Giáo dục hòa nhập cho trẻ tự kỷ quan trọng như thế nào?

Giáo dục hòa nhập cho trẻ tự kỷ có lẽ là việc mà mọi bậc cha mẹ có con trong hoàn cảnh này đều muốn thực hiện được. Vì tự kỷ là một hội chứng rối loạn về phát triển chứ không phải là bệnh. Chúng ta không chữa khỏi hoàn toàn được tự kỷ nhưng có thể dạy con tại nhà, rèn luyện để giúp trẻ hòa nhập tốt hơn. Điều này có ý nghĩa vô cùng lớn khi trẻ trưởng thành. Vậy những việc cha mẹ có thể làm tại nhà để giúp trẻ là gì, chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé. 

banner ads
Giáo dục hòa nhập cho trẻ tự kỷ
Giáo dục hòa nhập cho trẻ tự kỷ là việc các bậc cha mẹ có con trong hoàn cảnh này đều muốn thực hiện tốt. Nguồn ảnh: Spectrum: Autism Research News 

1. Tầm quan trọng của việc giáo dục hòa nhập cho trẻ tự kỷ

Giáo dục hòa nhập cho trẻ tự kỷ có vai trò vô cùng quan trọng đối với cuộc sống của con khi trưởng thành.

Vì đối với những trẻ mắc hội chứng tự kỷ (Autism Spectrum Disorder – ASD) thì tương tác xã hội chính là rào cản lớn đối với sự thành công của con, tùy thuộc vào mức độ tự kỷ trẻ mắc phải.

Tuy nhiên, các phương pháp tiếp cận xã hội độc đáo để trị liệu cho trẻ tự kỷ có thể giúp con tăng cường kỹ năng theo tốc độ của riêng mình.

Với sự đánh giá và hỗ trợ phù hợp, các vấn đề về giao tiếp đối với trẻ tự kỷ không phải là không thể vượt qua. Bằng cách áp dụng các phương pháp thích hợp, cha mẹ và các nhà trị liệu có thể thúc đẩy sự hòa nhập xã hội ở trẻ tự kỷ. Chúng ta có thể mang lại cho trẻ các công cụ để thành công trong môi trường học tập, trong môi trường làm việc và cuộc sống sau này của trẻ nói chung. 

Trẻ vui chơi
Bằng cách áp dụng các phương pháp thích hợp, cha mẹ và các nhà trị liệu có thể thúc đẩy sự hòa nhập xã hội ở trẻ tự kỷ. Ảnh Pixabay 

2. Các phương pháp giúp cha mẹ giáo dục hòa nhập cho trẻ tự kỷ ngay từ nhà

Các chương trình trị liệu chuyên biệt cho trẻ tự kỷ sẽ khuyến khích sự hòa nhập xã hội bằng các phương pháp dựa vào cộng đồng. Nhưng bên cạnh đó, cũng có những cách khác để các bậc cha mẹ có thể giáo dục hòa nhập cho trẻ tự kỷ ngay tại nhà. Từ đó, con được giúp đỡ để nâng cao các kỹ năng của chúng ngoài việc trị liệu.

Những cách cha mẹ có thể áp dụng gồm:

2.1. Giáo dục hòa nhập cho trẻ tự kỷ bằng cách mua cho trẻ thú nuôi

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng việc có một con thú nuôi sẽ giúp trẻ tự kỷ phát triển các kỹ năng xã hội dễ dàng hơn. Đó là lý do cha mẹ được khuyên “trang bị” vật nuôi để giúp quá trình giáo dục hòa nhập cho trẻ tự kỷ được hiệu quả hơn.

Đặc biệt, khi có một người bạn thú nuôi bên cạnh, trẻ tự kỷ sẽ phát triển khả năng giới thiệu bản thân, trả lời câu hỏi và hỏi thông tin từ người khác tốt hơn. Vật nuôi có khả năng cung cấp cơ hội cho trẻ tự kỷ để hình thành sự liên kết các cảm xúc cũng như phản hồi lại cảm xúc của người khác.

Vật nuôi cũng là một chủ đề thú vị để trẻ trò chuyện với các bạn đồng trang lứa. 

Trẻ chơi với thú nuôi
Thú nuôi là đối tượng có thể giúp trẻ phát triển kĩ năng xã hội dễ dàng hơn. Nguồn ảnh: My Aspergers Child 

2.2. “Ném túi đậu” là một trò chơi hiệu quả trong việc giáo dục hòa nhập cho trẻ tự kỷ

Đôi khi những hoạt động đơn giản nhất lại giúp trẻ phát triển những kỹ năng quan trọng nhất. Điều này đặc biệt đúng với trẻ tự kỷ. Trò chơi ném túi đậu (trò dùng túi đậu/ ngô/ cát để ném xa, ném vào rổ hoặc ném vào một cái lỗ trên bàn) có tác dụng giáo dục hòa nhập cho trẻ tự kỷ rất hiệu quả. Điều này là do chúng cung cấp sự củng cố rõ ràng về giao tiếp sắc thái: trẻ thắc mắc về túi đậu – thường thông qua các tín hiệu không lời – và được thưởng bằng cách được tự do ném túi đậu theo cách mình muốn.

Đây là cách giúp trẻ hiểu được việc giao tiếp đúng cách sẽ giúp giải đáp, cung cấp điều mình muốn, cũng như đem lại niềm vui và sự thoải mái cho bản thân và người khác.

2.3. Tham khảo các video clip là một cách hay

Mô hình video hóa bao gồm việc cho trẻ tự kỷ xem các video clip về các hành vi mà bạn đang muốn trẻ học tập và rèn luyện. Các nghiên cứu cho thấy trẻ tự kỷ được xem những video này sẽ có thời gian chuẩn bị dễ dàng hơn khi bắt chước các hành vi được mô tả và áp dụng chúng vào những hoàn cảnh mới. Trẻ cũng sẽ ghi nhớ các video rất lâu sau khi xem chúng. Điều này củng cố các kỹ năng xã hội khi trẻ học cách bắt chước các hành vi.

Vì vậy, việc cho trẻ tham khảo các video clip mẫu để học hỏi là một cách rất hay để giáo dục hòa nhập cho trẻ tự kỷ. 

Video clip
Cho trẻ tham khảo các video clip mẫu để học hỏi là một cách rất hay để giáo dục hòa nhập cho trẻ tự kỷ. Ảnh Pixabay 

2.4. Giúp trẻ tiến bộ bằng các hoạt động mô phỏng

Hoạt động mô phỏng cũng là cách rất hiệu quả để giáo dục hòa nhập cho trẻ tự kỷ. Khi cho trẻ tham gia vào các tình huống giả định, trẻ sẽ có cơ hội để thực hành tương tác với người khác theo hướng ít rủi ro nhất. Bạn có thể mô phỏng một loạt các tình huống thực tế trong đó trẻ tự kỷ thường gặp khó khăn khi thể hiện bản thân hoặc tương tác với người khác. Với sự hỗ trợ tích cực từ bạn và các bạn đồng trang lứa khác, trẻ sẽ dần học được cách dự đoán và phản ứng chính xác với nhiều loại cảm xúc. 

Mẹ dắt trẻ
Cho trẻ tham gia các hoạt động mô phỏng là cách rất hiệu quả trong giáo dục hòa nhập cho trẻ tự kỷ. Nguồn ảnh: Bright Mosaic 

2.5. Sử dụng công nghệ để giáo dục hòa nhập cho trẻ tự kỷ

Ngày nay, việc giáo dục hòa nhập cho trẻ tự kỷ thuận lợi hơn thời trước rất nhiều, vì ngoài các liệu pháp trị liệu ngày càng tiến bộ, công nghệ cũng góp phần hỗ trợ không nhỏ vào quá trình này. Các thiết bị thông minh như máy tính bảng, điện thoại di động thông minh mang lại cơ hội rèn luyện kĩ năng nói cho trẻ tự kỷ. Mặc dù nhiều trẻ bị ASD có thể có các kĩ năng nghe, nhìn và vận động khác tốt, nhưng đặc trưng của hội chứng này khiến việc sử dụng ngôn ngữ để diễn đạt mọi thứ của trẻ gặp khá nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, với nhiều phần mềm hữu ích ngày càng phổ biến trên điện thoại, máy tính bảng, máy tính xách tay, trẻ có thể bù trừ lại kĩ năng này một cách dễ dàng hơn.

Nhiều chương trình có thể chuyển đổi các đoạn văn bản thành âm thanh hoặc dùng các ký hiệu khác để giao tiếp. Trẻ tự kỷ có thể sử dụng các chương trình này để rèn luyện kĩ năng nói, kĩ năng giao tiếp và những kĩ năng khác trong một môi trường an toàn, không áp lực. 

Sử dụng công nghệ
Bạn nên sử dụng công nghệ để giáo dục hòa nhập cho trẻ tự kỷ để tăng hiệu quả. Ảnh Pixabay 

2.6. Hãy để trẻ dẫn bước

Trẻ tự kỷ cần học được cách tương tác với các bạn đồng trang lứa để có thể phát triển kĩ năng xã hội. Tuy nhiên, quá nhiều tương tác trong một môi trường không quen thuộc có thể dẫn đến tình trạng trẻ bị kích thích quá mức. Để tăng khả năng hòa nhập xã hội cho trẻ, bạn có thể tổ chức các trò chơi tập thể, trò chơi theo nhóm và cho trẻ có cơ hội làm đầu trò. Bằng việc đặt trẻ vào vị trí phải chịu trách nhiệm cho các hoạt động, trẻ có thể thử thách giới hạn của chính mình, dừng lại khi vượt qua giới hạn đó, và dần học được các tương tác hiệu quả hơn.

2.7. Nhìn nhận kết quả trẻ đạt được một cách tích cực

Đây nên là phần không thể thiếu của quá trình giáo dục hòa nhập cho trẻ tự kỷ.

Việc nhìn nhận kết quả trẻ đạt được (dù nhỏ) là một phần không thể thiếu của quá trình giáo dục hòa nhập cho trẻ tự kỷ.

Dù trẻ tương tác với chính bạn, bạn bè, vật nuôi hay bất kì ai khác, nếu trẻ thể hiện sự tiến bộ, bạn đừng quên đánh giá cao thành quả đó. Lời khen ngợi là cách đơn giản nhất bạn có thể dùng để củng cố những gì trẻ đạt được. Bạn cũng có thể muốn dùng phần thường cụ thể cho hành vi tốt được thể hiện trong những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của trẻ. Tuy nhiên, những phần thưởng đó nên được kết nối rõ ràng, cụ thể với hành vi để trẻ hiểu được. 

Trẻ cười
Nhìn nhận kết quả trẻ đạt được một cách tích cực là phần không thể thiếu của quá trình giáo dục hòa nhập cho trẻ tự kỷ. Nguồn ảnh: BioSpectrum India 

Giáo dục hòa nhập cho trẻ tự kỷ là quá trình lâu dài với rất nhiều khó khăn mà bạn cần sự kiên nhẫn để cùng trẻ vượt qua. Tuy nhiên, thành quả mà bạn và trẻ có thể đạt được sẽ vô cùng đáng giá. Điều quan trọng nhất là trẻ sẽ học được cách để hòa nhập với cộng đồng và cải thiện chất lượng cuộc sống của mình khi trưởng thành, mà ít phải phụ thuộc vào sự chăm sóc của những người xung quanh.

Theo Integrityinc

Lily Nguyễn lược dịch

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI