Khả năng nhận thức ở trẻ 3 tuổi và những điều mẹ nên biết

Khả năng nhận thức ở trẻ 3 tuổi một khi bố mẹ hiểu và nắm được chắc chắn sẽ giúp trẻ rất nhiều. Con ở độ tuổi này đã lớn và "trưởng thành" rõ rệt so với giai đoạn trước. Sự hỗ trợ tích cực của cha mẹ lúc này sẽ giúp con phát huy tốt nhất sự phát triển của mình. Liên quan đến nhận thức của con ở tuổi lên 3, chúng ta cần biết gì để dễ dàng đồng hành với con? Mời bạn cùng theo dõi chia sẻ hữu ích ngay sau đây nhé. 

banner ads
Bé đeo kiếng
Khả năng nhận thức ở trẻ 3 tuổi một khi bố mẹ hiểu và nắm được chắc chắn sẽ giúp trẻ rất nhiều. Ảnh Pixabay

1. Những cột mốc quan trọng trong sự phát triển nhận thức ở trẻ 3 tuổi

Ở độ tuổi lên 3 trẻ của bạn đã:

  • Gọi tên chính xác một số màu sắc;
  • Hiểu được khái niệm về hoạt động đếm và có thể biết được vài con số;
  • Tiếp cận các vấn đề với một cái nhìn đơn giản và phiến diện;
  • Bắt đầu có khả năng nhận thức về thời gian rõ ràng hơn;
  • Làm theo những câu mệnh lệnh có 3 phần (yêu cầu);
  • Nhắc lại các phần của một câu chuyện;
  • Hiểu được khái niệm giống/ khác nhau;
  • Tham gia vào trò chơi tưởng tượng. 
Bàn tay màu sắc
Ở độ tuổi lên 3 trẻ đã gọi tên chính xác một số màu sắc. Ảnh Pixabay 

2. Khả năng nhận thức ở trẻ 3 tuổi thông qua vô số câu hỏi

Khi trẻ lên 3 tuổi , con bạn sẽ dành hầu hết thời gian tỉnh táo của mình để đặt câu hỏi về tất cả mọi thứ xung quanh. Trẻ thích những câu "Tại sao con phải...?" và chú ý nhiều đến câu trả lời miễn là chúng đơn giản, đi vào trọng tâm vấn đề.

Khi con bạn hỏi, bạn đừng mang cảm giác rằng bạn cần phải giải thích các luật lệ, quy định của mình một cách đầy đủ cho con; trẻ chưa thể hiểu được những lý luận như vậy và dù thế nào thì cũng không thích cách làm đó. Nếu bạn cố gắng thực hiện những cuộc nói chuyện “nghiêm túc” như vậy, bạn sẽ thấy trẻ nhìn lơ vào không gian hoặc chuyển sự chú ý sang những vấn đề thú vị mang tính giải trí hơn – như nhìn món đồ chơi chạy ngang phòng, hoặc quan sát chiếc xe tải lướt qua bên ngoài cửa sổ chẳng hạn. Thay vào đó, hãy nói với con những câu như là “Bởi vì điều đó sẽ tốt cho con” hay “Làm như vậy thì con sẽ không bị thương’ – điều này sẽ hợp lý với trẻ hơn là những lời giải thích chi tiết. 

Bé thắc mắc
Bé sẽ thường xuyên đặt câu hỏi với bạn. Ảnh Pixabay 

3. Bạn sẽ trả lời con như thế nào khi bé hỏi "khó"

Những câu hỏi “Tại sao…” mang tính trừu tượng hơn của con bạn cũng sẽ trở nên khó trả lời hơn. Một phần vì chúng xuất hiện hàng trăm lần mỗi ngày và cũng vì vài câu trong số đó là không có lời giải đáp.

Nếu câu hỏi là “Tại sao mặt trời lại chiếu sáng?” hay “Sao con chó không thể nói chuyện được?” thì bạn có thể trả lời rằng bạn không biết hoặc rủ trẻ cùng tìm hiểu đáp án sau đó, bằng cách tìm đọc những quyển sách cung cấp thông tin về mặt trời, về những đặc điểm của loài chó. Hãy chắc chắn là bạn đón nhận những câu hỏi này một cách nghiêm túc. Khi bạn làm như vậy, bạn sẽ giúp con mở rộng kiến thức của mình, nuôi dưỡng trí tò mò, đồng thời trẻ cũng học được cách suy nghĩ rõ ràng hơn.

Khi đứa con 3 tuổi của bạn gặp phải những khó khăn học tập riêng biệt cụ thể nào đó, bạn sẽ thấy cách lý luận của trẻ vẫn còn rất phiến diện. Trẻ chưa thể nhìn nhận một vấn đề từ 2 góc độ, cũng như chưa thể giải quyết những vấn đề mà đòi hỏi trẻ phải xem xét đồng thời 2 yếu tố cùng lúc. Ví dụ, nếu bạn lấy 2 cốc nước bằng nhau, rồi rót 1 cốc vào 1 vật chứa dày, thấp, cốc còn lại rót vào vật chứa mỏng và cao. Khi đó, có lẽ trẻ sẽ nói rằng vật chứa cao có nhiều nước hơn vật chứa thấp. Dù cho trẻ có nhìn thấy 2 cốc nước bằng nhau ngay từ đầu và quan sát bạn đổ nước vào vật chứa thì trẻ cũng sẽ nảy ra câu trả lời tương tự. Bằng tư duy hợp lý của mình, trẻ cho rằng vật chứa cao hơn thì “lớn hơn” và vì vậy sẽ chứa được nhiều nước hơn. Đến độ tuổi lên 7 thì trẻ mới hiểu ra được rằng mình phải nhìn vào nhiều khía cạnh khác nhau của một vấn đề trước khi đi đến kết luận. 

Bố cõng trẻ
Đôi khi trẻ hỏi những câu hỏi khó khiến bạn không trả lời được. Ảnh Pixabay 

4. Nhận thức về thời gian - một trong những điểm nổi trội khá thú vị ở trẻ 3 tuổi

Khoảng 3 tuổi, khả năng nhận thức về thời gian của con bạn sẽ trở nên rõ ràng hơn. Hiện giờ, trẻ biết được thói quen hàng ngày của mình và sẽ cố gắng hết sức để tìm hiểu lịch trình hoạt động của cả người khác nữa. Chẳng hạn, trẻ có xu hướng chờ người đưa thư mà gần như ngày nào cũng đến, nhưng sẽ cảm thấy bối rối khó hiểu khi thấy rác chỉ được gom dọn 1 ngày/ tuần. Đồng thời, trẻ cũng sẽ hiểu được những sự kiện đặc biệt nhất định nào đó – như những ngày nghỉ lễ hoặc sinh nhật thỉnh thoảng mới có. Nhưng ngay cả khi trẻ có thể nói được cho bạn biết mình bao nhiêu tuổi thì thật ra trẻ vẫn chưa thực sự có khả năng nhận biết được độ dài của một năm!

Nhận thức về thời gian ở trẻ 3 tuổi rất thú vị. Song cũng còn nhiều khái niệm hoặc các vấn đề liên quan đến thời gian mà con chưa thực sự nắm được. Vì vậy, bạn hãy lưu ý để giúp con nắm bắt nhiều hơn về chủ đề này một khi con có thắc mắc nhé. 

Bé chụp hình
Trẻ 3 tuổi nhận thức về thời gian rõ ràng hơn. Ảnh Pixabay 

Độ tuổi lên 3 của trẻ có không ít những vấn đề khiến bố mẹ phải ngạc nhiên. Bạn hãy sẵn sàng cùng con khai mở thế giới thêm rộng lớn nhé. Điều này không chỉ giúp con phát triển tốt nhất ở giai đoạn của mình, còn góp phần khai thác phát triển nhận thức của trẻ tốt nhất nữa. Và, nếu có bất kì thắc mắc hay bận tâm nào về sự phát triển khi con mình ở độ tuổi lên 3, bạn nên tìm đến sự tư vấn từ các bác sĩ chuyên khoa nhi. Nếu bác sĩ cũng cho rằng bạn có lý do để lo lắng như vậy, thì sẽ đề nghị cho con bạn thực hiện các thủ tục kiểm tra chuyên sâu hơn để hỗ trợ bé.

Nguyễn Trúc

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI