1.Hãy thiết lập thời gian ngủ chung cho cả hai bé
Ý tưởng rất đơn giản: Bạn hãy cho cả hai bé đi ngủ cùng lúc, các bé có thể tự xây dựng một khung giờ ngủ đồng bộ. Nếu bạn không làm như vậy, một trong hai bé hoặc cả hai có thể thức dậy vào bất kì thời điểm nào và bạn sẽ nhanh chóng trở nên mệt mỏi.
Một cách khác để đồng bộ giờ giấc của các bé là: Ngay khi một bé khóc đòi ăn thì bạn hãy đánh thức bé còn lại dậy và cho bé ăn luôn.
2. Hãy thử cho hai bé nằm riêng giường hoặc nôi
Không có bằng chứng nào cho thấy việc ngủ chung nôi đem lại lợi ích cho trẻ song sinh, mặc dù rất nhiều bậc phụ huynh đã làm như vậy và một số người cho rằng các bé có vẻ như ngủ ngon hơn. Tuy nhiên các khuyến cáo của Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ lại phản đối việc cho trẻ sinh đôi ngủ chung nôi, cũi và nhấn mạnh việc này có thể tăng thêm nguy cơ trẻ bị quá nóng, ngạt thở đột ngột hoặc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS).
Trẻ sinh đôi thường sinh sớm hoặc trọng lượng cơ thể khi mới sinh thấp do đó nguy cơ mắc SIDS thường cao hơn bình thường và việc cho trẻ ngủ riêng có thể làm giảm rủi ro hơn. Các bé song sinh có thể sẽ thấy thoải mái hơn (và có thể ngủ một cách an toàn) nếu bạn đặt nôi, cũi của các bé đủ gần để các bé có thể nhìn thấy nhau.
3. Hãy xây dựng cùng một lịch trình ngủ với các hoạt động giống nhau cho cả hai bé
Bạn hãy tạo thói quen để ngủ cho bé – ví dụ như các hoạt động tắm, đọc truyện và một vài phút vỗ về hoặc hát. Hãy đảm bảo các hoạt động thật đơn giản để bạn có thể bao quát cả hai bé. Bãn hãy thực hiện đều đặn và cố định các hoạt động trên mỗi lần cho các bé ngủ và các bé sẽ sớm nhận biết được đó là các dấu hiệu của giờ ngủ.
4. Hãy dỗ bé điềm tĩnh hơn trước
Nếu một bé có tính cách ồn ào và bé còn lại điềm thì điềm đạm, bạn thường có xu hướng sẽ dành nhiều thời gian hơn cho bé ồn ào. Tuy nhiên Ông Alexander Goblin, M.D., Giám đốc của viện “Sleep and Behavior Medicine” đã phản đối mạnh mẽ hành động này và giải thích rằng, vấn đề là em bé trầm hơn sẽ bị thiếu sự quan tâm chú ý so với bé kia.
Vì vậy, khi chăm sóc trẻ sinh đôi , nếu một bé bắt đầu quấy khóc, bạn hãy kiểm tra bé còn lại trước để chắc chắn bé vẫn vui vẻ và được dỗ dành. Điều này sẽ đảm bảo không bé nào bị coi nhẹ và giúp các bé đều cảm thấy được an toàn, yêu thương.
Ngoài ra, bạn cũng đừng lo lắng quá về việc một bé sẽ đánh thức bé còn lại: nhiều cặp sinh đôi hoặc sinh ba…không có vẻ bị làm phiền bỏi tiếng khóc của anh, chị, em của các bé kể cả khi các bé ở cùng phòng.
5. Hãy đặt các bé vào giường khi các bé vẫn còn thức
Hãy giúp các bé tự ngủ bằng cách để chúng thiếp đi trên giường, nôi hơn là trong tay bạn. Điều này có nghĩa là bạn sẽ đặt mỗi bé vào nôi, giường sau khi đã thực hiện các hoạt động dỗ ngủ chung - có thể là âu yếm bé một chút sau khi đọc sách hoặc hát. Hãy chống lại sự thôi thúc bồng ẵm hoặc đu đưa cho đến khi bé ngủ vì như vậy sẽ tạo thành thói quen và những cữ ngủ sau bé cũng sẽ mong đợi điều đó. Bên cạnh đó, việc đặt bé khi bé còn thức sẽ giúp bé học cách tự mình đi vào giấc ngủ.
6. Bọc, quấn bé cẩn thận
Quấn, bọc bé trong một chiếc khăn mỏng là việc đã có từ lâu đời. Điều này giúp các bé cảm thấy an toàn, được bảo vệ và sẵn sàng để ngủ. Tuy nhiên hãy đảm bảo dừng việc quấn bé khi bé được 2 tháng tuổi, trước khi bé biết lật. (Sau đó bạn có thể thay bằng loại khăn có thể mặc được để giúp giữ ấm cho bé vào ban đêm).
7. Không khuyến khích việc bé thức dậy vào ban đêm
Âu yếm và nói chuyện với bé là tất cả những gì bạn muốn làm vào ban ngày. Tuy nhiên vào ban đêm, hãy giữ sự tương tác ở mức thấp nhất để bé có thể quay lại ngủ. Khi bé dậy, bạn hãy tránh giao tiếp bằng mắt, giữ ánh sáng mờ, và đặt các bé lại giường, nôi ngay sau khi cho bé ăn xong.
Nếu cấc bé đã được ít nhất 12 tháng tuổi, bạn có thể khuyến khích bé tự ru ngủ bằng cách cho mỗi bé một món đồ chơi mềm hoặc chăn mỏng để mang đi ngủ. Những món đồ này còn được gọi là đồ vật chuyển tiếp nhằm giúp bé thấy thoải mái và dễ ngủ trở lại.
8. Chấp nhận việc các bé sinh đôi, sinh ba… chỉ ngủ xuyên đêm khi các bé đã sẵn sàng
Việc giúp ngủ xuyên đêm của bé đi vào khuôn thường phụ thuộc vào cân nặng của bé hơn là độ tuổi. Điều này có nghĩa là các bé song sinh cùng trứng (giống hệt nhau) cũng sẽ có xu hướng ngủ giống nhau ở hầu hết mọi độ tuổi. Giấc ngủ của các bé song sinh khác trứng có thể độc lập hơn, đặc biệt nếu các bé có kích cỡ hoặc tính cách khác nhau.
9. Một số chia sẻ của các cha mẹ từ Babycenter
Những lời khuyên tốt nhất thường đến từ những người đã từng ở trong hoàn cảnh của bạn và sau đây là một số chia sẻ từ các bậc phụ huynh của Babycenter:
- Tôi nhận ra rằng hai bé sinh đôi của tôi là hai tâm hồn độc lập, và hai bé ngủ ngon hơn ở hai phòng khác nhau. Một bé ngủ xuyên đêm, bé còn lại thì thường thức giữ đêm để ăn. Dù sao thì một bé thức vẫn còn hơn cả hai cùng thức.
- Tắt đèn hoàn toàn và tiếng ồn trắng là những thứ phải có cho các cặp song sinh. Không cần một chiếc đèn nhỏ xinh xắn nào vào ban đêm cả…
- Tôi tách hai bé sinh đôi để luyện ngủ cho các bé từ 5 tháng rưỡi, sau đó đưa hai bé trở lại ngủ chung phòng khi các bé đã tự ngủ tốt hơn và ngưng cứ bú ban đêm khi hai bé được khoảng 7-8 tháng tuổi.
- Hai bé sinh đôi nhà tôi không ngủ ngon khi ở chung một cũi, do đó tôi cho hai bé ngủ riêng cũi nhưng vẫn chung phòng (cho đến 3 tuổi rưỡi). Để giúp các bé ngủ, tôi dùng máy tạo tiếng ồn trắng.
- Bạn tập cho các bé ngủ theo nếp sớm chừng nào tốt chừng nấy, xét về lâu dài. Cặp sinh đôi của tôi ở chung phòng từ khi sinh ra. Chắc chắn đã có những đêm khá ầm ĩ, nhưng các bé vẫn phải tập quen với nhau.
- Giấc ngủ không bao giờ đến dễ dàng với hai bé sinh đôi nhà tôi. Chúng tôi đã ngủ chung một thời gian vì đó là cách duy nhất mà ai cũng tranh thủ ngủ được bất cứ khi nào có thể. Và sau đó, đây là cách phát huy tác dụng với chúng tôi: chúng tôi tách hai bé ra từ khoảng 7-10 giờ tối. Sau khi ăn cữ đêm, chúng tôi lại đưa hai bé về chung phòng. Việc này đã có tác dụng. Và bước tiếp theo là cho hai bé ở chung phòng ngay từ giấc 7 giờ tối.
- Hai bé sinh đôi của tôi đã ngủ giảm đi khi được khoảng 6 tháng, và việc này lên tới đỉnh điểm khi hai bé mọc răng. Tình trạng này lặp lại khi hai bé được 10 tháng. Khi việc này xảy ra, tôi khuyên bạn hãy cho bé thời gian. Mọi việc sẽ trở lại như bình thường. Hãy nghĩ những giấc ngủ trưa như một sự thực hành, việc gây rối nhau là không thể tránh khỏi, nhưng các bé sẽ học cách ngủ qua việc bị đánh thức bởi bé còn lại. Và hãy nhớ rằng mỗi ngày đều là khởi đầu mới.
- Hai bé sinh đôi của tôi được 8 tháng tuổi , và phải ở chung phòng, một bé ngủ rất ngoan còn bé còn lại thì không. Mọi thứ hoàn toàn thay đổi khi tôi cài một cái Ipod vào loa và bật nhạc nhẹ khi các bé ngủ. Các bé đã ngủ xuyên đêm ngay từ đêm đầu tiên. Tôi đã làm được. Tôi chỉ nghĩ nó có thể giúp làm dịu bé nếu bé có thức dậy giữa đêm, mà thực tế các bé đã từng thức dậy khoảng 3 lần 1 đêm.
- Tôi không tách hai bé sinh đôi qua hai phòng riêng. Hai bé đã quen tiếng khóc của nhau và giờ nó là một phần không thể thiếu. Tôi dỗ một bé cho tới khi bé thật buồn ngủ rồi sẽ đặt bé và để bé tự ngọ nguậy một chút cho đến khi yên vị. Sau đó tôi sẽ bắt đầu với bé còn lại. Điều này có nghĩa khi ngủ trưa hoặc tối, các bé sẽ bắt đầu cách nhau khoảng 15 đến 20 phút. Với các bé sinh đôi, bạn cần phải linh động và đừng mong đợi nhiều quá. Sự kiên nhẫn là rất quan trọng. Tôi chỉ làm tất cả với 1 bé ở 1 thời điểm. Đó thực sự là tất cả những gì tôi có thể làm được.
Theo Baby Center
Lily Nguyễn lược dịch