thường thấy sau tiêm phòng, không đáng lo ngại. Trẻ có thể tự hết sau đó khoảng 2 ngày, mẹ cũng có thể cho trẻ sử dụng thuốc chống dị ứng sau khi hỏi ý kiến bác sĩ để phòng ngừa trường hợp này.
  • Vết sưng ngoài da : Hầu hết trẻ sẽ có biểu hiện sưng đỏ vùng da bị tiêm, nên mẹ cũng đừng quá lo lắng, nên chườm lạnh để giảm đau vết thương và để tự hết vài ngày sau đó. Nhưng nếu có biểu hiện mưng mủ , hãy đưa con đi khám để chữa trị kịp thời.
  • Bị sốt : Nếu thấy trẻ bị sốt nhẹ, mẹ nên hạ nhiệt bằng cách chườm khăn ấm. Trong trường hợp trẻ bị sốt cao (trên 39 độ), thay vì dùng thuốc hạ sốt mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ, để đảm bảo an toàn cho trẻ và tìm ra cách giải quyết tốt nhất. 
  • Biến chứng: Rất ít trường hợp trẻ xảy ra các biến chứng nguy hiểm sau tiêm phòng, như phản ứng về thần kinh, viêm não, viêm hạch,...Khi đó, mẹ phải kịp thời đưa trẻ đến bệnh viện để chữa trị. 

Trước khi thực hiện theo đúng lịch tiêm chủng quốc gia  cho con, mẹ cần tìm hiểu những lưu ý khi tiêm phòng cho trẻ. Những lưu ý này là về độ tuổi, tình trạng con có phù hợp với các loại vắc xin không, để biết cách xử lý phù hợp khi trẻ xuất hiện bất kì phản ứng nào sau tiêm. Đồng thời, tham khảo ý kiến y - bác sĩ để được tư vấn ngăn ngừa một số biến chứng không mong muốn xảy ra cho con.

Thủy Nguyễn tổng hợp

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI